×

Mẫu CV Cho Vị Trí Quản Lý Nhà Tuyển Dụng Luôn Để Mắt Tới

Ngày đăng: 24/01/2023 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 01/02/2023

mẫu cv cho vị trí quản lý

Chạm tay vào vị trí quản lý hay trưởng nhóm là ước mơ của không ít người. Và tấm vé đầu tiên giúp bạn hiện thực hóa mục tiêu thăng tiến lên vị trí quản lý chính là một bản CV chuyên nghiệp, nêu bật được những thế mạnh của bạn so với những ứng viên tiềm năng khác.

Tuy nhiên, không ít người mắc sai lầm khi chuẩn bị CV ứng tuyển vị trí quản lý, đó là chỉ cập nhật CV cũ mà không biết rằng nhà tuyển dụng có những tiêu chí đánh giá CV vị trí quản lý hoàn toàn khác so với CV các vị trí nhân viên. 

Hãy cùng Glints điểm qua những điểm cần lưu ý và tải về mẫu CV cho vị trí quản lý khiến nhà tuyển dụng chỉ nhìn một lần là muốn tuyển bạn ngay-và-luôn! 

Cách viết CV cho vị trí quản lý

1. Ghi rõ thông tin liên lạc

Các ứng viên ứng tuyển vào vị trí quản lý thường rất được săn đón trong cộng đồng những người làm nhân sự. Đặc biệt, trong trường hợp profile của ứng viên tốt nhưng chưa phù hợp với vị trí đang tuyển, cộng đồng làm tuyển dụng tại Việt Nam thường xuyên chia sẻ với nhau CV của những ứng viên chất lượng để hỗ trợ ứng viên kết nối với nhà tuyển dụng khác.

Vì vậy, để headhunter hoặc chuyên viên tuyển dụng từ các công ty khác nhau dễ dàng liên lạc trao đổi thêm về cơ hội việc làm, bạn cần ghi thật rõ ràng các thông tin sau ở phần đầu của CV:

  • Họ tên: Nếu công ty bạn ứng tuyển là công ty có yếu tố quốc tế, bạn có thể cân nhắc ghi thêm tên tiếng Anh. 
  • Số điện thoại di động: Hãy kiểm tra kỹ xem số điện thoại của bạn đã chính xác chưa, bởi có không ít trường hợp số điện thoại ứng viên ghi trong CV bị thiếu 1-2 chữ số khiến nhà tuyển dụng không thể liên hệ được. Ngoài ra, hãy đảm bảo hình ảnh và thông tin trên profile Zalo (đăng ký trên số di động của bạn) được thể hiện một cách chuyên nghiệp, chỉn chu bởi hiện nay có khá nhiều HR khi không gọi điện được cho ứng viên sẽ để lại tin nhắn hoặc liên hệ qua Zalo để trao đổi thêm. 
  • Email cá nhân: Đôi khi, vì muốn không bỏ lỡ email từ nhà tuyển dụng mà nhiều ứng viên điền email tại công ty hiện tại vào CV bởi đây là địa chỉ email họ kiểm tra hàng ngày. Tuy nhiên, email công việc là tài sản của công ty hiện tại, và bạn sẽ không bao giờ biết được liệu công ty có đang giám sát hay kiểm tra đột xuất email của bạn hay không. Vì vậy, lời khuyên ở đây dành cho bạn là luôn điền email cá nhân ở CV. 
  • LinkedIn profile: Trong trường hợp may mắn được cộng đồng nhân sự chia sẻ CV (thường là trên LinkedIn), sẽ có không ít headhunter hoặc nhà tuyển dụng sẽ trực tiếp kết nối và trao đổi với bạn qua LinkedIn. Để thuận tiện liên lạc với nhà tuyển dụng, bạn đừng quên đính kèm đường link dẫn đến profile LinkedIn của mình trong CV nhé.  

Ngoài ra, bạn nên tránh ghi quá chi tiết những thông tin sau trong CV:

  • Địa chỉ nhà: Nơi ở thuộc dạng thông tin không nhất thiết phải công khai, vì vậy, bạn nên bảo mật thông tin này để tránh trường hợp thông tin của bạn bị lan truyền, dẫn đến kẻ xấu lợi dụng và lừa đảo. Thay vào đó, bạn chỉ cần ghi tên quận và tên thành phố là đủ. 
  • Tuổi tác, ngày sinh: Khi ứng tuyển vào vị trí quản lý, kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm của bạn mới là vũ khí quan trọng nhất. Hãy tiết kiệm không gian của CV bằng cách xóa bỏ tuổi tác, ngày sinh để dành chỗ cho những thông tin quan trọng hơn.

