×

Tổng Hợp Nguyên Tắc Vàng Và Xu Hướng Thiết Kế UI/UX Nổi Bật Bạn Không Nên Bỏ Qua

Ngày đăng: 18/03/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 19/05/2023

nguyên tắc và xu hướng thiết kế ui/ux nổi bật

Bạn thắc mắc rằng trang web hay ứng dụng của mình dù trông rất bắt mắt, nhưng lại không thể giữ chân người xem dù chỉ vài giây? Hay những thông tin bạn mang đến vô cùng hữu ích, nhưng người dùng lại chẳng mảy may ngó ngàng.

Rất có thể, các nguyên tắc thiết kế UI/UX của bạn chưa thật sự tối ưu để người dùng chọn ở lại lâu hơn để trải nghiệm. Thiết kế UI/UX không chỉ để phô bày sự sáng tạo, mà phải thật sự thấu hiểu nhu cầu của người dùng cả về trải nghiệm lẫn hình thức.

Cùng Glints điểm qua các nguyên tắc thiết kế UI/UX mà bạn cần nắm, cũng như những xu hướng thiết kế UI/UX được người dùng ưa chuộng trong thời điểm hiện tại nhé!

11 nguyên tắc vàng cần nhớ khi thiết kế UI/UX

1. Tập trung vào người dùng

Khi xây dựng website/app, các UI UX Designer vốn đã quen làm việc với các khung chuẩn thiết kế phức tạp. Vì thế mà đôi lúc, họ lại muốn tạo ấn tượng mạnh qua yếu tố hình ảnh mà vô tình ngó lơ yếu tố trải nghiệm của người dùng.

Có thể nói, thiết kế là sự song hành khó tách rời giữa chức năng và hình thức. Ở những bước đầu xây dựng sản phẩm, việc tập trung vào trải nghiệm và nhu cầu người dùng sẽ tạo nền móng vững chắc cho website/app. 

Áp dụng nguyên tắc này bao hàm việc cân nhắc cẩn thận về cách thức người dùng thực sự tương tác với sản phẩm, cũng như những thao tác phổ biến nhất họ sẽ sử dụng. Liên tục đặt ra những câu hỏi từ lập trường của người dùng sẽ giúp website/app đánh trúng nhu cầu của họ. Có thế, sản phẩm và dịch vụ của bạn sẽ tạo được thiện cảm tốt hơn trong mắt họ.

Đọc thêm: Top 10 “Lầm Tưởng” Phổ Biến Về Nghề Thiết kế UI/UX

2. Sự nhất quán 

Một nguyên tắc khác của thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) cũng cực kỳ quan trọng chính là tính nhất quán. Điều này mang ý nghĩa rằng thiết kế và chức năng sẽ đồng nhất với nhau trên tất cả các trang. Đồng thời, các vị trí, nút bấm hay hệ thống menu cần được “lưu thông” thuận tiện để mang đến trải nghiệm đồng bộ nhất.

nguyen tac thiet ke ui ux

Vì lý do này, người dùng có thể sẽ ngầm mặc định rằng website/app của bạn sẽ hoạt động theo cách mà họ nghĩ là đúng. 

Dù không nên sao chép đối thủ cạnh tranh, bạn vẫn có thể tham khảo và học hỏi cách hiển thị nội dung nhất quán của những trang web dẫn đầu thị trường. Bởi điều này sẽ giúp người dùng dễ dàng điều hướng trang của bạn. Website của bạn càng quen thuộc thì thao tác trải nghiệm sẽ càng liền mạch.

3. Đáp ứng bối cảnh hình thành nội dung 

Ngữ cảnh là một phần quan trọng trong nguyên tắc thiết kế UI/UX. Điều này đòi hỏi bạn phải quan tâm đến hàng loạt các yếu tố khác nhau: thời điểm họ tương tác với trang web/app, địa điểm tương tác, phương tiện truy cập,…

Có hai cách chính để thấu hiểu rõ về các ngữ cảnh ấy: một là thông qua khảo sát trên nhóm đối tượng người dùng; hai là nhờ những người xung quanh trực tiếp trải nghiệm trang web/ứng dụng. Hoặc thậm chí bạn có thể kết hợp cả hai để có cái nhìn khách quan nhất.

