×

Ambivert Là Gì? 10 Dấu Hiệu Bạn Là Một Ambivert

Ngày đăng: 02/07/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 14/11/2022

“Introvert” và “Extrovert” là hai cụm từ thường được sử dụng trong tâm lý học để phân biệt con người theo tính cách. Tuy vậy, đó không phải là hai từ duy nhất “đo ni đóng giày” cho cách một người suy nghĩ và hành động. Ambivert chính là định nghĩa đứng giữa hai thái cực hướng nội và hướng ngoại này.

Theo trắc nghiệm MBTI, introvert được hiểu là người hướng nội, hay những người thích độc lập. Ngược lại, extrovert – người hướng ngoại, lại thường thích đám đông và lấy năng lượng từ việc tiếp xúc với người khác. Vậy Ambivert là gì và tại sao lại gọi nó là sự cân bằng của hướng nội và hướng ngoại?

Cùng tìm hiểu với Glints nhé!

Ambivert là gì?

Ambivert còn được gọi là “hướng trung”. Một người hướng trung mang nét tính cách kết hợp của cả người hướng ngoại (Extrovert) và hướng nội (Introvert). Rất nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu về chủ đề Ambivert và tìm ra được nhiều sự thật thú vị.

Theo tiến sĩ Helen Odessky, nhà tâm lý học và tác giả cuốn Stop Anxiety from Stopping You,

“Người mang đặc điểm Ambivert sở hữu cả hai nhóm tính cách đặc trưng. Họ có sức hút và sự quyết đoán của một người hướng ngoại; sự chu đáo và khả năng lắng nghe của một người hướng nội.”

ambivert là gì
Ambivert là người mang cả hai tính cách Introvert và Extrovert.

Mặt khác, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng 38% chúng ta thuộc nhóm tính cách ambivert.

“Ở một góc độ nào đó, gần như tất cả chúng ta đều là Ambivert.”

theo Ken Page, LCSW.

Người hướng trung rất linh hoạt. Xu hướng hướng nội và hướng ngoại của họ có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân trong các thời điểm hoặc tình huống nhất định.

Các đặc điểm của Ambivert là gì?

Không phải ai cũng chắc chắn về đặc điểm tính hướng của bản thân. Một Introvert đôi lúc có thể tự thấy bất ngờ vì khả năng kết bạn của mình, và không phải Extrovert nào cũng nói nhiều và dễ dàng hoà mình với đám đông.

Vậy tính cách đặc trưng của các Ambivert là gì?

1. Bạn thấy mình vừa giống Introvert vừa giống Extrovert

Nếu bạn thấy khó khăn trong việc lựa chọn giữa hai định nghĩa hướng nội và hướng ngoại để miêu tả bản thân, rất có thể bạn là một ambivert.

2. Cần không gian riêng cho bản thân và thời gian bên người khác

Đây là hai điều bạn đều muốn có, nếu như bạn là người hướng trung.

Có những giai đoạn bạn chỉ muốn được ở một mình và chìm đắm vào thế giới nội tâm chỉ có bạn hiểu được. Nhưng cũng có những lúc, bạn muốn thoát khỏi sự đơn độc và tận hưởng thời gian bên nhiều người.

Mặt khác, so với introvert, ambivert sẽ hoà đồng hơn và có thể dành nhiều thời gian với người khác hơn. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định, ambivert vẫn sẽ muốn chui về vỏ ốc của mình.

3. Làm việc nhóm hay làm việc độc lập đều không khó

Trong công việc và học tập, ambivert có thể linh động chuyển đổi giữa làm việc một mình và làm việc nhóm. Đây là khả năng đem lại rất nhiều lợi ích cho ambivert, bởi họ sẽ có thể phát huy khả năng của mình trong mọi trường hợp.

4. Nhiều “bè” và cũng nhiều bạn

Extrovert thường có nhiều bạn, còn vòng bạn bè của introvert lại khép kín hơn nhiều với chỉ một số người thật sự thân thiết. Ambivert lại có cả hai: họ có mạng lưới bạn bè rất rộng và một số người thân thiết họ thật sự tin tưởng và gần gũi.

tính cách của ambivert
Đa phần các hành động của Ambivert đều là 50/50 của hai tính hướng còn lại.

5. Gây những ấn tượng đầu trái ngược

Bạn rất có thể là một ambivert, nếu có người nhận xét bạn ít nói và có những người lại thấy bạn vô cùng quảng giao và dễ làm thân.

