×

Nhân Viên Mới Nên Làm Gì Và Những Điều Nhất Định Phải Biết

Ngày đăng: 15/07/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 06/12/2022

Bạn đã xuất sắc vượt qua được vòng phỏng vấn và trở thành nhân viên chính thức của một công ty nhưng không biết bước tiếp theo nên làm gì?

Thay đổi công việc mới, môi trường mới làm bạn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn?

Trên cương vị là một người mới đến, bạn không biết rằng nhân viên mới nên làm gì, giao tiếp như thế nào để hòa nhập với mọi người?

Nếu bạn thuộc một trong những trường hợp trên, thì đây chính là bài viết dành cho bạn. Glints Việt Nam sẽ chia sẻ với bạn tất cả những kinh nghiệm mà một nhân viên mới nên biết. Cùng tìm hiểu thôi nào.

Nhân viên mới nên làm gì?

1. Tuân thủ nội quy chung của công ty

Bất kỳ công ty nào cũng có những nội quy, quy định chung mà cả nhân viên cũ và nhân viên mới đều phải tuân theo. Hãy tuân thủ những nội quy công ty như đi làm đúng giờ, đồng phục chuẩn, sắp xếp đồ đạc gọn gàng,… 

Trong những ngày đầu tiên, khối lượng công việc giao cho bạn chưa được nhiều như những người khác. Do đó cấp trên, đồng nghiệp sẽ có rất ít cơ sở để đánh giá bạn. 

Chính vì vậy, việc tuân thủ nội quy công ty là một trong những cơ sở đầu tiên giúp họ bước đầu đánh giá bạn.

2. Tìm hiểu về văn hóa công ty

Ngoài những quy chế, quy định đã được ban hành rõ ràng bằng văn bản trong công ty. Tin chắc rằng, mỗi công ty đều có những cách ứng xử, văn hóa riêng của mình như cách xưng hô trong giao tiếp, cách ứng xử, tác phong,…

Hãy tìm hiểu văn hóa công ty bằng cách quan sát những người xung quanh bạn. Giao tiếp, bắt chuyện với mọi người cũng là một cách vừa giúp bạn tìm hiểu được văn hóa công ty, vừa giúp bạn cởi mở, dễ hòa nhập với những người cũ hơn.

3. Có kế hoạch và biết cách sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên

Khi bạn bắt đầu được giao nhiều công việc hơn, hãy cho thấy bản thân mình tuy là một nhân viên mới nhưng có thái độ chuyên nghiệp bằng cách sắp xếp công việc một cách hợp lý.

Bởi một người nhân viên giỏi không chỉ là một người hoàn thành tốt các công việc được giao, mà còn phải biết quản trị thời gian, lập kế hoạch công việc cá nhân.

Trước khi bắt tay vào công việc, hãy sắp xếp công việc theo thứ tự quan trọng, ưu tiên, chỉ tiêu thời gian hoàn thành,…. và bắt đầu làm việc theo trình tự.

nhân viên mới nên làm gì
Biết quản trị thời gian và sắp xếp công việc là điều nhân viên mới nên có.

4. Luôn hoàn thành công việc tốt nhất

Ở bất kỳ ngành nghề, công việc nào cũng vậy, hiệu quả công việc sẽ là cơ sở rõ ràng nhất để cấp trên và đồng nghiệp đánh giá bạn.

Vì vậy, hãy cố gắng hoàn thành mọi công việc được giao một cách không chỉ tốt, mà phải tốt nhất trong khả năng của bạn.

Dù là những công việc nhỏ nhặt như photo, nhập liệu, đánh văn bản,…. nếu không tập trung tối đa, việc xảy ra những sai sót rất có khả năng xảy ra. Bạn cũng sẽ không muốn bị mất điểm trong mắt đồng nghiệp và cấp trên bởi những sai sót không đáng có này đúng không nào?

5. Xây dựng hình chuyên nghiệp

Nếu trong mắt cấp trên và đồng nghiệp, bạn không có một hình ảnh chuyên nghiệp như thường xuyên cười đùa, sử dụng điện thoại trong giờ làm việc,… Mặc dù cho bạn có hoàn thành tốt công việc tốt cách mấy, con đường thăng tiến trong tương lai cũng rất khó.

Và dĩ nhiên, hình ảnh chuyên nghiệp của bạn không thể xây dựng trong một thời gian ngắn. Do đó, hãy bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên.

6. Chủ động đặt câu hỏi và đề xuất ý kiến

Đừng bởi vì mình là một nhân viên mới mà ngần ngại trong việc đề xuất ý kiến mang tính xây dựng.

