×

Nhảy Việc Như Thế Nào Cho Khéo?

Ngày đăng: 10/03/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 13/07/2022

cách nhảy việc khéo léo, tinh tế

Nhảy việc liên tục là hiện tượng phổ biến ở các bạn trẻ; đặc biệt là những bạn còn lạc lối với việc khám phá đam mê nghề nghiệp của mình.

Đối với những ai đã quen với nhảy việc, dường như các bạn luôn cảm thấy bị hấp dẫn bởi những cơ hội mới. Tuy nhiên, bạn vẫn lo lắng vì những ưu – khuyết điểm mà lịch sử công việc đem lại.Cùng Glints tìm hiểu về chuyện “nhảy việc” ở người trẻ; cũng như cách nhảy việc sao cho thật “khéo léo”, không gây mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng nhé!

Đâu là thời điểm thích hợp để “nhảy việc”?

Có thể bạn đã dấy lên mong muốn nhảy việc từ lâu. Thế nhưng, “dục tốc” thì “bất đạt”. Nhảy việc không khéo léo hoàn toàn có thể tạo ấn tượng không tốt trong mắt đồng nghiệp và sếp. Chính vì thế, bạn cần xác định rõ những điểm sau trước khi đưa ra quyết định nhé!

có nên nhảy việc vì lương

Đọc thêm: Vẫn Còn Băn Khoăn Có Nên Nhảy Việc?

Lựa chọn thời gian phù hợp

Theo các báo cáo và phân tích từ các chuyên gia trong ngành nhân sự và tuyển dụng, tình trạng khan hiếm nguồn lực đều xảy ra vào thời điểm đầu năm hoặc sau kỳ nghỉ Tết dài. Tận dụng cơ hội đó, bạn có thể tìm kiếm và bắt đầu đến với công việc mới.

Điều này không chỉ giúp bạn nhận được khoảng thưởng Tết trọn vẹn, mà còn bắt đầu một năm mới cùng với những điều mới, đồng nghiệp mới, công việc mới… Đây cũng là một cách để “đầu xuôi đuôi lọt”.

Bạn đã gắn bó với công ty đủ lâu

Nhảy việc đôi khi không phải vì lý do tiêu cực, chỉ đơn giản là bạn đã cảm thấy “đủ” khi làm việc tại đây. Vậy như thế nào là “đủ”? Và làm thế nào để biết rằng liệu bạn đã “đủ” với công việc này hay chưa?

Để trả lời điều này, bạn có thể đặt một số câu hỏi cho bản thân như: Mình có thể phát triển sự nghiệp thêm ở môi trường này nữa hay không? Công việc của mình có đang lặp đi lặp lại một cách nhàm chán? Mình đang mong muốn phát triển kỹ năng gì và liệu công ty hiện tại có đang giúp mình phát triển kỹ năng đó hay không? 

Một khi trả lời xác đáng được những câu hỏi trên, bạn chắc chắn sẽ biết rằng mình có muốn tìm một “vùng đất hứa” mới mẻ hơn hay không!

Bạn có lý do chính đáng để tạm biệt công việc cũ

Có rất nhiều lý do để nhảy việc, nhưng lại có rất ít lý do chính đáng để bạn tạm biệt công việc hiện tại. Ngay lúc này, điều bạn cần làm chính là liệt kê tất thảy những lý do khiến bạn muốn tạm biệt công ty cũ. Đừng cảm thấy có lỗi trước những lý do nghe có vẻ không chính đáng lắm. Bạn hãy cứ lắng nghe chính mình, ghi ra hết những tâm tư sâu kín nhất và đối mặt với nó.

Sau đó, bạn tiếp tục đưa ra những giải pháp, hướng giải quyết phù hợp cho những lý do đó; từ đó gỡ rối những vấn đề còn tồn đọng. Những vấn đề nào thật sự “vô phương cứu chữa”, có nghĩ cách mấy cũng không tìm được hướng giải quyết, đấy chính là những lý do thực sự khiến công việc hiện tại không còn phù hợp với bạn.

lý do nhảy việc
© Pexels.com

Những kế hoạch, định hướng mới đã sẵn sàng

Thời gian dần thay đổi, con người cũng phát triển qua mỗi ngày. Một sự thật không thể chối cãi đấy chính là không ai làm mãi một công việc, một vị trí, một công ty. Vì vậy, nếu như công việc hiện tại không phù hợp với lộ trình của bạn trong tương lai, hãy cứ mạnh dạn nhảy việc.

