×

Quản Lý Tín Dụng Là Gì? Mô Tả Công Việc Và Kỹ Năng Cần Thiết

Ngày đăng: 22/06/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 04/10/2022

Nhiều năm qua, làm việc trong ngân hàng là mục tiêu phấn đấu của phần đông bạn trẻ. Đây là môi trường chuyên nghiệp, có mức đãi ngộ cao và các chính sách phúc lợi tốt cho nhân viên.

Đặc biệt những năm gần đây, vị trí Nhân viên quản lý tín dụng đang được nhiều người quan tâm.

Tính chất của Quản lý tín dụng là gì, tại sao công việc này lại thu hút các bạn trẻ đến vậy? Một nhân viên Quản lý tín dụng cần có các kỹ năng nào? Cùng Glints tìm hiểu nhé.

Quản lý tín dụng là gì?

Quản lý tín dụng là công việc quản lý, thẩm tra, rà soát các bộ hồ sơ vay vốn tại ngân hàng, xem xét hồ sơ có đủ điều kiện giải ngân và hướng dẫn khách để hoàn tất thủ tục.

Sau khi khoản vay được duyệt, nhân viên quản lý tín dụng phải quản lý hồ sơ đó, theo dõi quá trình sử dụng vốn trong suốt thời gian vay và trả nợ.

Công việc quản lý tín dụng còn có nhiều tên gọi khác, như nhân viên hỗ trợ tín dụng, chuyên viên hỗ trợ kinh doanh.

quản lý tín dụng là gì
Tìm hiểu công việc quản lý tín dụng là gì

Mô tả công việc của nhân viên quản lý tín dụng

Thực hiện cấp phát và quản lý tín dụng

  • Tiếp nhận đầy đủ hồ sơ tín dụng, bao gồm tất cả các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu tài sản bảo đảm.
  • Thẩm tra toàn bộ giấy tờ đã tuân thủ và hợp lệ theo điều kiện cho vay.
  • Bàn giao, luân chuyển và bảo quản giấy tờ theo quy định của ngân hàng.
  • Kiểm soát hồ sơ và chất lượng tín dụng cùng các bộ phận khác.
  • Tiếp nhận thêm hồ sơ bổ sung (nếu có) và thẩm tra để tiến đến thủ tục giải ngân.
  • Tiến hành giao dịch giải ngân theo quy trình.
  • Theo dõi khoản vay sau giải ngân, xem xét các phương án vay vốn mở hợp đồng.
  • Cập nhật các hạn mức tín dụng, hạn mức bảo lãnh. Điều chỉnh lãi suất vay theo quy định.
  • Quản lý hồ sơ tín dụng, đối chiếu dư nợ cùng các bộ phận liên quan trước khi giải chấp. 
  • Hoàn trả bản chính và các giấy tờ của khách hàng khi tất toán.

Quản lý nợ và rủi ro

  • Dựa trên lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, loại hình và hạn mức tín dụng để quản lý dư nợ và quản lý bảo lãnh.
  • Thống kê danh sách khách hàng đến hạn thanh toán, hoặc quá hạn trả lãi để thu hồi nợ.
  • Theo dõi quá trình thu hồi nợ, kiểm soát tình trạng nợ, tỷ lệ nợ xấu.
  • Đối chiếu dư nợ cho vay và các tài sản đảm bảo cùng bộ phận khác.
  • Thống kê xử lý nợ quá hạn và kế hoạch dự phòng rủi ro.
quản lý tín dụng
Nhìn thấy trước rủi ro để có kế hoạch xử lý khi có trường hợp nợ quá hạn

Lưu trữ, bảo quản hồ sơ tín dụng

  • Sắp xếp và bảo mật các hồ sơ đã lưu trữ.
  • Lưu giữ, quản lý hồ sơ, thực hiện các thủ tục xuất nhập, quản lý tài sản bảo đảm theo quy định ngân hàng.

