×

Product Manager Là Gì? Những Kỹ Năng Quan Trọng Giúp Bạn Quản Lý Sản Phẩm Thành Công

Ngày đăng: 31/12/2021 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 29/05/2023

Product Manager là một trong “cái tên” hot nhất trên thị trường lao động hiện nay bởi vô vàn cơ hội việc làm tiềm năng cùng nhiều mức thu nhập hấp dẫn.

Theo báo cáo từ Product Board, đây chính là “kỷ nguyên vàng” của ngành Quản lý sản phẩm (Product Management). Thống kê sơ bộ năm 2019 tại Mỹ cho thấy nhu cầu tuyển dụng của ngành này tăng gấp 5 so với các lĩnh vực khác, và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao. 

Nhóm ngành Quản lý sản phẩm cũng được xem là “vùng đất hứa” cho thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ đang theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Vậy Product Manager là gì hay quản lý sản phẩm là gì mà dành được nhiều sự quan tâm đến vậy? Những kỹ năng thiết yếu nào bạn cần có để theo chân lĩnh vực này? Bài viết sau đây của Glints sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời.

Product Manager là gì?

Nhắc tới Product Manager, ai không biết sẽ liên tưởng ngay tới công việc dành cho dân IT với chiếc màn hình máy tính được lấp đầy bởi các thuật toán lập trình hóc búa. 

Hay Product Manager được hiểu nôm na là người quản lý sản phẩm? Đúng… nhưng chưa đủ. 

Product Manager (PM) (Tạm dịch: Giám đốc sản phẩm, hay Chuyên viên quản lý sản phẩm) là người chịu trách nhiệm cho việc nghiên cứu, khai thác nhu cầu, thiết kế, thử nghiệm và xây dựng các chiến lược hiệu quả để quản lý và phát triển sản phẩm, dịch vụ, hoặc phần mềm cho doanh nghiệp.

product manager là gì
© Unsplash.com

Họ là cầu nối quan trọng giữa 3 bộ phận phát triển và khai thác sản phẩm chính, bao gồm: đội ngũ kỹ thuật, thiết kế trải nghiệm người dùng (UX), và đội ngũ kinh doanh bán hàng, marketing. 

Product Manager sẽ chịu trách nhiệm cho những quyết định sản phẩm, nắm vững công nghệ, dẫn dắt và kết nối các khâu liên quan nhằm mang lại trải nghiệm tối ưu và cải thiện phản ứng của người dùng đối với sản phẩm. Đồng thời, đảm bảo giá trị kinh doanh từ sản phẩm cho công ty.

Đọc thêm: Những Điều Bạn Cần Biết Về Ngành Quản lý sản phẩm (Product Management)

Vai trò của Product Manager là làm gì?

Làm Product Manager sẽ đồng nghĩa với việc bạn phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm xoay quanh sản phẩm của mình. Cụ thể, sau đây có 4 dạng vai trò chính mà một Product Manager cần “thông tường” để có thể thành công trong nghề:

Chuyên viên sản phẩm

Điều trước mắt công ty thường kỳ vọng đối với Product Manager chính là kiến thức chuyên môn về sản phẩm và thị trường. Hơn thế nữa, bạn cần hiểu rõ khách hàng của mình cũng như các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường để có thể đưa ra quyết định sản phẩm tốt nhất. 

Cụ thể hơn mà nói, Product Manager cần có tư duy Lộ trình sản phẩm (Product Roadmap) và chiến lược sản phẩm rõ ràng, có khả năng ưu tiên các tính năng phù hợp, thấu hiểu nhu cầu cũng như phản hồi khách hàng.

Chuyên viên kinh doanh

Product Manager cũng giống như CEO của sản phẩm mà bạn đang quản lý và phát triển vậy. Bạn cần dẫn dắt tài tình cả quá trình quản lý, bao gồm ngân sách và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

chuyên viên kinh doanh
© Unsplash.com

Đương nhiên, kiến thức kinh doanh là điều tất yếu để một Product Manager có thể làm tốt vai trò này. 

