×

Khiêm Tốn Là Gì? Ranh Giới Giữa Sự Khiêm Nhường Và Khiêm Tốn Quá Mức

Ngày đăng: 11/06/2023 | No Comments

Ngày cập nhật: 11/03/2024

Khiêm tốn là đức tính và phẩm chất giúp bạn gây thiện cảm, xây dựng lòng tin và trở nên thật trưởng thành. Tuy vậy, ranh giới giữa khiêm nhường và không trân trọng giá trị bản thân thật sự rất mỏng manh. Vậy nên, cùng Glints tìm hiểu chi tiết về tính khiêm tốn là gì và làm thế nào để rèn luyện phẩm chất này nhé!

Khiêm tốn là gì?

Thật sự thì khiêm tốn nghĩa là gì? Sự khiêm tốn là thái độ đúng mực khi đánh giá bản thân, không khoe khoang, phô trương thành tựu của mình và cho rằng bản thân mình tài giỏi hơn hay “trên cơ” người khác. Nhìn chung, khiêm tốn là khi bạn chấp nhận rằng mỗi người đều có điểm mạnh riêng; bạn sẵn sàng học hỏi, lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt.

Khi bạn có đức tính khiêm tốn, bạn thường biết đặt mình vào vị trí của người khác và biết đánh giá, chia sẻ ý kiến một cách thận trọng. Đây là một phẩm chất tốt và cũng là triết lý sống được xã hội đề cao.

khiêm tốn là gì
Khiêm tốn là thái độ đúng mực, không kiêu căng, tự mãn.

Vai trò của sự khiêm tốn

“Khiêm nhường một phân, tôn quý vạn phần”!

“Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”

Lý do nào khiến sự khiêm tốn luôn được đánh giá cao trong mỗi cá nhân và tập thể? Ngay từ những câu thành ngữ, danh ngôn về khiêm tốn đã nói lên phần nào về nét tính cách này. Đó là phẩm chất có thể đem đến sự kính trọng và nhiều mặt tích cực trong cuộc sống cho những người sở hữu nó.

Trờ thành người có tính cách tốt

Khi sống với tính khiêm tốn, chúng ta sẽ biết kiềm lại cái tôi cá nhân và công nhận cả công sức và thành tích của người khác. Đây cũng là một phần của lòng cảm thông và nhân ái. Ngoài ra, trong môi trường làm việc, học tập hay cuộc sống hàng ngày, bạn cũng sẽ tạo ra môi trường tích cực với sự thấu hiểu và đoàn kết.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đưa ra những quyết định và hành động đúng đắn thay vì dựa trên sự đố kỵ, ganh ghét. Bạn sẽ chọn cách lắng nghe và học hỏi để nâng cao giá trị của bản thân. Nhìn chung, những dấu hiệu của sự khiêm tốn là:

  • Không tự cao tự đại
  • Không khoe khoang hay phô trương
  • Biết tiếp thu ý kiến
  • Không coi mình là “bậc thượng đẳng”, quan trọng hơn nhiều so với người khác
  • Biết trân trọng những gì người khác mang lại cho mình
  • Biết lắng nghe
  • Biết tò mò
  • Biết nói lời cảm ơn
  • Không hạ thấp người khác bằng lời nói hay hành động, v.v.
tính khiêm nhường
Người có tính khiêm nhường rất được trân trọng.

Trưởng thành, được tín nhiệm hơn

Có được tính khiêm tốn, bạn sẽ giành được lòng tin và sự tôn trọng của người khác. Thật vậy, những nhân viên có sự khiêm tốn sẽ có cơ hội thăng tiến cao hơn và những người quản lý khiêm tốn đúng mực cũng được tin tưởng và kính trọng.

Một ví dụ rất lớn về sự khiêm tốn đến ngay từ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời. Dù là người có chức vị và quyền lực, Bác vẫn sống đúng theo tôn chỉ của sự khiêm tốn, không khoe khoang, lợi dụng chức quyền.

Bác đã từng phê bình thái độ từ một vài cán bộ, “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân… Cán bộ đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Dấu hiệu bạn đang khiêm tốn quá mức

Bạn có biết không, ranh giới giữa sự khiêm nhường và khiêm tốn quá mức thực ra rất mỏng manh. Khiêm tốn quá mức cũng đồng nghĩa với việc bạn tự mình và làm người khác đồng thời đánh giá thấp giá trị của bản thân bạn.

Nếu có những dấu hiệu sau đây, có lẽ bạn nên xem lại liệu cái tôi của bạn có đang quá thấp hay không:

Đánh giá thấp năng lực của bản thân

Người khiêm tốn quá mức thường nghĩ là mình không đáng chú ý, có ít năng lực và giá trị trong tập thể.

