×

Chuyên Viên Tuyển Dụng Là Gì? Học Gì Để Trở Thành Chuyên Viên Tuyển Dụng?

Ngày đăng: 15/04/2022 | No Comments

Ngày cập nhật: 10/02/2023

chuyên viên tuyển dụng là gì

Có thể nói rằng, sự thành bài của một công ty phụ thuộc lớn vào yếu tố nhân sự. Mỗi ngày, họ đảm nhận các gói công việc lớn nhỏ khác nhau để đảm bảo mọi thứ được vận hành trơn tru. Hơn thế, họ còn góp vai trò rất lớn trong việc xây dựng văn hóa công ty từ những giá trị cốt lõi.

Tầm quan trọng của yếu tố nhân sự đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành chuyên viên tuyển dụng nhân sự. Hiểu một cách đơn giản, họ chính là cầu nối thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.

Gánh trên vai trọng trách lớn đến như thế, vậy vai trò cụ thể của chuyên viên tuyển dụng là gì? Họ cần phải học gì và sở hữu những kỹ năng nào để trở thành một chuyên viên chuyển dụng thật chuyên nghiệp? Cùng Glints truy tìm lời giải đáp về ngành nghề mới nổi này nhé!

Mục Lục

Chuyên viên tuyển dụng là gì? 

Để mang đến nguồn nhân sự chất lượng cho công ty, chuyên viên tuyển dụng chính là người đảm nhiệm mọi khâu trước, trong và một phần sau quá trình tuyển dụng. Từ quá trình tìm kiếm ứng viên, đến tuyển chọn được người phù hợp và sau đó đưa ra các thỏa thuận với họ sau quá trình phỏng vấn. 

Đọc thêm: Talent Acquisition Và Tiềm Năng Sự Nghiệp Bạn Chẳng Ngờ Tới

Công việc của một chuyên viên tuyển dụng bao gồm những gì? 

Như đã đề cập bên trên, chuyên viên tuyển dụng là người giúp công ty, tổ chức tìm được ứng viên phù hợp nhất cho một vị trí công việc cụ thể. 

Trách nhiệm công việc của chuyên viên tuyển dụng có thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào tính chất ngành nghề và công ty nơi họ làm việc. Tuy nhiên, dưới đây là một vài những công việc thường thấy của một chuyên viên tuyển dụng:

1. Nghiên cứu và tìm kiếm ứng viên

Đầu tiên, các chuyên viên tuyển dụng sẽ liên tục theo dõi các vị trí đang trống của một tổ chức. Một khi xác định được nhóm ứng viên tiềm năng sẽ là ai, các chuyên viên sẽ bắt đầu nghiên cứu về hành vi, cách thức mà họ sẽ tiếp cận với thông tin tuyển dụng. Từ đó, chuyên viên tuyển dụng sẽ biết đâu là phương cách phù hợp nhất để thông tin đến đúng nơi cần đến.

sàng lọc ứng viên
Nghiên cứu và tìm kiếm ứng viên

Không chỉ qua các nền tảng có sẵn như LinkedIn hay Facebook tuyển dụng, chuyên viên tuyển dụng cần có sự nhạy bén để quan tâm đến những ứng viên quan trọng trong ngành và luôn biết về những tài năng hàng đầu trong thị trường.

2. Sàng lọc hồ sơ ứng viên (đánh giá CV, sắp xếp lịch phỏng vấn,.v.v..)

Sau khi nhận được lượng ứng viên nộp đơn vào vị trí đang trống, các chuyên viên tuyển dụng sẽ là người sàng lọc hồ sơ CV. Bước này đòi hỏi họ phải có những tiêu chí đồng nhất và rõ ràng, từ đó dễ dàng đánh giá xem liệu CV này đã phù hợp để tiến vào vòng trong hay không.

Tiếp đến, chuyên viên tuyển dụng sẽ sắp xếp và gửi lịch phỏng vấn cụ thể đến từng ứng viên vượt qua vòng CV. Ở khâu này, các chuyên viên phải thật cẩn thận và tỉ mỉ để tránh xếp trùng lịch hay gửi nhầm tin đậu/ rớt.

