Ngày đăng: 17/09/2022 | 1 Comment
Ngày cập nhật: 31/10/2023
Bạn có biết có tới 75% người nói rằng họ sợ nói trước đám đông? (1) Thuyết trình trước đám đông là nỗi sợ hãi đối với nhiều người những cũng là một hoạt động phổ biến từ trường lớp đến môi trường làm việc. Kỹ năng thuyết trình vì thế vừa là nỗi ám ảnh vừa là “vũ khí” mà ai cũng muốn sở hữu.
Trong bài viết này, bạn sẽ tìm được cách làm thế nào để gạt bỏ nỗi sợ hãi và trở thành một người thuyết trình tự tin.
Kỹ năng thuyết trình là khả năng truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả và hấp dẫn đến một nhóm người nghe.
Người thuyết trình cần hướng tới mục tiêu giúp người nghe hiểu được những gì mình đang nói, giải quyết một vấn đề nào đó của họ, hay chỉ đơn giản là tiếp nhận một thông tin mới mẻ.
Để thuyết trình hiệu quả, người thuyết trình cần thực hiện các bước chuẩn bị quan trọng. Kỹ năng thuyết trình thành thạo hay không cũng có thể được nhìn nhận qua khâu chuẩn bị này. Và nó bao gồm những yếu tố như cấu trúc bài thuyết trình, slides, giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể, v.v..
Đọc thêm: Ngại giao tiếp trước đám đông – Thuyết trình như nào?
Một bài thuyết trình hiệu quả bao gồm các yếu tố sau:
Không phải ai sinh ra cũng có sẵn kỹ năng thuyết trình trong mình. Nhưng có rất nhiều cách để rèn luyện nó. Bạn không cần phải là một người hoạt ngôn, giỏi giao tiếp hay năng động để có thể thuyết trình hiệu quả. Hãy làm theo các bí quyết sau đây để xoá tan nỗi sợ mang tên “thuyết trình”:
Sự tự tin giúp đạt được những gì bạn mong muốn. Những người thành công luôn nói rằng tin vào chính bản thân mình là chìa khoá của họ. Tuy nhiên, xây dựng niềm tin vào bản thân mình là một thử thách lớn và đôi khi cần cả một quá trình rèn luyện.
“Tự tin là một loại siêu năng lực. Một khi bạn tin vào chính bản thân mình, điều kỳ diệu sẽ xảy ra.”
Để rèn luyện sự tự tin, trước hết hãy thay đổi suy nghĩa của bạn. Đừng nghĩ rằng kỹ năng thuyết trình kém sẽ khiến bạn không thể làm nên một buổi thuyết trình hiệu quả. Khi bạn dám đứng lên và nêu ra quan điểm của mình chính là lúc bạn đang sử dụng kỹ năng đó hiệu quả.
Không có ai phán xét bạn ngoài chính bản thân bạn. Vì vậy hãy tin rằng mình làm được và tự tin với những gì mình đã chuẩn bị. Việc bạn cần làm là nở một nụ cười thật tươi và cho khán giả lắng nghe những điều bạn muốn nói.
Đọc thêm: Cách Khám Phá Khả Năng Của Bản Thân, Tự Tin Hơn Vào Chính Mình
“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”
Nếu đám đông ngồi phía dưới là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với bạn, hãy khiến họ trở thành những người thân thuộc để giảm bớt cảm giác xa cách, choáng ngợp.
Điều này không có nghĩa là bạn phải tìm gặp và làm quen với từng người một. Ý chính ở đây là hãy tìm hiểu về họ trước buổi thuyết trình để thấu hiểu họ. Bạn cần biết ai sẽ là người nghe mình nói đúng không nào? Vậy thì hãy tìm hiểu xem họ là ai, họ muốn nghe điều gì, và vấn để mà họ đang cần được giải quyết (nếu có).
Dù đến ngày thuyết trình bạn mới có thể gặp người nghe của mình, nhưng tìm hiểu trước về họ sẽ giúp bạn cảm thấy thân thuộc và dễ dàng tương tác với họ hơn.
Kỹ năng thuyết trình không là một khái niệm gì đó quá xa xôi, mà được thể hiện ngay trong những hành động nhỏ. Nó bao gồm sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng đến từ người thuyết trình.
Từ nội dung cho đến các phương tiện cần thiết trong buổi thuyết trình của bạn, hãy chuẩn bị và kiểm tra để chắc chắn mọi thứ đều sẵn sàng. Bạn chỉ tự tin khi bạn biết rõ mình phải nói những gì và trình tự ra sao.
Hãy tự hỏi bản thân xem bạn muốn đạt được điều gì sau buổi thuyết trình và nó sẽ mang lại lợi ích gì cho người nghe. Sau đó nghiên cứu các tài liệu liên quan và chuẩn bị thêm các yếu tố từ hình ảnh cho đến âm thanh nếu cần thiết.
