×

Bạn Là Một Người Thấu Cảm? Những Công Việc Này Sẽ Khiến Bạn Tỏa Sáng!

Ngày đăng: 10/04/2023 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 30/09/2023

cong-viec-phu-hop-voi-nguoi-thau-cam

Tìm một công việc phù hợp là mong muốn của bất cứ ai. Điều này lại càng quan trọng hơn đối với một Empath – người thấu hiểu cảm xúc, nhạy cảm và dễ đồng cảm với người khác hơn người bình thường. Nếu lựa chọn công việc đúng đắn, empath có thể phát huy sự nhạy cảm và đồng cảm của mình phát triển sự nghiệp. Ngược lại, những đặc điểm tính cách này sẽ cản trở họ trên bước đường thành công. 

Nếu bạn là một người thấu cảm, công việc như thế nào sẽ phù hợp nhất với bạn? Empath nên lựa chọn nghề nghiệp ra sao? Hãy đọc tiếp để khám phá những công việc phù hợp với người thấu cảm

Thế nào là một người thấu cảm? 

Người thấu cảm là người nhạy cảm với các cảm xúc, suy nghĩ và cảm nhận của người khác hơn bất cứ ai. Nếu một số người gặp khó khăn trong việc nhận thức và tìm hiểu cảm xúc của người xung quanh thì empath có thể lập tức nhìn thấu những thứ đó. 

Một số người thấu cảm thường thấy mình bị quá tải với cảm xúc của người khác khi họ “hấp thụ” quá nhiều song không biết hoặc không thể giải tỏa. Số khác tìm cách tách biệt cảm xúc của họ với những cảm xúc mà họ cảm nhận được, biến nó trở thành lợi thế để giao tiếp, làm việc với người khác thay vì để nó trở thành yếu điểm. 

Đây là một kỹ năng empath cần có để bảo vệ mình khỏi những cảm xúc ảnh hưởng tiêu cực đến họ, cũng là cách để họ không bị cảm xúc chi phối trong công việc.

Empath nên cân nhắc điều gì khi lựa chọn công việc?

Đặc điểm tính cách của empath là dễ đồng cảm, thấu hiểu và tích cực giúp đỡ người khác ảnh hưởng rất lớn đến công việc mà họ muốn làm. Những công việc giúp empath thoả mãn các giá trị mà họ tôn sùng cũng như cho phép sự đồng cảm của họ được thăng hoa là lựa chọn phù hợp nhất đối với họ. 

cong-viec-cho-nguoi-thau-cam
Chọn công việc phù hợp với người thấu cảm

Trên thực tế, không có công việc nào hoàn hảo và phù hợp với tất cả các empath. Tuy mang cùng các đặc điểm tính cách phổ biến của người thấu cảm, mỗi cá nhân lại có một công việc và môi trường làm việc phù hợp riêng. 

Nhưng để giảm thiểu tối đa sự “không phù hợp” sau này, các empath nên xem xét một số điều sau đây khi tìm hiểu, đánh giá và lựa chọn một công việc hay môi trường làm việc để xem liệu nó có phù hợp với mình hay không: 

  • Công việc đó có cơ hội cho bạn mang đến điều gì đó có ý nghĩa cho người khác?
  • Vấn đề cảm xúc trong công việc đó như thế nào? Bạn có phải đối mặt với những tình huống mà cảm xúc thực sự nặng nề hay không? 
  • Môi trường làm việc đó có coi trọng sự kết nối không? 
  • Các giá trị (cụ thể như sứ mệnh, giá trị và tầm nhìn) của tổ chức đó có phù hợp với giá trị mà bạn theo đuổi hay không? 

Khi đã biết được loại công việc nào phù hợp với mình, empath sẽ dễ dàng chọn lựa hơn trong danh sách các công việc phù hợp với người thấu cảm. Sau đây là một số cái tên cụ thể. 

8 Công việc phù hợp với người thấu cảm

1. Nhân viên công tác xã hội (Social Worker)

Người làm các công việc liên quan đến cộng đồng cụ thể là nhân viên công tác xã hội hay người làm trong các tổ chức xã hội có nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp dịch vụ và hỗ trợ các cá nhân, gia đình và cộng đồng vượt qua khó khăn về thể chất lẫn tinh thần. Giúp đỡ người gặp hoạn nạn trong các đợt thiên tai, đại dịch là công việc thường thấy của nhân viên công tác xã hội. 

social-worker-empaths
Empath rất phù hợp làm các công việc phục vụ cộng đồng, xã hội

Tuỳ thuộc vào số dân cư và nhu cầu của họ mà nhân viên xã hội sẽ cung cấp sự trợ giúp về mặt điều trị sức khoẻ, lương thực, nhu yếu phẩm, hoặc trợ cấp tiền mặt. 

Công việc đòi hỏi empath phải đối mặt với những người có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí đang phải chịu đựng nỗi đau tinh thần trầm trọng. Điều này đối với người bình thường có lẽ là quá sức, nhưng đối với empath lại là công việc khiến họ thoả mãn. 