Những kỹ năng, nghiệp vụ quản lý tín dụng cần có

Với một công việc đặc thù như quản lý tín dụng, bạn cần có những kỹ năng, kinh nghiệm xử lý nhất định để thực hiện công việc được suôn sẻ.

Yêu cầu về kỹ năng

Không sợ rủi ro

Chắc hẳn mọi người đều biết quản lý tín dụng là gì và lĩnh vực tín dụng cho vay đều có những rủi ro khó tránh khỏi. Mọi hồ sơ vay vốn của khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp lớn đều có rủi ro. 

Là một nhân viên quản lý tín dụng, bạn cần:

  • Nhìn thấy rủi ro phía trước
  • Lập kế hoạch để hạn chế rủi ro
  • Bảo đảm định mức giải ngân hợp lý cho khách hàng.

Công việc này đòi hỏi nhân viên phải cân bằng giữa tiếp thị, mở rộng thị trường khách hàng và một tâm lý vững để đối diện với rủi ro.

Sự e dè với rủi ro sẽ khiến bạn trở nên lo lắng, không thể nhìn thấy những hồ sơ tín dụng tiềm năng, dẫn đến những hạn chế trong sự nghiệp.

Biết lắng nghe và nắm vững nghiệp vụ

Lắng nghe luôn là kỹ năng dễ gây thiện cảm nhất trong ngành dịch vụ. Tập thói quen lắng nghe đầy đủ các yêu cầu từ cấp trên, hoặc thông tin từ khách hàng sẽ giúp bạn tiếp nhận thông tin đầy đủ và phân tích đúng.

Việc lắng nghe giúp bạn chắt lọc thông tin cần thiết và quan trọng, để từ đó, trao đổi trực tiếp vào trọng tâm, giúp tiết kiệm thời gian đàm phán.

Bất kỳ một ngành nghề nào cũng đòi hỏi bạn có tư duy chắc chắn, rõ ràng và các kiến thức nghiệp vụ bền vững. Quản lý tín dụng cũng không ngoại lệ.

Những lời nói ra với đồng nghiệp hoặc cấp trên cần rành mạch, hệ thống. Bạn cần nêu rõ quan điểm để người nghe hiểu đúng và đủ những gì bạn cần truyền đạt. Nhờ vào đó, bạn sẽ dễ dàng tạo dựng lòng tin và sự uy tín với người khác. 

Yêu cầu về nghiệp vụ

Một nhân viên quản lý tín dụng cần nắm vững những nghiệp vụ cần thiết để không mất thời gian và bỏ sót các giai đoạn. Có 4 nghiệp vụ chính sau đây:

  • Nghiệp vụ tín dụng: Nắm rõ các kiến thức tổng quan, chẳng hạn như hình thức cấp tín dụng, loại hình và phương thức cho vay, giới hạn tín dụng, các phương tiện thanh toán, các quy trình cơ bản.
  • Nghiệp vụ tài sản bảo đảm: Bạn cần hiểu rõ các quy trình đăng ký giao dịch bảo đảm, những yếu tố pháp lý, tính hợp pháp, tính sở hữu tài sản bảo đảm để đưa ra đánh giá phù hợp với phía ngân hàng.
  • Nghiệp vụ hạch toán kế toán: Hiểu rõ và vận dụng tối đa các kiến thức cơ bản về kế toán ngân hàng.
  • Nghiệp vụ quy định cơ bản theo văn bản pháp luật: Quản lý tín dụng cần hiểu về luật để khi có rủi ro xảy ra, bạn sẽ dễ đàm phán, thương lượng. Một số bộ luật cần nắm như: Luật doanh nghiệp, luật kinh doanh bất động sản, luật nhà ở. Ngoài ra, bạn cần phải nắm vững các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng.

Cơ hội hấp dẫn của vị trí quản lý tín dụng hiện nay

Công việc quản lý tín dụng mang lại rất nhiều cơ hội hấp dẫn mà bạn không nên bỏ lỡ.

