×

8 Sai Lầm Tệ Hại Nhất Bạn Có Thể Mắc Phải Trong Phỏng Vấn 

Ngày đăng: 04/01/2023 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 04/01/2023

sai lầm khi phỏng vấn

Một cuộc phỏng vấn có thể thất bại và một chiếc email từ chối có thể bay thẳng đến hòm thư của bạn nếu mắc phải một trong số những sai lầm tệ hại sau đây. 

Đây đều là những sai lầm khi phỏng vấn phổ biến mà đôi chúng ta không để ý làm ảnh hưởng đến cả quá trình và kết quả phỏng vấn. 

Những sai lầm này có thể nhỏ nhặt nhưng có thể trở thành điểm yếu to lớn đối với một ứng viên. 

Đến quá sớm hoặc quá muộn

Chúng ta thường cho rằng đến sớm còn hơn đến muộn. Tuy nhiên, bạn có biết rằng việc đến trước giờ phỏng vấn quá nhiều giờ có thể gây ra một vài điều bất tiện và khó xử cho người phỏng vấn? 

Nếu đến văn phòng nơi bạn chuẩn bị được phỏng vấn quá sớm, bạn có thể tạo áp lực cho người phụ trách phỏng vấn rằng họ nên làm gì đó để giải trí hoặc tiếp đón bạn cho tới giờ phỏng vấn. 

Thông thường, ban chỉ nên đến sớm từ 15 đến 20 phút trước giờ phỏng vấn để kịp chuẩn bị lại tinh thần và kịp thời ứng phó những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Gọi sai tên người phỏng vấn

những sai lầm khi phỏng vấn
Những sai lầm khi phỏng vấn: gọi sai tên người phỏng vấn

Sai lầm thứ hai này nghe có vẻ khá ngớ ngẩn và “không thể nào xảy ra” nhưng thực thực tế việc gọi sai tên người phỏng vấn là rất có thể nếu bạn không chú ý tìm hiểu kỹ càng trước khi đến. 

Điều này không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc không tôn trọng người phỏng vấn mà còn có thể làm lộ ra lỗ hổng của bạn. Đó là việc không tìm hiểu kỹ về công việc, công ty, v.v. 

Đòn chí mạng thực sự giáng xuống và cơ hội của bạn chắc chắn bị dập tắt trước khi kịp loé lên khi người phỏng vấn hỏi “Bạn biết gì về công ty?” 

Cư xử không chuyên nghiệp và để lộ tật xấu

Đừng bao giờ để lộ tật xấu của bạn trước mặt người phỏng vấn dù là nhỏ nhất. Đặc biệt đừng bao giờ cố gắng lấy lòng họ bằng cách nói dối hay bịa đặt một chuyện quá khả năng kiểm soát của bạn. 

Tiết lộ rằng bạn đã mắc phải một sai lầm ở công ty cũ không phải là một ý hay, do đó hãy cân nhắc kỹ trước khi nói bất cứ điều gì với người phỏng vấn. 

Đọc thêm: Lý Do Trượt Phỏng Vấn Nhiều Lần

Không tương tác với người phỏng vấn

Trong phỏng vấn sự tương tác giữa ứng viên với người phỏng vấn là rất quan trọng. Về phía người phỏng vấn, họ sẽ đánh giá ứng viên thông qua phản ứng và cử chỉ của ứng viên. Về phía ứng viên, sự tương tác đúng lúc đúng chỗ thể hiện rằng họ đang chú tâm vào cuộc phỏng vấn và tôn trọng người phỏng vấn.

Sự tương tác thể hiện ở việc trả lời câu hỏi của người phỏng vấn hoặc có những cử chỉ giao tiếp phi ngôn ngữ như gật đầu, cười, giao tiếp qua ánh mắt (eye contact). 

Nói về những điều tiêu cực

những sai lầm tệ hại khi phỏng vấn
Nói về những điều tiêu cực, đặc biệt là về công việc cũ

Một sai lầm khi phỏng vấn tiếp theo đó là ứng viên vô tình hoặc cố ý nói về những chuyện tiêu cực. Ví dụ như việc so sánh thành tích của người khác với mình hoặc nói về thành tích không tốt của công ty cũ. 

