×

Devops Là Gì? Những Tố Chất Để Trở Thành Một Kỹ Sư Devops Chuyên Nghiệp

Ngày đăng: 20/01/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 23/08/2023

Khi đọc những bản mô tả công việc của các vị trí Lập trình/Phát triển sản phẩm, có lẽ bạn sẽ thường bắt gặp thuật ngữ DevOps, thậm chí cả chức danh công việc đặc biệt như Kỹ sư DevOps. Vậy khái niệm mới DevOps này là gì?

Thực ra, thuật ngữ DevOps chỉ mới ra đời gần đây; trong bối cảnh các công ty công nghệ đang chạy đua phát triển sản phẩm với tốc độ chóng mặt. 

Hãy cùng Glints giải mã thuật ngữ Devops này và tìm hiểu công việc đặc biệt của một kỹ sư DevOps tại nội dung sau nhé!

DevOps là gì?

DevOps là sự kết hợp giữa Development (Dev) và Operations (Ops), trong đó Dev là khâu phát triển, Ops là khâu vận hành. 

Theo Collab Net Version One, DevOps là tư duy làm việc khuyến khích giao tiếp; hợp tác; tích hợp và tự động hóa giữa các lập trình viên (developers) và nhóm vận hành công nghệ (IT operation team: kỹ sư hệ thống; nhân viên bảo mật; kỹ sư mạng; kỹ sư hạ tầng;…). 

devops là gì
© Unsplash.com

DevOps tượng trưng cho một văn hóa làm việc mới – trong đó cả bộ phận Dev lẫn Ops kết hợp làm việc cùng nhau, thay vì hoạt động như từng đội ngũ riêng lẻ.

Cụ thể, DevOps cho phép kỹ sư ở cả hai khâu phát triển phần mềm (Dev) với vận hành phần mềm (Ops) được thống nhất thành một đội ngũ, cùng làm một sản phẩm, cùng hiệu chỉnh sản phẩm ngay-lập-tức. 

Chính điều này giúp chu trình phát triển sản phẩm được tối ưu hóa và rút ngắn thời gian ra mắt; cũng như đảm bảo khâu vận hành bài bản, nhanh chóng hơn.

Đọc thêm: Software Engineer là gì? Ngành kỹ sư phần mềm có những lĩnh vực nào?

DevOps vận hành như thế nào?

Mục tiêu quan trọng của DevOps là cải thiện tốc độ ra mắt sản phẩm/tính năng mới cùng chất lượng của chúng; hay rút ngắn vòng đời phát triển sản phẩm. Vậy phát triển sản phẩm là gì và các hoạt động cốt lõi của Devops là gì để đạt được điều này? 

Trong mô hình hoạt động truyền thống trước đây, vì quá trình hoạt động của hai đội ngũ sẽ tách rời, độc lập. Bạn có thể tưởng tượng như sau: Phía Dev hoàn thành sản phẩm sẽ đưa Ops vận hành, nếu có lỗi Ops sẽ chuyển lại cho Dev hoặc tự xử lý. Điều này dẫn đến tốn rất nhiều thời gian, hao chi phí, và quá trình hợp tác không suôn sẻ.

quy trình vận hành của devops

Với sự trợ giúp của mô hình hoạt động mới – DevOps, có thể nói đây là then chốt giúp giải phóng sự “cô lập” nghiệp vụ cho các đội ngũ vận hành bên trong. Các kỹ sư giữa các đội ngũ riêng biệt này giờ đây đã thành một.

Họ cùng đồng hành là việc xuyên suốt toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ khâu thiết kế, phát triển, thử nghiệm, đến khâu phát hành và sản xuất.

Sau xây dựng mã hiệu (code) – thử nghiệm – triển khai, các kỹ sư DevOps sẽ ưu tiên sử dụng các công cụ, phần mềm để tạo ra hệ thống tự động hóa (Automation). 

Nếu phát hiện ra lỗi phần mềm, toàn bộ đội ngũ DevOps cũng sẽ nhanh chóng kiểm tra lại sản phẩm, kịp thời tìm ra nguyên nhân chính xác, khắc phục rồi tiếp tục triển khai vận hành.

