×

Empath Là Gì? Bạn Có Phải Là Một Người Thấu Cảm?

Ngày đăng: 05/04/2023 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 10/04/2023

empath-la-gi

Empath là gì? Là một empath có đem lại năng lực đặc biệt nào cho bạn? Đọc xong bài viết này, bạn sẽ biết mình có phải là một empath hay không. 

Là một người dễ xúc động, bạn có thể lập tức chảy nước mắt nếu được xem hoặc lắng nghe một câu chuyện cảm động. Bạn dễ cảm thấy không thoải mái nếu ở trong một đám đông náo loạn? Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng tất cả chỉ dừng lại ở việc bạn là một người dễ khóc hay nhạy cảm ngoài ra không có một “sức mạnh”, “năng lực” nào thúc đẩy bạn tới cao trào cảm xúc như vậy? 

Nếu bạn nhạy cảm, dễ dàng nhận ra và cảm thông với cảm xúc của người khác, bạn có thể là một Empath – người thấu hiểu cảm xúc. 

Empath là gì? 

Empath là người cực kỳ nhạy cảm với cảm xúc của những người xung quanh họ. Họ có thể cảm nhận được những gì người khác đang trải qua ở một mức độ cảm xúc vô cùng sâu sắc. Người thấu cảm đặt mình vào vị trí của người khác và cảm nhận những gì người ta đang cảm thấy, bao gồm tất cả trạng thái cảm xúc tích cực và tiêu cực: hỉ, nộ, ái, ố trong bánh xe cảm xúc

nguoi-thau-hieu-cam-xuc
Empath – người thấu hiểu cảm xúc

Không đơn giản chỉ là nhận ra, empath tưởng tượng chính mình trong trạng thái cảm xúc của người khác, như chính mình là chủ nhân của những cảm xúc. Chẳng hạn khi chứng kiến một người bạn mất đi người thân, bạn có thể ngay lập tức hình dung mình trong hoàn cảnh tương tự và cảm nhận những gì người bạn đó đang trải qua. 

Mặc dù việc bày tỏ sự cảm thông với người khác là điều thường thấy trong cuộc sống hàng ngày, thực sự thấu hiểu và đặt mình vào vị trí của người khác như một empath chắc chắn không dễ dàng. 

Một nghi vấn đặt ra là liệu empath có thực sự tồn tại? 

Dưới góc độ khoa học, có nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong não bộ của chúng ta có các “nơ-ron thần kinh phản chiếu” (mirror neurons) cho phép chúng ta phản chiếu cảm xúc của những người mà ta tiếp xúc. Sự thật thú vị là có những người sở hữu nhiều nơ-ron thần kinh này hơn những người khác. Điều này cho thấy họ có khả năng thấu hiểu cảm xúc hơn, cũng phần nào chứng tỏ rằng empath có thật. 

Đặc điểm của một empath

Nếu những thông tin trên chưa đủ để đánh giá bạn có phải là một empath hay không thì sau đây là những dấu hiệu cụ thể của một người thấu cảm. Hãy thử xem bạn có bao nhiêu trong số các dấu hiệu này nhé: 

Có nhiều sự đồng cảm

Thuật ngữ “empath” xuất phát từ “empathy” – sự thấu cảm. Empathy là khả năng cảm nhận sâu sắc cảm xúc của người khác. Giả sử một người bạn của bạn bị thất nghiệp. Sự thấu cảm là thứ giúp bạn hiểu được cảm giác buồn bã, thất vọng, chán nản mà người bạn đó đang chịu đựng mặc dù bạn chưa bao giờ trải qua thất nghiệp. 

Là một empath, bạn thực sự cảm nhận được những cảm xúc như thể chúng là một phần trong trải nghiệm của bạn. Bạn xem nỗi đau và hạnh phúc của người khác như nỗi đau và hạnh phúc của chính mình. 

Có trực giác tốt

nguoi-thau-cam-co-truc-giac-manh-me
Người thấu cảm có trực giác mạnh mẽ

Empath là người có trực giác phi thường. Họ tin vào bản năng của mình và thường đưa ra quyết định dựa theo trực giác. 

Việc dễ dàng phán đoán và nhìn nhận cảm xúc giúp empath nắm bắt được những thông tin cần thiết có ích cho quá trình đưa ra quyết định của họ. 

Luôn muốn quan tâm/chăm sóc người khác

Khả năng thấu hiểu cảm xúc giúp bạn hiểu được tâm trạng, khó khăn và mong muốn của những người xung quanh. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, có lẽ bạn không phải là một empath. Những người thấu cảm thường dành sự quan tâm đặc biệt đối với người khác. 

Họ luôn muốn làm gì đó cho người khác. Empath không nỡ nhìn người khác chịu đựng đau khổ. Họ dùng hành động để xoa dịu đối phương và sẽ cảm thấy khó thất vọng nếu không thể làm gì có ích. 

