×

Một Ngày Làm Việc Của Nhân Viên Thiết Kế Đồ Họa Tại Glints

Ngày đăng: 28/01/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 10/02/2023

Với tính chất công việc sáng tạo và năng động, trở thành Nhân viên thiết kế đồ họa (hay Graphic Designer) đang là lựa chọn được ưa chuộng và thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ ngày nay.

Nếu bạn đang trong giai đoạn tìm hiểu về ngành nghề, vậy thì đây chắc chắn là bài viết bạn công nên bỏ qua. 

Người thật, việc thật. Cùng chúng mình khám phá một ngày làm việc đầy thú vị của hai anh bạn Graphic Designer đến từ nhà Glints Việt Nam – Trung Lê và Triều Việt qua bài viết sau nhé!

Không chỉ nói về những mô tả công việc đặc thù, hai anh bạn nhân viên thiết kế đồ họa của chúng ta cũng sẽ chia sẻ thêm về môi trường làm việc tại Glints cũng như các kiến thức Graphic Design bổ ích dành cho các bạn trẻ có đam mê với nghề. 

Đọc thêm: Graphic Design Là Gì? Tổng Quan Về Ngành Thiết Kế Đồ Họa Dành Cho Người Mới

Đôi nét về hai người bạn của chúng mình

Hiện tại bộ phận Thiết kế Sáng tạo (Team Creative) của Glints tại Việt Nam gồm có hai thành viên “trụ cột” – như đã giới thiệu ở đầu bài – chính là Trung Lê và Triều Việt. Cùng Glints tìm hiểu về hai người bạn này qua vài dòng hỏi thăm sau nhé!

Lời chào dạo đầu – Bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân được không?

Trung Lê

Chào bạn đọc của Glints, mình là Trung Lê – Creative Design Executive tại Glints Việt Nam. Là một sinh viên theo học chuyên ngành Quan hệ Công chúng – Truyền thông nhưng sớm đã có đam mê với ngành Thiết kế sáng tạo, mình đã quyết định tự học thiết kế… và trở thành người sáng tạo hình ảnh.

Triều Việt

Chào mọi người, mình là Triều Việt. Mình đang theo học ngành Thiết kế Truyền thông tại Úc. Như các bạn đã biết, hiện tại mình đang là Nhân viên Thiết kế đồ họa tại Glints – thuộc đội ngũ phụ trách thị trường Việt Nam.

một ngày làm việc của nhân viên thiết kế đồ hoạ
Chân dung hai nhân viên thiết kế đồ hoạ tại Glints

Đâu là lý do khiến bạn bén duyên với nghề?

Trung Lê

Là người thiên về bán cầu não phải, những thứ liên quan đến nghệ thuật như (hội họa, âm nhạc, văn học) đến với mình một cách rất tự nhiên và được tiếp thu rất nhanh. 

Từ những năm cấp 3, mình bắt đầu tìm hiểu bộ phần mềm thiết kế – Adobe Creative Suite, tự mày mò những sản phẩm thiết kế đầu tiên cho trường, lớp, và các câu lạc bộ. 

Nhờ những nỗ lực đó, mình luôn được tin tưởng giao cho nhiệm vụ thiết kế các sản phẩm của nhóm nhiều hơn. Dần dà, mình nhận thấy bản thân cũng có duyên với ngành và tự ý thức về những vị trí sẽ đạt được trong sự nghiệp sau này. 

Triều Việt

Nhà mình vốn đã có truyền thống theo nghệ thuật. Cho tới cả thời ông bà và bố mẹ đều là kiến trúc sư. Vậy nên, từ bé mình đã có cơ hội được tiếp xúc với mỹ thuật và hội họa đều rất sớm.

Tuy nhiên, có lẽ bản thân mình không mấy phù hợp với những bản vẽ thiết kế xây dựng, kiến trúc như cả nhà. Mình quyết định lựa chọn cho mình một hướng đi trông có vẻ màu sắc và đa dạng hơn – tuy có hơi khác biệt, song vẫn được gia đình ủng hộ. 