2. Làm nổi bật chuyên môn và kỹ năng quan trọng

cv cho quản lý
Làm nổi bật những chuyên môn và kỹ năng quan trọng trong cv cho quản lý

Mỗi vị trí quản lý lại đòi hỏi một bộ kỹ năng khác nhau. Chẳng hạn, trong các công ty công nghệ, vị trí Tech Lead và Team Lead đều quản lý team và có cấp bậc tương đương. Tuy nhiên, Tech Lead lại phụ trách các vấn đề kỹ thuật (hard skills), trong khi Team Lead phụ trách quản lý dự án và con người nên cần khéo léo, giỏi kỹ năng mềm (soft skills). 

Vì vậy, bạn cần đọc thật kỹ bản mô tả công việc (job description) để tìm ra đâu là những kỹ năng quan trọng cho vị trí bạn ứng tuyển. 

Sau đó, hãy nhớ sử dụng những từ khóa liên quan đến kỹ năng đó trong CV để vừa khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn có kinh nghiệm và kỹ năng liên quan, vừa để dễ dàng vượt qua bộ lọc hồ sơ ứng viên mang tên ATS (application tracking system). 

Đọc thêm: ATS là gì? Hướng Dẫn Cách Viết Mẫu CV Đơn Giản Giúp Bạn “Qua Ải” Applicant Tracking System Dễ Dàng

3. Cụ thể hoá kinh nghiệm làm việc liên quan

Càng tuyển những vị trí cấp bậc cao, nhà tuyển dụng càng muốn giảm thiểu rủi ro tuyển nhầm người bằng cách tìm ứng viên có kinh nghiệm làm việc liên quan. 

Hãy nêu bật lợi thế của bạn bằng cách chứng minh bạn và công việc ứng tuyển có điểm giao thoa nhất định. Kinh nghiệm liên quan ở đây có thể là kinh nghiệm ở vị trí/cấp bậc tương đương, hoặc cũng có thể là kinh nghiệm làm việc trong ngành nghề mà công ty hoạt động. 

Trong trường hợp bạn không có kinh nghiệm làm việc liên quan, hãy chỉ ra những thành tích bạn đã đạt được ở các công việc trước (càng cụ thể càng tốt) để chứng minh bạn có năng lực và những kỹ năng chuyển đổi (transferable skills) giúp bạn có thể thành công ở bất cứ ngành nghề, lĩnh vực và môi trường nào. 

Đọc thêm: 8 Điều Cần Lưu Ý Khi Viết CV Xin Việc Trái Ngành

4. Đề cập đến trình độ học vấn, chứng chỉ

Một số ngành nghề như luật hay tài chính, kiểm toán, kế toán có yêu cầu rất khắt khe về trình độ học vấn cũng như chứng chỉ hành nghề của ứng viên. Trong những trường hợp này, bạn cần ghi rõ bằng cấp, chứng chỉ đã đạt được để chứng minh trình độ chuyên môn. 

Tuy nhiên, nếu một số bằng cấp, chứng chỉ của bạn không thực sự liên quan đến công việc thì bạn có thể cân nhắc lược bỏ để CV ngắn gọn, súc tích và đi đúng trọng tâm hơn.

3 lưu ý khi viết CV cho vị trí quản lý

1. Sử dụng mẫu CV phù hợp 

Ở mỗi một giai đoạn trong sự nghiệp, bạn cần một bản CV khác nhau để phản ánh đúng học vấn, kinh nghiệm và kỹ năng của bạn ở thời điểm đó. Để tối đa hóa cơ hội vượt qua vòng CV, bạn không nên tái sử dụng mẫu CV cũ mà cần tạo một bản CV mới, được tối ưu riêng cho vị trí quản lý. 

Nếu như những mẫu CV cho vị trí quản lý sáng tạo, bắt mắt để thể hiện bản thân phù hợp với các vị trí entry level thì với vị trí quản lý, bạn nên cân nhắc sử dụng những mẫu CV có format hoặc ngôn ngữ thiết kế tối giản, chuyên nghiệp, đi thẳng vào trọng tâm. 

2. Sử dụng ngôn ngữ phù hợp 

Không chỉ thay đổi format, bạn còn cần điều chỉnh ngôn ngữ CV sao cho phù hợp với hình ảnh của một quản lý tương lai. 

Ví dụ, nhà tuyển dụng sẽ rất thích những CV sử dụng ngôn ngữ của một nhà quản lý và thể hiện năng lực lãnh đạo như dẫn dắt, đào tạo, cố vấn, lên chiến lược, giám sát, quản lý, đàm phán, v.v. thay vì những cụm từ như thực hiện, hoàn thành, tuân theo v.v.