Cực kỳ nhạy cảm

Sự nhạy cảm trong con người của một empath không đơn giản chỉ liên quan đến cảm xúc mà còn phản ứng với các khía cạnh khác nhau của môi trường. Có nhiều sự tương đồng giữa những người cực kỳ nhạy cảm và empath. Nếu là một empath, bạn thậm chí cảm thấy mình nhạy cảm với thế giới xung quanh hơn người khác nhiều. 

Họ có thể nhận thức được các âm thanh, mùi vị và cảm giác vật lý mà người khác không nhận thấy được. Sự nhạy cảm quá mức bình thường này khiến empath dễ bị phân tâm bởi mùi hương và tiếng ồn xung quanh họ. 

Có một điều quan trọng cần lưu ý là đừng nhầm lẫn giữa Covert Narcissists – người Ái kỷ che dấu và Empath. Ái kỷ che dấu là một phân loại trong số những người ái kỷ. Ngoài tự huyễn hoặc bản thân, họ thường nhạy cảm quá mức với những lời đánh giá, nhận xét của người khác về mình. Những người này cũng rất dễ tự ái và tổn thương. Họ còn có thể tỏ ra đồng cảm để thao túng người khác. Điều này hoàn toàn không phải là những gì mà một empath sẽ làm. 

Đọc thêm: Kỹ Năng Quản Lý Cảm Xúc Là Gì? 5 Mẹo Rèn Luyện Khả Năng Điều Chỉnh Cảm Xúc

Gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới

Empath thường gặp khó khi tạo ra ranh giới trong các mối quan hệ. Họ bị thúc giục và không ngừng cảm thấy rằng mình cần cho đi thậm chí cho đi không có điểm dừng dù cho họ có mệt mỏi đến đâu. 

Đối với họ, ranh giới có thể là rào cản và biến họ trở thành người không quan tâm đến đối phương nhưng sự thật thì không phải vậy. Là một empath, bạn đã cho đi sự quan tâm đôi khi nhiều hơn những gì người ta cần rất nhiều rồi. 

Tuy nhiên, việc đặt ra những giới hạn rất cần thiết đối với empath. Giới hạn giúp empath kiểm soát hành động và lời nói của mình đến một chuẩn mực nhất định, đủ để thể hiện sự quan tâm hay phản ứng của họ với người khác mà không làm người ta choáng ngợp. Biết đâu là điểm dừng còn cho phép empath chú tâm hơn vào cảm xúc của chính mình và biết mình cần gì. 

Đặc biệt, đối với những cảm xúc tiêu cực, empath nên biết giới hạn để không bị chúng ảnh hưởng quá nhiều. 

Có cách nhìn độc đáo về thế giới

nguoi-thau-cam-nhin-the-gioi-doc-dao
Người thấu cảm có cái nhìn độc đáo về thế giới xung quanh

Empath nhìn thế giới theo những cách độc đáo mà ít thấy ở những người bình thường khác. Sự thấu hiểu sâu sắc về cảm xúc thúc đẩy trực giác của empath. Họ có khả năng tiếp nhận những điều mà người khác dễ dàng bỏ lỡ, cũng có thể tạo ra những kết nối với thế giới xung quanh mà người khác không biết rõ hoặc không hình dung ra. 

Empath thích sự tự do và sáng tạo bởi những kết nối cảm xúc mãnh liệt bên trong họ nên nếu bị đặt trong một môi trường không khuyến khích bộc lộ cảm xúc, họ có thể cảm thấy bị cô lập, tẻ nhạt và không có động lực phát triển.  

Bạn có phải là một empath không?

Đối chiếu bản thân với những dấu hiệu trên, bạn đã chắc chắn mình là một empath chưa? Nếu chưa thì vẫn còn một cách nữa đó chính là làm trắc nghiệm. 

Xem xét đến sự đồng cảm và các dấu hiệu của một empath, sẽ có những người là empath và những người thiếu đi sự đồng cảm. Vậy làm sao để xác định bạn là một empath? Tỷ lệ đồng cảm và các dấu hiệu đạt đến mức độ nào thì mới quyết định bạn có là một empath hay không? 

Bạn có thể bắt đầu bằng việc trả lời các câu hỏi về việc bạn đồng cảm với người khác như thế nào, phản ứng về cả hành động lẫn cảm xúc của bạn về các sự kiện mang tính cảm xúc diễn ra trước mặt bạn ra sao? Nếu câu trả lời là “Có” cho hầu như toàn bộ câu hỏi sau đây thì nhiều khả năng bạn chính là một empath: 

  • Người khác có nói bạn là một người nhạy cảm không? 
  • Bạn có thấy mình stress luôn cả phần của người khác không? 
  • Người khác có cho rằng bạn là người rất dễ đồng cảm?
  • Bạn có thấy choáng ngợp trong những chốn đông người? 
  • Bạn có dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác? 

