×

Ngành Quản Trị Kinh Doanh Là Gì? Định Hướng Học Tập Và Cơ Hội Nghề Nghiệp

Ngày đăng: 22/03/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 10/02/2023

giải mã về ngành quản trị kinh doanh

Ngành Quản trị kinh doanh sẽ dễ khiến bạn hiểu lầm về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Nguyên nhân có thể là vì tên ngành học khá trừu tượng và chung chung so với những ngành nghề cụ thể như Tài chính, Thương mại, Điện tử viễn thông,…

Nếu đang là sinh viên Quản trị kinh doanh, liệu bạn có cảm thấy mơ hồ về con đường sự nghiệp sắp tới? 

Cùng Glints tìm hiểu tất tần tật về ngành Quản trị kinh doanh, xua tan những hiểu lầm về ngành học và đồng thời gợi ý về những cơ hội nghề nghiệp hữu ích tại bài viết sau nhé!

Quản trị kinh doanh là gì?

Kinh doanh là hoạt động giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, ngành Quản trị kinh doanh có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tạo nên các giá trị và trao đổi vì lợi ích của nhiều bên. 

Hay nói cách khác, quản trị trong kinh doanh chính là quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay tổ chức nào đó.

Đọc thêm: Business Management là gì? Làm thế nào để bước chân vào ngành Quản trị kinh doanh?

Ngành Quản trị kinh doanh gồm những chuyên ngành nào? 

Không thể phủ nhận rằng ngành Quản trị kinh doanh là một phạm trù rất rộng và có nhiều chuyên ngành phân nhánh tùy vào từng lĩnh vực và môi trường đào tạo. Tuy nhiên, về cơ bản, ngành Quản trị kinh doanh có 4 chuyên ngành phổ biến sau đây:

quản trị kinh doanh là gì
Quản trị kinh doanh có 4 chuyên ngành cơ bản.
  • Quản trị kinh doanh tổng hợp: Bên cạnh những kiến thức nền về quản trị doanh nghiệp, quản trị học, chiến lược kinh doanh,… người tham gia chuyên ngành này sẽ được tiếp cận những kiến thực về quản trị như: quản trị sản xuất, quản trị dự án, quản trị bán hàng, quản lý tài chính…
  • Quản trị kinh doanh quốc tế: Người học chuyên ngành này sẽ có những kiến thức vững vàng về việc phân tích tác động của các yếu tố toàn cầu (chính trị, kinh tế, công nghệ, địa lý,..) đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên còn được tìm hiểu về phân tích tài chính, thị trường ngoại hối và các hệ thống tỷ giá hối đoái trên thế giới. 
  • Marketing: Chuyên ngành Marketing sẽ đào tạo và hệ thống hóa các kiến thức như nghiên cứu thị trường, xây dựng và phát triển mối quan hệ khách hàng, thiết kế chương trình phân phối sản phẩm, định giá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện,… 
  • Quản trị kinh doanh thương mại: Đây là chuyên ngành mang đến lượng kiến thức chuyên môn về lĩnh vực kinh doanh thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời đào tạo các nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn để quản lý doanh nghiệp thương mại. 

Làm sao để theo đuổi ngành học Quản trị kinh doanh?

Các tổ hợp môn thi vào ngành Quản trị kinh doanh

Nếu xác định theo học ngành Quản trị kinh doanh, bên cạnh yếu tố trường học và ngành học thì lựa chọn khối thi cũng quan trọng không kém. Để vào học ngành Quản trị kinh doanh theo dạng đại học chính chuyên, các bạn học sinh cần phải thi các khối sau:

  • A00 (Toán, Lý, Hóa)
  • A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh)
  • D01 (Văn, Toán, Tiếng Anh)
  • D07 (Toán, Hóa Học, Tiếng Anh)

Top các trường đào tạo ngành Quản trị kinh doanh tốt nhất tại Việt Nam

đại học quản trị kinh doanh

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH)

Đại học UEH là một trường đại học đa ngành (liên quan đến lĩnh vực kinh tế) tại Việt Nam. Đây là trụ cột trong hệ thống giáo dục bậc cao của Việt Nam và cũng là trung tâm nghiên cứu hàng đầu đối với các chính sách kinh tế, quản lý cho chính phủ và các doanh nghiệp lớn. 

