Ngày đăng: 29/07/2022 | No Comments
Ngày cập nhật: 08/04/2024
Mục tiêu của nhiều người trong ngành kế toán là trở thành một kế toán trưởng. Đây là một trong những vị trí cao nhất và có vai trò rất lớn trong bộ phận kế toán của mỗi doanh nghiệp. Công việc kế toán trưởng đòi hỏi nghiệp vụ cao để quản lý bộ phận kế toán. Vậy kế toán trưởng là gì? Trách nhiệm của kế toán trưởng gồm những gì?
Kế toán trưởng (Chief Accountant) là người đứng đầu trong bộ phận kế toán, giám sát công việc của các kế toán và làm việc dưới quyền quản lý của Giám đốc tài chính (CFO) trong các doanh nghiệp hay tổ chức. Vai trò của kế toán trưởng là quản lý các chính sách và đảm nhiệm phụ trách, chỉ đạo thực hiện các chiến lược tài chính của công ty.
Đồng thời, định hướng và tham mưu các ban lãnh đạo trong việc phát triển các vấn đề tài chính, giúp cấp trên nắm rõ tình hình kinh tế của công ty và đưa ra các kế hoạch phát triển doanh nghiệp.
Kế toán trưởng chịu trách nhiệm toàn bộ tài chính doanh nghiệp, nên có một số các điều luật dành cho vị trí kế toán trưởng. Theo Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP trích Luật kế toán:
1. Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngày kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
2. Phụ trách kế toán:
a) Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
Kế toán trưởng phải theo tiêu chuẩn và điều kiện theo luật số 88/2015/QH13 điều 54 như sau:
1. Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;
b) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;
c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
d) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
2. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng phù hợp với từng loại đơn vị kế toán.
Nhiệm vụ của kế toán trưởng trong doanh nghiệp cực kỳ quan trọng khi chịu trách nhiệm chính trong vấn đề tài chính của công ty. Kế toán trưởng sẽ thực hiện các công việc liên quan đến kế toán theo quy định của nhà nước ban hành. Dùng nghiệp vụ chuyên môn để xem xét và đánh giá khả năng tài chính các dự án hoặc công trình trước khi đề xuất lên ban lãnh đạo.
Tham mưu cho cấp trên về cách sử dụng nguồn vốn hợp lý và cập nhật các luật cũng như quy định về những thay đổi đối với ngành kế toán. Kế toán trưởng cũng cần đảm bảo nguồn vốn của công ty và kiểm tra kỹ các hợp đồng kinh tế để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.
Đọc thêm: Kế Toán Nội Bộ Là Gì? Mô Tả Công Việc Kế Toán Nội Bộ
Ngoài ra, kế toán trưởng cũng xây dựng và phối hợp với các phòng ban liên quan để thiết lập hệ thống và tạo mạng lưới quản lý thông tin chất lượng cao, giúp công ty nâng cao vấn đề bảo mật dữ liệu. Kế toán trưởng còn đảm nhiệm vai trò cố vấn cho cấp trên các cách xử lý những khó tài chính của công ty trong quá trình hoạt động.
Kế toán trưởng là vị trí quản lý cấp cao, do đó chịu trách nhiệm cho những công việc quan trọng. Nhìn chung, các công việc của kế toán trưởng là theo dõi và điều hành các kế toán viên. Sau đây là một vài công việc chung của vị trí kế toán trưởng giúp bạn hiểu rõ hơn kế trưởng là gì.
Kế toán trưởng sẽ điều hành và quản lý các nhân viên trong phòng kế toán, đảm bảo nhân viên sẽ tham gia đầy đủ các chương trình huấn luyện kế toán và hoàn thành các công việc được giao.
Kế toán trưởng cũng chịu trách nhiệm việc đào tạo các quy trình làm việc liên quan đến kế toán trong công ty cho các kế toán viên mới.
Kế toán trưởng đảm bảo các tiến độ và năng suất làm việc của mọi người ổn định. Phân tích và báo cáo cho Ban lãnh đạo những vấn đề tài chính phát sinh và đề xuất các biện pháp kịp thời để xử lý vấn đề một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian và các chi phí cho doanh nghiệp. Kế toán trưởng cũng là người trực tiếp giao dịch với ngân hàng.
Kế toán trưởng sẽ là người đại diện pháp lý đối với các vấn đề liên quan tới bộ phận kế toán.
Do đó, mô tả công việc kế toán trưởng sẽ bao gồm việc kiểm tra tính chính xác và hợp pháp của các dữ liệu được lưu trữ qua các báo cáo, chứng từ, hoá đơn, bảng chuyển lưu tiền tệ hay công nợ với ngân hàng, để dễ dàng cung cấp khi cần xác minh.
Giám sát các khoản quyết toán thu chi, dòng tiền vào cuối năm hay tổ chức kiểm kê tài sản đều do kế toán trưởng thực hiện, giúp kế toán trưởng dễ dàng nắm bắt tình hình tài chính doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp điều chỉnh hợp lý.
