×

Glossophobia là gì? Cách Khắc Phục Chứng Ngại Giao Tiếp Trước Đám Đông, Tự Tin Hơn Khi Thuyết Trình

Ngày đăng: 26/03/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 19/05/2023

kỹ năng thuyết trình cho người ngại giao tiếp trước đám đông

Giao tiếp là một kỹ năng luôn có mặt trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, song đối với những người ngại giao tiếp trước đám đông thì đó lại là cơn ác mộng. Họ ngại trình bày quan điểm, ít bộc lộ quan điểm của mình và dễ cảm thấy xấu hổ hoặc thiếu tự tin khi thuyết trình trước đám đông. 

Những điểm khuyết ấy vô tình cản trở cơ hội thể hiện bản thân, từ đó ít được công nhận trong công việc hơn so với những người khác. 

Bạn có gặp phải những điều trên không? Nếu bạn cảm thấy bản thân là người mắc hội chứng Glossophobia, hãy cùng Glints khắc phục chứng ngại giao tiếp trước đám đông này, cũng như luyện tập để nhìn thấy kỹ năng thuyết trình được cải thiện dần lên qua bài viết sau nhé!

Chứng ngại giao tiếp trước đám đông – Glossophobia là gì? 

Bạn đã từng nghe qua về thuật ngữ ‘Glossophobia’ – hội chứng ngại giao tiếp trước đám đông chưa? Đây là hội chứng rất phổ biến và dễ dàng bắt gặp ở 75% dân số thế giới (1). 

Một số người có thể cảm thấy hơi lo lắng khi nghĩ đến việc nói chuyện trước đám đông, một số khác thậm chí cảm thấy hoảng loạn và sợ hãi khi phải giao tiếp trước nhiều người. 

Chính vì thế, họ thường tìm cách để né tránh các tình huống giao tiếp trước công chúng. Trong trường hợp bất khả dĩ phải nói chuyện hay thuyết trình trước nhiều người, họ sẽ có những biểu hiện thất thường như: tay chân run rẩy, giọng nói trở nên yếu ớt, đổ mồ hôi nhiều,…

Glossophobia là gì?
Glossophobia là hội chứng ngại giao tiếp trước đám đông.

Đọc thêm: Cải Thiện Kỹ Năng Giao Tiếp Hiệu Quả

Những dấu hiệu của người mắc chứng ngại giao tiếp trước đám đông

1. Biểu hiện lo lắng qua vẻ ngoài

Khi ngại giao tiếp và phải đối mặt với nỗi sợ ấy (giao tiếp với người lạ, trò chuyện qua điện thoại, phát biểu trước đám đông,…), những người mắc chứng Glossophobia sẽ xuất hiện các triệu chứng dễ nhận thấy như:

  • Tay chân run rẩy, lạnh cóng hoặc đổ nhiều mồ hôi
  • Mặt đỏ bừng, nóng ran
  • Nhịp thở bị gián đoạn, tim đập nhanh
  • Cảm giác bất an, bồn chồn, buồn nôn
  • Các cơ bị căng cứng
  • Vùng thượng vị bị khó chịu
  • Choáng váng, hoa mắt hay thậm chí ngất xỉu

Chính những triệu chứng này càng thôi thúc họ né tránh các tình huống giao tiếp xã hội để tự cảm thấy an tâm và dễ chịu hơn. Song điều này lại vô hình trung gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống thường nhật và trong công việc.

2. Chỉ có thể thoải mái trò chuyện bên cạnh người thân

Ngại giao tiếp với đám đông cũng đồng nghĩa với việc bạn không dám mở lòng mà chỉ dám an phận trong “vòng tròn an toàn” mà bản thân tự đặt ra. Chính vì thế mà họ có xu hướng chỉ tiếp xúc gần với những đối tượng thân thiết. 

3. Trải qua ký ức “đáng sợ” trước đám đông

Sau một lần thuyết trình thất bại hay một lần thể hiện quan điểm nhưng lại bị người khác cười chê, họ sẽ bị những nỗi sợ ấy đeo bám đến mãi về sau. Chúng khiến họ dần mất tự tin vào bản thân, sợ hãi việc đối mặt trước đám đông. Dần dà, họ trở thành những người ngại giao tiếp trước đám đông. 

Đọc thêm: Người không có chính kiến là gì?