Thêm vào đó, đây cũng là lý do ít bị hỏi vặn vẹo nhất, bởi không phải ai cũng muốn tọc mạch quá sâu vào dự định cá nhân của người khác. Hoặc biết đâu được, khi bạn chia sẻ lý do này cho sếp, họ lại hoàn toàn có thể tạo điều kiện giữ bạn lại thì sao?

Đọc thêm: Làm trái ngành – Liệu có khó?

Bạn tự tin vào chính mình

Nhảy việc là một công việc đòi hỏi sự tự tin. Bởi lẽ, biết đâu sau khi nhảy việc, một ngày nào đó bạn lại nảy sinh ý định muốn tìm một công việc khác tốt hơn? Thế nên, hãy luôn tự tin vào chính mình. Nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan trước khi đưa ra quyết định.

Không nên vì phát hoảng lên với công việc hiện tại mà vội vã chọn một công việc khác, để rồi phát hoảng thêm một lần nữa!

J.T. O’Donnell; nhà sáng lập và CEO của Work It Daily chia sẻ

Nhảy việc – tốt hay xấu?

Không có điều gì hoàn toàn là tốt hay xấu. “Nhảy việc” cũng thế. Đó là một bước chạy đà cần thiết giúp bạn tìm ra những điểm phù hợp hơn cho bạn trong tương lai. Tuy vậy, “nhảy việc” quá thường xuyên cũng dễ dàng khiến bạn mất điểm với nhà tuyển dụng khi ứng tuyển công việc mới.

mặt tốt - xấu của việc nhảy việc
Nhảy việc – Tốt hay Xấu?

Theo nghiên cứu của The Muse, trên thực tế, nhảy việc mang lại nhiều lợi ích đáng chú ý như (1):

  • Kinh nghiệm làm việc đa dạng; rèn luyện và nâng cấp kỹ năng chuyên môn.
  • Hiểu được nhiều công ty với cách tổ chức, văn hóa riêng.
  • Trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau; tạo cho bạn cơ hội khám phá đam mê và học được những kỹ năng mới.
  • Mở rộng mạng lưới kết nối chuyên nghiệp.

Thật hấp dẫn đúng không? Đổi lại, bạn cần là một người nhân viên biết nỗ lực và phấn đấu để thu nhận các lợi ích này. Nếu không cân nhắc cẩn thận, bạn sẽ rất dễ vướng vào những tác hại mà nhảy việc mang lại!

Thực tế, chi phí cho việc tuyển dụng không chỉ là phí đăng tin, phí quản lý hệ thống; mà còn bao gồm cả thời gian, công sức của những người tham gia quá trình phỏng vấn. Do đó, doanh nghiệp luôn muốn giới hạn tối đa số lần tuyển dụng đối với mỗi vị trí. 

Khi bạn có xu hướng thay đổi việc làm nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn (từ 01 đến 02 năm), nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng hoài nghi khả năng gắn bó lâu dài của bạn.

Ngoài bất lợi khi ứng tuyển, nhảy việc liên tục còn dễ khiến bạn lạc lối giữa muôn vàn lựa chọn nghề nghiệp; không định hướng được con đường đam mê của riêng mình.

Đọc thêm: Lợi Ích Của Việc Thay Đổi Công Việc

Dấu hiệu cho thấy bạn cần quyết định nhảy việc

1. Khi mức lương không còn tương xứng với năng lực

Khi bạn chợt nhận ra, mức lương hiện tại không còn tương xứng với những gì bạn bỏ ra. Bạn sẽ dần cảm thấy mất đi động lực làm việc, từ đó bạn cũng có thể dễ dàng từ bỏ công việc hiện tại hơn. 

