×

Giám Đốc Công Nghệ – CTO Là Gì? Những Sự Thật Thú Vị Về CTO

Ngày đăng: 28/05/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 14/02/2023

Sự bùng nổ công nghệ những năm gần đây là một bước ngoặt lớn cho thế giới, nền công nghệ dần trở nên cần thiết hơn trong cuộc sống hằng ngày. Bất kể là công ty kinh doanh lĩnh vực nào, công nghệ cũng chiếm một phần quan trọng đối với vận hành, góp phần hoàn thiện dự án. 

Do vậy, giám đốc công nghệ (Chief Technology Officer – CTO), người đứng đầu bộ phận là người quan trọng. Thuật ngữ này vốn dĩ khá quen thuộc với cộng đồng IT những năm gần đây, tuy vậy, còn khá nhiều người chưa thực sự hiểu được trách nhiệm và công việc của một CTO là gì. 

Vậy những sự thật cần biết về một CTO là gì? CTO viết tắt của từ gì? Chúng ta cần có những kỹ năng nào để có để trở thành CTO? 

Cùng Glints tìm hiểu nhé!

cto là gì
Chief Technology Officer là gì? Đóng vai trò gì trong một tổ chức?

CTO là gì? Sự khác nhau giữa CTO và CIO

CTO là gì?

Nếu như bạn đang có những câu hỏi như CTO là viết tắt của từ gì? Glints sẽ giải đáp ngay cho bạn.

CTO viết tắt của Chief Technology Officer. Vậy Chief Technology Officer là gì? 

Chief Technology Officer có chức danh tiếng Việt là Giám đốc công nghệ. Đây là một chức vụ cấp cao của công ty, chịu trách nhiệm quản lý về những vấn đề liên quan đến công nghệ và kỹ thuật, thúc đẩy sự phát triển về giá trị công nghệ của một tổ chức.

CTO cũng cần có tầm nhìn về chiến lược phát triển, nắm bắt xu hướng công nghệ, có kiến thức IT, coding để giải quyết các vấn đề cùng đội ngũ IT, bảo đảm tiến độ công việc được tiếp diễn và các hoạt động được hoàn thiện theo mục tiêu kinh doanh. 

Tuỳ vào quy mô và trọng điểm công ty, CTO có thể làm việc, tương tác với các quản lý cấp cao khác như CIO (Giám đốc công nghệ thông tin), và báo cáo trực tiếp cho CEO (Giám đốc điều hành).

Sự khác nhau giữa CTO và CIO

CTO (giám đốc công nghệ)CIO (giám đốc công nghệ thông tin) thường bị nhầm lẫn về vai trò và trách nhiệm.

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc nghiên cứu và khối lượng công việc cần hoàn thiện tăng cao, do vậy CTO và CIO cần tách biệt. Mỗi vị trí đảm nhiệm vai trò khác nhau để bảo đảm hiệu quả cho các hoạt động của công ty.

cto là viết tắt của từ gì
CTO và CIO có những sự khác nhau nổi bật

CIO sẽ tập trung vào việc quản lý công nghệ thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, cải thiện quy trình và quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ hàng đầu. 

Nhiệm vụ của CIO là đảm bảo đồng bộ hoá các quy trình kinh doanh với công nghệ, phát triển chiến lược để tăng lợi nhuận cho công ty, hoạch định cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. CIO được xem như người điều hành trọng tâm về tài sản thông tin, hoạt động và chính sách liên quan đến IT và báo cáo trực tiếp với CEO.

CTO là nhà công nghệ sáng tạo, luôn cập nhật sự tân tiến để đổi mới, tập trung vào kỹ thuật, nhóm kỹ sư, bảo đảm phát triển nền tảng, sản phẩm công nghệ theo chiến lược phù hợp với mục tiêu. 

CTO tập trung vào khách hàng bên ngoài, hợp tác với các nhà cung cấp bên ngoài, cùng thống nhất giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chiến lược để tăng doanh thu công ty. CTO quản lý các nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ, là cánh tay phải của CIO hoặc cũng có thể báo cáo trực tiếp với CEO.

4 Vai trò quan trọng của CTO trong tổ chức

Hai trách nhiệm quan trọng với các quản lý cấp cao luôn là nghiên cứu và phát triển. Vai trò CTO là gì? Thực chất vai trò của chức vụ C-level này có thể khác nhau tuỳ vào đặc điểm mỗi tổ chức, nhưng tầm nhìn và chiến lược công nghệ về thiết kế, đổi mới, phát triển phần mềm luôn là trọng trách của một CTO. 

Sau đây là 4 vai trò quan trọng của một CTO trong tổ chức.

vai trò của CTO là gì
Vai trò quan trọng của 1 CTO có thể đảm nhiệm trong tổ chức

CTO phụ trách cơ sở hạ tầng

Một CTO phụ trách cơ sở hạ tầng sẽ quản lý cơ sở dữ liệu, giám sát và bảo mật, bảo trì hệ thống của tổ chức. Họ vẫn có thể tham gia vào việc tạo chiến lược kỹ thuật, hoặc quản lý lộ trình công nghệ của doanh nghiệp.