Một trong những lỗi hay gặp nhất khi thuyết trình chính là nhìn vào giấy và đọc toàn bộ nội dung.
Thông thường chúng ta hay soạn sẵn nội dung của bài thuyết trình và học thuộc nó trong lúc luyện tập. Cách này tưởng chừng như hiệu quả nhưng lại rất dễ khiến ta rơi vào tình trạng học vẹt và bị động nếu bỏ sót mất một ý nào đó.
Soạn nội dung trước là cần thiết nhưng hãy ghi chú những ý chính ra một tờ giấy và tập nói theo những ý đó. Một khi đã thực sự hiểu những gì mình cần nói và trình tự của chúng trong bài thuyết trình, bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn.
Thay vì cầm cả một kịch bản hoàn chỉnh, hãy chỉ mang theo tấm giấy ghi chú. Việc nói chính xác từng từ một như trong kịch bản là không cần thiết, hãy nói như bạn đang chia sẻ một điều gì đó rất thú vị.
Như đã đề cập ở trên, không phải ai sinh ra cũng là một người có tài ăn nói. Bạn hoàn toàn có thể trau dồi kỹ năng thuyết trình bằng cách luyện tập nó thường xuyên.
Bạn có biết rằng một chương trình truyền hình có thể phát sóng trực tiếp suốt hai giờ đồng hồ mà không xảy ra bất cứ sai sót nào từ MC là do họ đã luyện tập trước đó rất nhiều?
Nếu muốn buổi thuyết trình của mình diễn da trơn tru như vậy, hãy luyện nói thật nhiều. Điều này không chỉ giúp bạn nhớ những gì cần nói mà còn giúp bạn phát hiện được lỗi sai của mình.
Nói đúng những gì cần nói cộng thêm với sự hài hước một cách thông minh sẽ là điểm cộng lớn cho bài thuyết trình của bạn đấy.
Nếu có thể hãy lồng ghép thêm một câu chuyện có liên quan đến nội dung bạn nói để tăng thêm phần sinh động. Theo Harvard Business Review, con người ta thường bị hấp dẫn và dễ cảm thông hơn bởi những câu chuyện. (2)
Và nếu bạn khơi dậy được sự tò mò của người nghe qua câu chuyện của mình, họ sẽ muốn lắng nghe bạn nói tiếp.
Ngôn ngữ cơ thể hay phi ngôn ngữ sẽ giúp bài thuyết trình của bạn tự nhiên, hấp dẫn, và có “hồn” hơn.
Cử chỉ bàn tay linh hoạt, ánh mắt hay một cái gật đầu khi nói sẽ giúp bạn tự tin hơn và kiểm soát được trạng thái của cơ thể khi thuyết trình. Anh mắt tương tác với người nghe giúp bạn dễ dàng tạo sự kết nối với họ.
Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng cử chỉ hay ngôn ngữ cơ thể vì nó có thể làm sao nhãng lời nói của bạn. Tệ hơn nữa là gây khó chịu cho người nghe.
Bạn có thấy hào hứng khi ai đó bắt đầu bài thuyết trình của họ với câu nói quen thuộc: “Hôm nay tôi sẽ nói về blablabla”?
Đừng làm vậy nếu bạn muốn bài thuyết trình của mình “đầu xuôi đuôi lọt”.
Hãy lôi kéo sự chú ý của khán giả ngay từ những giây đầu tiên bằng một màn mở đầu thật thú vị. Bạn hoàn toàn có thể kể một câu chuyện, sử dụng âm thanh, hình ảnh, hoặc video để tạo hứng thú cho người nghe. Một con số ngoạn mục hay một câu trích dẫn nổi tiếng liên quan cũng là ý tưởng hay.
Tương tự với lời mở đầu, hãy kết thúc bài thuyết trình một cách chuyên nghiệp và tạo dấu ấn. Tóm tắt và nhấn mạnh thông tin quan trọng giúp người nghe tổng hợp và nhớ lâu hơn.
Đừng chỉ tập trung vào những gì mình nói mà hãy để ý đến thái độ và phản ứng của khán giả. Chú ý đến cảm xúc của họ, quan sát xem liệu họ có đang bối rối trước những gì mình nói hay có vẻ đang thắc mắc điều gì không. Nếu có hãy làm rõ ngay và điều chỉnh bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng như giọng nói hay ngôn từ.
Đặc biệt, sau khi thuyết trình xong, nếu có thể hãy thu thập góp ý từ người nghe. Tìm hiểu xem họ cảm thấy như thế nào về bài nói của bạn, lắng nghe và cải thiện những điểm hạn chế.
Đây là bước quan trọng để kỹ năng thuyết trình của bạn ngày một tiến bộ hơn.