Và như các bạn thấy rồi đấy, mình quyết định theo đuổi ngành sáng tạo và trở thành một nhân viên Thiết kế đồ họa như lúc này đây.

Công việc chính của một Graphic Designer là gì?

Hiểu một cách đơn giản, công việc chính của một nhân viên thiết kế đồ họa là biến các ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm đồ họa thu hút, phục vụ cho mục đích tiếp thị, truyền thông và quảng cáo.

Nhân viên thiết kế đồ họa sẽ thường làm việc sát sao với bộ phận Marketing để thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, hình ảnh quảng cáo, áp phích, các bài đăng trên mạng xã hội, thiết kế website, cũng như quản lý và giám sát khi thực hiện các dự án in ấn ấn phẩm, nhãn mác, bao bì, v.v.

graphic designer

Chẳng hạn như tại Glints Việt Nam, bộ phận Graphic Design sẽ thường hợp tác làm việc với đội ngũ Sản xuất nội dung (Content), cụ thể như Website Content hay Social Content, nhằm thiết kế những sản phẩm trực quan hóa phục vụ cho mục đích Tiếp thị nội dung trên đa nền tảng.

Ngoài ra, cả Trung và Việt cũng hỗ trợ bên phía đội ngũ Talent Acquisition để thiết kế poster tuyển dụng, cũng như các hoạt động thiết kế cho sự kiện đến từ bộ phận Nhân sự – Team Creative chia sẻ.

Lịch trình một ngày làm việc bình thường của Graphic Designer

Nhân viên sáng tạo cần phải làm gì để có thể thiết kế các sản phẩm đồ họa?Sử dụng Photoshop và ngồi máy tính hì hục cả ngày? 

Thực tế không hẳn là như vậy. Tuy không quá thực sự bí ẩn như người khác hay nghĩ, nhưng tuyệt nhiên… Thiết kế đồ họa chắc chắn không phải là một công việc dễ dàng. 

Bạn có thể nhanh chóng hoàn thiện một sản phẩm chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Và đôi lúc phải “chịu trận” bởi một ngày làm việc trở nên “rối tung rối mù” vì mãi không làm được gì nếu chẳng may gặp phải tình trạng bí ý tưởng.

Một nhân viên thiết kế đồ họa chuyên nghiệp sẽ biết cách kết hợp tư duy sáng tạo và tính nghệ sĩ của bản thân để tạo ra những ấn phẩm thu hút, độc đáo – truyền tải ý tưởng và thông điệp bằng cách thiết kế hình ảnh trực quan. 

Nhưng diễn đạt qua bấy nhiêu câu chữ đây thôi vẫn chưa đủ. Công việc thiết kế phức tạp hơn hơn thế nhiều. Vậy nên, để Glints mời bạn cùng thử khám phá lịch trình thường nhật của 2 người bạn Graphic Designer của chúng mình để hình dung rõ hơn nhé!

7:30 – Thức dậy chào ngày mới

Công việc của Designer thường khá linh động về giờ giấc và nơi làm việc. Hầu các nhân viên thiết kế đồ họa rất ưa chuộng làm việc tại nhà hay ngồi tại không gian quán cà phê thay vì đến văn phòng làm việc – Trung và Việt cũng vậy.

Không cần phải vội vã thức dậy sớm, sau một đêm ngủ đủ giấc, 7:30 sáng là thời điểm lý tưởng mà 2 anh chàng Graphic Designer lựa chọn để thức dậy, ăn sáng và nhâm nhi một tách cà phê.

“Đối với mình, cà phê sáng là một “liều thuốc” không thể thiếu sau khi thức dậy. Mình thường thích pha cà phê phin – hương cà phê sáng sớm sẽ giúp đầu óc mình tỉnh táo và trở nên sáng tạo hơn”, Trung chia sẻ.

nhân viên thiết kế đồ hoạ

Tầm 8:15 sáng, bạn cũng thể tập một bài thể dục khởi động để nạp năng lượng cho ngày mới đầy hứng khởi hơn. Thể dục tại nhà hoặc đi dạo ngoài công việc cũng là ý tưởng không tồi chút nào.