Dù ý kiến của bạn có được tán thành hay không, thì việc bạn chủ động đề xuất ý kiến cũng đã giúp bạn ghi được một dấu ấn tốt trong mắt mọi người.

Cũng đừng ngần ngại đặt ra câu hỏi nếu trong quá trình làm việc bạn gặp phải những khó khăn, trở ngại. Bởi vì bạn là nhân viên mới nên chắc chắn mọi người sẽ thông cảm và giúp bạn giải đáp.

nhân viên mới nên ứng xử ra sao
Chủ động đề xuất ý kiến sẽ giúp bạn tạo được dấu ấn tốt trong mắt đồng nghiệp và cấp trên.

7. Luôn lắng nghe và quan sát

Lắng nghe và quan sát chính là một trong những chìa khóa giúp bạn dễ thở hơn trong môi trường công việc. Việc lắng nghe và quan sát những người xung quanh mình sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn. 

Có thể bạn sẽ học hỏi hoặc sáng tạo được phương thức làm việc hiệu quả từ cách quan sát hoặc lắng nghe phương thức làm việc đồng nghiệp hoặc cấp trên.

8. Cần để ý đến những câu hỏi và lời sếp nói

Trong những cuộc họp hoặc những buổi trao đổi riêng, những câu sếp hỏi hoặc những lời sếp nói chính là chìa khóa dẫn đến thành công cho bạn trong công việc.

Bởi những gì họ trao đổi với bạn sẽ là những gì họ kỳ vọng, mong muốn ở bạn hoặc là định hướng của công ty trong tương lai.

Khi đã hiểu được những gì sếp đã hỏi hoặc nói với bạn, thì việc phát triển ưu thế của bản thân theo những gì sếp kỳ vọng chính là bước đệm rất lớn cho công việc. Đây cũng là một cách lấy lòng sếp bạn nên chú ý.

9. Giữ thái độ khiêm tốn

Khi hoàn thành tốt công việc và được đồng nghiệp cấp trên, đồng nghiệp tán thưởng, hãy giữ mình một thái độ thật khiêm tốn. Điều này không có nghĩa rằng bạn e dè, từ chối những lời tán thưởng ấy.

Nhưng nếu có thái độ quá tự tin, bạn sẽ trở nên tự cao. Điều này sẽ khiến những người khác có cái nhìn không hay về bạn.

10. Thể hiện thái độ cầu tiến trong công việc

Một người nhân viên giỏi sẽ không chấp nhận sự dậm chân mãi một chỗ. Hãy cho mọi người thấy được sự kiên quyết, cầu tiến trong công việc của bạn như cách bạn đã trình bày về kế hoạch phát triển bản thân trong buổi phỏng vấn.

Có một thái độ cầu tiến sẽ giúp cấp trên đánh giá được cách làm việc của bạn và con đường sự nghiệp của bạn trong tương lai cũng có thể mở rộng và phát triển hơn.

11. Tham gia các hoạt động tập thể của công ty

Nhân viên mới nên làm gì để hòa nhập hơn? Cách nhanh nhất để kéo gần khoảng cách giữa nhân viên cũ và nhân viên mới chính là tham gia các hoạt động tập thể của công ty.

Từ các trò chơi, những cuộc họp, nói chuyện,… bạn vừa có thể thu thập được thêm nhiều thông tin hơn về công ty cũng như công việc. Bạn vừa có thể nhân cơ hội này để hòa nhập, làm thân với mọi người một cách tự nhiên.

Đọc thêm: Team Building Là Gì? Tất Tần Tật Về Hoạt Động Team Building Tại Glints Việt Nam

12. Thân thiện và quan tâm đến đồng nghiệp

Sự thân thiện và quan tâm luôn là cầu nối tốt nhất giữa con người với con người bất kể trong trường hợp nào, trong môi trường công việc cũng không hề ngoại lệ.

Những hành động thân thiện và quan tâm đồng nghiệp như lấy giúp họ một cốc nước khi cần, photo tài liệu giúp họ, mở cửa giúp họ,…. tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại hiệu quả một cách tự nhiên giúp bạn kéo gần hơn khoảng cách giữa nhân viên mới và nhân viên cũ.

Nhân viên mới không nên làm gì?

Nếu những điều nhân viên mới nên làm gì ở trên sẽ giúp bạn có thể kéo gần khoảng cách, dễ dàng hòa nhập hơn với những nhân viên cũ, thì những điều sau sẽ làm bạn mất điểm, hay nghiêm trọng hơn là bị mọi người xa lánh, đánh giá thấp.

Hãy lưu ý những điều sau đây nhé.

