×

Tư Duy Phân Tích Là Gì? Phát Triển Tư Duy Phân Tích Nhanh Nhạy Qua 6 Cách

Ngày đăng: 02/09/2023 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 30/08/2023

Trong bộ kỹ năng cần thiết dành cho ứng viên, nhân viên hay thậm chí cả nhà lãnh đạo, tư duy phân tích là một yếu tố luôn có mặt và có vai trò quyết định tới thành công. Cùng Glints tìm hiểu tư duy phân tích là gì và làm cách nào để rèn giũa kỹ năng này nhé.

1. Tư duy phân tích là gì?

Tư duy phân tích (analytical skill) là khả năng tổng hợp và chia nhỏ những thông tin phức tạp, từ đó tìm ra mối liên kết, quan hệ giữa các yếu tố đó để xác định vấn đề và giải pháp. Tư duy phân tích rất hữu ích trong việc xác định mối quan hệ nhân quả và mối liên hệ giữa hai yếu tố. 

Ví dụ, khi bạn phân tích một cuốn truyện để hiểu rõ hơn về chủ đề và thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt. Bạn sẽ đọc từng phần theo trình tự từ đầu đến cuối, sau đó phân tích tính cách, mối quan hệ của các nhân vật và tình tiết trong truyện qua cách đặt câu hỏi và tự móc nối chúng với nhau. Từ đó bạn dần hiểu được sự phát triển từng tình huống và những ngụ ý mà tác giả muốn người đọc cảm nhận qua từng câu chữ và bối cảnh trong truyện. 

tư duy phân tích là gì
Tư duy phân tích là gì?

2. Vai trò của analytical skill

Thế giới hiện đại, đặc biệt là trong thời đại VUCA hoặc BANI, đòi hỏi chúng ta khả năng suy nghĩ, ứng biến nhanh mà chính xác để có thể giải quyết vấn đề hiệu quả. Có thể thấy, tư duy và kỹ năng phân tích có vai trò quan trọng ở mọi giai đoạn trong cuộc đời, dù bạn vẫn là học sinh, mới ra trường hay đã trở thành một người nhiều kinh nghiệm.

Sở hữu tư duy này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có những điểm mạnh sau:

  • Bạn đang có kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần ở ứng viên: Khả năng phân tích giúp bạn biến những điều phức tạp trở nên đơn giản. Nếu bạn hướng tới các công việc như data analyst, đây sẽ là điểm không thể thiếu để bạn có được công việc và mức lương mong muốn. 
  • Sự nghiệp nhiều hứa hẹn: Khả năng tư duy phân tích sắc bén có thể coi là lằn ranh phân biệt giữa một nhân viên bình thường và một nhân viên nắm giữ nhiều khả năng thăng tiến. Để đi lên các vị trí senior hoặc quản lý cấp cao, bạn cần có tư duy phân tích tốt để xác định vấn đề và xử lý chúng một cách khéo léo. 
  • Phát triển bản thân: Không chỉ trong mặt công việc, mà óc phân tích nhạy bén cũng giúp ích cho bạn rất nhiều trong cuộc sống. Bạn không chỉ thích ứng với hoàn cảnh tốt hơn mà còn có thể đối mặt với các vấn đề phức tạp một cách bình tĩnh hơn.

3. Tư duy phân tích và tư duy phản biện có giống nhau?

Thoạt nghe, tư duy phân tích và tư duy phản biện khá giống nhau. Không ít người cũng hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Tuy nhiên sẽ có những điểm khác biệt nhất định như sau:

3.1. Cách áp dụng thực tế vào tư duy

Hai kiểu tư duy đều sử dụng các sự kiện thực tế, thông tin, sự thật (fact) để đánh giá vấn đề. Tuy vậy, tư duy phân tích sẽ sử dụng thông tin để hỗ trợ luận điểm, bằng chứng mà họ có. Còn tư duy phản biện lại dựa trên sự thật đã có sẵn để hình thành ý kiến hoặc ý tưởng, cũng như xác định xem ý tưởng đó có hợp tình hợp lý hay không.

3.2. Mục đích

Mục đích của tư duy phân tích là gì? Khả năng phân tích rất có ích trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp và brainstorm các ý tưởng. Nó cũng đem lại lợi ích khi bạn cần thu thập và phân tích một chuỗi thông tin mới.

Trong một số trường hợp, tư duy phản biện (critical thinking) lại hữu ích hơn khi bạn muốn bảo vệ luận điểm của mình. Bạn có thể sử dụng tư duy này để hiểu điều gì thúc đẩy bạn và xác định mục tiêu của bạn.