Đọc thêm: Sạc Đầy Năng Lượng Cho Ngày Mới Bằng Những Thói Quen Nhỏ Tích Cực Sau

9:00 – Kiểm tra và sắp xếp công việc

Cũng giống như các doanh nghiệp start-up hiện nay, giờ làm việc tiêu chuẩn cho các Glintstars sẽ bắt đầu vào 9 giờ sáng mỗi ngày. Đây cũng là khoảng thời gian hợp lý để cho nhân viên các phòng ban, cũng như bộ phận Thiết kế đồ họa có thể lên kế hoạch công việc cho cả ngày, trao đổi và thảo luận các ý tưởng mới, hay đơn giản hơn là trò chuyện với đồng nghiệp trước khi bắt tay vào làm việc.

Các yêu cầu thiết kế từ các bộ phận khác sẽ thường được gửi vào đầu ngày. Đây cũng là lúc bên Team Creative sẽ kiểm tra và phân bổ đầu công việc cho các thành viên.

Và việc kế tiếp đó chính là: Lên danh sách và bắt đầu sắp xếp timeline làm việc cho một ngày, thậm chí là cả tuần.

“Hệ thống phân chia công việc ở Glints rất rõ ràng. Mình có thể chủ động sắp xếp công việc cho các ngày trong tuần, rồi từ đấy lên kế hoạch phân chia thời gian hoàn thành cụ thể cho từng đầu công việc trong một ngày”, Triều Việt mô tả.

Một mẹo nhỏ đến từ thành viên Thiết kế đồ họa nhà Glints – Trung Lê: Nếu bạn sợ rằng bản thân trì hoãn gây chậm trễ tiến độ, hãy đặt timeline sớm hơn tầm khoảng 30 phút tới 1 tiếng cho từng đầu việc. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo tính linh động cho thời gian làm việc trong ngày, và đương nhiên… tránh việc bị trễ deadline. 

Đọc thêm: 12 Mẹo Thay Đổi Thói Quen Trì Hoãn Khi Làm Việc Tại Nhà

10:00 – Họp báo cáo với bộ phận khác

Họp nhanh buổi sáng – có lẽ cũng là “đặc sản” thường thấy ở bất kỳ công ty nào. Đây là khoảng thời gian để mọi người trong đội ngũ và phòng ban liên quan có thể thảo luận và chia sẻ về tiến trình công việc với nhau, hoặc thông báo nhiệm vụ quan trọng – đảm bảo các thành viên đều hướng về mục tiêu chung.

Ở Glints cũng vậy, theo Trung và Việt: “Mỗi tuần giữa team Creative và team Social Media có một cuộc họp để báo cáo về hiệu quả bài viết trên các kênh truyền thông, cách khắc phục hạn chế cũng như những ý tưởng mới.”

nhân viên thiết kế đồ hoạ tại Glints

Một số cuộc họp liên quan từ các phòng ban khác cũng sẽ thường được đặt tại khung giờ này, Ngoài ra, nếu như ngày hôm đó không có cuộc họp sáng nào. Team Creative cũng có thể trao đổi công việc với nhau qua Slack nếu có vấn đề gì, chẳng hạn như thảo luận ý tưởng hay giải quyết các vấn đề phân chia công việc khác.

Đọc thêm: Tổng Hợp Các Yếu Tố Và Nguyên Tắc Thiết Kế Đồ Họa Cho Người Mới Bắt Đầu

10:30 – Bắt tay vào làm!

Một ngày làm việc của nhân viên thiết kế đồ họa chính thức bắt đầu tại lúc này đây.

Như Trung Lê giải thích: Giới dân chuyên sáng tạo có 2 loại designer mà bạn thường sẽ bắt gặp – chính là Đa nhiệm và Tập trung. 

Với những ai yêu thích sự đa nhiệm (Multitasker), họ sẽ kết hợp xử lý đa dạng công việc cùng lúc, bao gồm thực hiện thiết kế, trả lời email, cũng như giải quyết phản hồi, feedback cùng một lúc. 

Số còn lại sẽ thường chọn tập trung thiết kế đồ họa một task cụ thể, trước khi chuyển qua xử lý những chuyện khác – 2 anh bạn nhân viên nhà Glints cũng thuộc loại này đây.