Do đó, những sinh viên theo học tại đây luôn được trang bị một nền tảng kiến thức về ngành Quản trị kinh doanh vững vàng với tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp rất cao.

Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)

Đây là trường đại học định hướng nghiên cứu đầu ngành trong các khối trường liên quan đến Kinh tế, Quản lý và Quản trị kinh doanh ở Việt Nam. 

Nơi đây nổi danh là nơi đào tạo ra nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiều Doanh nhân nổi tiếng. Trường còn là trung tâm nghiên cứu kinh tế chuyên sâu, tư vấn các chính sách vĩ mô cho Nhà nước Việt Nam. 

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNUHCM) & Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU)

Có thể nói, đây là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao trí thức và công nghệ đa lĩnh vực ở Việt Nam. Dù là trường trong khu vực trọng điểm Hà Nội & TP. HCM nhưng hệ thống giáo dục tại nơi đây dần vươn tầm quốc tế. 

Với đội ngũ giáo viên chuyên môn và dày dặn kinh nghiệm, các trường này hứa hẹn sẽ là “đòn bẩy” kiến thức vững chắc cho các bạn sinh viên quan tâm theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

học quản trị kinh doanh

Đại học Bách khoa Tp.HCM (HCMUT)

Là trường đại học đào tạo đa ngành tại Việt Nam, trường Đại học Bách khoa không ngừng phát triển và góp sức vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nơi đây đã đào tạo hàng nghìn kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực trên khắp mọi miền tổ quốc và thậm chí ngoài lãnh thổ Việt Nam. 

Và đương nhiên, ngành Quản trị kinh doanh cũng chính là một trong những ngành nổi bật được quan tâm giáo dục tại ngôi trường đại học này.

Đại học Ngoại thương (FTU)

Đây là trường tập trung đào tạo các lĩnh vực liên quan đến kinh tế, bao gồm: kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế, hợp tác kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh,… 

Đại học Ngoại thương đã đào tạo rất nhiều cử nhân, thạc sĩ, nghiên cứu sinh và tiến sĩ nổi bật trong các lĩnh vực, ngành nghề. Đây cũng là trường nằm trong những trường xuất sắc nhất đất nước trong lĩnh vực kinh tế.

Lựa chọn đi du học

tìm hiểu về ngành quản trị kinh doanh

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc kinh doanh không chỉ giới hạn trong một đất nước, lãnh thổ mà còn mở rộng khắp toàn cầu. Sinh viên có thể lựa chọn hướng đi du học nhằm tiếp cận những tư duy, kiến thức và cách thức quản trị mới mẻ trong lĩnh vực này với bối cảnh như hiện tại. 

Chọn lựa du học là một quyết định cần có sự cân đo đong đếm kỹ càng, chính vì thế mà du học ở đâu tốt nhất luôn là mối trăn trở của nhiều phụ huynh và sinh viên. Glints sẽ gợi ý cho bạn một số đất nước đào tạo ngành Quản trị kinh doanh hiệu quả:

  • Mỹ
  • Singapore
  • Úc
  • Anh

Giải mã những hiểu lầm về ngành Quản trị kinh doanh

Hiểu lầm 1: Khó có cơ hội thăng tiến

Trong khối ngành kinh tế, Quản trị kinh doanh là ngành có số lượng tuyển sinh đông nhất. Chỉ tính riêng tại trường Đại học Quốc tế – thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, ngành Quản trị kinh doanh đã có hơn 4,000 sinh viên, là 70% trong tổng số sinh viên của trường (1). Vậy làm thế nào để bạn trở nên nổi bật và thăng tiến?

học quản trị kinh doanh ra làm gì

Đối với Quản trị kinh doanh, tiêu chuẩn đánh giá để thăng tiến luôn dựa trên năng lực, kỹ năng, hiệu quả đầu ra công việc và tiềm năng phát triển trong tương lai. Chính vì thế, bạn luôn phải học hỏi và rèn luyện các kỹ năng mềm như quản lý thời gian, xử lý tình huống,… Và trên hết, hãy xác định rõ mục tiêu và lộ trình sự nghiệp của mình để biết mình cần làm gì để dễ dàng thăng tiến.

