×

Người Nhạy Cảm Là Gì? Làm Sao Để Bớt Nhạy Cảm?

Ngày đăng: 21/02/2023 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 05/05/2023

Người nhạy cảm là gì? Làm sao để bớt nhạy cảm?

Nếu bạn nhận thấy bản thân là một người quá mạnh về cảm xúc và muốn tìm một định nghĩa rõ hơn cho mình, hoặc bạn đang tìm cách để thấu hiểu những người nhạy cảm, có lẽ bạn sẽ muốn đọc bài viết sau của Glints.

Người nhạy cảm là gì?

Một người nhạy cảm là người có xu hướng cảm nhận mạnh mẽ với mọi thứ, từ cảm xúc, cử chỉ của người khác, của chính bản thân họ, đến những điều đang xảy ra xung quanh mình. Họ dễ bị kích động, có xu hướng phản ứng nhanh và sâu sắc với những chuyện có thể hết sức bình thường.

Có người nói nhạy cảm có nghĩa là hay khóc. Với một số người khác thì “nhạy cảm” mang sắc nghĩa tiêu cực vì những người này được coi là hay quan trọng hoá vấn đề và “chuyện bé xé ra to”.

người nhạy cảm là gì
Người nhạy cảm hay có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ với mọi thứ nhiều hơn người khác.

Lý do dẫn đến tình trạng nhạy cảm quá mức

Những nguyên nhân dẫn tới sự nhạy cảm quá mức có thể đến từ:

  • Gen di truyền
  • Sự mệt mỏi kéo dài
  • Sự tự ti
  • Tư duy tiêu cực
  • Tính cầu toàn
  • Chấn thương tâm lý từ quá khứ
  • Quen được nuông chiều

Nhìn chung, khi bạn tự ti, có sức khoẻ tinh thần yếu, có những “bóng ma tâm lý” hay có yêu cầu quá cao về cuộc sống xung quanh; bạn đều dễ thuộc diện có tính cách quá nhạy cảm.

Một số người có thể được bao bọc, chiều chuộng lúc nhỏ nên khi lớn lên, họ ít va chạm và không có khả năng đánh giá sự việc từ các góc nhìn đa chiều. Từ đó dẫn tới phản ứng thái quá với những sự việc thực chất không có gì nghiêm trọng.

Lý do dẫn đến tính cách nhạy cảm có thể do trải nghiệm hình thành tích cách và một số tác động khác trong cuộc sống.

Tính cách bạn thật sự nhạy cảm quá mức hay bạn chỉ đang bị lo âu, áp lực quá nhiều? Làm bài test sau để thử nhé!

Ưu thế của một người nhạy cảm

Nhạy cảm có thể mang đến một vài điểm mạnh trong cuộc sống, công việc và học tập.

Mắt quan sát tốt và giàu lòng cảm thông 

Người nhạy cảm có khả năng quan sát khá tinh tường, nên họ sẽ nhận ra những chi tiết và thay đổi nhỏ nhất từ người khác. 

Và người nhạy cảm có tốt không? Câu trả lời là có, vì họ dễ dàng thấu hiểu và thông cảm với người khác như thể họ cũng đang trải qua những xúc cảm đó. 

Đó là lý do họ có thể là những người rất sâu sắc và được nhiều bạn bè, đồng nghiệp và người thân yêu quý.

Kỹ năng xã hội, làm việc nhóm tốt

Cũng với đặc điểm trên, họ thường biết cách xoay chuyển tình hình với những người có tính cách khác nhau.

Càng tinh tế và linh hoạt thì họ càng có khả năng làm những nhà quản lý, người đàm phán và người lãnh đạo xuất sắc.

người nhạy cảm có tốt không
Một điểm mạnh của người có sự nhạy cảm bao gồm khả năng xã hội.

Đọc thêm: Tầm Quan Trọng Của Kỹ Năng Xã Hội – 8 Kỹ Năng Cần Trang Bị

Giác quan nhạy bén 

Đặc điểm khác mà chúng ta có thể nhận thấy ở người nhạy cảm là gì? Họ còn nhạy cảm với âm thanh và những hoạt động xảy ra quanh mình. Nên thông thường, họ hay tránh đến những nơi đông người hoặc những môi trường có các yếu tố kích động cảm xúc lớn.

Ngoài ra, họ có thể cảm nhận được liệu một môi trường nhất định có năng lượng tích cực hay tiêu cực. Trong một số bối cảnh, đặc điểm này giúp họ tự vệ khi cảm thấy có nguy hiểm rình rập.

Điểm trừ khi quá nhạy cảm

Để biết cách làm sao để bớt nhạy cảm, bạn cũng nên hiểu được mặt trái mà nét tính cách này mang lại.