Đọc thêm: Học Ngành Xã Hội Học Làm Gì? Cơ Hội Việc Làm Như Thế Nào?

2. Tư vấn nghề nghiệp (Career Coach)

Công việc của một tư vấn viên hay huấn luyện viên sự nghiệp là giúp khách hàng của họ xác định, tạo dựng hoặc đạt được một công việc mơ ước. Gần giống như một mentor, họ giúp khách hàng của mình đạt được mục tiêu nghề nghiệp với nhiều cách khác nhau, bao gồm xác định ngành nghề phù hợp, hướng dẫn viết profile/CV, phỏng vấn, thiết lập mục tiêu và hỗ trợ khách hàng trong quá trình làm việc. 

Trong một số trường hợp, career coach giúp khách hàng cải thiện năng suất làm việc, chuẩn bị cho thăng chức và xây dựng bộ kỹ năng cần thiết không chỉ cho công việc như kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, v.v. 

Những người tìm đến huấn luyện viên nghề nghiệp thường mất định hướng, không biết làm gì tiếp theo và đang đấu tranh với những suy nghĩ rối rắm bên trong họ. Một người career coach tốt là người hiểu được khách hàng và biết họ muốn gì. Đó là lợi thế khiến empath phù hợp với nghề này hơn ai hết vì họ sẵn sàng đặt mình vào vị trí của khách hàng để tìm ra điều gì là tốt nhất cho khách và giúp họ xây dựng một sự nghiệp mà họ muốn theo đuổi. 

Đọc thêm: 7 Công Việc Sinh Ra Để Dành Cho Người Nhạy Cảm

3. Điều dưỡng (Registered Nurse)

Điều dưỡng viên hay Registered Nurse (RN)  là những y tá đã được cấp phép, chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cho bệnh nhân. RN làm việc trong nhiều môi trường khác nhau bao gồm bệnh viện, văn phòng bác sĩ, phòng khám, trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, viện dưỡng lão, trường học, bệnh viện thẩm mỹ, v.v.). 

Tuỳ thuộc vào nhu cầu chăm sóc y tế mà bệnh nhân cần, RN sẽ có trách nhiệm với nhiều hoạt động liên quan đến bệnh nhân như theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, quản lý thuốc, theo dõi quá trình sử dụng thuốc của người bệnh, hỗ trợ bác sĩ trong các thủ thuật y tế hoặc phẫu thuật, xem xét quá trình điều trị với người bệnh và người thân của họ, v.v. 

RN cần có khả năng hỗ trợ bệnh nhân, nhiều khi là cả việc đem lại sự an tâm, thoải mái về mặt tinh thần cho họ – một thế mạnh của empath. Chính vì vậy, công việc Điều dưỡng sinh ra là để dành cho những người thấu hiểu cảm xúc. 

4. Quản lý Marketing (Marketing Manager)

Quản lý Marketing giám sát các hoạt động liên quan đến quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc sự kiện của một công ty/tổ chức. Tuỳ thuộc vào sản phẩm mà họ đang quảng bá, quản lý Marketing sẽ chịu trách nhiệm về nhiều nhiệm vụ khác nhau như nghiên cứu thị trường, phát triển và quản lý các chiến dịch marketing, phân chia công việc cho thành viên nhóm, đo lường hiệu quả và tối ưu chiến dịch. 

Để mỗi chiến dịch thành công, Marketing Manager cần hiểu được insight của khách hàng và phát triển các chiến dịch tác động đến cái nhìn và hành vi của khán giả mục tiêu từ đó tạo kết nối với họ và thúc đẩy mua hàng. 

Quản lý một nhóm marketing cũng đòi hỏi khả năng nắm bắt tâm lý của các cá nhân và kỹ năng lãnh đạo hiệu quả. Do đó, khả năng thấu hiểu và đồng cảm với người khác của một empath rất có ích cho những ai phát triển con đường sự nghiệp của một Marketing Manager. 

5. Giáo viên (Teacher)

Giáo viên là một nghề cao quý vì sứ mệnh cả đời của họ là hỗ trợ học sinh đạt được ước mơ của mình. Một empath sẽ trở thành một giáo viên tốt vì họ có một trái tim yêu thương từ bản năng và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Giáo viên có thể thay đổi cuộc sống khó khăn của học sinh bằng cách động viên và hỗ trợ họ. 

Họ có thể làm điều đó thông qua việc nhận thức và nắm bắt cảm xúc của học sinh, tiếp cận để thấu hiểu từ đó cung cấp một môi trường học tập hiệu quả cho học sinh. Đây là con đường sự nghiệp lý tưởng cho những người thấu cảm. 

empath-lam-giao-vien
Người thấu cảm làm tốt công việc của một Giáo viên

6. Nhà tuyển dụng (Recruiter)

Điều những người đang tìm việc cần là sự giúp đỡ và chỉ dẫn. Là một nhà tuyển dụng, bạn có trách nhiệm đưa đúng người đến đúng công việc còn trống. Lòng trắc ẩn và quan tâm bản năng giúp empath trở nên tuyệt vời hơn bất cứ ai trong việc hỗ trợ ứng viên tìm được công việc mà họ mong muốn. 

