×

Quá Tải Công Việc – Cách Nhận Biết Và Hạn Chế Tình Trạng Này

Ngày đăng: 13/12/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 14/12/2022

quá tải công việc

Hầu hết chúng ta đều lầm tưởng rằng làm việc quá sức hay cống hiến hết mình là đều phải làm để duy trì một công việc tốt và ổn định. Mặc dù đúng là tất cả chúng ta đều được kỳ vọng sẽ làm nhiều và tốt hơn so với trước đây, nhưng nó không có nghĩa là bạn phải thỏa hiệp khi cơ thể mình cảm thấy quá tải.

Vậy quá tải công việc là gì, làm gì khi công việc quá tải? Đâu là dấu hiệu nhận biết và cách hạn chế tình trạng này? Hãy cùng Glints tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây! 

Quá tải công việc là gì?

Quá tải công việc được định nghĩa là quá trình làm việc quá sức, trong thời gian dài và vượt quá khả năng chịu đựng về mặt thể chất và tinh thần. Khi nhân viên trở nên quá tải, họ không thể duy trì sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống. 

công việc quá tải
Quá tải công việc là gì

Thời gian dài, công việc căng thẳng và quá ít thời gian nghỉ giải lao khiến nhân viên cảm thấy mình đang làm việc quá sức. Khi đó, bạn có thể bị kiệt sức. Vấn đề này xuất phát từ căng thẳng kéo dài tại nơi làm việc và có thể dẫn đến cảm giác lao lực, giảm hiệu quả và xa rời công việc cả về mặt tinh thần lẫn thể chất.

5 dấu hiệu thường thấy của quá tải trong công việc

Khó thư giãn

Dấu hiệu đầu tiên của việc quá tải trong công việc chính là cảm giác khó thư giãn. Đây là dấu hiệu thường thấy nhất khi bạn làm việc quá sức, và thậm chí có thể là hoàn toàn kiệt sức. Nó phần lớn xuất phát từ việc bạn luôn phải sẵn sàng cho công việc. Điều này giống như bạn bị nhốt trong trạng thái sẵn sàng cao liên tục để có thể đối phó với bất cứ điều gì có thể xảy ra.

Bạn có thể gặp khó khăn trong việc thư giãn đơn giản vì không bao giờ có thời gian cho việc đó. Đây thường là một vấn đề bị đánh giá thấp. Để hoạt động với hiệu quả cao nhất trong công việc, bạn cần có những khoảng thời gian thư giãn thường xuyên để sạc pin cho bản thân. Những khoảng thời gian nghỉ ngơi, giải trí đó giúp bạn sảng khoái cả về thể chất lẫn tinh thần và cần thiết để bạn hoàn thành tốt công việc của mình.

Đọc thêm: Burnout Là Gì? 5 Mẹo Cải Thiện Burn-out Trong Công Việc

Sức khỏe của bạn đang xấu đi rõ rệt

Khi quá tải trong công việc, sức khỏe chính là yếu tố bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Một vài dấu hiệu cơ bản có thể kể đến như:

  • Bạn bị tụt cân—bạn căng thẳng đến mức không muốn ăn.
  • Bạn bị tăng cân đột ngột—do thiếu thời gian tập thể dục hoặc thường xuyên ăn uống trong tình trạng căng thẳng.
  • Bạn thường xuyên làm việc với nhiều cơn đau nhức mà không rõ nguyên nhân.
  • Bác sĩ nhiều lần cảnh báo về huyết áp của bạn.
  • Bạn đang dùng nhiều loại thuốc—có toa và không có toa—chỉ để giữ sự tỉnh táo.
  • Bạn mệt mỏi, ngay cả vào những ngày bạn không làm việc.
  • Mối quan tâm của bạn đối với mọi thứ—gia đình, bạn bè, giải trí và sở thích—gần như không tồn tại, vì đơn giản là bạn không cảm thấy “đủ sức” cho chúng.

Cảm thấy không có đủ thời gian trong ngày

khi công việc quá tải
Luôn luôn thấy thiếu thời gian vì quá tải công việc

Nhiều công việc yêu cầu bạn phải đảm nhận trách nhiệm của hai hoặc ba người. Đây thường là kết quả của việc thu hẹp quy mô ở nhiều doanh nghiệp nhỏ. Khi đồng nghiệp bị sa thải, công việc của họ vẫn cần được hoàn thành và do đó, phần việc đó sẽ được chuyển cho những nhân viên còn lại.