Dễ ảnh hưởng bởi tâm trạng của người khác

Một khi có cảm nhận mạnh mẽ về những thứ xung quanh, bạn sẽ có xu hướng săm soi quá mức những thứ đã xảy ra. Bạn có thể chia sẻ niềm vui với người khác và đồng thời dễ cảm thấy nặng nề trong không khí căng thẳng và ảm đạm.

Đó là lý do sơ đồ cảm xúc của bạn cứ đi lên đi xuống liên tục như một chuyến tàu mạo hiểm trong công viên giải trí.

người nhạy cảm quá mức
Điểm yếu của người nhạy cảm là cảm xúc dễ thay đổi vì tác động của người khác.

Hay lo lắng, nghĩ nhiều

Bên cạnh điểm tốt là biết cảm thông thì sự nhạy cảm cũng đem đến một mặt trái này cho người nhạy cảm.

Có những khi, chỉ cần một sự thay đổi nhẹ nhất trong biểu cảm của một người cũng có thể làm bạn tự vấn rằng mình đang sai sót ở đâu. Từ đó, bạn dần overthinking về mọi thứ, thậm chí có xu hướng đổ ngược lỗi cho người khác, vì bạn cho rằng mình không làm gì sai mà người đó lại có thái độ không tốt với bạn.

Nói nhẹ thì đây là xu hướng quan trọng hóa vấn đề. Nhưng nếu nó xảy ra quá thường xuyên, thì bạn đang vô tình quen với việc đóng vai nạn nhân mất rồi.

Đọc thêm: Overthinking Là Gì? Làm Thế Nào Để Suy Nghĩ Tích Cực Hơn?

Thường khó chấp nhận lời chỉ trích

Với những người nhạy cảm, những lời phê phán chỉ trích, đôi lúc chỉ là lời góp ý, cũng dễ chạm vào sự tự ái và tổn thương của họ.

So với người khác, họ có thể giữ mãi những câu nói này trong lòng và không chịu bỏ qua dù sự kiện đã xảy ra trước đó nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều năm.

Dễ bị mệt mỏi, quá tải 

Vì phải đối mặt với những dòng cảm xúc của bản thân mình và cả của người khác, họ dễ rơi vào tình trạng quá tải, lo lắng kéo dài. 

Chẳng hạn trong môi trường công việc và học tập, họ dễ trở nên căng thẳng khi có áp lực hoặc không khí hỗn loạn, thiếu trật tự, không theo quy trình họ muốn.

Người nhạy cảm thường không chấp nhận được nhận lời chê bai, chỉ trích.

Cảm thấy lạc lõng 

Khi là người nhạy cảm quá mức, bạn không có cảm giác thuộc về một môi trường hay hội nhóm nào.

Suy nghĩ lạc loài có thể là tác động làm bạn tự động thoát ly khỏi một hội bạn hoặc đồng nghiệp dù đang rất thân thiết. Cách thức trốn tránh tổn thương này sẽ làm bạn đánh mất cơ hội phát triển các mối quan hệ xung quanh mình, cũng như cơ hội thăng tiến trong môi trường làm việc.

Nếu để những tình trạng này kéo dài mà không có cách xử lý, bạn có thể bị trầm cảm và rối loạn lo âu trong tương lai gần. 

Cách chữa lành cảm xúc cho người quá nhạy cảm

Vậy làm sao để bớt nhạy cảm hơn? Nếu bạn quá mệt mỏi với tình trạng này, đây là một số cách bạn có thể tham khảo và thực hiện từng bước một:

1. Đừng đặt mình làm trung tâm của những mũi dùi

Ý nghĩ rằng những điều mọi người nói đều nhắm vào mình là lý do khiến tâm lý của những người đã nhạy cảm lại càng trở nên nặng nề, thậm chí trở nên vô cùng khó lý giải.

Nguyên nhân của thiên kiến nhận thức (cognitive bias) này xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, sự thiếu tự tin sâu bên trong và tâm lý quá để tâm tới ý kiến của người khác.

Vì vậy để bớt tự ái vì những chuyện không đâu, bạn nên cân nhắc xem liệu bạn có đang tự suy diễn từ những gì người khác nói. Có thể họ đơn giản chỉ đang chia sẻ ý kiến, chứ không hề chĩa mũi dùi về phía bạn để móc mỉa, xỉa xói bạn.

Rèn luyện tư duy tích cực sẽ giúp bạn yêu bản thân mình hơn và giảm khả năng bạn vô tình bẻ cong mục đích lời nói của những người xung quanh, vô tình gây ra những xích mích không đáng có.

Hãy sống cuộc đời của mình thay vì quá để tâm đến ý kiến của người đời.