4. Tính trực quan

Một nguyên tắc phổ biến trong xu hướng thiết kế UI/UX – đặc biệt là UI (giao diện người dùng) chính là việc khiến các yếu tố tương tác, các thành tố tĩnh và các điều hướng trở nên trực quan nhất có thể.

Để đảm bảo yếu tố trực quan và rõ ràng khi thiết kế UI/UX, bạn phải luôn đặt ta những câu hỏi:

  • Điều hướng trang web liệu đã đủ trực quan chưa? Người dùng liệu đã được hướng dẫn rõ ràng để chuyển từ trang này đến trang khác một cách thuận tiện hay chưa?
  • Bạn đã sử dụng các nút bấm dễ nhìn thấy để người dùng nhấp vào hay chưa?
  • Mục đích của từng thành tố trên trang web của bạn liệu đã rõ ràng và dễ hiểu?

5. Tính quen thuộc

Có phải bạn thường vô thức tìm thanh menu ở phần đầu website hay bên góc phải ứng dụng? Rất đơn giản, vì đó là nơi chúng ta thường mặc định rằng menu sẽ nằm ở đấy. Đây chính là tính quen thuộc trong nguyên tắc thiết kế UI/UX.

nguyên tắc cơ bản khi thiết kế ui/ux

Tính khả dụng (mức độ dễ dàng của người dùng khi tương tác với trang web/app) có liên quan mật thiết đến yếu tố quen thuộc. Bởi lẽ, người dùng dành nhiều thời gian để trải nghiệm nhiều sản phẩm kỹ thuật số khác nhau. 

Chính vì thế, họ sẽ thích trang web/app của bạn có cách thức hoạt động giống như tất cả những sản phẩm mà họ từng dùng qua, thay vì phải học và thay đổi theo những cách thức tương tác phức tạp, khó nhớ khác.

6. Trao quyền kiểm soát cho người dùng 

Đối với nguyên tắc thiết kế UX, một khi trao quyền kiểm soát cho người dùng, bạn đang cho họ sự tự do để tùy chỉnh hoặc hoàn tác nếu lỡ có một thao tác không thành công. Ví dụ, nếu họ ghi nhầm nội dung nào đó, bạn có thể trao quyền để họ được chỉnh sửa và tái thực hiện nó.

Hay đối với xu hướng thiết kế UI, trao quyền nằm ở những nút <Trở lại>/<Hoàn tác> để họ quay về trang trước đó. Hay như nút [X] mỗi khi người dùng lỡ chọn vào một thao tác không chính xác. Hãy giúp họ quay về nơi trước đó, đừng bắt họ phải thực hiện mọi thứ lại từ đầu.

7. Tính phân cấp

Nguyên tắc thiết kế UI/UX cũng đòi hỏi tính phân cấp mạnh mẽ trong cả trải nghiệm lẫn giao diện người dùng. 

Trong nguyên tắc thiết kế UI, hệ thống phân cấp trực quan sẽ dẫn đến giao diện người dùng thành công. Nó bao gồm việc sắp xếp các yếu tố thiết kế theo mức độ quan trọng và qua đó hướng dẫn người dùng thực hiện hành động mong muốn. Các yếu tố ấy thường là:

  • Phông chữ
  • Màu sắc
  • Kích cỡ 

Hay đối với nguyên tắc thiết kế UX, tính phân cấp được thể hiện trong các chức năng và thông tin của website/ứng dụng. Nếu trang web của bạn được phân bổ rõ ràng, người dùng sẽ điều hướng trang web/các tab ứng dụng dễ dàng, từ đó có thể thuận tiện tìm thấy thứ họ đang cần một cách nhanh chóng. 