Một dấu hiệu chắc chắn rằng bạn cảm thấy mình đang bị quá tải trong công việc và phải làm việc mọi lúc là khi làm thêm giờ trở thành một phần hiển nhiên trong suốt thời gian dài. Bạn không thể hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của mình trong tám tiếng thông thường và buộc phải làm thêm giờ tại văn phòng hay chấp nhận mang công việc về nhà.

Đọc thêm: 12 Cách Rèn Luyện Kỹ Năng Quản Lý Thời Gian Hiệu Quả

Danh sách việc cần làm của bạn tiếp tục tăng

Những nỗ lực của bạn trong việc tổ chức tốt hơn có thể hữu ích, nhưng chúng không bao giờ giúp bạn tiến gần đến việc làm cho công việc của mình vơi đi. Bạn bắt đầu một ngày với bảy mục trong danh sách việc cần làm của mình, nhưng trong suốt cả ngày làm việc, danh sách này lại mở rộng thành 12 mục. Đến cuối ngày, bạn có thể đã hoàn thành năm đầu mục cần làm, nhưng danh sách của bạn vẫn tiếp tục dài ra.

Cảm giác như bạn sẽ không bao giờ xong việc

Cho dù bạn làm việc nhanh hay hiệu quả đến đâu, bạn vẫn luôn cảm giác rằng mình sẽ không bao giờ có thể theo kịp dòng công việc được bổ sung liên tục. Điều này đặc biệt đúng với những nhân viên đóng vai trò là “người trực tiếp” trong văn phòng. Họ là những người khắc phục sự cố cho các vấn đề phức tạp và thường xuyên được kỳ vọng sẽ hỗ trợ những đồng nghiệp làm việc kém năng suất hơn.

Phải gánh vác gánh nặng của người khác có nghĩa là bạn hiếm khi có cảm giác thực sự hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ hoặc dự án nào, kể cả vào cuối ngày, cuối tuần hay cuối tháng. Và bạn sợ hãi các cuộc họp, vì chúng diễn ra quá thường xuyên (một vấn đề kinh niên ở một số tổ chức), hoặc vì chúng chẳng làm được gì ngoài việc giảm thời gian dành cho công việc hiệu quả hơn.

Nguyên nhân dẫn đến quá tải công việc

nguyên nhân quá tải công việc
Nguyên nhân dẫn đến quá tải công việc

Có nhiều nguyên nhân khiến nhân viên quá tải trong công việc. Khi người sử dụng lao động nhận thấy tình trạng vắng mặt nhiều hơn, tỷ lệ nghỉ việc cao hơn, xung đột tại nơi làm việc và chất lượng công việc giảm sút, họ nên tìm ra những biện pháp có thể làm để cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên.

Dưới đây là một số lý do phổ biến khiến nhân viên làm việc quá sức:

Kỳ vọng cao trong thời gian bận rộn

Trong thời gian bận rộn tại nơi làm việc, nhân viên có thể cần phải làm việc nhiều giờ hơn. Đôi khi thời hạn đến nhanh hơn dự kiến và nhà tuyển dụng yêu cầu nhân viên của họ làm thêm giờ để hoàn thành mọi việc đúng hạn. Mặc dù tiền làm thêm giờ có thể thúc đẩy nhân viên trong tình huống này, nhưng họ vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi khi làm và thực hiện chúng.

Văn hóa công sở

Một lý do khác khiến nhân viên có thể cảm thấy làm việc quá sức là do văn hóa nơi làm việc mà nhà tuyển dụng tạo ra. Ví dụ, nếu mọi người đi làm sớm và ở lại muộn, những nhân viên khác có thể cảm thấy muốn làm điều tương tự.

Điều này đặc biệt đúng đối với những nhân viên mới vì họ có thể cảm thấy rằng họ cần chứng minh giá trị của mình bằng cách làm việc nhiều giờ hơn. Điều quan trọng đối với các nhà quản lý là ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe của nhân viên và thiết lập giờ làm việc hợp lý nhằm hạn chế tình trạng quá tải trong công việc.

Cảm giác luôn được kết nối

Công nghệ là một lý do khác khiến nhân viên có thể cảm thấy họ không có đủ thời gian nghỉ ngơi. Vì nhiều người liên tục kết nối với thiết bị của họ nên một số nhà tuyển dụng có thể yêu cầu nhân viên trả lời email hoặc tin nhắn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nơi làm việc nên đặt ra các ranh giới và hiểu rằng nhân viên cần tận hưởng thời gian rảnh rỗi ngoài giờ làm việc mà không có bất kỳ phiền nhiễu nào liên quan đến công ty.