“Nhảy việc” và tìm kiếm một nơi chốn mới là một cách để bạn tìm lại động lực thông qua tiền công phù hợp mà bạn nhận được.

2. Khi bạn cảm thấy “kiệt sức”

Khái niệm “burn out” đã không còn quá xa lạ đối với mọi người. Đây là một thuật ngữ để chỉ người làm việc quá nhiều đến mức không còn đủ sức lực về cả thể xác và tinh thần. 

Họ cảm thấy mệt mỏi và hoàn toàn “kiệt sức” với công việc. Đây cũng là một trong những lý do để bạn cân nhắc về công việc hiện tại.

Chia sẻ của Shark Hưng: Nếu làm việc mà thấy không hợp thì hãy ‘nhảy’ việc, đừng lãng phí tuổi trẻ

3. Công việc lặp lại nhàm chán, không đổi mới

Trái ngược với burn out, “brown out” chính là khái niệm khi một người không có năng lượng để tiếp tục công việc, dù họ hoàn toàn khỏe mạnh. Hiển nhiên, khi mọi việc quá suôn sẻ hoặc chẳng còn quá nhiều điều mới để học hỏi chính là lúc bạn nên nhảy việc. 

Giúp bản thân tránh khỏi sự trì trệ, một công việc mới mang lại cảm hứng là một quyết định thật sự cần thiết cho bạn ngay lúc này.

4. Bạn không được đánh giá cao trong công việc

Trong tháp nhu cầu của Maslow, “được công nhận” là một trong những nhu cầu cao quý nhất của con người. Một khi những cống hiến của bạn được công nhận, bạn hoàn toàn có thể tự tin và giàu năng lượng để tiếp tục công việc dù khó khăn cách mấy. 

Ngược lại, khi mất đi sự đánh giá cao trong doanh nghiệp, việc tìm kiếm một công việc mới là hoàn toàn hợp lý.

5. Môi trường làm việc và mối quan hệ công sở gặp vấn đề

Ngoài những lý do xuất phát từ bên trong, bạn hoàn toàn có thể nhảy việc vì những lý do bên ngoài. Bạn chuyên nghiệp, giỏi giang, chủ động, hòa đồng. Thế nhưng mọi thứ vẫn không đi theo những gì bạn mong. 

Những mối quan hệ xung quanh (sếp, đồng nghiệp…) ngày càng xấu đi là lúc bạn nên cân nhắc về một quyết định thay đổi trong sự nghiệp của mình.

có nên nhảy việc liên tục hay không
© Pexels.com

6. Định hướng sự nghiệp của bạn không còn phù hợp với công ty

Khi bạn bắt đầu đặt câu hỏi: “Tương lai của mình 2-3 năm nữa tại nơi này sẽ như thế nào?”. Thế nhưng, câu trả lời vẫn còn mờ mịt. Liệu bạn có dũng cảm để tiếp tục đi trên con đường đó hay không? 

Khi một doanh nghiệp không tạo cho bạn cơ hội, để phát triển bản thân, tạo giá trị cho cuộc sống thì rõ ràng ra đi để tìm một cơ hội mới là điều nên làm. 

Đọc thêm: Khám phá đam mê công việc của bạn

Nhảy việc sao cho nhẹ nhàng, tinh tế?

Sau khi đã đưa ra quyết định nhảy việc, điều bạn cần quan tâm kế tiếp chính là: Làm thế nào để nhảy việc một cách văn minh? Nghe có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng đấy. 

Nhảy việc “văn minh” sẽ giúp bạn để lại ấn tượng tốt với cả công ty cũ và công ty mới ứng tuyển sau này. Một số thông tin dưới đây sẽ “mách nước” cho bạn:

1. Nêu lý do nhảy việc chính đáng

Lời nói chẳng mất tiền mua, thế nên bạn cũng có thể chọn những lý do thật phù hợp: muốn nghỉ ngơi sau những năm tháng cống hiến cho doanh nghiệp, tìm kiếm một doanh nghiệp gần nhà để tiện đi lại, mong muốn một công việc nhẹ nhàng hơn để có thể trông coi cho tổ ấm của bạn.