Đọc thêm: CHRO Chief Human Resources Officer là gì?

CTO phụ trách kỹ thuật

Một CTO phụ trách kỹ thuật, đúng như tên gọi, sẽ góp phần xây dựng các chiến lược kỹ thuật. Có góc nhìn bao quát, kế hoạch chi tiết, hình dung được bức tranh công nghệ với kỹ thuật đó, chiến lược đó, sẽ tác động như thế nào đến công ty. 

Song song, đề xuất kế hoạch và theo dõi việc triển khai công nghệ, bảo đảm sản phẩm sẽ được triển khai thành công.

CTO phụ trách tiếp thị

CTO phụ trách tiếp thị là cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp. Họ có trách nhiệm liên lạc với khách hàng, nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu thị trường để đề xuất dự án công nghệ phù hợp, có tính hiệu quả cao.

CTO phụ trách chiến lược kỹ thuật dài hạn

CTO chịu trách nhiệm thiết lập chiến lược và giám sát cơ sở hạ tầng công nghệ của công ty. Hơn thế nữa, họ phải có khả năng phân tích thị trường để có chiến lược kinh doanh, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp. 

Đây là vị trí có kết nối sâu sắc với CEO và các thành viên trong ban quản lý cấp cao của công ty.

Những tố chất, kỹ năng cần có của một CTO

Quy mô công ty càng lớn, các trách nhiệm và yêu cầu công việc của một CTO càng cao. Một CTO có tố chất là người có nhiều kỹ năng mềm để xử lý vấn đề, có tầm nhìn để xây dựng chiến lược, và dày dặn kinh nghiệm quản lý để làm việc với đội ngũ. 

Một số kỹ năng chính cần có của một CTO – Giám đốc công nghệ như sau.

kỹ năng của chief technology officer là gì
Một số kỹ năng cần có ở một CTO là gì?

Chuyên môn cao và không ngừng trau dồi kiến thức

Những chuyên gia có kỹ năng về mặt kỹ thuật tốt nhất trong team, có thể phấn đấu lên CTO nhờ rèn luyện chuyên môn, không ngừng học hỏi kiến thức mới mỗi ngày.

Để trở thành một CTO tốt hơn mỗi ngày, họ luôn dành thời gian để khám phá và nắm bắt xu hướng công nghệ hàng đầu mỗi ngày, sáng tạo ra những thiết kế độc đáo, đột phá mới, để tự rèn luyện và nâng cao bản thân mình trong một môi trường chuyên nghiệp cao cấp.

Kỹ năng lãnh đạo và cố vấn

CTO cần có kỹ năng lãnh đạo và cố vấn, để bán ý tưởng chiến lược của mình, phát triển cho công ty. Họ cần vận dụng những kinh nghiệm và kiến thức có được, xây dựng, sáng tạo các ý tưởng công nghệ hiện đại, và đem chúng vào thực tiễn. 

Để có được những điều đó, CTO phải có khả năng truyền cảm hứng, khả năng thuyết phục và trình bày trước đám đông rành mạch về tính khả thi, những lợi ích mà dự án mang lại, thúc đấy nhân viên hướng đến mục tiêu chung. 

Kỹ năng giao tiếp tốt

Khả năng giao tiếp hỗ trợ cho việc lãnh đạo đội ngũ, tuyển dụng đội ngũ, khích lệ tinh thần đồng đội cập nhật những thông tin công nghệ mới. 

Ngoài ra, CTO còn là cầu nối giữa team và các phòng ban khác, cần có kỹ năng lắng nghe và trao đổi để thương lượng, truyền tải thông tin một cách tốt và đầy đủ nhất, sự liên lạc rõ ràng cũng giúp CTO sẵn sàng nhận phản hồi để  tiếp tục cải tiến.

Kỹ năng đưa ra quyết định

Để vận hành trơn tru, khi vấn đề phát sinh CTO phải có khả năng phân tích nhanh nhạy và đưa ra quyết định kịp thời. 

CTO là người được kỳ vọng để phát triển, đưa ra phương án tốt nhất và nhanh nhất để thực thi, hỗ trợ kỹ thuật, không cản trở quá nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến kế hoạch ban đầu.

Kỹ năng lên chiến lược

Giám đốc công nghệ là người dẫn đầu quan trọng, bởi họ là người lập kế hoạch chính, tiếp cận các công nghệ mới để xây dựng quy trình phát triển và làm việc có khoa học. 

Họ phải có kế hoạch phù hợp với ngân sách của dự án, để có thể xác định chiến lược lâu dài, đường lối phát triển cho dự án thành công.

