×

Cách Viết Hồ Sơ Xin Việc Làm Công Nhân Từ A – Z 

Ngày đăng: 31/05/2023 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 30/09/2023

cach-viet-ho-so-xin-viec-lam-cong-nhan

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 563 khu công nghiệp, trong đó số khu công nghiệp thực tế hoạt động là 406. Cuối năm 2020, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Việt Nam là 70,9% (Theo Thời báo Ngân hàng). 

Những tín hiệu đáng mừng bắt đầu từ các chính sách mở cửa của Chính phủ từ sau đại dịch Covid thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng. Các khu công nghiệp đẩy mạnh tuyển nhân công, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động phổ thông. Chính sách nhà ở xã hội cho công nhân của Chính phủ cũng thu hút nhiều hơn lực lượng lao động gia nhập các khu công nghiệp, tham gia vào hoạt động sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng chuỗi cung ứng từ Việt Nam sang các nước, tiêu biểu là Trung Quốc. 

Đối với lao động phổ thông, các doanh nghiệp thường không quá khắt khe trong khâu ứng tuyển. Vì thế cách viết hồ sơ xin việc làm công nhân cũng không quá phức tạp, điều quan trọng là đầy đủ thông tin và giấy tờ cần thiết. 

Vậy bộ hồ sơ xin việc công nhân gồm những gì? Có gì khó khăn hay lưu ý đặc biệt gì khi đi xin việc ở các khu công nghiệp? Cùng đi vào chi tiết hướng dẫn làm hồ sơ xin việc công nhân: 

Hồ sơ xin việc làm công nhân bao gồm những gì?

Nhắc đến xin việc hay ứng tuyển nói chung, chúng ta thường quen với hình ảnh độc một chiếc CV trong bộ hồ sơ là đủ. Có một chút khác biệt trong hồ sơ xin việc làm công nhân so với các công việc văn phòng khác. Nó bao gồm một vài giấy tờ tuỳ thân và có thể không cần đến CV mà thay vào đó là đơn xin việc. 

Cụ thể bộ hồ sơ xin việc làm công nhân bao gồm: 

  • Sơ yếu lý lịch
  • Đơn xin việc
  • CV xin việc (nếu có) 
  • Bản sao Chứng minh nhân dân (CMND)/Căn cước công dân (CCCD)
  • Giấy khám sức khỏe
  • Ảnh thẻ
  • Bằng cấp/chứng chỉ (nếu có)

Một lưu ý quan trọng là các giấy tờ này cần được công chứng bởi cơ quan có thẩm quyền ở địa  phương thì mới có hiệu lực và có thể đem nộp cho văn phòng tuyển dụng. 

Những lưu ý chi tiết hơn về từng tài liệu này: 

1. Sơ yếu lý lịch 

Sơ yếu lý lịch là bản tường thuật tất cả thông tin tiểu sử về người làm. Nó bao gồm các thông tin như họ tên, thông tin liên lạc, quê quán, quá trình học vấn, quá trình bản thân, nơi công tác, gia đình, v.v. 

Bạn có thể viết tay sơ yếu lý lịch hoặc mua bộ hồ sơ trong đó có sẵn bản mẫu sơ yếu lý lịch và chỉ việc điền vào. 

Lưu ý khi viết sơ yếu lý lịch là thu thập và đối chiếu thông tin một cách chính xác vì trong đó có cả những thông tin về gia đình, người thân của bạn. Hãy xác minh trước khi viết để tránh sai sót nhiều lần. 

2. Đơn xin việc 

Cách viết đơn xin việc gần giống với cách viết cover letter hay đi kèm với CV. Nó bao gồm thông tin cá nhân, vị trí ứng tuyển, kinh nghiệm làm việc, lý do ứng tuyển và nguyện vọng của người ứng tuyển. Mục đích viết đơn xin việc là để thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy thái độ và sự quan tâm chân thành của người làm đơn đối với vị trí công việc. 