Hạn chế đưa ra ý kiến

Khi khiêm tốn quá, bạn thường có xu hướng dễ đồng ý với ý kiến của người khác và không tự tin thể hiện năng lực, ý kiến và quan điểm của mình. Một phần cũng đến từ lý do bạn không muốn làm trung tâm của sự chú ý.

Từ chối lời khen

Nếu bạn có luôn luôn từ chối hoặc không chấp nhận sự khen ngợi và công nhận mà người khác đưa ra về mình, có lẽ bạn thật sự không tự tin về bản thân.

Tự nhận xét tiêu cực

Ngoài ra, bạn cũng hay nhìn nhận mọi việc theo góc nhìn tiêu cực và không nhìn thấy điểm mạnh của mình. 

Từ chối cơ hội

Ví dụ như cơ hội thăng tiến hay tiếp nhận các vai trò mang lại nhiều cơ hội, bạn sẽ chọn từ chối vì cho rằng mình không đủ tài năng hoặc xứng đáng để nhận được những cơ hội đó.

Khi sự khiêm tốn trở nên quá mức, bạn sẽ không còn lại người biết nhường nhịn mà lại vô tình trở thành một cá nhân quá nhút nhát, không có nhận thức về bản thân và vô tình tự loại bỏ con đường phát triển của mình.

khiêm tốn quá mức
Khiêm tốn quá mức sẽ chỉ làm bạn thiệt thòi.

Rèn luyện tính khiêm nhường đúng mực

Quá khiêm tốn hay quá tự cao đều mang đến những bất lợi cực lớn. Vì thế, bạn có thể rèn luyện và phát triển đức tính khiêm nhường bằng những cách Glints sẽ mách bạn sau đây:

Học cách lắng nghe

Hãy dành thời gian để thực sự lắng nghe câu chuyện, chia sẻ của người khác. Bạn cũng chú ý không nên chen vào và hạ thấp ý kiến của họ. Hãy cho họ biết rằng bạn quan tâm và coi trọng suy nghĩ của họ.

Tự đặt mình vào vị trí của người khác

Khiêm tốn cũng một phần đồng nghĩa với việc bạn có EQ cao. Để không đi quá giới hạn với lòng tự trọng của mình, bạn hãy cố gắng thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc và trải nghiệm của người khác. Tự đặt mình vào tình huống mà họ trải qua sẽ giúp ta nhìn nhận và đánh giá mọi việc một cách công bằng hơn.

Chia sẻ thành tựu của người khác

Hãy tôn trọng và chia sẻ thành tựu, thành công của người khác một cách chân thành và tận hưởng niềm vui từ đó. Điều này sẽ tạo ra một môi trường tích cực và khuyến khích sự phát triển chung.

Biết trân trọng những điều nhỏ bé

Hãy nhìn nhận và biết ơn những điều mình có trong cuộc sống hàng ngày. Một lời cảm ơn, một nụ cười hay một sự quan tâm nhỏ có thể mang đến niềm hạnh phúc đơn giản nhưng ý nghĩa.

vai trò của khiêm tốn
Rèn luyện sự khiêm tốn như thế nào?

Tự nhìn nhận khả năng và giới hạn của bản thân

Để tự tin mà vẫn có sự khiêm tốn nhất định, bạn cần xác định được điểm mạnh của mình cũng như học cách nói lời cảm ơn khi nhận được lời khen, thay vì lúc nào cũng gạt đi và không công nhận giá trị của mình.

Bên cạnh đó, bạn cũng hãy thừa nhận những hạn chế và điểm yếu mình. Không nên tự đánh giá quá cao hay tự cao tự đại, mà nên ưu tiên tìm cách cải thiện và học hỏi từ người khác.

Tôn trọng ý kiến đa dạng

Hãy tôn trọng ý kiến của người khác, dù chúng có khác biệt với quan điểm của bạn. Bạn nên mở lòng và chấp nhận sự đa dạng trong tính cách và phong cách làm việc để tạo nên một môi trường dĩ hoà vi quý. Ngoài ra bạn cũng đừng quên đưa ra ý kiến xây dựng một cách tinh tế. Có vậy, bạn mới có thể là một người khiêm tốn mà không hề thiếu chính kiến hay tự ti.

Đọc thêm: Thế Nào Mới Là Góp Ý Mang Tính Xây Dựng Đúng Cách?

Lời kết

Trên đây là chia sẻ của Glints để giúp bạn hiểu hơn về khiêm tốn là gì cùng những cách để rèn luyện được đức tính quý giá này. Bạn còn cách nào hữu ích muốn chia sẻ và góp ý với Glints không? Đừng ngại để lại bình luận nhé!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.7 / 5. Lượt đánh giá: 15

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X