Đọc thêm: Phân biệt UI và UX

8. Nguyên tắc thiết kế không gian âm 

“Less is more” – đây cũng là một nguyên tắc thiết kế mà bạn cần phải cân nhắc khi phát triển UI/UX cho sản phẩm của mình đấy. 

Hãy hình dung trang web hay giao diện ứng dụng của bạn như một trang giấy. Nếu như trang giấy ấy chi chít chữ và hình ảnh, bạn sẽ cảm thấy “ngộp” ngay lập tức. 

negative space không gian âm khi thiết kế ui ux
Tầm quan trọng của Không gian âm khi thiết kế giao diện.

Chính vì thế, bạn không nên nhồi nhét tất cả thông tin và yếu tố thiết kế san sát nhau trên màn hình. Một khi cảm thấy quá rối mắt, người dùng sẽ có xu hướng thoát khỏi trang web của bạn ngày tắp lự; hoặc xóa ngay app của bạn vì cảm thấy thiếu chuyên nghiệp, “nhức mắt”. 

Đồng thời, việc cung cấp cho giao diện sản phẩm các không gian âm (hay “không gian thở”) sẽ làm nổi bật các yếu tố quan trọng lên. Đặc biệt hơn cả, chúng còn giúp trải nghiệm của người dùng trở nên thoải mái hơn rất nhiều.

9. Tính linh hoạt 

Không những khiến giao diện của người dùng trở nên trực quan đối với người dùng mới, bạn phải bổ trợ thêm các yếu tố giúp các chuyên gia tăng tốc quá trình của họ. Bạn cần đảm bảo rằng website hay ứng dụng của mình đều linh hoạt và hiệu quả đối với mọi đối tượng.

Một số ví dụ về thiết kế giao diện người dùng linh hoạt bao gồm:

  • Các phím tắt để thực hiện các bước thường dùng chỉ với một cú nhấp chuột.
  • Các tính năng tìm kiếm nâng cao.
  • Kết hợp các thanh lọc thông tin.
  • Nền tảng trải nghiệm (laptop, máy tính bảng, máy để bàn cũ kỹ,…)
nguyên tắc ui ux design
Thiết kế giao diện cho cả website và mobile.

10. Tính tiếp cận trong nguyên tắc thiết kế UI/UX

Đối riêng với nguyên tắc thiết kế UI, tạo được tính tiếp cận phổ biến sẽ không hề khiến trang web của bạn trở nên xấu xí, nhàm chán hay lộn xộn. Ngược lại, nó sẽ tạo thiện cảm với mọi đối tượng tốt hơn.

Hay đối với nguyên tắc thiết kế UX, việc có những nội dung, tính năng để những người lớn tuổi, người khiếm thị, khiếm thính có thể dễ dàng sử dụng trang web cũng là một điểm cộng lớn. Điều này thể hiện sản phẩm của bạn được nhìn nhận là tinh tế, từ đó nhận được sự đồng cảm rộng khắp từ phía người dùng.

11. Kiểm thử khả năng sử dụng 

Kiểm thử khả năng sử dụng là một kỹ thuật được áp dụng nhằm đánh giá website hoặc ứng dụng về mặt thiết kế tương tác (mức độ dễ sử dụng, thời gian thao tác,…). Điều này giúp UI UX Designer thấu hiểu được thực tế cách người dùng sử dụng sản phẩm, tính trực quan khi áp dụng các nguyên tắc thiết kế.

Những kiểm thử viên nên là những người chưa từng sử dụng website/ ứng dụng, bởi họ sẽ có những đóng góp và phản hồi khách quan nhất đối với sản phẩm của bạn. Chính những lần kiểm thử này sẽ giúp bạn: 

  • Nhận ra bất kỳ vấn đề khả năng sử dụng.
  • Thu thập dữ liệu định tính, định lượng.
  • Thiết lập sự hoàn thành của người tham gia với sản phẩm.

Đọc thêm: Sự Khác Nhau Giữa UI Và UX

Điểm danh Top 10 xu hướng thiết kế UI/UX ấn tượng trong năm 2022

Nắm vững các nguyên tắc thiết kế thôi là chưa đủ, người làm UI/UX cũng cần bắt kịp được xu hướng và nhu cầu của người dùng để đáp ứng bằng các sản phẩm phù hợp nhất. 