1. Không chịu tìm hiểu về văn hóa công ty

Đây là sai lầm mà rất nhiều nhân viên mới phạm phải trong những ngày đầu tiên đi làm. Bất kỳ công ty nào cũng sẽ có văn hóa riêng về cách xưng hô, ứng xử, giao tiếp, giờ giấc,…

Chắc hẳn, chính bạn cũng sẽ cảm thấy khó chịu khi có người đến gia đình bạn nhưng lại cư xử không theo những thói quen mà từ trước đến nay gia đình bạn vẫn luôn tuân thủ đúng không nào?

2. Không tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện của công ty

Các khóa huấn luyện và đào tạo của công ty không chỉ là nơi công ty sẽ đào tạo cho bạn các nghiệp vụ cũng như kỹ năng cần thiết cho công việc, mà còn giúp bạn gặp gỡ và giao lưu với các đồng nghiệp khác.

Việc không tham gia sẽ khiến bạn mất đi cơ hội hòa nhập với những đồng nghiệp khác. Đồng thời cũng làm cấp trên đánh giá xấu về thái độ và sự chuyên cần của bạn trong công việc.

3. Không thân thiện và chủ động giao tiếp với đồng nghiệp

Sự thân thiện và giao tiếp với những đồng nghiệp xung quanh bạn chính là cách nhanh nhất để hòa nhập với cộng đồng nhân viên cũ, kéo gần hơn khoảng cách giữa bạn và họ. Nếu không giao tiếp, khoảng cách giữa bạn và họ sẽ không thể nào được kéo gần.

Ngoài ra, thông qua giao tiếp với đồng nghiệp bạn hoàn toàn có thể nắm bắt thêm nhiều thông tin trong công việc. Do đó, nếu không chủ động giao tiếp, bạn sẽ rơi vào trường hợp mù mờ thông tin và rất dễ phạm phải những sai lầm không đáng.

nhân viên mới không nên làm gì
Nếu không thân thiện và giao tiếp với những người xung quanh, bạn sẽ rất khó có thể hòa nhập với mọi người.

4. Không tuân thủ nội quy công ty

Một trong những yếu tố cơ bản để đánh giá về thái độ làm việc cũng như sự chuyên nghiệp của một nhân viên chính là sự tuân thủ nội quy công ty.

Ở vị trí một nhân viên mới, bạn càng cần phải chấp hành và tuân thủ nội quy của công ty hơn bao giờ hết.

Đừng cố gắng trở nên khác biệt qua những bộ trang phục quá lòe loẹt, thời trang, hay đi trễ về sớm, không đúng giờ giấc quy định của công ty. Điều này sẽ làm cho bạn mất rất nhiều thiện cảm của đồng nghiệp và cấp trên.

5. Không chủ động trong công việc

Không giống như còn ngồi ở ghế nhà trường – nơi mà bạn chỉ thực hiện công việc khi được giáo viên giao phó. Trong môi trường làm việc thực tế, sẽ có lúc không có ai phân rõ công việc, trách nhiệm cho bạn.

Do đó, hãy tập cho mình thói quen chủ động. Nếu có công việc phát sinh nằm trong phạm trù công việc và khả năng của bạn, hãy hoàn thành nó, đừng chờ đợi người khác sẽ giải quyết thay cho bạn.

6. Đề xuất thay đổi quá sớm

Quy trình, quy định và cách vận hành của mỗi công ty không phải được thành lập trong một thời gian ngắn, mà phải qua một quá trình, một thời gian dài. 

Do đó, nếu bạn nhìn thấy những sai lầm, thiếu sót trong bộ máy vận hành công ty thì hãy chậm lại chút. Bởi khi là một nhân viên mới, bạn chưa có quá nhiều thông tin, kiến thức, chưa hiểu rõ nhiều về quy trình vận hành của công ty. 

Vì vậy, đừng vội vã đề xuất những thay đổi quá sớm bởi lời đề xuất thay đổi của bạn có thể lại là một lời xúc phạm đến đồng nghiệp hoặc cấp trên.

7. Nói xấu cấp trên hoặc đồng nghiệp

Dù trong bất kỳ trường hợp hay hoàn cảnh nào, việc nói xấu người khác chưa bao giờ được hoan nghênh và khuyến khích. Ở môi trường công việc cũng như vậy, đặc biệt khi bạn còn là một nhân viên mới.

Hãy nghĩ đến hậu quả khi một lời nhận xét, một câu nói không tốt đến tai người mà bạn đã nói trước khi nói. 

Và đương nhiên, cũng không có ai muốn trở thành người tiếp theo trở thành người xấu trong câu chuyện của bạn. Do đó, việc này có thể dẫn đến hậu quả mọi người sẽ xa lánh bạn.

nhân viên mới không nên nói xấu đồng nghiệp
Việc bạn nói xấu cấp trên hoặc đồng nghiệp có thể khiến cho những người khác xa lánh bạn.