Đọc thêm: Nên Học Ngôn Ngữ Lập Trình Nào?

Kỹ sư DevOps là làm gì?

Kỹ sư DevOps là người am hiểu về Vòng đời phát triển phần mềm và làm việc sâu sát với cả Developer và IT Operation. Họ phải đảm bảo rằng giữa 2 bộ phận có sự liên kết chặt chẽ; thống nhất về mục tiêu và định hướng.  

kỹ sư devops
© Unsplash.com

Nhờ đó, kỹ sư DevOps vừa giám sát vừa thúc đẩy việc tạo ra những đoạn code hiệu quả; đồng thời quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ một cách tối ưu. 

Như vậy; chúng ta có thể nhận ra một Kỹ sư DevOps sẽ cùng lúc nắm giữ nhiều vai trò quan trọng: 

  • DevOps Evangelist: Người chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động DevOps 
  • Release Manager: Người cho ra những tính năng mới; đảm bảo sản phẩm hoạt động ổn định sau mỗi đợt release.
  • Automation Expert: Chuyên gia về tự động hóa và sắp xếp các công cụ hỗ trợ. 
  • Software Developer/ Tester: Lập trình và kiểm tra (test) phần mềm.
  • Quality Assurance: Người kiểm tra và đảm bảo chất lượng thực tế của sản phẩm.
  • Security Engineer: Theo dõi tính bảo mật và sức khỏe của sản phẩm.

Đọc thêm: Xây Dựng Sự Nghiệp Không Dựa Vào Bằng Cấp Trong Ngành Kỹ Thuật Phần Mềm

Những cải tiến mà DevOps mang lại cho doanh nghiệp là gì?

Các hoạt động DevOps nói chung và vị trí Kỹ sư DevOps nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của công ty công nghệ. 

Rõ ràng việc chuyên môn hóa đang dần bộc lộ những nhược điểm của nó khi mà văn hóa làm việc nhóm đang được coi trọng hơn. 

Bởi vì; phải cùng nhau hỗ trợ tối đa thì các nhân viên mới có thể giúp cho công ty mình kịp thời phát triển; cải thiện sản phẩm liên tục. Từ đó, bạn nhận ra rằng tư duy DevOps phù hợp hơn trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ khốc liệt hiện nay.

devops trong doanh nghiệp
© Unsplash.com

Trên cơ sở đó, DevOps giúp doanh nghiệp đạt được những lợi thế sau:

1. Tối ưu hóa sự phát triển và hiệu quả của sản phẩm

DevOps giúp đẩy nhanh vòng đời phát triển sản phẩm nhờ sự kết hợp; và hỗ trợ tích cực giữa 2 nhóm – Developer và IT Operation.

2. Xây dựng nhịp độ làm việc đồng đều giữa các phòng ban

Kỹ sư DevOps làm việc song song với các phòng ban liên quan; đảm bảo tất cả cùng hướng đến một mục tiêu chung. Nhờ đó các đội nhóm phối hợp nhịp nhàng hơn trong công việc.

3. Tối ưu hóa bằng tự động hóa; giảm rủi ro và tỷ lệ thất bại

Bằng cách tận dụng các kỹ thuật tự động và công cụ trong quá trình code; test;…. DevOps cho phép giảm thiểu những sai sót do con người gây ra, nhờ đó hạn chế các thất bại không đáng có.

4. Đảm bảo mức độ tin cậy

DevOps sử dụng các biện pháp tích hợp và phân phối liên tục để kiểm tra thường xuyên các thay đổi, đảm bảo sao cho chúng đều an toàn và hoạt động chính xác. 

Chất lượng của các bản cập nhật ứng dụng đều được DevOps quản lý chắc chắn để phân phối với độ tin cậy cao, duy trì được trải nghiệm tích cực cho người dùng.

5. Khả năng quản lý sản phẩm với quy mô lớn

DevOps đề cao sự tự động hóa và tính nhất quán. Điều này cho phép công ty dễ dàng quản lý những hệ thống phức tạp, cùng với mức rủi ro thấp nhất. 