Hiểu lầm 2: Công việc nhàm chán, không sáng tạo

Thoạt nghe qua thì ngành Quản trị kinh doanh sẽ bao hàm những gói công việc lặp đi lặp lại đến nhàm chán và không có cơ hội để sáng tạo. Thế nhưng, sự thật không phải như thế. Vì có rất nhiều chuyên ngành nhỏ bên trong nên Quản trị kinh doanh sẽ có rất nhiều cơ hội để bạn khám phá những gói công việc rất khác nhau. 

Kinh doanh là một hoạt động luôn đổi mới qua từng ngày, đặc biệt trong bối cảnh số hóa và toàn cầu hóa. Chính vì thế, một người theo ngành Quản trị kinh doanh giỏi phải biết cách tự đổi mới và có những phương thức làm việc sáng tạo để vừa đảm bảo công việc hiệu quả, vừa có tính cải tiến.

Người học ngành Quản trị kinh doanh có thể lựa chọn nhiều công việc khác nhau. Họ cũng là những người làm nhiều việc cùng một lúc – multitasking, đặc biệt là khi giữ vai trò quản lý, lãnh đạo.

Hiểu lầm 3: Vị trí việc làm không đa dạng

Cụm từ Quản trị khiến mọi người lầm tưởng về một vị trí cấp cao, nên họ cho rằng không có nhiều cơ hội làm việc, đặc biệt là cho sinh viên mới ra trường.

hoc quan tri kinh doanh ra truong lam gi
Học ngành Quản trị kinh doanh ra trường làm nghề gì?

Con đường sự nghiệp cho những ai thuộc ngành Quản trị kinh doanh có rất nhiều lựa chọn. Các lĩnh vực mà bạn có thể quan tâm khi theo đuổi ngành này gồm có:

  • Chuyên viên, quản lý kinh doanh
  • Chuyên viên, quản lý marketing
  • Business Development Phát Triển Kinh Doanh
  • Quản lý truyền thông – Quan hệ công chúng
  • Quản trị nhân sự 
  • Phát triển văn hóa – nhân sự (Learning & Development)
  • Phân tích, quản lý tài chính – kế toán 
  • Chuyên gia pháp lý
  • Quản lý quan hệ đối tác
  • Giám đốc, quản lý điều hành bộ phận

Hiểu lầm 4: Ngành học dành cho con nhà giàu, ra trường làm sếp 

Có lẽ đây chính là hiểu lầm phổ biến nhất, bởi cụm từ “quản trị” khiến nhiều người lầm tưởng về những vị trí cấp cao. Tuy nhiên, bạn cần hiểu một điều rằng không hề có doanh nghiệp nào tuyển một sinh viên mới ra trường nào cho vị trí quản lý hay sếp cả.

Bạn cũng sẽ phải chập chững ở những bước đầu tiên vào nghề, sau đó trau dồi kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để dần thăng tiến trong sự nghiệp. Vị trí cấp cao như sếp hay quản lý sẽ dành cho những người thật sự có tài và có sự cống hiến nhất định cho doanh nghiệp.

Hiểu lầm 5: Không biết thích ngành gì thì học Quản trị kinh doanh

Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, bởi ngành Quản trị kinh doanh chỉ phù hợp với những người có mục tiêu và đam mê rõ ràng với kinh doanh. 

Nếu không biết chọn gì mà lại “lao đầu” vào ngành này thì sẽ càng khiến bạn trở nên mông lung hơn. Bởi đây sẽ là ngành mà bạn được học kiến thức nền tảng của rất nhiều ngành khác nhau, song lại không đi sâu vào một chuyên ngành cụ thể nào. Bạn sẽ rất khó để biết mình muốn làm gì nếu ngay từ đầu không có định hướng rõ ràng.