Trở thành một Recruiter có thể là một trải nghiệm nghề nghiệp thú vị đối với người thấu cảm vì đây là công việc giúp người khác đạt được thành công. Nếu là một empath, đừng ngại thử sức với công việc này nhé. 

7. Nghiên cứu trải nghiệm người dùng (User Experience Researcher – UX Researcher)

Các nhà nghiên cứu trải nghiệm người dùng (UX Researcher) có trách nhiệm đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ được thiết kế với trải nghiệm thân thiện và hữu ích nhất đối với người dùng. Họ cần hiểu được nhu cầu và hành vi của người dùng thông qua các nghiên cứu, khảo sát để thu thập dữ liệu người dùng, từ đó phân tích và rút ra kết luận. Cuối cùng, các insight được sử dụng để đưa ra các quyết định thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. 

UX Researcher cần phải đặt mình vào vị trí của người dùng để hình dung và cảm nhận được những gì họ đang trải qua, băn khoăn và mong muốn của họ đối với sản phẩm là gì. Từ đó, họ mới có thể truyền tải những gì mình cảm nhận được qua các thiết kế trải nghiệm người dùng – đây chẳng phải là thế mạnh của empath sao? 

UX Researcher chính là một công việc phù hợp với người thấu cảm. 

Đọc thêm: Kỹ Năng Và Phẩm Chất Cần Thiết Của Một UI/UX Designer

8. Nhà văn hoặc người làm nghề viết lách nói chung (Writer)

Công việc phù hợp với người thấu cảm tiếp theo chính là Writer – người làm công việc liên quan đến viết lách ví dụ như nhà văn, tác giả, biên kịch, nhà báo, người viết nội dung, UX Writer, nhạc sĩ, v.v. 

Bất kể họ đang làm gì, ngoài kỹ năng viết, công việc của một Writer đòi hỏi khả năng đào sâu vào từng chủ đề, thấu hiểu các nhân vật và sự kiện có liên quan trong một sản phẩm. Hơn nữa, để đảm bảo rằng bài viết hay bất kỳ sản phẩm nào của Writer kết nối hay chạm được đến độc giả, người làm nghề này cần có khả năng suy nghĩ trên lập trường của khán giả để đoán được họ nghĩ gì. 

Cả hai khả năng này đều là những đặc điểm ưu tú của một empath. Không có gì lạ nếu nói Writer là nghề của empath. 

9. Diễn viên (Actor)

Empath có khả năng đặc biệt trong cảm nhận và thấu hiểu cảm xúc của người khác, dù là người thật hay nhân vật tưởng tượng – điều mà một diễn viên cần để trở nên thành công. 

Có được tài năng này, một diễn viên có thể dễ dàng phân tích và hiểu nhân vật, từ đó khai thác cảm xúc của mình và sử dụng chúng để mang lại sự chân thật và chiều sâu cho nhân vật cũng như phân cảnh. 

Empath cũng có trực giác nhạy bén giúp họ nhận ra được những tín hiệu tinh tế cũng như ngôn ngữ cơ thể giúp diễn xuất của họ thêm uyển chuyển và sinh động. 

10. Huấn luyện viên cuộc sống (Life Coach)

nghe-phu-hop-voi-empath
Empath phù hợp làm Life Coach

Life Coach hay Huấn luyện viên cuộc sống/Bậc thầy lối sống là một nghề nghiệp có thể khiến empath đạt được sự thỏa mãn trong sự nghiệp khi các giá trị của họ được đề cao và tận dụng triệt để. Họ truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức, lối sống và kỹ năng cần thiết với từng khách hàng giúp họ xác định rõ ràng mục tiêu của bản thân và hành động để đạt được mục tiêu đó. 

Life Coach là người hỗ trợ người khác có được sự thỏa mãn trong cuộc sống và trở thành phiên bản của chính mình tốt hơn mỗi ngày. 

Không có một yêu cầu khắt khe nào về làm thế nào để trở thành một Life Coach. Bạn có thể học ngành Tâm lý học hoặc tư vấn tâm lý, tư vấn nghề nghiệp. Tuy nhiên, để có thể trở thành một người có sức ảnh hưởng và hướng dẫn người khác đi đúng hướng nhất là khi họ đang gặp khó khăn, bạn phải thực sự có khả năng thấu cảm và có kiến thức vững vàng trong một lĩnh vực cụ thể. 

Tạm kết

Trên đây là danh sách những công việc phù hợp với người thấu cảm. Là một empath, bạn sẽ cần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của mình khi làm một công việc nào đó. Nhưng cũng đừng lo lắng quá, vì thế mạnh về cảm xúc có thể giúp bạn tìm được một công việc phù hợp, đó là trực giác mà một empath nên khai thác và tận dụng.

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4 / 5. Lượt đánh giá: 1

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X