Dù cho hàng trăm, hàng nghìn, hoặc hàng triệu server (như Google, Facebook…) quy trình, với DevOps, người kỹ sư quản lý vẫn có thể thực hiện giám sát quá trình vận hành một cách hiệu quả.

Đọc thêm: Product Manager Là Gì? Những Kỹ Năng Quan Trọng Giúp Bạn Quản Lý Sản Phẩm Thành Công

6. Hàng rào bảo mật vững chãi

Với DevOps, các công ty công nghệ hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ kiểm soát, áp dụng chính sách tuân thủ tự động.

Bên cạnh đó, cùng với những kỹ thuật quản lý cấu hình, DevOps cũng hỗ trợ tăng tốc phần mềm mà không sợ giảm độ bảo mật.

7. Tăng sự đoàn kết, cải thiện khả năng cộng tác

DevOps kết hợp các nhóm nghiệp vụ để họ cùng cộng tác, gánh vác trách nhiệm. Và đương nhiên từ đây, sự đoàn kết trong tinh thần làm việc đồng đội sẽ được thắt chặt, giảm thiểu tình trạng tắc trách với công việc cũng như tiết kiệm tối đa thời gian.

Những kỹ năng cần có để trở thành một Kỹ sư DevOps 

Cơ hội sẽ luôn đến với những người nắm bắt đúng thời cơ và tận dụng trí lực để phát triển. Nếu bạn đang ấp ủ dự định trở thành một kỹ sư DevOps chân chính nhưng lại chưa biết chuẩn bị từ đâu, những kỹ năng cần thiết để trở thành kỹ sư DevOps là gì… 

Đọc thêm: Những Kỹ Năng Làm Việc Nhà Tuyển Dụng Mong Đợi Từ Một Kỹ Sư Phần Mềm

Cùng Glints khám phá ngay 8 kỹ năng và tố chất quan trọng cần có để chinh phục lĩnh vực DevOps sau đây:

Kỹ năng lập trình

Với dân IT, kỹ năng lập trình tốt chính là yếu tố bắt buộc phải đảm bảo. Huống chi với vị trí công việc là kỹ sư DevOps – thường sẽ phải kiêm nhiệm thêm công việc của bộ phận vận hành – Ops (Operations).

Cụ thể, một số ngôn ngữ lập trình mà kỹ sư DevOps cần biết đến là Shell Script, Python, thường được dùng cho việc phát triển phần mềm. Họ cũng có thể trau dồi kiến thức qua CISSP chứng chỉ hoặc các khoá học khác.

Ngoài ra, ở khâu vận hành, DevOps còn kết hợp sử dụng hệ điều hành Linux, Docker… 

Do đó, một kỹ sư DevOps với nền tảng lập trình vững chắc là điều cực kỳ quan trọng để có thể phát triển tốt sự nghiệp trong lĩnh vực này.

Thành thạo chuỗi công cụ DevOps (DevOps toolchain)

Môi trường DevOps thường xuyên cần phải ứng dụng hàng loạt công cụ có sẵn cho việc tự động hóa nhằm tăng tốc phần mềm. 

Một chuỗi các công cụ DevOps sẽ được đưa ra để đáp ứng phù hợp với đa dạng nhu cầu như: quản lý cấu hình, cung cấp máy chủ, triển khai code… 

chuỗi công cụ devops

Vì vậy, để trở thành một kỹ sư DevOps chuyên nghiệp, bạn cần thành thạo sử dụng chúng để hỗ trợ hiệu quả của phần mềm, cũng như quá trình vận hành của toàn bộ hệ thống.

Các công cụ thường dùng trong DevOps bao gồm:

  • Danh mục công cụ điều phối cơ sở hạ tầng mã hiệu: Terraform, Ansible, Chef, Saltstack, Puppet…
  • Danh mục công cụ tự động hóa triển khai, máy chủ tích hợp liên tục: Jenkins, Docker, Vagrant…
  • Danh mục công cụ quản lý cấu hình và quản lý bảo mật: Vault, etcd, Consul…
  • Danh mục công cụ giám sát và phân tích: New Relic, Sensu, Datadog…
  • Ngoài ra còn có các công cụ kiểm tra và chất lượng đám mây, các giao thức mạng, v.v.