Đọc thêm: Hướng dẫn chọn nghề nghiệp khi không biết mình thích nghề gì

2. Đừng “hù nghỉ việc” chỉ để đòi quyền lợi

Một điều nên tránh khi dùng để đưa ra lý do nghỉ việc: đó chính là đòi quyền lợi. Những “yêu sách” nhằm đạt được lợi ích cá nhân, nếu không được doanh nghiệp thực hiện, bạn sẽ đe dọa bằng cách nghĩ việc là một việc làm hoàn toàn nên tránh. Một khi lãnh đạo đã nhận thấy điều đó, bạn sẽ khó lòng được giữ lại và nhận những điều kiện “khó chiều” ấy.

3. Giữ thái độ khách quan khi nhắc về công ty cũ

Với mọi lý do không tốt về công ty cũ đều là thứ mà bạn không nên nói ra với cả đồng nghiệp và sếp của bạn. 

Khôn khéo lựa chọn những từ ngữ mô tả khách quan, hoặc “nói giảm nói tránh” như: nghỉ vì không cùng đường hướng, hay mong muốn tìm kiếm một cơ hội phát triển tốt hơn. 

Đây có thể là một trong vô số những lý do khiến các nhà tuyển dụng “mát lòng mát dạ” khi thăm hỏi ứng viên của mình. Dù gì cũng từng làm việc với nhau, đừng để những lời bình phẩm không hay hoặc những điều bất bình “tuôn ra” khiến bản thân mình mất điểm và trông thiếu chuyên nghiệp nhé!

4. Hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến ngày cuối cùng

Đừng vì sắp nghỉ việc mà xử lý mọi việc hời hợt và trễ nải. Sai lầm! Nếu bạn thật sự làm vậy, tất cả những hình ảnh tốt đẹp bạn gây dừng bao lâu này sẽ hoàn toàn sụp đổ. 

Không chỉ thế, tin đồn còn có thể lan ra đến những doanh nghiệp khác, khiến bạn mất đi cơ hội mới phù hợp trong tương lai.

nhảy việc
© Pexels.com

Những ngày cuối cùng của công việc, đừng quên thực hiện công tác bàn giao với cấp trên và những người thay thế vị trí của bạn nhé. 

Một hành vi bàn giao có kế hoạch và đầy đủ là cách thể hiện phong thái chuyên nghiệp, để lại những ấn tượng tuyệt vời cho mọi người xung quanh bạn đấy!

5. Lời chào trân trọng

Lời tạm biệt đầy trân trọng và cảm động thể hiện sự biết hơn và kính trọng với mọi sự giúp đỡ từ những đồng nghiệp quanh bạn. Thêm vào đó, một chút liên hoan nhẹ, một vài món quà bé xinh cũng là một hình thức chia tay đầy giá trị cho môi trường bạn đã từng cống hiến đấy.

6. Tiếp tục kết nối và giữ liên lạc với đồng nghiệp cũ

Không chỉ mở rộng và có thêm những mối quan hệ mới trong ngành, việc duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp cũng cần được bạn lưu tâm. 

Ngoài thể hiện sự biết ơn, mối quan hệ bền chặt của bạn và đồng nghiệp, điều này còn duy trì được những cơ hội mà đồng nghiệp cũ có thể mang lại cho bạn trong tương lai.

nghệ thuật nhảy việc
© Pexels.com

7. Đừng nhảy việc quá thường xuyên

Suy cho cùng, nhảy việc hoàn toàn không xấu. Chỉ có nhảy việc sai cách mới là nguyên nhân khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu đi trong mắt mọi người.

Vì vậy, hãy chọn thời gian phù hợp để khoảng nhảy việc của bạn trở nên không quá liên tục. Trong khoảng từ 3-4 năm/lần đối với những người có thâm niên hoặc tối thiểu 1-2 năm đối với các bạn trẻ mới ra trường. Từ đó tạo được thiện cảm từ phía nhà tuyển dụng và những doanh nghiệp khác.

Nguồn tham khảo:

  1. Here’s the Truth About How Job-Hopping Affects Your Career.

Bài viết được đóng góp bởi Tania Le

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4 / 5. Lượt đánh giá: 4

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X