4. Sợ bị đánh giá, phán xét

Đây cũng có thể được xem là nguồn cơn của hội chứng ngại giao tiếp trước đám đông. Những người dễ bị tác động bởi ý kiến hay ánh mắt của người khác sẽ dần trở nên cảnh giác hơn với bất kỳ hành động nào từ người xung quanh. 

Qua nhiều lần như thế, họ sẽ rất khó để mở lòng với người lạ và gặp nhiều khó khăn, cản trở ngại ngùng trong quá trình giao tiếp, nhất là trước một đám đông lớn.

Dấu hiệu chứng ngại giao tiếp trước đám đông
© Freepik.com

5. Né tránh các tình huống giao tiếp xã hội

Người ngại giao tiếp luôn tìm cách né tránh các tình huống xã hội như phát biểu trước đám đông, trò chuyện với người lạ, hẹn hò, ăn uống ở những nơi đông người. Với những đứa trẻ đang ở độ tuổi đi học, trẻ có thể sợ đến trường, bước vào lớp hay khi bị giáo viên gọi lên bảng trả bài.

Đọc thêm: Cách Giao Tiếp Tại Văn Phòng

6. Tự ti về ngoại hình và các kỹ năng xã hội của bản thân

Có thể nói, tâm lý tự ti chính là chính là một trong những biểu hiện dễ thấy nhất của người ngại giao tiếp trước đám đông. Sự tự ti ấy có thể xuất phát từ ngoại hình, từ các kỹ năng xã hội của bản thân hoặc thậm chí cả hai. 

Đối với khía cạnh ngoại hình, họ sẽ khó cảm thấy hài lòng với vẻ bề ngoài của mình. Họ luôn sợ người khác soi xét về khuôn mặt, cách ăn diện, trang điểm,… của bản thân. Dần dà, họ trở nên bất an và luôn phải tìm cách che chắn bản thân khi xuất hiện ở những nơi đông người.

Hơn cả ngoại hình, người ngại giao tiếp trước đám đông còn thiếu tự tin đối với kỹ năng xã hội của bản thân. Họ cảm thấy mình là người không giỏi trò chuyện, lo sợ nếu bầu không khí đột ngột “tĩnh lặng” khiến họ áp lực, họ cũng chẳng giỏi làm việc nhóm, luôn cảm thấy mình tệ trong việc thuyết trình,… hay thậm chí cảm thấy tự ti trước những kỹ năng chuyên môn.

7. Luôn lo lắng về những tình huống tiêu cực

Khi phải đối diện với những tình huống xã hội, người ngại giao tiếp trước đám đông luôn nhìn thấy những hệ quả tiêu cực nhất cho tình huống ấy. 

Đơn cử như khi bị thầy giáo gọi lên bảng trả bài, người mắc chứng Glossophobia sẽ dễ đi đến kết luận rằng mình sẽ không thể làm tốt. Vì suy nghĩ đó cứ mãi chạy trong đầu mà họ sẽ gặp phải tình trạng lúng túng, va vấp khi phát biểu, nội dung truyền đạt không được mạch lạc. 

Thậm chí sau khi trình bày, họ còn sợ hãi khi đối diện với suy nghĩ rằng cả lớp sẽ chê cười và cho rằng họ bất tài, kém cỏi.

ngại giao tiếp trước đám đông
© Freepik.com

8. Dễ bị tác động bởi ý kiến của người khác

Những người ngại giao tiếp sẽ không dám thể hiện quan điểm hay ý kiến riêng của mình. Về lâu dài, họ mất đi chính kiến bản thân và dễ bị tác động bởi suy nghĩ của người khác. 

Cách khắc phục chứng ngại giao tiếp trước đám đông

Người mắc hội chứng Glossophobia sẽ gặp phải những tình huống oái oăm trong cả cuộc sống lẫn công việc. Nhưng điều này không có nghĩa rằng không có cách để tìm ra giải pháp. 

Một trong những phương pháp phổ biến nhất hiện nay là Liệu pháp Nhận thức – Hành vi. Họ sẽ phải học cách chuyển hóa những thông điệp về nỗi sợ hãi bằng những lời tự thoại tích cực hơn. Đồng thời, phương pháp này cũng mang đến những kỹ thuật giúp họ thư giãn và điều tiết cơn hoảng sợ tốt hơn (2).

Thuốc cũng có thể được kê đơn để giúp bạn kiểm soát nỗi sợ của mình. Tuy nhiên, nếu bạn là người ngại giao tiếp trước đám đông, bạn cần tránh lạm dụng vào thuốc để tránh những tác dụng phụ không đáng có. 