Vậy để tạo ra một chuỗi phân phối hoàn hảo, trách nhiệm của kỹ sư Devops là gì?

Đáp án chính là đảm bảo sử dụng các công cụ để phục vụ đúng mục đích trong quy trình. 

Muốn như thế, bạn phải liên tục theo dõi cách thức chúng hoạt động ở tất cả giai đoạn – từ tiền sản xuất cho đến hậu kỳ. Ngoài ra, bạn cũng nên nắm rõ thời điểm cần các công hỗ trợ, đóng góp để xem xét bổ sung ngay khi cần thiết.

Kỹ năng nghiên cứu

DevOps thường sẽ bao gồm nhiều bộ phận với các chuyên môn khác nhau. Điều này sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề hóc búa, chẳng hạn như liên quan đến hệ thống cấu trúc cơ sở hạ tầng, mạng lưới, kỹ thuật đầu ra – đầu vào truyền thông thông tin (I/O),… 

Bản thân là một kỹ sư DevOps, bạn chắc chắn không thể nào tự mình nắm hết tất cả dữ liệu hay thông tin liên quan tới vận hành DevOps. Do đó, kỹ năng nghiên cứu tốt để nhanh chóng tìm ra giải pháp chính là tố chất mà bạn cần quan tâm.

Ví dụ, một dân chuyên “cứng” về phần lập trình (Dev) nhưng chưa hiểu sâu về hệ thống cơ sở hạ tầng (Infra), khi làm việc vị trí DevOps sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, người đó buộc phải tích cực tìm kiếm thông tin về mảng này nhằm phục vụ tiến độ công việc suôn sẻ hơn.

Đọc thêm: Mức lương Devops

Hỗ trợ kỹ thuật và kỹ năng bảo trì

Một kỹ sư DevOps giỏi không chỉ thực hiện trách nhiệm công việc ở phần phát triển và “đóng gói” sản phẩm, mà còn hỗ trợ và duy trì một quy trình phần mềm liền mạch. 

Ở phần nhiệm vụ này, người kỹ sư cần có năng lực bảo trì hệ thống và kỹ năng hỗ trợ kỹ thuật cho đội ngũ của mình. 

Đã là kỹ sư DevOps, việc thiết lập và đưa ra giải pháp kịp thời cho khách hàng 24/7 là điều gần như bắt buộc. Song, bạn cũng sẽ cần tính toán mức độ đảm bảo thời gian hoạt động, và cả tính khả dụng của hệ thống sản xuất. 

Các nhiệm vụ mà kỹ sư DevOps cần thành thạo có thể kể đến như:

  • Giám sát các phần mềm/sản phẩm trong thời gian thực thi.
  • Đăng cảnh báo khi có điều gì đó không khả dụng hoặc không ổn.
  • Hỗ trợ giải quyết sự cố trực tuyến, hoặc khắc phục sự cố kỹ thuật.

Khả năng giao tiếp và hợp tác

Ngoài hiểu biết chuyên môn về DevOps là gì, bạn cũng đừng quên rằng kỹ năng giao tiếp tốt sẽ là chìa khóa vàng giúp bạn có thể hợp tác tích cực với người ở cả bộ phận của mình lẫn đội ngũ khác.

“Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ”. Đặc biệt trong công việc, kỹ năng giao tiếp và hợp tác càng tốt thì chuyện gì cũng sẽ càng dễ dàng hơn với bạn.

khả năng giao tiếp
© Unsplash.com

Chẳng hạn như khi phải làm việc với khách hàng, đối tác, một kỹ sư DevOps với kỹ năng giao tiếp và truyền đạt hiệu quả sẽ mang lại sức thuyết phục lớn gấp đôi, gấp ba những câu tư vấn có đôi phần “sáo rỗng” thông thường.