Bên cạnh đó, ở bất kỳ thời điểm nào, ban lãnh đạo luôn có yêu cầu các quyết toán đột xuất, vì thế kế toán trưởng luôn cần sẵn sàng. Kết quả quyết toán cũng sẽ được trình bày bởi kế toán trưởng.
Kế toán trưởng là người nắm rõ các hoạt động tài chính công ty nên sẽ đưa ra các phân tích và dự đoán có tính chính xác cao. Các phân tích và dự báo nguồn tài chính sẽ giúp doanh nghiệp có kế hoạch để duy trì ngân sách và nhanh chóng xử lý các vấn đề, rủi ro liên quan đến tài chính, vạch ra các chiến lược và chính sách mới phát triển doanh nghiệp.
Các báo cáo tài chính dùng để tóm gọn những kết quả tài chính kinh doanh của doanh nghiệp theo quý và theo năm. Kế toán trưởng sẽ trực tiếp tham gia lập các báo cáo tài chính hoặc theo dõi và hướng dẫn các kế toán viên lập báo cáo, theo các khoảng thời gian quy định để trình bày các bảng báo cáo đúng thời hạn cho cấp trên.
Kỹ năng giao tiếp cần cho tất cả các vị trí cao trong công ty nói chung và cho kế toán trưởng nói riêng. Kế toán trưởng là người kết nối giữa các kế toán viên, các bộ phận khác và cấp trên, vì thế kỹ năng giao tiếp sẽ giúp quá trình trao đổi và làm việc diễn ra suôn sẻ hơn. Trong quy trình làm việc sẽ luôn có những tình huống bất ngờ, cần sự ứng xử khéo léo để giải quyết các vấn đề nhanh gọn.
Kế toán trưởng sẽ tiếp xúc với rất nhiều báo cáo, chứng từ chứa đầy các con số và dữ liệu, số đo sự nhạy bén và yêu thích những con số sẽ giúp kế toán trưởng hoàn thành các việc kiểm kê sổ sách giấy tờ nhanh và chính xác hơn.
Khả năng tư duy và phân tích vấn đề đối với kế toán trưởng là vô cùng cần thiết. Phân tích vấn đề và các số liệu một cách logic và nhanh chóng sẽ hỗ trợ kế toán trưởng dễ dàng nhìn được các lỗ hổng của tài chính công ty và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện tình hình tài chính cho doanh nghiệp.
Kế toán trưởng là người sẽ quản lý và tổ chức các quy trình làm việc và việc có kỹ năng tổ chức tốt sẽ đảm bảo kế toán viên thực hiện các nhiệm vụ đúng với các quá trình xử lý và yêu cầu công việc.
Bên cạnh đó, kế toán trưởng chịu trách nhiệm cho một khối lượng lớn công việc, quản lý thời gian tốt sẽ giúp công việc diễn ra suôn sẻ hơn, linh động thời gian xử lý các vấn đề phát sinh và hoàn thành các công việc đúng hạn.
Sự sai sót số trong lúc xử lý và thống kê các dữ liệu có thể dẫn đến những vấn đề tài chính nghiêm trọng. Do đó, kế toán trưởng luôn cần cẩn thận và chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất, hạ thấp nguy cơ tổn thất tài chính cho doanh nghiệp.
Định nghĩa kế toán trưởng là gì đã được làm rõ nhưng thu nhập của kế toán trưởng sẽ dao động như thế nào? Kế toán trưởng có mức lương khá cao so với các vị trí khác trong bộ phần kế toán do công việc kế toán trưởng đòi hỏi nhiều yêu cầu như nghiệp vụ chuyên môn vững, kinh nghiệm làm việc cao và kiến thức chuyên môn tốt.
Bên canh đó, kế toán trưởng cũng phải chịu nhiều áp lực lớn và nặng nề nên thu nhập khá tốt. Mức lương dành cho công việc kế toán trưởng trung bình từ 10.000.000 VNĐ – 30.000.000 VNĐ/tháng.
Mức lương chính xác của vị trí này sẽ phụ thuộc vào các quy mô và mô hình kinh doanh của từng công ty cũng như dựa trên các kinh nghiệm làm việc thực tế của từng nhân viên. Đối với những doanh nghiệp lớn hoặc công ty nước ngoài, mức thu nhập cho vị trí kế toán trưởng có thể đạt đến mức lương đáng mơ ước.
Qua bài viết trên, Glints đã định nghĩa kế toán trưởng là gì và mô tả các công việc cũng như các yếu tố phải có để trở thành một kế toán trưởng. Kế toán trưởng không chỉ cần kiến thức chuyên ngành mà còn cần một thời gian dài làm việc thực tế và đúc kết kinh nghiệm. Do đó, luôn cần học hỏi và nâng cao kiến thức ở tất cả phương diện liên quan đến kế toán để có thể làm việc ở vị trí này.
Leave a Reply