Những khó khăn thường gặp của nhân viên mới

Mặc dù đã chuẩn bị tốt mọi việc, tuy nhiên, trên thực tế có nhiều việc sẽ không đi theo kế hoạch và mong muốn của bạn. Việc thay đổi một môi trường mới, chung quy vẫn mang lại rất nhiều khó khăn khiến bạn căng thẳng, stress, mất cân bằng.

Do đó, hãy chuẩn bị cho mình một tinh thần thật vững vàng để đối đầu với những khó khăn sau đây.

Khó khăn trong việc thích nghi môi trường mới

Khó khăn trong việc tiếp nhận văn hóa công ty

“Sốc văn hóa” có lẽ là vấn đề lớn nhất mà nhân viên mới nào cũng gặp phải, đặc biệt với các bạn sinh viên lần đầu tiên đi làm. 

Dù đã được giới thiệu trước đó trong buổi phỏng vấn hoặc trong buổi đầu tiên đi làm thì việc đã quen với những thói quen, nề nếp ở môi trường cũ khiến bạn khó có thể tiếp thu và thay đổi trong một khoảng thời gian ngắn.

Khó khăn trong quản lý thời gian

Mỗi công ty sẽ có quy định riêng về giờ giấc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi,…. Điều này có thể sẽ khiến bạn phải thay đổi những thói quen trong sinh của mình để phù hợp với các quy định của công ty. 

Đồng thời bạn cũng phải quản lý thời gian của mình sát sao hơn để hoàn thành các công việc được giao một cách tối ưu.

Khó khăn trong giao tiếp và xây dựng mối quan hệ

Nếu ở môi trường làm việc cũ bạn đã có mối quan hệ thân thiết với những đồng nghiệp cũ, thì ở môi trường mới bạn phải xây dựng những mối quan hệ lại từ đầu.

Điều này gây ra rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những người hướng nội và ngại giao tiếp.

Đọc thêm: Luyện kỹ năng giao tiếp cho người hướng nội thế nào? 

Khó khăn khi tiết chế bản thân

Khó khăn này thường gặp phải ở những người có cái tôi cao và có cá tính mạnh. Ở môi trường làm việc, bạn không nên thể hiện cái tôi quá lớn của mình mà phải giữ phong thái chuyên nghiệp. Điều này khiến cho rất nhiều người cảm thấy bức bối.

Khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin 

Trở thành một nhân viên mới đồng nghĩa với việc bạn phải tiếp nhận và cập nhật thêm rất nhiều thông tin mới bao gồm các tài liệu liên quan đến công ty, quy định của công ty, tài liệu liên quan đến công việc,…. Điều này có thể khiến bạn bị quá tải và xảy ra sơ sót.

Khó khăn trong tiếp nhận công việc mới

Trong thời gian đầu, khi chưa chứng minh được nhiều về khả năng cũng như hiệu quả công việc, rất có thể bạn chỉ được giao những nhiệm vụ nhỏ nhặt, cơ bản và không liên quan đến công việc chuyên môn.

Lúc này bạn đừng vội chán nản và nghi ngờ bản thân, hãy cố gắng hoàn thành hết các công việc được giao một cách xuất sắc nhất để chứng tỏ năng lực của bản thân. Hoặc bạn cũng có thể yêu cầu cấp trên giao thêm nhiều việc hơn cho bạn.

Mặt khác, cũng có nhiều trường hợp nhân viên mới bị giao quá nhiều công việc. Trong đó có nhiều công việc vượt qua ngoài kiến thức và kinh nghiệm của họ. Nếu như trong trường hợp này, đừng ngần ngại lên tiếng yêu cầu sự giúp đỡ của cấp trên và đồng nghiệp.

Đọc thêm: 10 Bí Kíp Tạo Ấn Tượng Tốt Ngay Ngày Đầu Tiên Đi Làm

Kết luận

Bắt đầu với một công việc mới đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thử thách mới. Nhưng hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý thật tốt, thật tích cực để sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách.

Hi vọng với bài viết bên trên, Glints Việt Nam có thể giúp bạn có thêm kinh nghiệm cũng như sự chuẩn bị cần thiết cho câu hỏi nhân viên mới nên làm gì?

Chúc bạn thành công với công việc mà mình đã chọn. Đừng quên tiếp tục theo dõi Glints Việt Nam để cập nhật thêm những bài viết và thông tin hữu ích nhé.

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4 / 5. Lượt đánh giá: 6

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X