Kỹ năng quản lý

Bất kể một quản lý nào cũng phải luôn trau dồi và làm mới khả năng quản lý nhân sự của chính mình. Một CTO giỏi cần linh hoạt trong việc sắp xếp, đối thoại với nhân viên, để bảo đảm nhân viên sử dụng hết năng suất cho công việc. 

Ngoài ra, tự bản thân CTO phải quản lý được thời gian của bản thân, để các đầu việc được hoàn thành theo dự định như gặp gỡ đối tác, họp hành, xử lý vấn đề phát sinh. 

Kỹ năng kinh doanh

CTO cũng là một nhà lãnh đạo trong tổ chức, do vậy, việc thể hiện và nhìn nhận ra nhu cầu của tổ chức là một kỹ năng kinh doanh cần thiết. Khi nhìn thấy nhu cầu, khả năng của công ty, CTO mới có thể phát triển và xây dựng chiến lược phù hợp.

Triển vọng nghề nghiệp và mức lương của CTO

Nền công nghệ thế giới sẽ còn phát triển rất mạnh, nhu cầu vận dụng công nghệ thông tin vào đời sống ngày càng gia tăng, các công ty hiện đại càng tập trung vào việc tích hợp ứng dụng, quy trình và dữ liệu để nâng cao hiệu quả công việc. Do đó, vị trí CTO trong tổ chức sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao. 

triển vọng của giám đốc công nghệ
Sơ đồ làm việc của một CTO trong một tổ chức công nghệ

Ngoài ra, với sự tiến bộ vượt bậc của các biện pháp kinh doanh, sự gia tăng của các thiết bị điện tử, di động, công nghệ đám mây trở nên phổ biến, cũng khiến cho một CTO cần phải liên tục trau dồi tư duy, thể hiện sự sáng tạo và nhạy bén nắm bắt các vấn đề. 

Tại Mỹ, mức lương cơ bản của một CTO là khoảng $160.000/năm, nhưng giới hạn này sẽ còn tăng cao bởi tiền thưởng và quyền lựa chọn cổ phiếu. Vì nền công nghệ phát triển, nên mức lương CTO cũng đã tăng lên rất nhiều trong suốt những năm qua. 

Tại Việt Nam, dự đoán của Robert Walters năm 2020, mức lương của CTO dao động từ $10.000 – $20.000/tháng.

Đọc thêm: Nghề CEO là gì?

Những thắc mắc về vị trí CTO mà bạn có thể đang quan tâm

CTO có cần phải Code giỏi?

Các công ty sẽ yêu cầu CTO có ít nhất 15 năm kinh nghiệm chuyên môn, và cần các kỹ năng mềm để điều phối và nhìn nhận các vấn đề phát sinh. 

Một CTO vẫn cần phải biết code, để cùng đội ngũ xây dựng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, CTO là một nhà lãnh đạo, một nhà quản lý, nên việc code giỏi không phải là tất cả. 

Dưới họ vẫn sẽ có đội ngũ nhân viên thực hiện điều này, cùng CTO lập trình và làm việc. Điều cốt lõi là khả năng quản lý và nhìn thấy phương án, giải pháp hiệu quả để công việc vận hành một cách tốt nhất.

CTO có cần kĩ năng an ninh mạng không?

Một CTO cần có kĩ năng an ninh mạng để phát hiện thông tin bị xâm nhập hoặc trộm cắp kịp thời, điều phối nhân viên xử lý, hoặc đưa ra phương án phòng ngừa, ngăn chặn hoặc ứng phó các cuộc tấn công nhanh nhất.

Trong một doanh nghiệp cần phải có cả CTO và CIO hay không?

Sau khi phân tích được sự khác biệt của CTO và CIO, chúng ta có thể nhận ra cả hai vị trí đều quan trọng trong một tổ chức. Với những công ty đang trên đà phát triển, hai vị trí có thể cùng một người đảm nhiệm. 

Với những công ty đã có sự phân bổ phòng ban và nhiệm vụ càng lớn, CTO và CIO vẫn cần được tách biệt, để cùng nhau xây dựng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Một người chuyên kinh doanh công nghệ, xử lý các vấn đề nội bộ. Một người có thiên hướng quản lý và xử lý các nhóm kỹ thuật chuyên sâu. Hai vị trí sẽ cùng hỗ trợ nhau và gắn liền với mục tiêu chung của tổ chức.

Một CTO giỏi sẽ vừa là người quản lý vận hành, vừa phải nắm rõ phần kỹ thuật để điều hành. Với một công ty công nghệ, vai trò của CTO vô cùng cần thiết, bởi họ lãnh đạo và xử lý các vấn đề liên quan đến công nghệ, kiểm soát các quy trình để giải quyết các thách thức về sản phẩm, mang lại hiệu quả cho dự án.

Hy vọng với bài viết trên, bạn sẽ hiểu thêm vai trò và trách nhiệm của một CTO là gì, để rèn luyện và trau dồi bản thân mình trở thành một CTO giỏi, tạo ra sự đột phá cho tổ chức.

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.8 / 5. Lượt đánh giá: 6

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X