2. Học cách tiếp nhận ý kiến

Tâm lý khó chấp nhận những lời phê bình hoặc ý kiến đóng góp là lý do bạn không thể trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân. Vậy làm sao để bớt nhạy cảm trong trường hợp này?

Trước tiên, bạn cần biết phân biệt giữa sự chỉ tríchsự góp ý có thiện chí. Khi bạn nhận được nhận xét đi ngược lại những gì mình tin tưởng, thì hãy ưu tiên cân nhắc liệu làm theo ý kiến của người kia có giúp bạn tiến bộ hơn không.

Với những người thật sự có ác ý với bạn và họ đưa ra ý kiến chỉ để hạ bệ bạn, bạn càng không nên giữ lấy mối thù hằn trong lòng.

Bỏ qua được những nguồn năng lượng tiêu cực này thì bạn mới trưởng thành hơn, dành được nhiều thời gian quý giá hơn cho những người, những thứ mà mình yêu quý.

Đọc thêm: Thế Nào Mới Là Góp Ý Mang Tính Xây Dựng Đúng Cách?

3. Học cách tự lập

Một đặc điểm chung của những người quá nhạy cảm là phụ thuộc cảm xúc vào người khác. Điều này dẫn đến sự nghi ngờ giá trị của bản thân mỗi khi người kia không có đủ thời gian ở bên cạnh họ, giúp họ vượt qua những khó khăn trong tâm lý.

Sự thật là càng lớn lên, trên vai mỗi cá nhân lại có thêm nhiều trách nhiệm để gánh vác.

Nếu đã nghe câu “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, thì bạn sẽ hiểu rằng không chỉ bạn mà những người xung quanh cũng có những câu chuyện riêng và khó khăn riêng mà họ cần đối mặt.

Có một người thân thiết ở bên cạnh mình mỗi lúc tâm lý không ổn định là một sự may mắn. Dù vậy bạn hãy nhớ rằng tới cuối cùng, người duy nhất hiểu được bạn muốn gì và cần gì chỉ có thể là bản thân bạn mà thôi.

Học cách đối mặt với mọi khó khăn và đừng quá dựa dẫm vào người khác.

4. Cho mình một khoảng lặng

Khoảng lặng ở đây chính là thời gian nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy bị kích thích quá lớn bởi những yếu tố như công việc, học tập, các mối quan hệ, v.v.

Để cân bằng cảm xúc của bản thân, bạn có thể tham khảo một số hoạt động như:

  • Tránh nơi ồn ào, đông đúc
  • Làm những việc mình thích (xem một bộ phim, vẽ tranh, nghe nhạc, trồng cây, dọn dẹp, v.v.)
  • Đến những nơi xoa dịu tâm hồn
  • Thiền định
  • Tạm nghỉ những công việc đang làm bạn quá tải, v.v.

5. Nâng cao chất lượng sống

Cũng tương tự như hạnh phúc đến từ sự hài lòng với những gì mình có, bạn hoàn toàn có thể làm môi trường quanh mình trở nên lành mạnh hơn. 

Một trong những cách để không trở nên quá nhạy cảm chính là loại bỏ những gì làm bạn thấy khó chịu. Ví dụ đơn giản: bạn sẽ có tinh thần thoải mái và thả lòng hơn khi căn nhà quen thuộc của bạn sạch sẽ, ngăn nắp.

Đừng quên làm chất lượng cuộc sống của mình tốt hơn bằng cách thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, mua nến thơm, đèn ngủ, sắp xếp những thứ bạn hay sử dụng một cách logic, v.v.

Chỉ khi đời sống cá nhân của bạn được vui vẻ thì bạn mới có thể cân bằng nó với công việc, không trở nên quá nhạy cảm rồi “xù lông” trước những tình huống hoàn toàn có thể được xử lý nhẹ nhàng hơn.

Lời kết

Sự nhạy cảm không phải là tính cách xấu. Sở hữu đặc điểm này đồng nghĩa với việc bạn tinh tế, suy nghĩ sâu sắc và biết cảm thông. Song, chúng ta cũng không nên để sự nhạy cảm này đi quá giới hạn và biến chất thành tâm lý hay suy diễn từ lúc nào không hay.

Hy vọng với bài viết về “Làm sao để bớt nhạy cảm” của Glints, bạn sẽ biết cách vượt qua những cơn bão cảm xúc của bản thân và trở thành một người tự tin hơn, trưởng thành hơn trong mọi mặt.

Tham khảo:

  1. How to Be Less Sensitive
  2. What Is a Highly Sensitive Person (HSP)?

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.5 / 5. Lượt đánh giá: 22

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Có thể bạn cũng thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X