Đọc thêm: Luyện kỹ năng giao tiếp cho người hướng nội thế nào?

Làm sao để người ngại giao tiếp trước đám đông vượt qua nỗi sợ, tự tin hơn khi thuyết trình?

1. Học cách thấu hiểu bản thân mình

Thông thường, những bạn ngại giao tiếp trước đám đông có xu hướng suy nghĩ rằng ý kiến của mình sẽ không được đề cao. Thế nhưng thật ra đây chỉ hoàn toàn là trí tưởng tượng mà thôi. 

Hãy cứ mạnh dạn trình bày ý kiến của mình. Nếu quan điểm của bạn chưa quá xác đáng, bạn sẽ nhận lại được những đóng góp, phản hồi có tính xây dựng để cải thiện cách truyền đạt ý tưởng của mình hiệu quả hơn.

Một mẹo nhỏ là chuẩn bị một bình nước kế bên mình. Một ngụm nước nhỏ trước khi trình bày quan điểm, ý kiến có thể sẽ khiến bạn tự tin và bình tĩnh hơn rất nhiều. 

2. Chuẩn bị đề tài thuyết trình phù hợp

Càng hiểu rõ những điều mình chuẩn bị nói, người ngại giao tiếp trước đám đông sẽ càng ít mắc sai lầm hơn. Một cách thức để làm điều này nằm ở cách chuẩn bị đề tài thuyết trình phù hợp. 

Nếu lỡ “đi lạc”, bạn có thể tìm cách để quay về chủ đề nhanh chóng. Bạn cũng có thể dành một chút thời gian để xem xét những câu hỏi mà người nghe có thể hỏi, từ đó chuẩn bị sẵn sàng câu trả lời của mình.

Đọc thêm: Những bài thuyết trình Powerpoint ấn tượng

3. Luyện tập trước khi đến ngày thuyết trình chính thức

Có phải bạn sợ cảm giác ai đó nhìn chằm chằm vào bạn khi đang thực hiện bài thuyết trình?

Điều này hoàn toàn có thể được khắc phục dễ dàng ngay tại nhà qua phương pháp thực hành. Sau khi chuẩn bị xong nội dung thuyết trình, hãy nhờ những người gần gũi với bạn (người thân, bạn bè) làm khán giả. Có thế, bạn sẽ dần quen với việc giao tiếp qua ánh mắt và từ đó bớt cảm thấy lo lắng hơn.

cách cải thiện kỹ năng thuyết trình
© Freepik.com

Trong quá trình tập, chú ý đến cách thức mà bạn tương tác với người nghe: giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể; đặt câu hỏi cho người nghe tham gia vào nội dung thuyết trình. Tránh đặt câu hỏi có – không, mà nên đặt loại câu hỏi giúp liên tưởng đến câu trả lời:

  • Anh/chị nghĩ thử vì sao khách hàng lại cần đến những tính năng này?
  • Mọi người thấy tham gia sự kiện tuần tới sẽ tạo ra những cơ hội nào cho chúng ta?
  • Theo các bạn, điều gì dẫn đến lượt cài đặt tăng đột biến vào thứ 3 tuần trước?

Kết thúc mỗi lần tập, hãy hỏi những khán giả của bạn làm thế nào để bạn cải thiện vào lần tới. Bạn có thể ghi chú để lưu lại các kinh nghiệm này và xem lại trước khi buổi thuyết trình thật diễn ra.

4. Đừng quên tập hít thở sâu

Tưởng chừng là điều rất đơn giản, thế nhưng hít thở lại là phương pháp mà nhiều người vô tình bỏ qua. Chúng ta hít thở mỗi ngày, những lại quên mất việc hít thở sâu và đều trong những phút giây cảm thấy lo lắng hay bất an.

Trước những tình huống ngại giao tiếp trước đám đông, người mắc chứng Glossophobia nên tập hít thở đều. Điều này giúp nhịp tim của bạn dần ổn định và lượng máu tuần hoàn lên não cũng sẽ được cải thiện rõ rệt đấy.

5. Liệt kê và tìm giải pháp cho các nỗi lo của bạn

“Muốn bắt được cọp thì phải vào hang cọp”. Tương tự như thế, nếu muốn chấm dứt nỗi sợ, bạn không còn cách nào khác ngoài việc đối diện với nó. Điều này chắc chắn sẽ gây nên khó khăn, vì chúng ta thường có xu hướng né tránh cơn sợ hãi của mình để có cảm giác an toàn.