Về cơ bản, quy trình công việc thiết kế của designer có thể tóm gọn như sau:

  • Thảo luận (Brainstorm): Sau khi nhận yêu cầu từ bộ phận khác, bên bộ phận thiết kế sẽ thảo luận sơ qua về ý tưởng dựa trên yêu cầu được giao, từ đó phân chia công việc cụ thể.
  • Nghiên cứu ý tưởng (Research): Đến bước này, designer sẽ cần tìm kiếm các nguồn tham khảo liên quan để định hình cụ thể cho sản phẩm của mình. “Mình thường tìm cảm hứng từ Behance và Pinterest, đôi khi từ những nghệ sĩ trên Instagram”, Trung chia sẻ.
  • Thực hiện thiết kế (Execution): Có sẵn sườn ý tưởng, việc tiếp theo chính là bắt tay vào làm việc.
  • Kiểm định và hoàn thiện (Quality check/Feedback): Sản phẩm hoàn thành vẫn chưa thể coi là hoàn thiện nếu chưa qua khâu đối chiếu và kiểm định. Sau khi đáp ứng toàn bộ yêu cầu đôi bên, lúc này thiết kế của bạn đã sẵn sàng!

13:00 – Nghỉ trưa

Làm việc vẫn phải đi kèm với nghỉ ngơi hợp lý. Một bữa trưa ngon miệng, hay việc “chợp mắt” một lúc cũng có thể giúp bạn lấy lại năng lượng để làm tốt công việc buổi chiều.

Khác với các bạn nhân viên thiết kế đồ họa làm tại văn phòng, Trung Lê thường hay ra quán cafe làm việc sau buổi cơm trưa. “Những quán cafe có không gian mở, nhiều cây cối và ánh sáng sẽ giúp mình có thêm nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo”.

Đối với Việt, mốc thời gian có chênh lệch một xíu. Vì hiện tại đang sinh sống ở Úc, giờ làm việc của anh bạn cũng “xê dịch” đôi phần để phù hợp với khung giờ tại Việt Nam. Tuy có thời gian nghỉ trưa ngắn hơn, nhưng Việt ráng sắp xếp xong trước một số việc để ăn cho đúng bữa, song, vẫn đảm bảo chất lượng và khối lượng công việc đề ra.

Đọc thêm: 12 Cách Phát Triển Kỹ Năng Quản Lý Thời Gian Hiệu Quả Bạn Nên Thử Ngay!

14:00 – Trở lại với công việc

Sau khi nhận feedback, team Creative sẽ bắt đầu sửa lại bản thiết kế cho phù hợp và gửi lại cho các bộ phận duyệt lần cuối trước khi đăng bài.

Có thể nói, kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian là điều quan trọng nếu bạn muốn theo đuổi công việc của một designer. Bạn cũng phải biết đan xen công việc và nghỉ ngơi hợp lý.

công việc của graphic designer

Làm việc tù tì cả ngày dài ư? Đừng nhé. Bạn có thể học hỏi cách Graphic Designer nhà Glints “xốc” lại tinh thần giữa hàng loạt công việc hằng ngày: “Thường mỗi 30-45 phút mình sẽ đứng lên và đi lại chút cho cơ thể được vận động, đồng thời giúp cho đôi mắt được nghỉ ngơi” (Triều Việt).

15:00 – Họp catch-up với các thành viên khác

Họp catch-up chính là các cuộc họp nhanh để nắm bắt thông tin. 

Theo Trung Lê: “Team Creative tại Glints có số lượng thành viên khá đông đến từ nhiều trụ sở trên thế giới, nên chúng mình có một buổi họp tất cả thành viên để báo cáo công việc, chia sẻ khó khăn và cập nhật thông tin hằng tuần từ Creative Lead.”

Đừng nghĩ Graphic Design là một công việc chỉ mang tính độc lập, cá nhân. Bạn cũng cần hợp tác và làm việc với các thành viên khác để có thể hoàn thành công việc tốt nhất.