3. Tối ưu CV với những từ khoá liên quan

Như đã nói, hiện nay rất nhiều công ty đã và đang sử dụng ATS (hệ thống lọc và quản lý ứng viên) để tối ưu hiệu suất tuyển dụng. Nhiệm vụ của ATS là phân tích những từ khóa trong CV của ứng viên và so sánh, đối chiếu với những yêu cầu được nêu ra trong bản mô tả công việc. 

Bởi vậy, bạn không nên sử dụng phương pháp ứng tuyển cũ, đó là sử dụng một bộ CV để ứng tuyển cho nhiều công việc cùng một lúc. Thay vào đó, bạn cần chỉnh sửa, tối ưu lại sao cho CV của bạn phù hợp và dễ dàng lọt qua vòng lọc CV của hệ thống ATS. 

Để làm được điều đó, bạn nên highlight những từ khóa có mật độ xuất hiện cao trong bản mô tả công việc và cố gắng lồng ghép khéo léo những từ khóa đó vào CV của mình. 

Glints-Job-template-kits-CV-don-gian-7-732x1024
Lọc và highlight từ khóa là bước rất quan trọng giúp bạn tạo ra một bản CV thân thiện với ATS

Nếu bạn chưa từng có kinh nghiệm hay học vấn liên quan đến một từ khóa nhất định thì cũng không nên khiên cưỡng mà nhồi nhét từ khóa, bởi nhà tuyển dụng sẽ phát hiện ra bạn không thành thật ở vòng phỏng vấn và từ đó có ấn tượng không tích cực với bạn.

Đọc thêm: ATS là gì? Hướng Dẫn Cách Viết Mẫu CV Đơn Giản Giúp Bạn “Qua Ải” Applicant Tracking System Dễ Dàng

Mẫu CV cho vị trí quản lý khiến nhà tuyển dụng ưng ý

Nếu bạn đang muốn thay đổi bản CV của mình để phù hợp hơn với vị trí quản lý nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo ngay mẫu CV cho vị trí quản lý của Glints dưới đây và tải về hoàn toàn miễn phí! 

Câu hỏi thường gặp về CV cho vị trí quản lý

1. CV vị trí quản lý nên dài bao nhiêu trang?

Bất kể kinh nghiệm của bạn phong phú đến đâu, bạn nên gói gọi CV trong khoảng 1-2 trang A4. Để tiết kiệm diện tích CV, bạn có thể sử dụng các gạch đầu dòng thay vì viết cả câu và chỉ giữ thông tin về trình độ học vấn cao nhất. 

2. Cần viết gì trong CV để chứng mình tôi có tiềm năng quản lý, lãnh đạo? 

Có nhiều vai trò quản lý khác nhau, ví dụ như quản lý về kỹ thuật cũng như quản lý về con người. Bạn cần tìm hiểu rõ xem vị trí mình ứng tuyển thuộc loại nào và cố gắng nhấn mạnh kinh nghiệm liên quan đến loại đó trong CV. 

Ví dụ, bạn muốn ứng tuyển vị trí quản lý team marketing, và trong bản mô tả công việc, công việc này bao gồm tuyển dụng, phỏng vấn, đào tạo nhân viên marketing mới, cũng như cố vấn và dẫn dắt team. Như vậy, đây là một vị trí quản lý về con người. Vì vậy, hãy sử dụng những từ khóa và thành tích liên quan đến dẫn dắt đội nhóm, tuyển dụng nhân sự, v.v. để thể hiện mức độ phù hợp của mình với vị trí này. 

3. Tôi từng nhảy việc khá nhiều. Có nên liệt kê tất cả các công việc từng làm trong CV không?

Bạn không nhất thiết phải liệt kê hết tất cả các công việc mình từng làm. Thay vào đó, hãy giữ lại những công việc gần nhất và có sự liên quan trực tiếp đến công việc bạn đang ứng tuyển. 

Tạm kết

Nhìn chung, ứng tuyển vào vị trí quản lý sẽ không quá khó nếu bạn nắm vững tính chất công việc, hiểu rõ điểm mạnh của bản thân và biết cách kết nối những công việc cũ với công việc mới để chứng minh bạn hoàn toàn có thể đảm nhận vị trí quản lý mà không gặp trở ngại gì. 

Glints hy vọng những bí quyết trên cùng mẫu CV cho vị trí quản lý mà Glints dành tặng bạn sẽ là hành trang đắc lực giúp bạn chinh phục ngay cả những nhà tuyển dụng khó tính nhất! 

Đừng quên để lại bình luận, chia sẻ đến ai đó đang cần và đăng ký theo dõi blog của Glints để tiếp tục cập nhật những bài viết, thông tin hữu ích!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 3.8 / 5. Lượt đánh giá: 4

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Có thể bạn cũng thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X