Một tình huống thực tế có thể gây khó chịu cho người phỏng vấn và khiến ứng viên mất điểm như sau: 

“Khi đang thảo luận về tình hình truyền thông trên mạng xã hội rất chung chung, ứng viên đã nhắc đến kết quả không tốt trong chiến dịch truyền thông của một nhãn hàng mà họ không thích và chỉ trích chiến dịch đó. Thật không may, nhãn hàng đó lại chính là đối tác lâu dài của công ty mà người đó ứng tuyển vào.”

Trong tình huống này, ứng viên có thể trở thành một người thiếu tinh tế và có cái nhìn không khách quan về vấn đề. 

Bài học rút ra là nên tìm hiểu kỹ về không chỉ công ty mà còn cả lĩnh vực họ làm, khách hàng, đối tác của họ là ai. 

Chỉ dán mắt vào điện thoại

Đây là một trong những sai lầm trong phỏng vấn xin việc thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp nhất của một người đi phỏng vấn. 

Sử dụng điện thoại trong phỏng vấn là điều không nên vì nó thể hiện rằng ứng viên không coi trọng cuộc phỏng vấn đó. Đặc biệt nếu không tắt nguồn, những thông báo hay cuộc gọi đến có thể làm gián đoạn cuộc phỏng vấn, gây khó chịu cho người phỏng vấn. 

Việc cầm theo điện thoại trong tay khi phỏng vấn là điều tối kỵ. Tâm lý chúng ta là cầm trong tay thứ gì đó để giảm bớt cảm giác lo lắng, căng thẳng trong những hoàn cảnh như phỏng vấn xin việc. 

Tuy nhiên, dù bạn có tắt nguồn hay để chế độ rung thì việc có điện thoại trong tay có thể khiến bạn liên tục nhìn vào nó và bị phân tâm khỏi những gì người phỏng vấn đang nói. 

Nói rằng bạn cần công việc này chỉ vì tiền

đi làm vì tiền
Trả lời rằng “tôi đi làm vì tiền”

Câu chuyện được kể lại từ một Content Manager, khi được hỏi rằng tại sao bạn lại chọn công việc này, một người ứng viên cho vị trí Content Writer đã trả lời rằng: “Tôi làm vì tiền” và không nói thêm bất cứ điều gì khác.

Câu trả lời của người đó khiến cho Content Manager khá bất ngờ và shock. Có thể ứng viên đó muốn cho mọi người thấy sự trung thực và thẳng thắn của mình. Tuy nhiên, câu trả lời này quả thực có thiếu tinh tế và chuyên nghiệp. Nó đã thêm một điểm trừ vào bản đánh giá của người phỏng vấn. 

Mọi người làm việc để được trả lương là rất bình thường và không có gì sai trái cả. Tuy nhiên, điều mà nhà tuyển dụng muốn thấy là hơn thế. Đơn giản là họ muốn hiểu rõ hơn về quan điểm đi làm và góc nhìn của ứng viên về công việc ra sao. 

Vì thế, dù là sự thật cũng đừng bao giờ nói là bạn chỉ đi làm vì tiền nhé. 

Đọc thêm: Cách Trả Lời “Vì Sao Bạn Muốn Ứng Tuyển Vị Trí Này?”

Ăn mặc không phù hợp với buổi phỏng vấn

Trang phục sẽ ảnh hưởng đến ấn tượng ban đầu của người phỏng vấn đối với ứng viên. Do đó hãy chọn trang phục phù hợp kín đáo và lịch sự, tránh mặc những bộ đồ quá nổi bật hay rườm rà. 

Nếu công ty phỏng vấn có yêu cầu cụ thể về trang phục khi đến phỏng vấn, hãy nghiêm chỉnh làm theo yêu cầu đó để tránh làm mất hình tượng ngay từ lúc gặp mặt. 

Tạm kết 

Trên đây là 8 sai lầm khi phỏng vấn tệ hại nhất mà một người có thể mắc phải. Để tránh tạo ấn tượng xấu với người phỏng vấn để rồi nhận lại kết quả không tốt, hãy chú ý và đừng mắc phải những sai lầm không đáng có này nhé. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài và chúc bạn có một buổi phỏng vấn suôn sẻ. 

Đừng quên theo theo dõi Glints Blog để đón nhận nhiều nội dung hữu ích khác nhé.

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4 / 5. Lượt đánh giá: 4

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Có thể bạn cũng thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X