×

COVID-19 ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

Ngày đăng: 04/12/2020 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 26/04/2021

“In the midst of chaos, there is also opportunity.” – Sun Tzu

“Giữa những hỗn loạn, luôn tồn tại các cơ hội.” – Binh pháp Tôn Tử 

Đã hơn một năm kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên thế giới được xác định tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 15-11-2019 (theo báo của South China Morning Post), thế giới hiện nay đã chứng kiến gần 60 triệu ca nhiễm và 1,4 triệu người tử vong (tính đến 24-11). Dường như không một nền kinh tế nào có thể hoàn toàn “miễn dịch” với loại virus thế kỷ này, các dịch vụ y tế hàng đầu toàn cầu đã và đang chịu rất nhiều sức ép trong cuộc chiến đại dịch 2020. Bước sang những ngày cuối của năm 2020, người ta đang nhìn lại một năm với những thay đổi do COVID-19 gây ra, và liệu những điều tích cực sẽ trở lại vào 2021? 

Sức ép của coronavirus “đè nặng lên” thị trường lao động 

COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện – toàn cầu khi chứng kiến sự sụt giảm lực lượng lao động đáng kể trong hầu hết các lĩnh vực. Nhà quản lý, các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, buộc phải siết chặt nguồn nhân lực, dẫn đến cắt giảm lương, và sa thải lao động. Một số ngành chịu tác động tiêu cực nặng nề như ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí.

Theo những ước tính của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức 81% lực lượng lao động toàn cầu. Báo cáo nhanh số 5 của ILO: COVID-19 và thế giới việc làm đánh giá tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14% trong quý II năm 2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần). 

Dựa trên kết quả khảo sát tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo sẽ có 2 triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng và khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết 50% các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại được tối đa 6 tháng nếu tình hình khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây nên không được cải thiện. 

Theo kết quả báo cáo Tình hình Lao động việc làm quý II và sáu tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê (GSO) (sáng 10-7), tính đến hết tháng 6-2020, có tới 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập. Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người)…

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 72% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.

Năm 2020 là lần đầu tiên trong năm năm qua ghi nhận thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm đi so cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động đang phải gánh chịu những tác động kinh tế nặng nề nhất của đại dịch.

Thống kê cho thấy, người lao động phi chính thức bị giảm thu nhập nhiều hơn so với lao động chính thức, với mức giảm tương ứng là 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Người lao động càng có bằng cấp, trình độ cao hơn, thì bị giảm thu nhập ít hơn.

Quý II năm nay cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua, ở mức 2,73%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm lao động có trình độ thấp (sơ cấp).

COVID-19 đã thay đổi cuộc sống của tôi…

Với chia sẻ của chị Quỳnh – IT Recruit về sự thay đổi đối với công việc của mình khi đại dịch bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam và trên toàn thế giới: “Công ty bắt đầu thực hiện làm việc remote trong thời gian giãn cách xã hội. Lương bị ảnh hưởng vì tỷ lệ khách hàng giảm mạnh và ảnh hưởng đến doanh thu giảm theo.” Có thể nói, sức ảnh hưởng của đại dịch đã tác động đến hầu hết các công ty, đòi hỏi sự tái cấu trúc, nhằm thích ứng với thời đại, nếu không sẽ dẫn đến phá sản, chính vì vậy lĩnh vực nhu cầu tuyển dụng cũng chịu nhiều tác động. Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp vận tải hàng không, du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2020 là 1,3 triệu người, giảm 81,4 nghìn người so với quý trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 560,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý III năm 2020 là 2,79%, giảm 0,29 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Gần một nửa số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 49,3%, giảm 26,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,9%, tăng 17,6 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 24,8%, tăng 8,5 điểm phần trăm.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm quý III năm 2020 ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,80%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 2,14% và ở khu vực dịch vụ là 1,85%.

Đối với lao động trong độ tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2020 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 3,20%; sơ cấp là 2,54%; trung cấp là 1,71%; cao đẳng là 1,59%; từ đại học trở lên là 1,15%.

Theo quan điểm của chị Quỳnh, thị trường lao động trong nước sẽ hoàn toàn phục hồi, ổn định trở lại trong 3-5 năm khi vacxin COVID-19 phát huy hiệu quả trong việc khống chế bệnh dịch. 

Hy vọng tích cực cho một năm sắp đến 

Theo dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong thời gian cuối năm 2020, thị trường lao động Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phục hồi, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang có những tín hiệu tốt, trở lại hoạt động trên thị trường cũng như bắt đầu các chiến dịch tuyển dụng nhân sự. 

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho VnEconomy biết, chỉ tính riêng trong tháng 9-2020, trung tâm đã có hơn 500 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với khoảng 6.000 vị trí việc làm. “Cuối tháng 7 và đầu tháng 8 khi làn sóng dịch thứ 2 bùng phát, nhu cầu tuyển dụng có giảm nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 9, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, tương tự các tháng trước trung bình mỗi tháng đều có trên dưới 500 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng”, ông Thành thông tin.

ManpowerGroup Việt Nam công bố kết quả khảo sát cho thấy đầu quý III/2020, triển vọng tuyển dụng xuất hiện dấu hiệu phục hồi với hơn 38,6% doanh nghiệp (DN) hoạt động tuyển dụng sẽ trở lại tình trạng trước COVID-19 trong vòng 3 tháng tới; 21,2% DN dự kiến phục hồi trong vòng 6 tháng và 35,6% DN dự kiến trong vòng hơn 6 tháng đến 12 tháng. 

Nhóm 5 ngành nghề hàng đầu dự đoán hoạt động tuyển dụng sẽ phục hồi mạnh bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông (18%); bán sỉ, bán lẻ và thương mại (17%); chế biến – sản xuất (14%); dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp (10%) và chăm sóc sức khỏe, y tế (9%).

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X