6. Bạn đem lại sự cân bằng trong các hội nhóm

Trong những nhóm bạn hoặc nhóm đông người, một người hướng trung thường là người đem lại sự cân bằng và hoà hợp. Ambivert có thể hoà hợp với hai tính hướng, vì bản chất họ là người đứng giữa hai thái cực âm dương của hướng nội và hướng ngoại.

Chẳng hạn, ambivert sẽ biết cách phá bỏ những khoảng lặng ngượng ngùng, giúp người hướng nội thoải mái hơn khi nói chuyện cùng người khác.

Hoặc, khi đi với những người nói nhiều, bạn sẽ thiên về lắng nghe. Còn khi đi với người ít nói, bạn lại trở thành người tìm kiếm chủ đề và dẫn dắt câu chuyện.

Thay vì thấy khó khăn để làm quen với người khác, họ có khả năng biến hoá tựa như tắc kè hoa vậy.

7. Nói chuyện phiếm hay tâm sự mỏng đều hay ho

Introvert thường không thích nói chuyện phiếm mà hay nghiêng về những cuộc hội thoại sâu sắc và đa chiều. Ngược lại, extrovert có thể nói nhiều về những thứ trên trời dưới biển.

Ambivert thì có thể “cân” mọi chủ đề, từ những câu chuyện “xàm xí” nhất tới những tâm sự sâu lắng nhất.

8. Bạn muốn nổi bật nhưng không phải mọi lúc

Làm trung tâm của sự chú ý là một cảm giác đặc biệt.

Tuy vậy, một ambivert sẽ không muốn cảm giác ấy kéo dài quá lâu. Đôi lúc họ sẽ muốn lùi lại và quan sát hơn là trở thành người thu hút mọi ánh nhìn.

9. Bạn có mắt nhìn người khá chuẩn xác

Bạn có nghĩ rằng linh cảm của bạn hầu như luôn đúng?

Người hướng nội gặp khó khăn trong việc cởi mở và thường tự tạo khoảng cách với người khác trước khi hoàn toàn tin tưởng họ. Người hướng ngoại lại rất hòa đồng, nhưng họ cũng có thể tin tưởng người khác quá mức ngay lúc mới quen.

Những người hướng trung có xu hướng thận trọng hơn và biết ai là người họ nên tin tưởng.

10. Có thể vừa làm lãnh đạo, vừa làm người hỗ trợ

Tính cách Ambivert vừa có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo vừa có thể làm người hỗ trợ một cách linh hoạt.

Sự linh hoạt dường như chính là bản năng của bạn, nếu như bạn là người hướng trung.

Dấu hiệu cho thấy bạn có thể là Ambivert

Ambivert: Mặt lợi và hại

Là người mang những nét tính cách phong phú, ambivert sẽ có những thuận lợi và hạn chế riêng trong công việc và cuộc sống.

1. Điểm cộng

Khả năng thích ứng cao

Cá nhân người hướng trung có sở thích riêng. Tuy nhiên, họ có khả năng thích nghi với môi trường và hoàn cảnh rất nhanh chóng.

So với introvert và extrovert, ambivert có thế mạnh nổi trội hơn hẳn. Họ có thể thay đổi cách nhìn nhận và làm quen với người khác dựa trên nhiều tình huống khác nhau. Đặc điểm này giúp các ambivert dễ dàng kết nối và xây dựng nhiều mối quan hệ trong xã hội.

Khả năng lãnh đạo nổi bật

Một trong những cái lợi lớn nhất của Ambivert là gì? Họ thường là những nhà lãnh đạo rất xuất sắc.

Ngoài sự quảng giao, họ còn có khả năng kết nối con người do họ có thể lắng nghe và đồng thời đóng góp ý kiến khi cần thiết. Ngoài ra, họ thường có thể tìm ra những giải pháp cho nhiều vấn đề.

Khả năng này đến từ những suy nghĩ đa chiều kết hợp của hướng nội và hướng ngoại.

2. Điểm trừ

Dù thuận lợi cho ambivert rất đa dạng, họ cũng sẽ có những khó khăn riêng khi mang trong mình nhiều tính hướng.

Khó cân bằng cảm xúc

Đặc điểm của hướng trung là có nhiều suy nghĩ và cảm xúc phức tạp.

Vì vậy, một ambivert nên dành nhiều thời gian để thấu hiểu mong muốn của bản thân, từ đó cân bằng cảm xúc và biết mình thật sự muốn làm gì.

Thiếu quyết đoán

Người hướng trung có thể chuyển đổi linh hoạt giữa hướng nội và hướng ngoại. Nhưng cũng chính tính cách này có thể dẫn đến việc bạn bị căng thẳng vì đứng giữa nhiều lựa chọn.