16:00 – Tiếp tục xử lý công việc

Đây là lúc để designer giải quyết những việc còn tồn đọng trong ngày hay những công việc phát sinh. 

Dưới vị trí executive, mình còn là cầu nối giữa các bộ phận khác và các thành viên của team. Vai trò của mình là đảm bảo rằng mọi kế hoạch, ý tưởng được tổ chức chỉn chu cùng timeline rõ ràng trước khi bắt tay vào từng thiết kế. Sau cùng, luôn đảm bảo chất lượng đầu ra trước khi gửi thiết kế cho các bộ phận liên quan” (Trung Lê).

18:30 – Tan ca và các hoạt động sau giờ làm

Thời gian làm việc của designer không ổn định như những công việc văn phòng khác. Điều này đòi hỏi khả năng quản lý thời gian của bạn để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Trò chuyện thêm cùng Glints, Trung có chia sẻ: “Tuy bận rộn, mình vẫn cố gắng giành 4 ngày/tuần để tập gym. Điều này giúp mình có sức khỏe, sức bền và tinh thần tỉnh táo để giải quyết khối lượng công việc dày đặc. Ngoài ra, những hôm giải quyết xong sớm công việc,  mình thường rủ bạn bè đi ăn tối hoặc thư giãn ở nhà sau những giờ làm căng thẳng.”

Bên cạnh đó, làm nhân viên thiết kế đồ họa tại công ty không có nghĩa là bạn không được nhận thêm các dự án bên ngoài. Với sức trẻ năng động, Trung và Việt thường phân bố xen kẽ thời gian làm việc và các hoạt động cá nhân khác. 

Công việc freelance chính là thứ mà cả hai đều lựa chọn để trải nghiệm và phát triển bản thân trong lĩnh vực Sáng tạo này.

Đọc thêm: Tất Tần Tật Về Cách Định Giá Freelancer, Người Làm Tự Do Chớ Bỏ Qua

23:00 – Đi ngủ

Kết thúc một ngày, chuẩn bị tinh thần và năng lượng cho hôm sau, Graphic Designer làm gì?

Đáp án của thành viên Creative nhà Glints chính là giãn cơ. “Những động tác giãn cơ giúp cơ phục hồi tốt hơn sau tập và giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn. Mình thường dành 15 phút cho hoạt động này, tuy ngắn nhưng những ai tập thể thao đừng nên phớt lờ nó nhé.”

Điều đặc biệt trong công việc của Nhân viên thiết kế đồ họa tại Glints là gì?

Đối với Glints, văn hóa công ty là kim chỉ nam. Khối lượng công việc không thành vấn đề nếu bạn làm việc ở một môi trường lý tưởng, tạo điều kiện cho bạn đưa ra ý kiến và khoảng cách giữa các cấp dường như không có. Không chỉ bộ phận Creative mà tất cả các bộ phận đều cố gắng tránh giải quyết việc sau giờ làm. 

“Bởi tính linh động và tự do trong công việc, mình có thêm thời gian cho các hoạt động cá nhân khác cũng như công việc freelance.” Trung Lê tâm sự. 

Ngoài ra, Triều Việt cũng nói thêm về điểm cộng khác mà cậu bạn ưa thích tại Glints:

Công việc của designer đòi hỏi bạn phải hợp tác và làm việc với rất nhiều phòng ban. Quá trình thiết kế và tìm kiếm ý tưởng phức tạp cũng sẽ “ngốn” của một nhân viên thiết kế đồ họa thông thường rất nhiều thời gian.

Vì vậy, sự chuyên nghiệp từ các bên hợp tác cũng là điều quan trọng để công việc thiết kế trở nên hiệu quả và nhanh chóng hơn. Một ví dụ điển hình là brief (yêu cầu) từ phía đội ngũ Sản xuất nội dung của Glints rất rõ ràng và chi tiết. Điều đó giúp mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi thực hiện ý tưởng, cũng như kiểm định và chỉnh sửa hình ảnh. 

Đọc thêm: Học Thiết Kế Đồ Họa Cần Biết Những Công Cụ Và Phần Mềm Gì?