  • Được làm việc trong môi trường trẻ trung, mang tính chất cạnh tranh lành mạnh. Tất cả những ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng để phát triển đều được khuyến khích. Tính chất minh bạch cũng được đánh giá cao. Chính vì vậy, vị trí quản lý tín dụng thu hút khá nhiều bạn trẻ ứng tuyển và lựa chọn để phát triển sự nghiệp.
  • Thu nhập tốt và ổn định. Nhiều vị trí làm việc trong ngân hàng đều có mức lương, thưởng khá tốt. Mức lương dao động từ 7-12 triệu đồng/ tháng tuỳ thuộc vào KPI và khá nhiều chính sách phúc lợi và chế độ thưởng khác. Công việc có độ ổn định tạo điều kiện cho các bạn nhân viên gắn bó lâu và thăng tiến.
  • Cơ hội để rèn luyện và nâng cao khả năng tư duy, tổng hợp vấn đề. Khi nắm vững các văn bản về pháp luật, bạn có thể hệ thống các vấn đề đang mắc phải, tư duy và suy nghĩ dựa vào những kiến thức có được để đưa ra phương án giải quyết phù hợp.

Chia sẻ “bí quyết” phỏng vấn vị trí quản lý tín dụng

Với những đãi ngộ lương thưởng cao và lộ trình thăng tiến cụ thể, vị trí quản lý tín dụng có tính cạnh tranh cao, được nhiều bạn quan tâm ứng tuyển.

Để có thể trở thành một quản lý tín dụng, bạn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thành công vượt qua buổi phỏng vấn. Hãy để Glints chia sẻ cho bạn một vài bí quyết nhé.

Phong thái chuyên nghiệp, thái độ tự tin, và tôn trọng công ty

Bạn cần thể hiện sự nghiêm túc với nghề và sự am hiểu các kiến thức chuyên ngành một cách tự tin. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị tác phong chuyên nghiệp, mặc những trang phục phù hợp, gây thiện cảm với nhà tuyển dụng.

Kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn

Hãy trang bị cho mình 4 kiến thức nghiệp vụ nền tảng mà chúng mình chia sẻ ở trên trước khi tham gia buổi phỏng vấn. Những kiến thức này hoặc kinh nghiệm trong công việc sẽ là một điểm cộng rất lớn với nhà tuyển dụng.

Chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm một cách rõ ràng, chi tiết trong buổi phỏng vấn chứng tỏ bạn đã chuẩn bị kỹ và đầy đủ trước khi ứng tuyển. Đồng thời, điều này cũng thể hiện bạn thực sự quan tâm đến vị trí này.

Nếu chưa có trải nghiệm thực tiễn, bạn cũng đừng lo lắng. Hãy trả lời lưu loát, rành mạch về các kiến thức chuyên môn mà mình đã được học hoặc tự tìm hiểu. Nhà tuyển dụng có thể đánh giá cao khả năng chủ động tìm tòi, học hỏi của bạn đấy!

Đọc thêm: 7 Bước Chuẩn Bị Và 10 Kỹ Năng Phỏng Vấn Xin Việc Bạn Cần Phải Biết

Tạm kết

Glints hy vọng với những thông tin công việc quản lý tín dụng là gì mà chúng mình chia sẻ vừa rồi sẽ là bước khởi đầu cho bạn bắt đầu với ngành này, và phát triển bản thân xa hơn trong tương lai.

Vị trí nhân viên quản lý tín dụng nếu làm việc nhiều năm, tích lũy kinh nghiệm và hoàn thành được các chỉ tiêu sẽ có lộ trình thăng tiến rất tốt. Nếu bạn quan tâm đến vị trí này, hãy trau dồi các kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng cần thiết ngay hôm nay.

Chúc bạn thành công!

Đọc thêm: Nhân Viên Tín Dụng Là Gì? Công Việc & Một Số Rủi Ro Khi Làm Tín Dụng Ngân Hàng  

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X