×

Có Cần Thiết Phải Để Thông Tin Người Tham Chiếu Vào CV?

Ngày đăng: 23/11/2021 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 31/08/2023

Người tham chiếu, hay còn gọi là Reference trong CV tiếng anh, không phải là một khái niệm quá phổ biến ở Việt Nam. Phần lớn các công ty ở Việt Nam không thường hỏi tới người tham chiếu khi đánh giá ứng viên ở các vòng cuối cùng. 

Tuy nhiên, tình thế dường như đang thay đổi. Hiện nay, các quy trình phỏng vấn và lựa chọn nhân viên tương lai ngày càng trở nên gắt gao hơn. Chính vì vậy, hãy luôn chuẩn bị tinh thần rằng bạn sẽ có thể nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của người tham chiếu. 

Vậy người tham chiếu là ai và đóng vai trò gì trong quá trình tuyển dụng của bạn?

Loading poll ...

Người tham chiếu là ai?

Người tham chiếu có thể hiểu là một hay nhiều người có quan hệ thân thiết với bạn về mặt học tập, công việc và hiểu rõ về khả năng chuyên môn của bạn.

Trong nhiều trường hợp, nhà tuyển dụng sẽ cần liên lạc với những người này để chứng thực về kỹ năng và tính cách của bạn. 

Họ sẽ được hỏi một số câu hỏi nhằm xác nhận rằng các chi tiết được liệt kê trong CV có đúng sự thật hay không, cũng như tìm hiểu thêm về sự thể hiện của bạn khi hợp tác cùng với họ. 

người tham chiếu là gì
© Freepik.com

Tất cả những điều này chỉ là để kiểm tra lại một lần nữa xem bạn có phải là ứng viên phù hợp cho vị trí đang tuyển hay không.

Người tham chiếu được chọn nên là những người đã từng làm việc hoặc hợp tác với bạn. Đó có thể là sếp cũ, các đồng nghiệp cũ làm việc trực tiếp, hay những khách hàng/đối tác mà bạn đã từng cộng tác. 

Nếu là một sinh viên mới ra trường và ít kinh nghiệm làm việc, bạn có thể nhờ tới sự trợ giúp của các giảng viên từng dạy bạn, người hướng dẫn khóa luận, hoặc trưởng khoa nơi bạn theo học. 

Có nên thêm phần Reference trong CV hay không?

Điều này tùy thuộc vào bạn.

Thông thường, bạn có thể chọn công khai thông tin của người tham chiếu vào phần Reference trong CV để tăng thêm mức độ tin cậy cho hồ sơ của mình. 

Cũng có nhiều người bỏ phần này đi, hoặc ghi dòng chữ “Cung cấp theo yêu cầu của nhà tuyển dụng”. Tuy nhiên, điều này được cho là không cần thiết.

Các nhà tuyển dụng thường có xu hướng yêu cầu thông tin của người tham chiếu ở giai đoạn cuối của quá trình tuyển dụng, sau khi phỏng vấn và trước khi đưa ra lời mời làm việc. 

người tham chiếu
© Freepik.com

Vì vậy, thêm Reference trong CV không mang lại quá nhiều giá trị ở giai đoạn đầu, đặc biệt là trong trường hợp bạn không cung cấp thông tin cụ thể mà chỉ là dòng chữ “Cung cấp theo yêu cầu”.

Kể cả bạn có thêm thông tin của người tham chiếu vào hay không, nhà tuyển dụng cũng sẽ cần phải xác nhận lại một lần nữa về việc họ có thể liên lạc với những người đó hay không, và cách thức liên lạc là gì.

Vậy nên, trừ khi bạn muốn tăng thêm độ tin cậy cho CV của mình, hoặc được nhà tuyển dụng hiện tại yêu cầu thêm vào, phần Reference trong CV không bắt buộc phải có.