Bạn cũng có thể viết tay hoặc sử dụng mẫu đơn xin việc công nhân có sẵn. Dù là tuyển lao động phổ thông nhưng nhà tuyển dụng cũng sẽ nhìn vào những gì được viết trong đơn xin việc để đánh giá và phân loại ứng viên. Do đó, hãy thực sự dồn tâm sức viết một lá đơn thật chỉn chu. 

Một đợt tuyển dụng của một doanh nghiệp sản xuất có thể lên đến hàng ngàn nhân viên, do vậy, để cạnh được bạn cần tạo ra điểm nhấn. 

Đọc thêm: Cách Viết Đơn Xin Việc Giúp Bạn Nổi Bật Giữa Hàng Ngàn Ứng Viên

3. CV xin việc (nếu có) 

Thông thường lao động phổ thông xin việc ở các nhà máy trong khu công nghiệp không cần phải có một CV. Tuy nhiên, nếu bạn đã đi làm ở nhiều nơi, tích luỹ được kha khá kinh nghiệm và kỹ năng, hãy làm một chiếc CV đơn giản đính kèm vào hồ sơ xin việc của mình. Đó sẽ là điểm cộng cho bạn và cũng giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về trình độ và chuyên môn của bạn. 

Công việc ở các khu công nghiệp hiện nay cũng khá cạnh tranh. Do vậy, đừng ngại tạo nên sự khác biệt và ưu thế cho mình nhé.

4. Bản sao CMND/CCCD

CMND/CCCD là giấy tờ cơ bản cần có khi xin việc làm công nhân. Bạn hãy photo CMND hoặc CCCD của mình làm ít nhất hai bản và mang đi công chứng tại cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. 

Nhà tuyển dụng cần những giấy tờ này để xác minh danh tính của bạn. Họ cũng sẽ lưu lại trong hồ sơ để sử dụng sau này nếu nhận bạn vào làm việc. 

Vì đây là giấy tờ tùy thân quan trọng nêu trước khi nộp nó cho bất cứ doanh nghiệp nào, bạn cần tìm hiểu kỹ về họ để tránh bị lừa đảo. 

5. Giấy khám sức khỏe

Giấy khám sức khoẻ cũng là một loại giấy tờ cơ bản trong hồ sơ xin việc của công nhân. Công việc ở nhà máy hay khu công nghiệp thường khá vất vả, do đó vấn đề sức khoẻ của nhân công rất được các doanh nghiệp chú trọng. 

Để có được giấy khám sức khỏe, bạn cần đến cơ sở y tế để khám sức khỏe tổng quát sau đó xin xác nhận. Có nhiều loại giấy khám sức khoẻ khác nhau. Bạn nên tìm hiểu và hỏi kỹ để xin loại giấy khám sức khỏe đúng với yêu cầu. 

6. Ảnh thẻ 3×4 hoặc 4×6

Nếu trong CV có ảnh CV thì trong hồ sơ xin việc cũng cần có ảnh. Ảnh thẻ trong hồ sơ xin việc thường được dán trong sơ yếu lý lịch. Vì sao bạn cần ảnh thẻ trong hồ sơ xin việc công nhân? 

Đơn giản để nhà tuyển dụng dễ nhận diện bạn, đồng thời họ cần ảnh để nhanh chóng tạo hồ sơ nhân viên, làm thẻ công nhân nếu bạn được nhận vào làm. 

Có hai loại ảnh thẻ phổ biến là 3×4 và 4×6. Ảnh thẻ phù hợp dán vào sơ yếu lý lịch phổ biến nhất là loại ảnh 4×6. Bạn nên chủ động đi chụp ảnh để có ảnh gần nhất với thời điểm nộp hồ sơ. Hãy chuẩn bị ít nhất 2 – 3 ảnh. Đặc biệt đừng in tạm một chiếc ảnh selfie trong điện thoại hay ảnh đã được chụp từ rất lâu rồi. 