“Thời thế, thế thời” – Công nghệ và kỹ thuật số liên tục đổi mới, nếu không chịu tiếp thu và cập nhật, sản phẩm của bạn sẽ rất nhanh chóng bị “lỗi thời” và “đào thải”.

Hãy cùng Glints mở rộng kiến thức về các làn sóng xu hướng thiết kế mới trong vũ trụ UI/UX năm 2022 để trở thành một nhà thiết kế am hiểu, chuyên nghiệp hơn nhé!

1. Dark mode (Chế độ tối)

Không còn quá xa lạ khi chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp xu hướng thiết kế UI/UX này ở khắp các trang web, ứng dụng, phần mềm nổi tiếng – trên cả iOS lẫn Android, từ Facebook, Google, Whatsapp, Instagram, YouTube v.v… 

ui ux trend
Dark Mode trên iOS của hãng Apple.

Giao diện này toát lên sự thanh lịch, phong cách và đầy hiện đại. Chế độ tối dù đơn giản nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm người dùng:

  • Nó giúp tiết kiệm pin nếu thiết bị sử dụng màn hình OLED hoặc AMOLED.
  • Nó tốt hơn về khả năng đọc của văn bản.
  • Nó sẽ tốt hơn để giảm mỏi mắt khi sử dụng thiết bị vào ban đêm.
  • Nó làm giảm độ chói của màn hình và giảm thiểu ánh sáng xanh.

2. Neumorphism

Là một xu hướng thiết kế UI/UX mới nổi từ năm 2019 cho tới thời điểm hiện tại, Neumorphism được phát triển dựa trên sự kết hợp hoàn hảo của thiết kế phẳng và thiết kế tối giản.

Xu hướng thiết kế này là tận dụng các màu sắc đơn giản kết hợp với chiều sâu (shadow) để tạo nên cảm giác 3D. Thiết kế có thể bao gồm cả inner và outer shadow (kỹ thuật tạo bóng trong và bóng ở ngoài) để tạo hiệu ứng.

xu huong thiet ke ui ux Neumorphism

3. Animation

Các nhà thiết kế có thể sử dụng loạt ảnh động (Animation) trong giao diện người dùng để nâng cao trải nghiệm của họ thay vì sử dụng quá nhiều đồ họa tĩnh. 

Sẽ có ngày càng nhiều hình ảnh động vào năm 2022 — cả trong giao diện người dùng và quảng cáo sản phẩm. Đây có thể được xem là một cách hiệu quả để các website và ứng dụng di động truyền tải thông điệp đến người dùng mà không cần quá nhiều phương thức phức tạp và banner.

ứng dụng animation cho thiết kế ui ux

4. Tương tác vi mô nâng cao (Advanced micro-interactions)

Tương tác vi mô tồn tại trong mọi ứng dụng, phần mềm. Tính năng “Like” của Instagram và “Retweet” của Twitter là những ví dụ phổ biến về tương tác vi mô.

Các tương tác vi mô nâng cao như cử chỉ và điều khiển qua giọng nói mang đến cơ hội mới để tạo ra trải nghiệm trực quan hơn. 

tương tác vi mô ui ux design

5. Phông chữ in đậm (Bold Typography)

Kiểu chữ in đậm sẽ nổi bật trong môi trường bao gồm nhiều yếu tố. Thế nhưng, nó phải là một phần không thể thiếu và phù hợp với thẩm mỹ tổng thể.

Các trang web phổ biến đang áp dụng kỹ thuật này. Có vẻ như kiểu chữ in đậm ở đây để tồn tại với cách tiếp cận đơn giản, chủ động và sẽ tiếp tục trở thành xu hướng thiết kế UI/UX vào năm 2022.

xu huong thiet ke ui ux

5. Sử dụng hình ảnh minh họa (Illustration)

Để website/app trở nên nổi bật, những hình minh họa này thường trở nên sống động với những hình vẽ, hình minh họa cầu kỳ. Điều này dễ dàng thu hút sự chú ý của người dùng. 