4 bước để xác định người tham chiếu thích hợp

Tất cả mọi người liên quan đến quá trình làm việc hoặc học tập của bạn đều có thể trở thành một người tham chiếu. Thế nhưng để chọn được một người lý tưởng nhất, tạo lòng tin tốt nhất cho nhà tuyển dụng thì hãy áp dụng 3 bước dưới đây.

Xác định người có liên kết chặt chẽ với công việc của bạn

Hãy tìm một người tham chiếu làm việc chung với bạn trong khoảng thời gian gần nhất, có thể hiểu là người làm việc cùng tại công việc gần đây nhất của bạn. 

Nếu chọn những người đã cùng làm việc từ khoảng thời gian khá lâu rồi, họ có thể sẽ không đưa ra được những nhận xét tốt nhất. Một người làm cùng bạn cách đây 5 năm chắc chắn không thể hiểu bạn đã tiến bộ như thế nào trong suốt 5 năm vừa qua.

Do đó, một người tham chiếu có liên quan là chưa đủ, họ còn phải là người có thể đưa ra những đánh giá mới nhất về năng lực của bạn.

Chọn người có vị trí càng cao càng tốt

Nhà tuyển dụng có xu hướng tin hơn vào lời giới thiệu của một quản lý, hơn là lời đồng nghiệp làm chung với bạn. 

Bởi vì những người quản lý là người bao quát tốt hơn những công việc bạn làm và hiệu quả công việc của bạn tại công ty đó. Vì vậy, một vị sếp sẽ có thể mang tới những nhận định khách quan hơn, và đủ chuyên môn để đánh giá năng lực của một người cấp dưới. 

Chọn người có mối quan hệ tốt với bạn

Đừng lựa chọn người tham chiếu nào đó chỉ vì họ là sếp của bạn, hoặc đã từng làm việc với bạn. Hãy chọn một người mà bạn duy trì được một mối quan hệ tốt.

người tham chiếu là ai
© Freepik.com

Không ai mong muốn người tham chiếu nói ra những điều bất lợi với mình cho công ty mới. Do đó, hãy lựa chọn người có thể nhìn nhận những điểm tốt của bạn. 

Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng về việc người tham chiếu sẽ chỉ ra những khuyết điểm của bạn.

Miễn rằng họ sau đó cho thấy yếu điểm đó của bạn đã được cải thiện như thế nào, hoặc có một lời giải thích hợp lý giúp bạn, thì điều đó cũng sẽ không quá ảnh hưởng tới quyết định của nhà tuyển dụng hiện tại.

Hỏi ý kiến trước khi đưa thông tin người tham chiếu

Đừng vội vàng đưa thông tin cá nhân của một ai đó cho người khác trước khi có được sự cho phép của họ. Việc này có thể khiến người tham chiếu có ấn tượng xấu về bạn.

Trước khi nhờ ai đó làm tham chiếu cho mình, bạn cũng nên cung cấp đầy đủ thông tin về công ty và vị trí mà bạn đang ứng tuyển. 

Cách đưa thông tin người tham chiếu vào CV xin việc

Như đã nói ở trên, nếu muốn đưa thông tin người tham chiếu vào CV, hãy đưa những thông tin cụ thể, thay vì là một dòng chữ “Cung cấp theo yêu cầu”.

Bạn cần tạo thêm một danh mục mới mang tên Reference trong CV để liệt kê những thông tin cần thiết dưới đây: 

  • Họ và tên
  • Chức vụ
  • Nơi công tác (Công ty/Trường)
  • Số điện thoại và/hoặc email
  • Mối quan hệ với bạn

Bên cạnh đó, bạn chỉ nên để tối đa thông tin của 2 người tham chiếu để tránh gây loãng bố cục của toàn CV.

Lựa chọn người tham chiếu không phải là một nhiệm vụ khó khăn. Hãy nắm bắt xu hướng tuyển dụng mới liên tục và hoàn thiện hồ sơ của mình thật tốt nhé. 

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.3 / 5. Lượt đánh giá: 6

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X