Ngoài ra, đối với đội ngũ DevOps nội bộ, khả năng giao tiếp và hợp tác tốt sẽ giúp bạn làm việc nhóm hiệu quả hơn, từ việc thảo luận kế hoạch, xử lý rủi ro, khắc phục lỗi, cho tới những câu chuyện hỏi han thường ngày giúp gắn kết tình cảm đồng đội.

Sự chỉn chu

Phẩm chất cẩn thận, tỉ mỉ trông nhỏ nhưng lại “có võ” vô cùng trong bất cứ công việc nào – kể cả DevOps. 

Chỉ cần một sai sót nhỏ, bạn hoàn toàn có thể làm gián đoạn, ảnh hưởng toàn bộ hệ thống. Điều này đã nói lên phần nào tầm quan trọng của sự chỉn chu trong công việc mà một người kỹ sư cần phải đảm bảo.

Không chỉ qua những buổi làm việc, những dòng lập trình trực tiếp cho sản phẩm, bạn hãy rèn luyện tính cách này trong cả những hoạt động thường ngày của bản thân, từ việc sắp xếp tài liệu, cho đến chỉn chu trong từng lời nói khi diễn đạt, thuyết trình, v.v.

Học cách rà soát lại tất cả các lỗi trước khi “xuất bản” chúng. Bạn sẽ là một phiên bản DevOps tỉ mỉ tuyệt vời hơn bao giờ hết!

Chú trọng vào mục tiêu chung

Khi tham gia vào một đội ngũ DevOps, việc chú trọng mục tiêu tập thể là điều cần phải chú trọng hàng đầu. Bất kể là bạn thuộc bộ phần nào (Lập trình, Quản lý, Kiểm tra…), tất cả mọi người vẫn cùng một “phe”.

Một kỹ sư chuyên nghiệp chính là người biết kề vai sát cánh với đồng đội của mình, cùng nỗ lực hướng đến mục tiêu chung là tạo ra phần mềm chất lượng, thỏa mãn nhu cầu khách hàng và gia tăng lợi nhuận cho công ty.

chú trọng mục tiêu chung
© Unsplash.com

Đồng thời, người kỹ sư DevOps chú trọng vào mục tiêu chung sẽ biết cách quan tâm và giúp đỡ đồng nghiệp của mình. Chẳng hạn như, chia sẻ thêm thông tin về cách tạo ra những cấu trúc mã hiệu (code) hay thư mục hiệu quả, những phương pháp tối ưu… để cả đội ngũ cùng nắm bắt và áp dụng trong công việc. 

Điều này sẽ giúp tăng tính kết nối và thống nhất của toàn đội ngũ DevOps; từ đó, quá trình hợp tác làm việc cũng sẽ suôn sẻ và nhanh chóng hơn.

Biết hạ “cái tôi” để lắng nghe

Đừng biến bản thân mình trở thành một kẻ “bạo thủ” hay “độc tài” với những sản phẩm phần mềm mình đưa ra. Hãy kiên nhẫn, cởi mở hơn để lắng nghe những lời nhận xét, góp ý của mọi người xung quanh.

Và đương nhiên, phẩm chất này có lẽ cũng là một yếu tố then chốt góp phần cho sự phát triển của một kỹ sư DevOps – người phải đối mặt với nhiều ý kiến đối lập nhau mỗi ngày.

Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc bạn phải luôn làm theo ý kiến của người khác. Hãy tỉnh táo khi lắng nghe các góp ý một cách chọn lọc, đồng thời kiểm soát cái tôi đúng mực, tránh sa đà vào cảm xúc cá nhân khi giải quyết công việc bạn nhé!

Đến đây, Glints hy vọng bạn đã có thể nắm rõ khái niệm DevOps và vai trò của một kỹ sư DevOps là gì rồi phải không? Nếu bạn cảm thấy hứng thú với vị trí đặc biệt này; đừng ngại tìm hiểu các cơ hội nghề nghiệp về DevOps trên Glints nhé!

Bài viết được đóng góp bởi Tania Le

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.3 / 5. Lượt đánh giá: 3

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X