Đây dường như là bước kinh điển trong mọi bài viết về bí quyết hay cách học một thứ gì đó.
Đơn giản là vì “Practice makes perfect.”
Tuy nhiên, không ai là hoàn hảo cả, và bạn cũng vậy. Bạn không cần phải hoàn hảo trong mọi khía cạnh của bài thuyết trình. Và cũng đừng lo sợ nếu mắc phải bất cứ lỗi sai nào.
Quan trọng là bạn nhận ra các lỗi sai và tìm cách sửa chúng.
Một phương pháp luyện tập kỹ năng thuyết trình hữu hiệu là xem các bài thuyết trình mẫu và bắt chước. Bạn không nhất thiết phải “copy” như một cái máy toàn bộ cử chỉ, phong thái, hay giọng điệu của ai đó. Hãy học hỏi cái hay từ họ và kết hợp với nét riêng của bạn để tạo nên một phong cách thuyết trình của riêng mình.
Ted Talks là một nguồn tài nguyên miễn phí với vô vàn video truyền cảm hứng mà bạn có thể học hỏi.
Đọc thêm: Những bài TED talk hay, thú vị nhất
Phỏng vấn thông qua bài thuyết trình đang là một xu hướng tìm kiếm nhân tài được ưa chuộng bởi nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ.
Có thể nói, phỏng vấn thuyết trình là một phương thức kiểm tra toàn diện một ứng viên tiềm năng. Tại đó, bạn có cơ hội để thể hiện kỹ năng thuyết trình, khả năng thuyết phục, cách biểu đạt và sự tự tin, cũng như cả năng lực, lẫn tư duy nghề nghiệp mà bạn đang có.
Để thể hiện tốt, kỹ năng thuyết trình của bạn đóng một vai trò rất quan trọng. Hãy theo dõi tiếp nội dung dưới đây để nâng cấp phần thuyết trình trong buổi phỏng vấn của bạn nhé!
Đọc thêm: Xu Hướng Mới Về Các Hình Thức Phỏng Vấn
Điều đầu tiên cần lưu ý trong buổi thuyết trình này là bạn phải hiểu rõ đề bài được doanh nghiệp đưa ra. Nếu chưa được cung cấp các thông tin cần thiết hoặc chưa hiểu rõ một yêu cầu nào đó, đừng ngần ngại kiểm tra lại với nhân viên tuyển dụng.
Hãy để ý tới những thông tin cơ bản như:
Biết được thông tin này sẽ giúp bạn chuẩn bị cho bài thuyết trình được tốt nhất, đảm bảo đi sát được đề bài, cũng như thực hiện được nó trong khoảng thời gian cho phép.
Những người khán giả này vô cùng đặc biệt. Họ sẽ là người nghe và thẩm định những thông tin bạn đưa ra, cũng như tư duy trong công việc được bạn thể hiện qua bài thuyết trình.
Chính vì vậy, hãy tìm hiểu xem họ là ai, đến từ bộ phận nào và chuyên môn của họ là gì. Từ đó, bạn có thể cân nhắc đưa vào bài thuyết trình những nội dung và luận điểm phù hợp nhất để những giám khảo đó có thể dễ dàng đánh giá được khả năng chuyên môn của bạn.
Bên cạnh đó, mỗi người có thể sẽ có mức độ quen thuộc khác nhau với chủ đề bạn đang nói tới. Vì vậy, hãy nghĩ tới thành phần trong ban phỏng vấn để xác định những điểm nào cần được giải thích rõ ràng để họ có thể hiểu được ý định của bạn.
Có thể bạn sẽ không được tự chọn về chủ đề mà mình sẽ phải thuyết trình, nhưng bạn luôn có toàn quyền quyết định nội dung đó sẽ được thể hiện như thế nào.
Một kỹ năng thuyết trình quan trọng đó là trình bày nội dung sao cho thu hút và hấp dẫn đối với người nghe.
Thông thường các công ty sẽ giao chủ đề để bạn thực hiện bài thuyết trình phỏng vấn. Tùy vào vị trí ứng tuyển mà đề bài cũng có độ khó dễ khác nhau.
Bất kể chủ đề được giao là gì, hãy luôn tìm cách tiếp cận hấp dẫn nhất để đưa bài thuyết trình gần hơn với khán giả của bạn.
Khi xây dựng cấu trúc cho bài làm, hãy đảm bảo rằng bạn bắt đầu bằng phần giới thiệu và mục lục. Ngoài ra, đừng quên bao gồm đầy đủ 3 phần, mở đầu, thân bài và kết luận, thật rõ ràng.
Nếu thông tin được cung cấp còn hạn chế, bạn có thể đưa ra những số liệu giả định, hoặc giả thuyết để phần trình bày của mình được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, đừng quên giải thích rằng bạn dựa vào đâu để hình thành những thông tin giả định đó.