3. Quản lý quy trình sàng lọc phỏng vấn

Chuyên viên tuyển dụng thường là mối liên hệ đầu tiên giữa tổ chức và ứng viên tiềm năng. Họ có kiến thức vững chắc và nắm rõ các yêu cầu tuyển dụng cho từng vị trí; đồng thời là đại diện phát ngôn hiệu quả cho những gì công ty mong muốn. 

Vì lẽ đó mà ở trước vòng phỏng vấn sâu, các chuyên viên sẽ thực hiện một cuộc phỏng vấn sàng lọc nhanh và hỏi những câu cơ bản để phần nào đánh giá sự phù hợp của ứng viên. Sau đó, họ sẽ đưa ra những đề xuất khái quát cho nhà quản lý tuyển dụng để phỏng vấn thêm.

4. Sắp xếp và kiểm soát danh sách công việc 

Trong bất kỳ thông tin tuyển dụng nào, danh sách các công việc cần làm (hay còn gọi là bảng mô tả công việc) là điều bắt buộc phải có. Để khuyến khích ứng viên nộp đơn nhiều hơn nữa, các chuyên viên tuyển dụng sẽ tận dụng sự hiểu biết của mình đối với vị trí cũng như kỹ năng giao tiếp để  viết các danh sách đầu việc trong bảng mô tả công việc. 

5. Hướng dẫn và theo dõi ứng viên trong suốt quá trình tuyển dụng

Trong suốt quá trình tuyển dụng, vai trò của chuyên viên tuyển dụng được thể hiện rất rõ. Họ sẽ là người điều phối, hướng dẫn ứng viên mỗi khi họ phát sinh yêu cầu hay gặp rắc rối với bất kì khâu nào. Đơn cử như khi ứng viên đã đến địa điểm phỏng vấn nhưng chưa thể tìm ra vị trí chính xác, họ sẽ gọi để nhờ sự trợ giúp từ các chuyên viên tuyển dụng. 

theo dõi ứng viên
Hướng dẫn và theo dõi ứng viên

Không chỉ thế, chuyên viên tuyển dụng cũng sẽ tham gia vào quá trình phỏng vấn để đặt ra những câu hỏi chung cho ứng viên. Trước khi đào sâu vào kỹ năng chuyên môn, thao tác này cho phép các chuyên viên biết rằng liệu ứng viên này có thật sự phù hợp với những tiêu chí chung và văn hóa của công ty hay không. 

6. Thực hiện và quản lý các hoạt động tuyển dụng liên quan 

Các chuyên viên tuyển dụng cần phải vượt ra khỏi khuôn khổ của màn hình máy tính để tìm đến các hội chợ việc làm (job fair), tham gia hoặc tổ chức các sự kiện tuyển dụng trong khuôn viên trường đại học, tham gia những buổi họp hội nghị với các chuyên gia hàng đầu trong nghề, vân vân và vân vân. Những sự kiện này cũng mang đến hiệu quả rất cao không kém việc đăng tuyển thông tin trên các kênh tuyển dụng.

7. Báo cáo tình hình tuyển dụng cho cấp trên 

Sau khi tìm kiếm được ứng viên phù hợp, công việc của chuyên viên tuyển dụng là gì? Đến bước này, họ sẽ là người tổng kết lại chiến dịch tuyển dụng bằng cách trả lời những câu hỏi: Có bao nhiêu ứng viên nộp CV? Sau đó có bao nhiêu CV chất lượng được lọt vào vòng phỏng vấn? Ứng viên tham gia nhận xét gì về quá trình tuyển dụng? Những kênh đăng tải hay những sự kiện đã tiếp cận liệu đã hiệu quả hay chưa? 

Chuyên viên tuyển dụng cần có những kỹ năng gì? 

Với gói công việc mô tả bên trên, vậy những kỹ năng cần có của chuyên viên tuyển dụng là gì? 

1. Kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc (sắp xếp tài liệu, lịch hẹn phỏng vấn, v.v..)

Một trong những kỹ năng cơ bản và quan trọng chính là tổ chức, sắp xếp công việc. Ở những khâu đầu tiên của quá trình tuyển dụng (sàng lọc CV, báo kết quả, hẹn lịch phỏng vấn, v.v…), chuyên viên tuyển dụng cần phải có kỹ năng tổ chức cao để quá trình sàng lọc và phân bổ lịch hẹn diễn ra nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể.