Bạn có phù hợp với Quản trị kinh doanh hay không?

Hiểu rõ bản chất ngành Quản trị kinh doanh là vậy, những làm sao để biết bản thân bạn có phù hợp với ngành này hay không? 

Có thể nói, đây là ngành cực kỳ phù hợp với những người trẻ có “máu kinh doanh” và đam mê khởi nghiệp. Đam mê có là tốt, nhưng bên cạnh đó cũng cần những kỹ năng thiết yếu để dễ dàng tiến xa trong công việc. 

học quản trị kinh doanh là học những gì
Ngành nghề phù hợp cho những ai ưa thích kinh doanh.

Dưới đây là một vài những tố chất nền tảng mà bạn có thể dựa vào để xác định liệu bạn có phù hợp với ngành này hay không:

  • Sự hoạt bát, nhanh nhạy và linh hoạt
  • Chủ động hoàn thành mọi công việc được giao
  • Có tính kỷ luật tốt
  • Có thể làm việc dưới cường độ áp lực cao
  • Chăm chỉ, siêng năng, cần cù
  • Có tinh thần trách nhiệm trong công việc
  • Tinh thần cầu thị, cầu tiến
  • Có bản lĩnh và tố chất lãnh đạo.

Bên cạnh những tố chất ấy, bạn cũng cần trau dồi các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để có thể phát triển sự nghiệp trong ngành tốt hơn. Tham khảo một số kỹ năng mà Glints gợi ý cho bạn sau đây nhé:

  • Kỹ năng làm việc nhóm
  • Kỹ năng đàm phán, thương lượng; thuyết trình trước đám đông
  • Khả năng quản lý cảm xúc
  • Kỹ năng quản lý thời gian
  • Kỹ năng Marketing, bán hàng
  • Tư duy phản biện
  • Tư duy tổ chức và tư duy lãnh đạo
  • Thấu hiểu con người, thấu hiểu nhu cầu
  • Phân tích số liệu, thị trường
  • Thấu hiểu sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh
  • Phân tích đối tượng khách hàng mục tiêu.

Đọc thêm: Tính Cách Hướng Nội Có Phù Hợp Với Nghề Sale?

Mức lương và cơ hội nghề nghiệp

Trong thời đại số hóa, ngành kinh doanh ngày càng chuyển biến mạnh mẽ với các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chính vì thế, việc quản lý để ổn định hóa và phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi nhiều hơn so với trước kia. Điều này giúp cơ hội nghề nghiệp và nhu cầu nhân lực của lĩnh vực này ngày càng gia tăng.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này có thể đảm nhiệm nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau như: truyền thông, kế toán, luật thương mại, khởi nghiệp, quản lý sự kiện, kinh doanh quốc tế, tiếp thị hoặc quan hệ công chúng.

Glints đã tổng hợp mức lương chung đối với ngành Quản trị kinh doanh như sau:

  • Thực tập sinh: Từ 2 – 3 triệu VNĐ.
  • Nhân viên kinh doanh: Đối với những người chưa có kinh nghiệm, mức lương khởi điểm ban đầu từ 6 – 7 triệu VNĐ, có thể đến 8 – 16 triệu VNĐ đối với các vị trí Junior (yêu cầu 1-3 kinh nghiệm), chưa bao gồm tiền thưởng hoa hồng.
  • Chuyên viên kinh doanh: 15 – 20 triệu VNĐ, chưa bao gồm tiền thưởng hoa hồng.
  • Trưởng phòng kinh doanh: Từ 30  – 50 triệu VNĐ.
  • Giám đốc kinh doanh: Lương phụ thuộc vào lợi nhuận của doanh nghiệp, mức trung bình có thể lên tới 100 triệu VNĐ, hoặc cao hơn.

Lời Kết

Đến đây, bạn đã có cái nhìn khác đi về Quản trị kinh doanh chưa? Hãy chủ động học hỏi, rèn luyện phát triển bản thân, và quan trọng nhất là khám phá cơ hội việc làm để giúp bạn thành công trong sự nghiệp nhé!

Bài viết được đóng góp bởi Tany

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 5

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X