×

7 Bước Cải Thiện Kỹ Năng Đọc Để Việc Đọc Không Còn “Nhàm Chán”

Ngày đăng: 13/02/2023 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 09/03/2023

Sự phổ biến của điện thoại thông minh và những tiện ích chỉ có trên thiết bị điện tử ngầm làm việc đọc sách trở nên “mất thời gian” trong mắt nhiều người. Dù bạn tin hay không, chính tác giả cũng giật mình khi nhìn lại hình ảnh cặm cụi đọc sách ngày xưa của mình và so sánh với thời điểm hiện tại, khi mà hoạt động đọc chỉ thường diễn ra trên điện thoại, máy tính (phần lớn là cho mục đích giải trí).

Bỏ qua vấn đề mạng xã hội, có những bạn đọc sách để mở mang đầu óc nhưng lại không thể tập trung cao độ và cũng không có hứng thú với nội dung ở trước mắt mình. Kỹ năng đọc này đã được chúng ta làm quen và luyện tập từ nhỏ. Nhưng để đọc thật sự “vào” và “ngấm”, chúng ta phải làm thế nào?

Trước tiên, kỹ năng đọc là gì?

Đọc là khả năng tiếp nhận thông tin qua con chữ và hiểu hàm ý được truyền tải qua nội dung đó. Kỹ năng mềm này giúp chúng ta tiếp nhận thông tin, lĩnh hội kiến thức, biến những khám phá mới thành kinh nghiệm, tri thức riêng của bản thân để có thể áp dụng vào các bối cảnh nhất định.

Kỹ năng đọc là gì
Kỹ năng đọc là khả năng tiếp nhận và hiểu thông tin từ các tài liệu, sách vở.

Những người có kỹ năng đọc tốt thường có khối tri thức rất rộng. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy những người thích đọc thường lắng nghe tốt hơn, có tư duy thông thái hơn và biết quản lý cảm xúc hơn.

Nhiều khi chúng ta muốn học hỏi từ tấm gương những người hay đọc sách, nhưng sao ta lại không thể tập trung được như họ? Có phải do kỹ năng đọc của ta còn kém hay không?

7 cách cải thiện kỹ năng đọc hiệu quả

Mỗi người có một cách học hỏi khác nhau. Chẳng hạn như street smart học qua kinh nghiệm, hoạt động thực tiễn, còn book smart học hỏi qua trang sách, kiến thức học thuật. Tuy vậy, việc đọc sách sẽ luôn là kỹ năng có tầm quan trọng vượt thời gian.

Nên nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng đọc của mình, hay là cùng thử các cách mà Glints đã tổng hợp sau nhé?

1. Đừng cố đọc những thứ bạn không hứng thú

Bạn thà tắt TV đi ngủ còn hơn phải xem một phim dở. Bạn ngừng ăn vì đồ ăn không hợp khẩu vị. Bạn “unfollow” một tài khoản trên mạng xã hội vì nội dung của họ không có ích gì cho bạn hoặc làm bạn ngán ngẩm vì không hợp tần sóng.

Trong đọc sách cũng vậy. Khi bạn thử đọc nội dung nào đó nhưng cảm thấy nó trái ngược với sở thích hoặc kỳ vọng của mình, có thể bạn nên dừng đọc quyển sách đó. Có cố đọc đến đâu thì khả năng bạn nhớ được nội dung của nó cũng rất thấp.

1. Đừng cố đọc sách bạn không hứng thú
Hãy tìm đến những chủ đề bạn thích để đọc được nhiều và sâu hơn.

Hãy tìm đến những cuốn sách hoặc tài liệu có chủ đề mà bạn hứng thú, đã có một chút kiến thức nền về nó và thật sự muốn tìm hiểu sâu hơn.

Đọc thêm:

2. Dành thời gian đọc mỗi ngày

“Trước lạ sau quen”. Nếu việc đọc nhiều hơi cồng kềnh với bạn, bạn có thể bắt đầu bằng 10 trang sách mỗi ngày, hoặc dành ra 10-15 phút để nghiền ngẫm một vài trang mỗi tối. Nghiên cứu của đại học Sussex cho thấy 6 phút đọc mỗi ngày có thể giảm mức độ stress đến 68%. Người đọc cũng sẽ thư giãn tinh thần hơn và trở nên bình tĩnh hơn.

Bạn có thể đọc tin thời sự, tiểu thuyết, truyện trinh thám, sách tâm lý, sách kỹ năng sống, v.v, tuỳ vào sở thích của mình. Khi bạn đã quen đọc hơn, bạn có thể tăng thời gian đọc và số trang đọc lên theo thời gian.