7. Bằng cấp/chứng chỉ 

cach-viet-ho-so-xin-viec-cong-nhan
Thêm bằng cấp/chứng chỉ trong hồ sơ xin việc công nhân

Để xin việc làm công nhân, bạn chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 là đủ điều kiện. Tuy nhiên, nếu muốn có cơ hội ở các vị trí cao hoặc mức lương cao hơn, bạn có thể thêm vào hồ sơ xin việc các bằng cấp của mình như trung cấp, cao đẳng hay đại học. 

Ngoài ra, nhiều công việc ở khu công nghiệp đòi hỏi tay nghề như may mặc, gia công hoặc điện tử điện lạnh. Vì vậy, nếu có bằng cấp hay chứng chỉ chứng minh rằng bạn đã được đào tạo bài bản trong một lĩnh vực nào đó, hãy thêm nó vào hồ sơ của bạn. Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ chú ý. 

Đọc thêm: Cách Làm Hồ Sơ Xin Việc Chưa Đủ Tuổi: Chưa Đủ 18 Tuổi Có Đi Làm Được Không?

Lưu ý về cách viết hồ sơ xin việc làm công nhân

Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu

Trước khi viết hồ sơ xin việc, bạn cần tập hợp đầy đủ giấy tờ cần thiết. Hãy đọc kỹ thông tin tuyển dụng và yêu cầu trong hồ sơ của công ty mà bạn ứng tuyển. Bạn có thể mua một bộ hồ sơ có sẵn, trong đó bao gồm sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Bìa hồ sơ cũng bao gồm đầy đủ thông tin cần thiết được thiết kế chuyên nghiệp. 

Sau đó, chuẩn bị các giấy tờ như CCCD, giấy khám sức khỏe, bằng cấp, v.v. 

Kiểm tra thông tin và rà soát lỗi chính tả

Đừng quên kiểm tra lại tất cả thông tin bạn đã điền vào các giấy tờ xem có sai sót gì không. Ngoài việc sai thông tin thì sai chính tả cũng là một điểm trừ to lớn trong hồ sơ xin việc công nhân của bạn. Đừng nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua sai sót này. 

Công chứng tất cả giấy tờ trong hồ sơ

Sau khi đã điền đầy đủ thông tin và rà soát kỹ càng, bước cuối cùng là mang chúng đi công chứng. Hãy công chứng ít nhất mỗi giấy tờ 2 bản để thay thế nếu có sai sót và tiện dùng khi bạn nộp hồ sơ vào nhiều nơi. 

Thái độ thể hiện trong từng câu chữ

Dù là xin việc ở bất cứ đâu, bất cứ vị trí nào, dù là CV hay hồ sơ xin việc thì đều cần được chuẩn bị kỹ càng và chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp không gì khác được thể hiện qua từng câu và giọng điệu của bạn. 

Đặc biệt trong đơn xin việc, hãy sử dụng ngôn ngữ lịch sự, chân thành và thẳng thắn. Đừng nói vòng vo mà hãy thể hiện trực tiếp lý do bạn ứng tuyển, thuyết phục nhà tuyển dụng bằng cách làm nổi bật kinh nghiệm làm việc, kỹ năng hiện có và mong muốn được làm việc. 

Nội dung ngắn gọn nhưng súc tích và thuyết phục là những gì đơn xin việc của bạn cần.

Chỉ dùng một loại mực

Dùng một loại mực/bút duy nhất để viết tất cả nội dung trong hồ sơ xin việc. Hãy trình bày sạch sẽ, đừng gạch xoá quá nhiều. Nếu viết sai thông tin, tốt nhất bạn nên thay sang một tờ mới và điền lại từ đầu. Hãy tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng ngay từ những bước đầu tiên. 

Lời kết 

Cách viết hồ sơ xin việc làm công nhân rất đơn giản và chỉ đòi hỏi ở bạn sự cẩn thận và một chút sáng tạo để tạo sự khác biệt cho đơn xin việc. Trên đây là hướng dẫn làm hồ sơ xin việc công nhân. Nếu bạn có thắc mắc gì cần giải đáp thêm, hãy để lại bình luận cho chúng mình nhé. 

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 3.5 / 5. Lượt đánh giá: 4

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X