Hãy thử một lần bứt phá thông qua việc liệt kê tất cả những nỗi lo của bạn. Cứ thành thật với bản thân, rồi bạn sẽ đào sâu được những khía cạnh nỗi sợ của chính mình mà trước đây bạn vô tình ngó lơ. Sau khi đã liệt kê xong, hãy chia nhỏ để tìm giải pháp cụ thể cho từng vấn đề. Gỡ rối từng vấn đề nhỏ sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và an tâm hơn nhiều đấy!

6. Nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè

Như đã đề cập bên trên, người mắc hội chứng ngại giao tiếp trước đám đông chỉ muốn kết thân với bạn bè của mình. Nếu bạn cũng giống như thế thì đừng quá lo lắng, vì thật ra những người bạn ấy hoàn toàn có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ và dần tiến bước khỏi vùng an toàn. 

Đọc thêm: Cách Nói Chuyện Với Người Hướng Nội

7. Tạo lập mạng lưới kết nối nằm ngoài vùng an toàn của bạn

Hãy tham gia vào những sự kiện hay lớp học bên ngoài trường học/nơi làm việc, để giúp bạn tập làm quen với việc gặp gỡ và giao tiếp với người lạ.

Dần dần, bạn sẽ nhận ra việc gặp gỡ, trò chuyện cùng những người lạ cũng không có gì khó khăn như mình vẫn tưởng. Hơn nữa, khi bước ra khỏi vùng an toàn của mình, bạn lại còn có thêm cơ hội học hỏi những điều thú vị từ câu chuyện của mọi người.

8. Ngay trước khi thuyết trình, tập trung tư tưởng bản thân

Thật ra, bạn chỉ sợ thuyết trình vào khoảnh khắc chờ đợi chuẩn bị đến trước khi bắt đầu mà thôi. Đây là thời điểm mà bộ não cố nói với bạn, “Mọi người đang đánh giá tôi. Lỡ tôi thất bại thì sẽ như thế nào đây?” 

kỹ năng thuyết trình trước đám đông
© Freepik.com

Và chính xác ở thời điểm này, bạn có thể tái tập trung trí não của mình. Nhắc nhở bản thân rằng bạn ở đây để truyền tải những thông tin bổ ích đến khán giả của mình. Theo thời gian (thường là từ bốn đến sáu bài thuyết trình), não của bạn sẽ bắt đầu hiểu được điều đó và bạn sẽ bớt lo lắng hơn.

Đọc thêm: Luyện Kỹ Năng Thuyết Trình Hiệu Quả Trước Đám Đông

9. Hãy chủ động tương tác bằng ánh mắt 

Một trong những sai lầm lớn mà chúng ta thường mắc phải khi giao tiếp với mọi người chính là bỏ quên giao tiếp bằng ánh mắt. Trên thực tế, mỗi người trong khán phòng đều đang lắng nghe bạn. Vì thế, cách tốt nhất để kết nối với khán giả của mình là giao tiếp với họ qua ánh mắt.

Điều này thoạt đầu sẽ khó khăn, vì nhìn trực diện vào ánh mắt đôi khi sẽ gây ra cảm giác bất an và lo lắng. Thế nhưng bạn cũng nên nhớ rằng, những người ngồi ở đấy là những người kiên nhẫn và đang thực sự muốn lắng nghe bạn. Họ thấu hiểu sự lo lắng của bạn và sẽ cố gắng động viên bạn thông qua ánh mắt. Chuyển hướng suy nghĩ theo cách này có thể giúp bạn tự tin hơn và kết nối nhiều hơn với người nghe.

Kết

Tóm lại, ngại giao tiếp trước đám đông là một cản trở lớn trong cả cuộc sống lẫn công việc. Và đừng quá lo lắng, vì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bản thân thật tốt để luôn có thể tự tin giao tiếp tới tất cả mọi người. Đừng quên “dắt túi” những bí quyết giao tiếp mà Glints chia sẻ để mau chóng khắc phục hội chứng ngại giao tiếp trước đám đông của mình nhé! 

Nguồn tham khảo:

  1. Glossophobia (Fear of Public Speaking): Are You Glossophobic?
  2. Glossophobia or the Fear of Public Speaking.

Bài viết được đóng góp bởi Tania Le, Tien Tran.

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.4 / 5. Lượt đánh giá: 14

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X