Hiện tại, vẫn chưa có một tiêu chí nào cụ thể quyết định bạn có phải là một empath hay không. Do đó, các câu hỏi này còn khá chủ quan và mang tính chất tham khảo. 

Nếu bạn muốn cho câu trả lời cuối cùng thêm phần chắc chắn, hãy làm thử các bài test cho chính các chuyên gia về sự đồng cảm thiết kế của Dr. Judith Orloff và Họ cũng đặt ra các câu hỏi tương tự như trên nhưng sẽ thú vị, cụ thể và sâu hơn, ví dụ như có câu hỏi liên quan đến việc xem phim và tin tức buồn.

Làm thử tại đây: 

Lợi ích và hạn chế khi là một người thấu cảm 

Ưu điểm của một empath là sự thấu hiểu cảm xúc sâu sắc nhưng mặt trái là họ nhạy cảm quá mức. Trong phần này, cùng bóc tách lợi ích và thử thách khi là một empath. 

Empath có những lợi ích gì?

Lợi ích rõ ràng khi thấu hiểu cảm xúc của người khác là biết họ đang cảm thấy thế nào và hỗ trợ, giúp đỡ một cách phù hợp. Cho dù người đó không thể hiện ra nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấu và mang đến những gì họ cần. Điều này cực kỳ giúp ích trong các mối quan hệ vì nó tạo dựng sự tin tưởng giữa bạn và mọi người. Bạn trở thành người mà người khác có thể dựa vào mỗi khi gặp khó khăn. 

Sự nhạy cảm và trực giác còn giúp empath nhận biết những chuyện xấu hay lời nói dối. Họ không dễ để mình bị lợi dụng và thao túng bởi người khác. 

Empath có lợi thế khi làm việc trong một nhóm hoặc cộng đồng vì họ có khả năng đồng cảm với những màu sắc cá tính khác nhau. 

Empath đối mặt với thử thách gì?

Hầu hết các tài liệu đều nói về empath rằng họ dễ bị choáng ngợp trong không gian đông người hoặc các sự kiện có nhiều cảm xúc như đám cưới, tiệc chia tay, v.v., bởi vì như một miếng bọt biển, họ dễ dàng hấp thụ cảm xúc của những người xung quanh. 

Mà cảm xúc thì bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực nên không khó để hiểu rằng sau những tình huống như vậy, empath dễ bị kiệt sức như nào. Họ có có thể thư giãn khi cứ luôn đặt cảm xúc của người khác lên mình như vậy. Nếu không kiểm soát được (thường là do quá nhiều cảm xúc) empath sẽ dễ bị cảm xúc của người khác chi phối và ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần của họ. 

Một hạn chế nữa là empath có thể khiến người khác cảm thấy họ bị dò xét. Có nhiều người không muốn bị nhìn thấu và bộc lộ cảm xúc với người khác. Nhưng empath – xuất phát với ý tốt là thấu hiểu, cảm thông và giúp đỡ – đôi khi lại vô tình làm người khác khó chịu vì sự “đồng cảm quá mức” của mình. 

Chính vì vậy, như đã đề cập ở trên, đặt ra giới hạn là vô cùng quan trọng đối với empath. 

Đọc thêm: Khám Phá Ngay Top 10 Công Việc Phù Hợp Với Người Thấu Cảm

Empath có thể bảo vệ bản thân bằng cách nào? 

nguoi-thau-cam
Người thấu cảm cần biết bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực của người khác

Empath như miếng bọt biển hấp thụ mọi loại cảm xúc. Trong cuốn sách “The Empath’s Survival Guide: Life Strategies for Sensitive People” của mình, Tiến sĩ Judith Orloff nói rằng khác với người bình thường, empath thiếu những bộ lọc giúp họ tránh khỏi các cảm xúc mang tính kích thích, họ tiếp nhận mọi năng lượng xung quanh mình dù chúng tốt hay xấu. 

Điều này vô tình khiến empath dễ dàng rơi vào rắc rối. 

Empath cần đề phòng và bảo vệ chính mình khỏi những cảm xúc thái quá. Khi bị bao vây bởi một loạt cảm xúc tiêu cực, empath cần biết lúc nào nên tách khỏi chúng và chữa lành tâm hồn. Empath cũng cần tập trung nhiều hơn vào cảm xúc của chính mình chứ không phải của người khác. 

Kết

Nếu là một empath, bạn cần nhớ rằng nhu cầu và cảm xúc của bản thân cũng quan trọng như của người khác. Hãy tận dụng thế mạnh của một người thấu hiểu cảm xúc để làm những việc có ích và giúp đỡ người khác cũng như chính mình. 

Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ empath là gì và xác định được liệu bạn có phải là một empath hay không. 

Tham khảo: What Is an Empath and How Do You Know If You Are One?

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4 / 5. Lượt đánh giá: 2

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Có thể bạn cũng thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X