Đọc thêm: Cơ Hội Việc Làm Ngành Quản Trị Kinh Doanh

“Người lãnh đạo”

Chịu trách nhiệm dẫn dắt đội ngũ và làm việc với các phòng ban xuyên suốt chiến lược sản phẩm đề ra, Product Manager được xem như “đầu tàu” đáng tin cậy để có thể đưa ra quyết định phù hợp, hướng dẫn và hỗ trợ mọi người đi đúng hướng, đúng với tầm nhìn sản phẩm.

Vận hành

Phần quan trọng không kém trong vai trò của chuyên viên quản lý sản phẩm chính là vận hành. Chúng ta đều cần phải chú trọng vào cả những chi tiết lớn và nhỏ trong quá trình quản lý sản phẩm mới.

Việc nắm rõ quy trình vận hành và phát triển sản phẩm sẽ giúp Product Manager đảm bảo mọi thứ được diễn ra suôn sẻ.

Đọc thêm: Nắm Rõ Quy Trình Quản Lý Sản Phẩm Trong Vòng 7 “Nốt Nhạc”

Bắt đầu chinh phục con đường trở thành Product Manager từ đâu?

Trước khi liệt kê cụ thể những kỹ năng quan trọng, Glints tin rằng bạn cũng đang tò mò những bước đầu nào nên chuẩn bị khi “lỡ bén duyên” với nghề Product Manager. 

Trên thực tế, hầu hết những vị trí tuyển dụng Product Manager sẽ yêu cầu bạn có trong tay một tấm bằng Cử nhân để đảm bảo bạn có đủ kiến thức và tư duy phù hợp cho công việc này. 

product manager
© Unsplash.com

Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải được đào tạo bài bản về “công việc của Product Manager” tại giảng đường đại học. Bạn có thể làm việc trái ngành, cho dù không “xuất thân” từ dân IT. Tất cả đều sẽ ổn nếu bạn có đủ quyết tâm và đam mê với nghề.

Để Glints giúp bạn “độ” dày kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của mình ngay những bước đầu chinh phục con đường trở thành Product Manager qua những gợi ý nhỏ sau:

  • Nghiên cứu về công việc và trò chuyện cùng chuyên gia Product Manager tại lĩnh vực bạn đang hướng tới
  • Tự học hỏi và bổ sung kiến thức chuyên môn (qua sách chuyên ngành, YouTube,…)
  • Bổ sung chứng chỉ từ các khóa học Quản lý sản phẩm 
  • Chủ động trải nghiệm với các dự án ngoài, hoặc tham gia hỗ trợ các dự án khác trong công ty

7 kỹ năng quan trọng của một Product Manager xuất sắc 

Đối chiếu với vai trò được kể trên, một Product Manager cần mài dũa cho mình những kỹ năng gì để có thể thành công quản lý và phát triển sản phẩm của công ty. Hãy cùng tham khảo danh sách 6 kỹ năng dưới đây.

Kỹ năng kỹ thuật

Tùy vào từng lĩnh vực, công ty và sản phẩm, mức độ chuyên môn kỹ thuật của một Product Manager sẽ được yêu cầu khác nhau. 

Chẳng hạn như, những bạn PM thuộc các công ty công nghệ hoặc kỹ thuật số sẽ cần kiến thức chuyên môn về IT và kỹ thuật cao hơn. Nhờ đó, họ có thể hợp tác hiệu quả với đội ngũ kỹ sư lập trình trong việc chỉnh sửa lỗi phần mềm và tối ưu sản phẩm.

Tuy nhiên, là một Product Manager tài giỏi, ít nhiều bạn cũng cần biết một số kỹ năng thiên hướng kỹ thuật như sau:

technical skills

Kỹ năng lãnh đạo và quản lý

Như đã nói ở trên, Product Manager sẽ đóng vai trò là “người lãnh đạo” để dẫn dắt đội ngũ theo đúng định hướng phát triển sản phẩm. Ngoài ra, bạn cũng cần chịu trách nhiệm cho việc tuyển dụng, đào tạo và giám sát các nhân sự phía dưới mình. 

Trong một bài báo của Forbes, có 3 điều yếu tố chính làm nên một người lãnh đạo giỏi: công bằng – cởi mở với những phản hồi – biết lắng nghe. 

Kiến thức kinh doanh 

Điều này không đồng nghĩa với việc bạn cần một tấm bằng cử nhân quản trị doanh nghiệp hay tài chính để có thể trở thành Product Manager. Tuy nhiên, để có thể xây dựng một chiến lược sản phẩm hiệu quả, bạn cần những kiến thức cơ bản về kinh doanh. 