2. Kỹ năng xử lý dữ liệu rất cần thiết đối với chuyên viên tuyển dụng

Xét từ những vị trí tuyển dụng cũng như yêu cầu cho nó, chuyên viên tuyển dụng phải có kỹ năng xử lý dữ liệu để xác định các hành vi, thói quen của nhóm ứng viên tiềm năng. Khi ấy, họ sẽ biết cách tiếp cận ứng viên sao cho phù hợp nhất. 

chuyên viên tuyển dụng
Kỹ năng xử lý dữ liệu

Hơn thế, trong quá trình sàng lọc CV và phỏng vấn, mỗi ứng viên sẽ có những cách viết khác nhau để thể hiện sự phù hợp của mình. Đây cũng chính là lúc chuyên viên tuyển dụng phải thực sự hiểu rõ xem liệu những lời ứng viên viết và nói có thực sự phù hợp hay không. Có những câu nói thoạt nghe qua rất hay, nhưng khi ngẫm kỹ lại thì lại trở nên sáo rỗng. 

3. Chú ý đến chi tiết (nghiên cứu kỹ job, ứng viên để đánh giá đúng)

Đồng ý rằng một chuyên viên tuyển dụng phải có cái nhìn tổng quát đối với quy trình tuyển dụng để biết họ đang ở bước nào và nên làm gì tiếp theo. Thế nhưng, chú ý đến những chi tiết nhỏ cũng giúp các chuyên viên phát triển tốt hơn trong ngành nghề này. Họ sẽ phải nghiên cứu thật kỹ công việc đang trống cũng như ứng viên để có cái nhìn công tâm nhất.

4. Kỹ năng giao tiếp (lắng nghe, thấu hiểu, cách nói chuyện, v.v..)

Vì sẽ phải liên tục đối thoại với ứng viên (gặp trực tiếp, phỏng vấn nhanh qua điện thoại, email trao đổi, v.v…), chuyên viên tuyển dụng cần sử dụng câu từ rõ ràng, dễ hiểu, đúng trọng tâm để đảm bảo ứng viên hiểu đúng về toàn bộ quy trình tuyển dụng. 

kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp

Không chỉ nằm ở cách nói chuyện mà kỹ năng giao tiếp còn mở rộng đến khả năng lắng nghe và thấu hiểu. Trong quá trình tuyển dụng chắc chắn sẽ có những phát sinh. Nhiệm vụ của chuyên viên tuyển dụng lúc này nằm ở cách lắng nghe và thấu hiểu những mong muốn, nguyện vọng của ứng viên để từ đó đề ra những giải pháp tối ưu nhất cho họ.

5. Kỹ năng đánh giá và chọn lọc ứng viên 

Sau khi nhận được CV cũng như tham gia vào quá trình phỏng vấn, chuyên viên tuyển dụng cần sở hữu kỹ năng đánh giá và chọn lọc ứng viên. Để làm được điều này, các chuyên viên phải là người rõ ràng, hiểu rõ các tiêu chí và nắm vững mục tiêu cốt lõi của chiến dịch tuyển dụng lần này. 

Có thế, họ sẽ dễ dàng chọn lựa được những ứng viên tiềm năng nhất. Một lưu ý nhỏ ở đây là hãy tránh cảm giác tiếc nuối hay tội lỗi khi đánh rớt một ai đó. Bạn có thể thay đổi hướng suy nghĩ theo cách này: cả ứng viên lẫn công ty đều cần một ứng viên phù hợp hơn, nên việc loại ai đó sẽ giúp cả hai đỡ mất thời gian của nhau hơn.

6. Kỹ năng giải quyết vấn đề 

Những phát sinh trong quá trình tuyển dụng là điều khó lòng tránh khỏi. Sẽ có những trường hợp, tình huống mà bạn không thể ngờ trước được. Ví dụ như ứng viên hẹn phỏng vấn, nhưng đến gần sát giờ lại không đến. Hay như việc ứng viên cảm thấy tức giận vì bạn đánh rớt họ. Trong những trường hợp như thế, các chuyên viên tuyển dụng phải thật tỉnh táo và logic để biết đâu là giải pháp tối ưu nhất. 