3. Để sách ở nơi bạn dễ nhìn thấy

Đây là một mẹo cải thiện kỹ năng đọc hiệu quả dù mới nghe qua, không ít bạn chắc sẽ nghĩ nó hơi kỳ quặc. Nhưng thực tế thì, khi bạn đã không hay đọc sách, việc cất sách quá kỹ còn tạo điều kiện để bạn “vô tình” quên đi lịch trình đọc sách mỗi ngày mà bạn đã đặt ra ở trên.

Vậy nên đặt sách ở nơi bạn dễ nhìn sẽ vô hình chung thúc đẩy bạn cầm lên và đọc nó.

kỹ năng đọc hiệu quả
Hãy đặt sách tại nơi bạn dễ nhìn để thôi thúc việc đọc nhiều hơn.

4. Đọc tổng thể rồi đến chi tiết

Scanning thực chất là một trong các phương pháp đọc mà bạn được làm quen trong thời gian học tập. Nếu bạn đang học cách phát triển 4 kỹ năng tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng đọc để thi IELTS, bạn sẽ hiểu cách “quét” văn bản này.

Với việc đọc sách, bạn có thể nhìn qua phần tiêu đề, mục lục, lời chú thích, v.v, để có thể mường tượng được nội dung chính trước khi bắt đầu đọc, sau đó mới đi vào đọc phần chi tiết. Cách này giúp bạn không bị lạc lối trong chính khối kiến thức mà bạn sắp thu nạp.

5. Vừa đọc vừa ghi chú

Việc ghi chú, đánh dấu lại những thông tin quan trọng khi đọc là cách cải thiện khả năng đọc rất tốt.

Ví dụ nếu bạn đọc sách ngoại văn, bạn có thể dùng bút nhớ highlight lại các câu bạn thấy hay hoặc các ngữ pháp, từ vựng mới.

Các loại sách khác cũng vậy. Bạn có thể mua giấy note theo màu và phân loại để khi bạn đánh dấu các trang hay các đoạn có nội dung cần ghi nhớ, bạn sẽ không bị nhầm lẫn.

Vừa đọc vừa ghi chú
Nhớ ghi chú lại những phần bạn muốn nhớ khi đọc.

Mặt khác, bạn vừa cải thiện khả năng viết vừa rèn luyện kỹ năng ghi chú. Không phải một mũi tên trúng hai đích hay sao?

Đọc thêm: Cải Thiện “Não Cá Vàng” Với 9 Phương Pháp Ghi Nhớ Đỉnh Cao

6. Tóm tắt lại những gì bạn đã đọc

Bằng cách tóm tắt nội dung sau khi kết thúc việc đọc, bạn đang khuyến khích bản thân ghi nhớ các chi tiết quan trọng và chủ đề chính bằng chính cách hiểu và góc nhìn của mình. Bạn cũng có thể thử chia sẻ thông tin bạn tóm tắt được với người khác, chẳng hạn như bạn bè, để ghi nhớ nội dung kỹ hơn.

Bạn có biết truyền đạt, hướng dẫn người khác với thông tin mình đọc được là một cách ghi nhớ rất hiệu quả không?

7. Tham khảo lựa chọn của người truyền cảm hứng cho bạn

Nếu bạn có một người mà bạn rất nể và muốn học tập, bạn có thể xin một số gợi ý sách từ họ, nếu họ là những người hay đọc sách. Nếu cuốn sách nào đó có thể “thay đổi cuộc đời” một người, bạn có thể tham khảo những đầu sách này.

Tham khảo lựa chọn của người truyền cảm hứng cho bạn
Bạn có thể tham khảo các gợi ý sách từ người mà bạn kính nể.

Rất có thể bạn sẽ tìm được cuốn sách yêu thích của mình. Kể cả khi không hợp đọc những gợi ý này, bạn cũng có thêm tiêu chí để xác định được chủ đề và kiểu sách mà mình thích.

Tạm kết

Kỹ năng đọc là một phần thiết yếu trong bộ kỹ năng mềm, giúp ích cho quá trình làm việc, học hỏi và trưởng thành của mỗi người. Không phải ngẫu nhiên mà sách được coi là nguồn tài nguyên tri thức quý giá không thể thay thế. Nên hãy luyện tập kỹ năng đọc hiểu của mình để không bỏ qua những kiến thức quý giá đang chờ đợi bạn khám phá nhé.

Đừng quên đến với Glints để được cập nhật các bài viết hữu ích nhất.

Tham khảo:

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.5 / 5. Lượt đánh giá: 13

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X