Lời khuyên dành cho những bạn trẻ muốn theo đuổi công việc Graphic Designer

Lựa chọn môi trường

Nói về lời khuyên muốn nhắn nhủ tới các “đồng nghiệp tương lai”, Trung Lê nhấn mạnh:

Hãy chọn đúng môi trường mà ở đó khả năng sáng tạo của bạn được phát huy. Môi trường đúng đắn nghĩa là mỗi ngày đi làm bạn đều cảm thấy hài lòng với công việc đang làm và được trân trọng những thành quả bạn làm ra.

Bên cạnh nỗ lực cá nhân, tác động từ môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trong tư duy và kỹ năng của bạn. Vì vậy, đừng quên trải nghiệm thật nhiều và chọn cho mình nơi bạn cảm thấy thuộc về. Glints tin chắc rằng, bạn sẽ có thể bền bỉ vững bước hơn khi gặp đúng môi trường làm việc thích hợp.

Tinh thần học hỏi

Công việc nào cũng vậy. Bạn phải học hỏi, phải trau dồi thì mới có đủ nền tảng để phát triển. Kể cả bạn đã tìm cho mình một chỗ dừng chân hợp lý, đừng quên cập nhật kiến thức và nâng cấp bản thân mình để tiếp tục tiến xa hơn. 

graphic designer tại glints

“Bạn có thể làm mới tư duy bản thân mọi lúc mọi nơi, từ các thông tin trên Internet, báo đài, tạp chí, đường phố, hay bất cứ loại hình ảnh, âm thanh nào. Ngoài ra các triển lãm, phòng tranh, kịch nghệ hay thậm chí những chương trình giao hưởng cũng là một cách thức mở mang kiến thức và tầm hiểu biết ở một phương diện mới. Nghe có vẻ hàn lâm nhưng bạn hãy thử xem sao, biết đâu lại tìm được ý tưởng mới cho các sản phẩm sáng tạo của mình”, Triều Việt chia sẻ.

Phẩm chất cần thiết của một Graphic Designer là gì?

Tinh thần khai phóng và tư duy sáng tạo là điều mà 2 anh bạn từ Glints muốn các bạn trẻ luôn nhớ lấy để theo đuổi nghề này.

“Hãy để não của một người làm sáng tạo trở thành một cuốn từ điển bách khoa về hình ảnh, âm thanh, từ ngữ. Chủ động quan sát và ghi chép qua note, máy ảnh hoặc thậm chí bộ nhớ sinh học (não) tất cả mọi thứ xung quanh.”

Bạn cũng đừng nên ngại khổ và kén chọn. Hãy luôn sẵn sàng tiếp thu mọi ý kiến và làm quen với cá những lời chỉ trích. Tích cực đổi mới và thử thách chính mình nhiều phong cách thiết kế khác nhau. 

Từng công việc bạn làm, từng tác phẩm hoàn thiện sẽ để lại cho bạn nhiều bài học để vững bước hơn với nghề. 

công việc của graphic designer tại glints là gì

Còn một điều nhỏ khác bạn cùng đừng quên: Hãy thiết kế bằng “một trái tim nóng và cái đầu lạnh”, kết hợp bản chất nghệ thuật trong mình cùng với tư duy hướng về người xem. Thiết kế nghệ thuật nhưng thực tế, tìm cách truyền tải thông điệp dễ hiểu, dễ tiếp cận, và chạm đến người xem.

Kết

Trên đây là những chia sẻ và tâm sự mà chúng mình muốn chia sẻ cùng với bạn đọc, dưới câu chuyện về nghề từ những người bạn “thân cận” từ nhà Glints. 

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hình dung được phần nào về công việc của một nhân viên Thiết kế đồ họa, cũng như cách mà một designer xử lý các nhiệm vụ hằng ngày. 

Bạn muốn bắt đầu trở thành Graphic Designer? Đừng quên tham khảo các vị trí tuyển dụng tại Glints

Nếu những thông tin trên hữu ích với bạn, hãy click ngay vào hashtag Graphic Design bên dưới để cập nhật những bài viết mới nhất về ngành Thiết kế đồ họa nhé!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 6

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Có thể bạn cũng thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X