Bên cạnh đó, hãy bao gồm các câu chuyện hoặc ví dụ thực tế để thông điệp của bạn trở nên sống động và có sức thuyết phục cao hơn đối với khán giả.
Kỹ năng thuyết trình này đã được các nhà tâm lý học chứng minh là vô cùng hiệu quả, bởi người nghe có xu hướng hứng thú hơn với những câu chuyện hay sự kiện có thật.
Đọc thêm: Bí Quyết Cải Thiện Kỹ Năng Thuyết Trình Trước Đám Đông
Nội dung của bạn dù có hay đến mấy cũng có thể bị giảm giá trị nếu bản trình bày của bạn không được chau chuốt.
Đây có thể được xem là một yếu tố quan trọng trong số các bước chuẩn bị bài thuyết trình của bạn. Kỹ năng thuyết trình không chỉ ăn điểm ở việc nghe bằng tai, nhìn bằng mắt cũng quan trọng không kém.
Khi soạn thảo các slide thuyết trình phỏng vấn của bạn, điều quan trọng cần nhớ là các slide chỉ ở đó để hỗ trợ và bổ sung cho những gì bạn đang nói. Nó không phải là một chiếc bảng trắng để bạn viết hết những gì bạn cần nói lên đó.
Một trong những sai lầm lớn nhất của các ứng viên là luôn sợ rằng người phỏng vấn sẽ không nhớ hết những gì được thuyết trình. Vì vậy, họ thường viết đầy đủ mọi câu từ vào slide, đề phòng nhà tuyển dụng cần xem lại khi đánh giá.
Tuy nhiên, đây là lúc mà kỹ năng thuyết trình của bạn cần được phát huy tối đa để kết hợp hiệu quả giữa phần nói và phần nhìn.
Nếu phần nói của bạn súc tích và dễ hiểu, người nghe có thể nhanh chóng ghi lại những ý chính. Từ đó, slides của bạn không cần thiết phải bao gồm tất cả mọi thứ trong đó nữa.
Ngoài ra, để phần nhìn trở nên hiệu quả hơn, bạn có thể tham khảo các mẫu slides có sẵn trên Google Slide hoặc Canva để làm nổi bật thêm phần trình bày của mình.
Kỹ năng thuyết trình của bạn dù có tốt đến mấy cũng không thể bỏ qua phần luyện tập trước này.
Thậm chí tới những diễn giả hàng đầu của Ted Talk cũng thú nhận rằng, họ đã trải qua rất nhiều buổi luyện tập trước khi đứng trên sân khấu và thuyết trình về các ý tưởng đã được chuẩn bị sẵn.
Việc tập dượt trước cũng rất quan trọng để bạn kiểm tra về thời lượng nói của mình. Nếu nói dài hơn, bạn có thể sẽ bị ngắt lời, và từ đó bỏ lỡ việc trình bày những thông tin quan trọng.
Tuy nhiên, việc để thừa phần lớn thời gian cho phép cũng có thể khiến người phỏng vấn nghĩ rằng bạn chưa có sự chuẩn bị kỹ và khai thác chưa tốt các thông tin. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn bám sát thời gian được cho phép.
Sau phần tập dượt, hãy thử nghĩ về những câu hỏi mà bạn có thể sẽ nhận được sau phần thuyết trình của mình.
Điều này không chỉ giúp bạn dễ dàng ứng phó trong tình huống thật, mà còn hiểu rõ hơn mọi ngóc ngách trong bài làm của mình.
Đọc thêm: Chinh Phục Đám Đông Với 10 Video Ted Talk Hay Nhất Mọi Thời Đại
Cũng không cần quá lo lắng nếu không thể trả lời một câu hỏi nào đó. Hãy thẳng thắn thừa nhận và mong được hướng dẫn thêm. Nhà tuyển dụng hiểu họ không thể mong đợi một ứng viên biết tất cả mọi thứ. Và trên hết, tinh thần học hỏi luôn được đề cao khi làm việc.
Một bài thuyết trình hiệu quả không nằm ở giọng nói truyền cảm hay slide thuyết trình đẹp mắt. Điều quan trọng là sau khi kết thúc, những thông tin hữu ích có đọng lại trong đầu người nghe hay không.
Kỹ năng thuyết trình không giúp bạn trở thành một người giỏi ăn nói nhưng nó chắc chắn giúp bạn mỗi khi nói sẽ có người lắng nghe chân thành. Vì vậy hãy cùng Glints trau dồi kỹ năng này, để nó không còn là điểm yếu hay trở ngại trong công việc, học tập, và cuộc sống của bạn nhé.
Nguồn tham khảo
Bài rất bổ ích cho tôi