Ví dụ, bạn sẽ cần phải phân biệt được điểm khác nhau giữa doanh thu và lợi nhuận, một chút kiến thức về ngân sách, dòng tiền, hay báo cáo kết quả kinh doanh.

Tại sao ư? Bạn cần hiểu rõ chi tiết về quá trình mà sản phẩm của mình phát triển. Song với đó, sản phẩm của bạn cần đáp ứng mục tiêu kinh doanh của công ty, mà điều tiên quyết ở đây chính là mang về lợi nhuận và duy trì những giá trị phát triển bền vững trong tương lai.

Bạn cũng sẽ cần một “bộ kiến thức” đủ sâu về lĩnh vực của mình để nhanh chóng cập nhật xu hướng và nhu cầu thị trường. Đồng thời, xác định những cơ hội tiềm năng mang lại giá trị lợi nhuận mà sản phẩm của bạn có thể khai thác.

Nghiên cứu

Chuyên viên quản lý sản phẩm – quản lý thôi chưa đủ. Bạn phải biết nghiên cứu.

Nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ, nghiên cứu khách hàng tiềm năng, tất tần tật mọi thứ. Product Manager cần nghiên cứu để xác định rõ tầm nhìn và mục tiêu sản phẩm của mình. 

Bạn nên nhớ: “Đúng chiến thuật, đúng sản phẩm” là câu thần chú giúp bạn có những định hướng chiến lược đúng đắn và phát triển sản phẩm thành công. 

Nhưng trước mắt, hãy thực hiện quá trình nghiên cứu thật kỹ càng, từ những dữ liệu, báo cáo trong nội bộ công ty, cho đến phản hồi của khách hàng bên ngoài, xây dựng một cái nhìn toàn diện và khách quan nhất cho sản phẩm của mình.

Khả năng phân tích

Làm Product Manager là làm gì? Câu trả lời cũng đơn giản: Làm bạn với dữ liệu.

Công việc Product Manager sẽ yêu cầu bạn hợp tác với rất nhiều người, và trong quá trình làm việc đó, bạn phải thuyết phục họ về tiềm năng sản phẩm của mình. Việc đưa ra minh chứng bằng dữ liệu và các con số cụ thể chính là cách rõ ràng nhất để bạn bảo vệ các quan điểm, giả thuyết của mình cho dự án.

kỹ năng phân tích
© Unsplash.com

Vì vậy, khả năng phân tích rất quan trọng đối với chúng ta, bao gồm: xác định dữ liệu quan trọng, khai thác chúng, phân tích và đưa ra giả thuyết, trình bày và trực quan hóa để các bên liên quan có thể dễ dàng nắm bắt thông tin. 

Kỹ năng giao tiếp 

Nghề nào cũng vậy, kỹ năng giao tiếp là một trong những “bàn đạp” bền vững giúp bạn hướng tới thành công. Và Product Manager cũng không ngoại lệ.

Kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp bạn hợp tác suôn sẻ khi đóng vai trò “cầu nối” giữa các phòng ban liên quan. Hạn chế được những trở ngại, chẳng hạn như mâu thuẫn, làm-cho-có, hay không-hiểu-lắm, v.v… khi định hướng và dẫn dắt đội ngũ trong quá trình triển khai chiến lược sản phẩm. 

Bạn cũng sẽ cần trao đổi công việc với đối tác, khách hàng, cũng như trình bày các kế hoạch, chiến lược phát triển sản phẩm của mình cho công ty một cách rõ ràng và hiệu quả.

Đọc thêm: Bạn có đang giao tiếp hiệu quả?

Khả năng sắp xếp mức độ ưu tiên

Khả năng phân tích, đánh giá ưu tiên công việc không phải tự dưng mà có, bạn cần học hỏi và rút kinh nghiệm nhiều lần để có thể hoàn thành tốt nó. 