Xu hướng thiết kế UI/UX với các hình minh họa thú vị đặc trưng có thể mang đến cho các trang web hay ứng dụng cá tính riêng biệt, từ đó khiến chúng trở nên ấn tượng, dễ nhớ hơn. 

illustration ui ux

6. Thiết kế 3D

Thiết kế 3D cho UI/UX của các sản phẩm số hòa đã bắt đầu bùng nổ từ năm 2018 và dần trở thành xu hướng phổ biến trong thời gian hiện tại. 

Sự phát triển vượt bậc của “Thực tế tăng cường và Thực tế ảo” (VR và AR) đang dẫn lối người dùng với những trải nghiệm phong phú chưa từng có.

thiet ke ui ux 3d

7. UX writing và microcopy

UX Writing là phần nội dung bằng chữ xuất hiện trong trải nghiệm người dùng. Nội dung này mang mục đích chỉ dẫn, giải thích, trình bày sao cho dễ hiểu. Ví dụ như phần nội dung thông báo khi bạn nhập sai mật khẩu hay thông báo hoàn tất giao dịch.

Hay đối với “microcopy” – những cụm từ ngắn thường xuất hiện để chỉ dẫn. Thông thường những cụm từ này sẽ nằm trên các nút bấm để giúp người dùng thao tác trên website hay ứng dụng.

ux writing là gì?

8. Cá nhân hóa các trải nghiệm

Trên các trang thương mại điện tử, các đề xuất mua hàng được cá nhân hóa sẽ nhanh chóng vượt qua sự phản đối của người mua. 

Với sự tăng cường của AI và máy học thông tin (machine learning), chúng ta sẽ càng dễ dàng bắt gặp các trải nghiệm cá nhân hóa trên các website hay ứng dụng. 

Chẳng hạn như, Netflix đề xuất phim hay cho bạn mỗi ngày, Grab Food giới thiệu cho bạn những ưu đãi món ăn hấp dẫn theo thói quen, Spotify soạn sẵn “list nhạc” dành cho bạn, Shopee giới thiệu các sản phẩm có thể bạn yêu thích, v.v. và vô vàn những ứng dụng khác cũng đang bắt đầu thích ứng theo xu hướng thiết kế UI/UX nổi bật này.

nguyên tắc và xu hướng thiết kế ui ux
Netflix đề xuất “Nội dung có thể bạn yêu thích” dựa trên lịch sử xem của người dùng.

9. Cộng tác từ xa và Cộng tác ảo (Remote & Virtual Collaboration)

Trong bối cảnh hiện tại, làm việc từ xa trở thành một xu hướng nổi cộm. Chính vì thế mà nhu cầu về các công cụ và dịch vụ ảo, từ xa dần tăng vọt. 

Các thiết kế UI UX cũng nhân cơ hội này được cải tiến để ưu tiên cộng tác ảo và từ xa – đương nhiên, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong năm 2022 này khi các ứng dụng nổi tiếng như Zoom, Slack, Google Hangout,… đang liên tục “thay áo” để tối ưu trải nghiệm người dùng trên sản phẩm của mình.

ui ux design trends

Các nguyên tắc thiết kế chính là nền tảng cơ bản để bạn bước đầu xây dựng UI/UX cho sản phẩm thành công. Tuy nhiên, là một UI/UX Designer, bạn cũng phải cần nắm bắt được xu hướng và nhu cầu của người dùng một cách nhanh chóng. Hy vọng danh sách các nguyên tắc và UI/UX trends mà Glints đề cập bên trên có thể truyền cảm hứng cho bạn phần nào trong công việc.

Nếu những thông tin trên hữu ích với bạn, hãy click ngay vào hashtag UI/UX Design bên dưới để cập nhật những bài viết mới nhất về ngành Thiết kế UI/UX nhé!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.9 / 5. Lượt đánh giá: 7

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Có thể bạn cũng thích

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X