Phân biệt tư duy phân tích và phản biện
Phân biệt tư duy phân tích và phản biện.

3.3. Quá trình suy nghĩ

Một điểm khác biệt nữa của tư duy phân tích và tư duy phản biện là hướng suy nghĩ khi đánh giá thông tin. Nếu tư duy phân tích có xu hướng tập trung và tuyến tính thì tư duy phản biện lại đi theo hướng vòng tròn.

Ví dụ, nếu bạn suy nghĩ theo hướng phân tích, bạn sẽ chuyển trực tiếp và thẳng sang ý tưởng khác sau khi đã phân tích xong một ý trước đó. Nếu bạn suy nghĩ theo hướng phản biện, bạn sẽ xoay quanh một ý tưởng nhất định cho đến khi đưa ra được kết luận.

Những người có tư duy phản biện thường xem xét các quan điểm khác nhau, còn những người có tư duy phân tích lại áp dụng logic và lý luận của riêng họ vào các tình huống.

4. Cách cải thiện tư duy phân tích của bạn

4.1. Đọc nhiều hơn

Khả năng phân tích hiệu quả yêu cầu sự tỉnh táo và kích thích từ bạn. Và việc đọc thường xuyên hơn sẽ giúp đầu óc bạn luôn hoạt động, thúc đẩy trí óc của bạn suy nghĩ theo những cách mới và khuyến khích bạn nhìn nhận các ý tưởng khác nhau.

Đọc thêm: 7 Bước Cải Thiện Kỹ Năng Đọc Để Việc Đọc Không Còn “Nhàm Chán”

4.2. Phát triển kỹ năng toán học

Toán không phải là môn học yêu thích của nhiều bạn, tuy nhiên nó lại giúp phát triển tư duy phân tích rất tốt. Đó là bởi toán học bao gồm quá trình giả từng phép tính và áp dụng các nguyên lý để tìm ra đáp án.

Luyện giải nhiều bài toán sẽ nâng cao khả năng logic và giải quyết vấn đề hiệu quả.

tư duy phân tích và tổng hợp
Học toán để nâng cao tư duy phân tích và tổng hợp.

4.3. Chơi game “hack” não

Những trò chơi rèn luyện trí não là phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả. Một số game như Sudoku, giải câu đố, điền ô chữ cũng sẽ hỗ trợ bạn đánh giá các tình huống từ nhiều góc độ và rèn giũa khả năng phân tích thông tin.

4.4. Học những điều mới

Mở rộng kiến thức sẽ giúp bạn cải thiện tư duy phân tích đáng kể. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, nhiều bạn trở nên thụ động hơn trong việc tiếp thu những kiến thức mới. Vậy nên để tránh trở nên “lì” với việc học, bạn không nhất thiết phải đèn sách như những năm ngồi ghế nhà trường.

Thay vào đó, bạn hãy tiếp cận với những điều làm bạn hứng thú hoặc thu hút bạn nhưng chưa có thời gian tìm hiểu. Ví dụ như tham gia các khoá học design, khoá học tâm lý học, khoá học marketing, v.v.

Biết càng nhiều và càng sâu, bạn càng có thêm nhiều cách và hướng tiếp cận với các vấn đề. 

4.5. Quan sát kỹ hơn

Chú ý đến chi tiết và trở nên tinh ý hơn là cách để cải thiện kỹ năng phân tích của bạn. Thường xuyên sử dụng các giác quan và hòa mình vào thế giới xung quanh sẽ giúp bạn trau dồi kỹ năng phân tích của mình.

Hãy để ý đến sự kết nối của những yếu tố, đối tượng ở thế giới bên ngoài để bạn có thể nhận ra cách mọi thứ hoạt động và liên kết với nhau.

4.6. Đặt câu hỏi nhiều hơn

Giữ cho mình một sự tò mò nhất định sẽ giúp bạn thu về những quan điểm đa dạng, cho phép bạn so sánh ý kiến ​​của mình với ý kiến ​​của người khác.

Đôi khi những câu hỏi bạn đưa ra sẽ dẫn bạn đến một câu trả lời khác với dự kiến ​​ban đầu. Đây là “chuyện thường ở huyện” trong bất kỳ tình huống yêu cầu kỹ năng giải quyết vấn đề nào, giúp trí óc của bạn chủ động suy nghĩ mang tính phân tích nhiều hơn.

Đọc thêm: Tư Duy Chiến Lược Là Gì? Tại Sao Cần Có Tư Duy Chiến Lược?

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4 / 5. Lượt đánh giá: 1

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X