Cụ thể hơn, một chuyên viên quản lý sản phẩm giỏi không chỉ biết quản lý ưu tiên các công việc của mình. Họ còn phải biết cách cân bằng chúng với các nhiệm vụ của đội ngũ mình, sắp xếp và tổ chức mọi thứ một cách có khoa học. 

sắp xếp ưu tiên
© Unsplash.com

Nhờ vậy, quá trình hợp tác nhóm và làm việc sẽ trở nên hiệu quả hơn khi tất cả đều nhận thức rõ được việc nào mình cần tập trung đầu tiên nhằm đáp ứng được mục tiêu đề, yêu cầu đề ra tại từng giai đoạn của chiến lược phát triển sản phẩm.

Điều này còn hỗ trợ bạn đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn cho sản phẩm của mình.

Những phẩm chất cần thiết để Product Manager quản lý sản phẩm thành công 

EQ thấu hiểu

Đặt mình vào vị trí của khách hàng, bạn cảm thấy như thế nào? Bạn cần gì và đang mong đợi điều gì?

Là một Product Manager, hãy luôn chủ động thấu hiểu khách hàng của mình. Điều gì khiến khách hàng tìm đến bạn? Hãy xác định và tận dụng cơ hội cho mình. Mở các cuộc phỏng vấn hay khảo sát để bạn có thể tương tác và phác họa được rõ ràng chân dung người dùng của mình khi phát triển chiến lược sản phẩm về sau.

Ngoài ra, sự thấu hiểu tinh tế của Product Manager còn có thể áp dụng trong quá trình làm việc nhóm. Hãy thấu hiểu cả những người đồng đội của mình, dẫn dắt và tìm ra giải pháp tốt nhất cùng nhau.

Tư duy chiến lược

Ngoài các chiến lược ngắn và dài hạn, Product Manager luôn cần phải lên kế hoạch triển khải xuyên suốt các giai đoạn phát triển sản phẩm. Từ thấu hiểu thị trường cho tới quyết định thực thi, một cái đầu có tư duy chiến lược sẽ là điểm sáng giúp bạn thành công phát triển sản phẩm của mình.

tư duy chiến lược
© Unsplash.com

Tư duy chiến lược rất cần thiết cho cả việc quản lý quy trình dự án, dự đoán doanh thu, giải quyết vấn đề, quản lý rủi ro,… và tất tần tất những đầu công việc khác liên quan tới sản phẩm của bạn.

Đọc thêm: Xây Dựng Chiến Lược Phát Triển Sản Phẩm Cần Ưu Tiên Yếu Tố Nào? 

“Tiêu chuẩn cao”

Không hẳn theo “chủ nghĩa hoàn hảo”, chuyên viên quản lý sản phẩm cần một chút ký tính, chú ý tới cái tiểu tiết khi kiểm duyệt và thử nghiệm sản phẩm, đặc biệt là khi có các tính năng mới cài đặt, hoặc sửa lỗi phần mềm. 

Vốn dĩ, việc sản xuất ra một sản phẩm không phải là điều đơn giản. Vì vậy, một Product Manager tỉ mỉ và kỹ càng sẽ đảm bảo quá trình sản phẩm tiến vào thị trường diễn ra suôn sẻ, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dùng.

Hơn thế nữa, “tiêu chuẩn cao” sẽ yêu cầu bạn trở nên nhạy bén hơn với việc chủ động nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Từ đó, liên tục phát triển và cải tiến để tối ưu sản phẩm ngày một tốt hơn.

Không ngại thay đổi

Có thể bạn thừa biết: “Làn sóng” công nghệ ngày nay liên tục phát triển với những xu hướng mới mang tính đột phá, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng cập nhật và thích nghi cùng.

“Dám học hỏi, dám thay đổi” cũng vì vậy mà trở thành phẩm chất quan trọng, quyết định sự thành công của một Product Manager trong tương lai. Bạn nên nhớ rằng, nếu không thay đổi, bạn và cả sản phẩm của bạn cũng sẽ dần trở nên “lỗi thời”. 

không ngại thay đổi
© Unsplash.com

Đừng ngại thử thách và trải nghiệm cho mình những ý tưởng mới đầy sáng tạo, biết đâu đó lại là thứ khách hàng cần?

Nếu những thông tin trên hữu ích với bạn, hãy click ngay vào hashtag Product Management bên dưới để cập nhật những bài viết mới nhất về ngành Product management nhé!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 3.7 / 5. Lượt đánh giá: 3

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Có thể bạn cũng thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X