7. Một chuyên viên tuyển dụng cần nhạy bén với công nghệ 

Công nghệ bùng nổ kéo theo dường như mọi hoạt động lên nền tảng số. Tuyển dụng không nằm ngoài xu hướng ấy. Vì lẽ đó, việc tận dụng các chiến lược tuyển dụng trên phương tiện truyền thông kỹ thuật số sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh rất lớn cho nhà tuyển dụng. 

Hơn cả, việc áp dụng công nghệ cao vào tuyển dụng chứng tỏ rằng công ty của bạn rất hiện đại, sẵn sàng cập nhật và tiếp nhận những phương thức mới mẻ.

8. Kỹ năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ 

Trong quá trình tuyển dụng, các chuyên viên tuyển dụng buộc phải làm việc với rất nhiều bên liên đới. Đơn cử như các quản lý cấp cao hơn của vị trí đang trống, hay các chuyên viên tổ chức sự kiện tuyển dụng tại trường đại học, v..v. 

xây dựng mối quan hệ
Xây dựng và duy trì các mối quan hệ

Chính vì thế, một chuyên viên tuyển dụng nhạy bén sẽ biết cách xây dựng và duy trì các mối quan hệ ấy. Có thế, quá trình tuyển dụng sẽ được đẩy nhanh tiến độ và đạt được mục tiêu trong thời gian sớm nhất. 

9. Ngoại ngữ là một điểm cộng 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, không có gì lạ khi có những ứng viên người nước ngoài. Để có thể dễ dàng trao đổi thông tin với họ, các chuyên viên tuyển dụng cần sở hữu khả năng ngoại ngữ ở mức căn bản. 

Không chỉ dừng lại tại đó, ngoại ngữ còn giúp chuyên viên tuyển dụng nhân sự đọc các tài liệu tiếng nước ngoài; làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia;…

Đọc thêm: Top 15 Ứng Dụng Học Tiếng Anh Hàng Đầu

Mức lương của chuyên viên tuyển dụng ra sao? 

Sẽ rất khó để đưa ra một mức lương cụ thể cho vị trí chuyên viên tuyển dụng, nhưng Glints đã tìm hiểu và đúc kết được mức lương dao động của ngành nghề này như sau:

  • Đối với chuyên viên tuyển dụng mới bước vào nghề: 8 – 10 triệu
  • Đối với chuyên viên tuyển dụng sau 1-3 năm gắn bó với nghề: 10 – 15 triệu
  • Đối với vị trí quản lý các chuyên viên tuyển dụng: 16 – 25 triệu.

Đọc thêm: Xác Định Mức Lương Thích Hợp Với Chuyên Môn Như Thế Nào?

Học ngành gì để trở thành một chuyên viên tuyển dụng? 

Để trở thành chuyên viên tuyển dụng, bạn cần có bằng cao đẳng hoặc cử nhân về quản trị kinh doanh, quản lý nhân sự hoặc một lĩnh vực liên quan. Có được một vị trí đầu vào trong bộ phận nhân sự hoặc tại công ty môi giới việc làm để tìm hiểu cách phỏng vấn ứng viên và xác định điểm mạnh và điểm yếu chuyên môn của họ. Khi bạn đã có vài năm kinh nghiệm trong ngành, hãy tìm kiếm các vị trí chuyên viên tuyển dụng.

Cơ hội việc làm chuyên viên tuyển dụng tại Glints 

Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, triển vọng nghề nghiệp đối với ngành nhân sự nói chung và nghề chuyên viên tuyển dụng nói riêng được dự đoán sẽ tăng khoảng 7% từ năm 2019 đến năm 2029. Tốc độ tăng trưởng này nhanh hơn mức trung bình đối với các ngành nghề khác trong nước.

Nếu cảm thấy đây là một tiềm năng lớn, bạn có thể tham gia ứng tuyển trong ngành Nhân sự nói chung và vị trí chuyên viên tuyển dụng nói riêng tại Glints để trở thành một phần của xu hướng ấy.

Kết

Sau khi đưa ra các định nghĩa, mô tả các công việc cần làm và các kỹ năng phải có, bạn hẳn đã hiểu chuyên viên tuyển dụng là gì, phải không nào? Glints hy vọng rằng bài viết này sẽ hữu ích đối với bạn – người đang ấp ủ ước mơ trở thành một chuyên viên tuyển dụng trong tương lai!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4 / 5. Lượt đánh giá: 4

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X