Đây là lý do các ambivert có xu hướng lưỡng lự khi phải đưa ra quyết định. Nếu nắm giữ vai trò lãnh đạo hoặc quản lý, sự thiếu quyết đoán là điểm trừ mà ambivert cần cải thiện.

Đôi lúc Ambivert cần quyết đoán hơn.

Đọc thêm: Tính Cách Của Người Hướng Nội Có Phải Là Một Cản Trở Trên Con Đường Sự Nghiệp?

Nghề nghiệp phù hợp cho Ambivert

Nhìn chung, ambivert dễ dàng tiến xa trong những nghề nghiệp có sự hài hoà giữa làm việc nhóm và làm việc độc lập. Đặc thù công việc này sẽ cho phép họ thể hiện kỹ năng của cả hai thái cực hướng nội và hướng ngoại. Những nghề nghiệp phù hợp cho người hướng trung bao gồm:

1. Sales

Người bán hàng cần có kỹ năng thuyết phục và thấu hiểu khách hàng. Ambivert có khả năng lắng nghe và giao tiếp rất tốt nên sẽ làm tốt với nghề sales.

Một nghiên cứu của Psychological Science cũng chỉ ra rằng ambivert có khả năng bán hàng tốt hơn cả introvert và extrovert. Trong ngành sales, ambivert có thu nhập cao hơn 24% so với introvert 32% so với extrovert, theo nghiên cứu của Adam Grant.

Kết hợp kỹ năng sales và những xu hướng thiên bẩm trong tính cách, ambivert có thể trở thành những nhân viên, chuyên viên sales xuất sắc.

2. Giám đốc dự án

Người quản lý dự án nắm giữ đầu mối của mọi kế hoạch và là người hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên trong nhóm. Ambivert có khả năng giúp đỡ và lắng nghe người khác, nên sẽ có thể trở thành một nhà lãnh đạo được kính trọng.

3. Nhà sản xuất

Các nhà sản xuất là những người đứng sau “cánh gà” của các đài truyền hình, chương trình giải trí, phim ảnh, v.v. Họ giữ trách nhiệm đảm bảo mọi việc đi đúng theo kế hoạch, hoặc ứng biến nhanh nhạy khi xảy ra trường hợp ngoài ý muốn.

Công việc yêu cầu bạn phải hợp tác với nhiều người, và tính cách ambivert sẽ không thấy khó khăn khi làm việc ở mảng này.

4. Thiết kế nội thất

Công việc thiết kế nội thất về cơ bản là lắng nghe yêu cầu của khách hàng, đưa ra các gợi ý và thiết kế theo quyết định cuối cùng.

Ambivert có thể kết hợp nhuần nhuyễn khả năng làm việc nhóm và làm việc độc lập trong quá trình thiết kế và đưa ra sản phẩm cho khách hàng.

5. Giáo viên, giảng viên

Người làm nghề dạy học cần có khả năng tiếp cận và kết nối các học sinh với những tính cách và hoàn cảnh sống khác nhau. Mặt khác, họ cũng cần có kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông, cũng như nói chuyện riêng, đưa ra lời khuyên cho học sinh và phụ huynh.

Ambivert, với khả năng thấu hiểu và hoán đổi giữa hai kiểu tính cách, sẽ là những nhà giáo sáng giá và có được niềm tin của học sinh.

Lời kết

Để trả lời câu hỏi “Ambivert là gì“, nếu bạn là người cảm thấy được nạp năng lượng kể cả khi lạc giữa đám đông hay khi dành thời gian yên tĩnh một mình, rất có thể bạn chính là một ambivert.

Ambivert có rất nhiều đặc điểm tính cách xuất sắc. Họ linh hoạt trong nhiều hoàn cảnh phức tạp, biết lúc nào nên lên tiếng, lúc nào nên lắng nghe. Những khả năng này khiến họ trở thành những nhân tố có giá trị trong công việc và cuộc sống thường ngày.

Song, cho dù bạn thuộc thái cực nào trên thang đo tính cách của tâm lý học, hãy dành thời gian để hiểu rõ bản thân, để từ đó biết được điều gì là tốt và không tốt cho tương lai và cơ hội của mình.

Hãy luôn là chính mình, biết thể hiện mình và tin tưởng vào bản thân. Đừng chỉ kiếm tìm một hình mẫu thành công và ép mình trở thành phiên bản thứ hai của nó.”

– theo Bruce Lee.

Tham khảo:

  1. What is an Ambivert?
  2. 5 Signs That You May Be An Ambivert

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.8 / 5. Lượt đánh giá: 21

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Có thể bạn cũng thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X