Làm sao để vượt qua việc quá tải trong công việc

làm gì khi công việc quá tải
Làm gì khi công việc quá tải?

Đặt ranh giới

Là một nhân viên, điều quan trọng là phải thiết lập ranh giới với nơi làm việc của bạn. Bạn thiết lập những ranh giới này càng sớm và tuân theo chúng càng nhiều thì bạn càng dễ dàng hạn chế tình trạng quá tải trong công việc. 

Ví dụ: sau khi bạn hoàn thành công việc trong ngày, hãy cho sếp và các thành viên trong nhóm của bạn biết rằng bạn sẽ không kiểm tra email hoặc tin nhắn cho đến sáng hôm sau. Bằng cách này, bạn có thể tận hưởng trọn vẹn thời gian rảnh rỗi của bản thân.

Các ranh giới tương tự nên được tuân theo kể cả khi bạn nghỉ phép có lương. Trước kỳ nghỉ của bạn, hãy hoàn thành tất cả các nhiệm vụ và giao phó trách nhiệm của bạn cho người có thẩm quyền. Sau đó, đặt một tin nhắn vắng mặt trên email và cho nhóm của bạn biết bạn sẽ trả lời tin nhắn của họ ngay khi bạn quay lại. Điều này giúp bạn có thời gian để nạp năng lượng đầy đủ mà không phải suy nghĩ về công việc.

Hoàn thành một nhiệm vụ tại một thời điểm

Bạn chỉ có thể thực hiện hiệu quả một nhiệm vụ tại một thời điểm. Tạo một danh sách các nhiệm vụ của bạn theo thứ tự ưu tiên và sau đó bắt đầu với những phần việc quan trọng nhất trước. Chỉ tập trung vào những gì bạn đang làm và nghĩ về đầu việc tiếp theo sau khi bạn đã hoàn thành nó. Điều này sẽ giúp bạn luôn ngăn nắp và cảm thấy thoải mái cho dù bạn còn nhiều việc trong danh sách cần làm.

Giao tiếp với người quản lý của bạn

Nếu bạn cảm thấy mình có quá nhiều trách nhiệm hoặc cần nghỉ ngơi sau nhiều giờ làm việc, hãy trao đổi điều này với người quản lý của bạn. Họ có thể không nhận ra rằng bạn đang cảm thấy như vậy. Vì vậy, hãy gặp gỡ để giúp họ hiểu được quan điểm của bạn. Hãy làm việc cùng nhau để tìm ra một kế hoạch nhằm giảm bớt khối lượng công việc của bạn. 

Thực hành các kỹ thuật thư giãn

Tìm hiểu và thực hành các kỹ thuật thư giãn có tác dụng giảm căng thẳng và hạn chế tình trạng quá tải trong công việc. Tập thể dục là một cách tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng và tăng cảm giác hạnh phúc. Một kỹ thuật thư giãn khác là tìm những sở thích mà bạn hứng thú ngoài công việc. Bằng cách này, bạn có điều gì đó để mong đợi sau một ngày dài.

Thiền là một cách khác để cảm thấy thư thái. Hãy dành 10 đến 15 phút mỗi ngày để nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái với đôi mắt nhắm lại. Chỉ tập trung vào hơi thở của bạn, và cố gắng giải tỏa tâm trí của bản thân. Nếu các cách trên không hiệu quả, hãy tạm dừng công việc của mình để đi dạo hay thực hiện một số động tác kéo giãn cơ bản. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng chúng thật sự có hiệu quả rất tốt.

Quyết định xem bạn có nên tìm một công việc mới hay không

Đôi khi giải pháp cho vấn đề quá tải trong công việc là tìm kiếm một nơi làm việc mới coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn công ty hiện tại của bạn. Trong khi tìm kiếm một công việc mới, hãy hỏi người quản lý tuyển dụng về văn hóa và khối lượng công việc của công ty. Ngoài ra, hãy tìm kiếm công ty trên các trang mạng xã hội để xem các nhân viên trước đây có để lại đánh giá về công ty hay không.

Kết luận 

Vậy là Glints đã cùng bạn tìm hiểu những vấn đề xung quanh hiện tượng quá tải công việc. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn cải thiện khả năng làm việc và cân bằng cuộc sống cá nhân của mình. Nếu có hứng thú với các chủ đề tương tự, hãy cùng đón đọc thêm nhiều bài viết khác đến từ Glints nhé!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 1

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X