×

Cách Giới Thiệu Bản Thân Trong Ngày Đầu Đi Làm Siêu Ấn Tượng

Ngày đăng: 01/07/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 05/03/2024

giới thiệu bản thân trong ngày đầu đi làm

Cách giới thiệu bản thân trong ngày đầu đi làm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cái nhìn của mọi người đối với bạn. Vậy, phải làm như thế nào để gây ấn tượng nhất? Nếu phải viết email giới thiệu thì sao? 

Hãy để bài viết này cung cấp cho bạn một số phương pháp siêu hay ho nhé. 

1. Cách giới thiệu bản thân trong ngày đầu đi làm “ghi điểm 10”

1.1. Các lưu ý khi chào hỏi ngày đầu tiên đi làm

Nếu bạn đang chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi làm tại công ty mới, dưới đây là một số lưu ý tự giới thiệu hay ho mà Glints muốn gửi đến bạn:

Chuẩn bị trước nội dung chào hỏi ngày đầu tiên đi làm

Ấn tượng đầu tiên luôn quyết định đa phần cái nhìn của mọi người dành cho bạn. Do đó, hãy cố gắng thể hiện một phiên bản tốt nhất của mình.

Chuẩn bị trước những gì mình cần phải nói, hoặc một bài phát biểu hoàn chỉnh sẽ giúp bạn tự tin hơn khi nói chuyện với mọi người.

Rất nhiều bạn thường mắc phải lỗi giao tiếp lan man, dài dòng và không đúng trọng tâm. Điều này sẽ khiến người khác có ấn tượng không tốt về bạn.

Do đó, hãy vạch ra một “dàn ý” về những điều mình cần nói, tuân thủ theo đúng 2 nguyên tắc đủ ý và ngắn gọn: 

  • Trước tiên, hãy chào hỏi mọi người thật niềm nở, cố gắng nói to rõ ràng để thu hút sự chú ý. 
  • Tiếp theo, giới thiệu tên của mình, cũng như phòng ban mà mình chuẩn bị đồng hành trong công ty. 
  • Sau đó, mới đến một số thông tin cá nhân như tuổi, năm sinh, tốt nghiệp hay đang học trường gì? Bạn cũng có thể nói về một số sở thích cá nhân nhưng cố gắng đừng quá dài dòng. 
  • Một điều quan trọng nữa là đừng quên nói lên nguyện vọng của mình trong thời gian đồng hành sắp tới. 
  • Cuối cùng, hãy cảm ơn mọi người và bày tỏ niềm vui khi chuẩn bị được đồng hành cùng công ty.
Chuẩn bị cách giới thiệu bản thân trong ngày đầu đi làm
Hãy chuẩn bị trước cho mình những điều cần nói 

Thái độ tự tin, thân thiện, vui vẻ

Trong môi trường công sở, ai cũng thích đồng nghiệp của mình là một người luôn vui vẻ, niềm nở và tự tin. Do đó, hãy thể hiện những điều này ngay buổi đầu tiên gặp mặt. Bạn sẽ nhanh chóng làm quen được với nhiều người hơn. 

Một số tips mà Glints muốn chia sẻ với bạn là hãy đứng thẳng lưng, mắt nhìn thẳng và luôn cười tươi. Cố gắng bình tĩnh để không ấp úng khi giới thiệu về mình.

Đôi khi, hãy sử dụng thêm ngôn ngữ hình thể để bày tỏ ý tưởng dễ dàng cũng như gây được sự chú ý. 

Có thể ở lần đầu gặp mặt, bạn sẽ cảm thấy ngại ngùng vì môi trường mới. Nhưng hãy luôn tự nhủ với bản thân mình rằng những đồng nghiệp này sắp tới sẽ đồng hành cùng bạn. 

Hãy thể hiện sự vui vẻ, thân thiện với mọi người và chắc chắn bạn cũng sẽ được nhận lại những điều tương xứng. 

Để ý quan sát và lắng nghe

Trong ngày đầu tiên làm việc, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy bỡ ngỡ trước môi trường mới và công việc mới. Vì vậy, hãy luôn chú ý quan sát và lắng nghe. Một tân binh có chí cầu tiến, luôn biết học hỏi từ mọi người chắc chắn sẽ được chào đón và yêu thích nhiều hơn. 

Hơn thế, dù bạn có kinh nghiệm như thế nào, hay đã từng làm ở nhiều nơi ra sao thì công việc ở một môi trường mới sẽ luôn có những thử thách. Việc hiểu hết những gì đồng nghiệp và cấp trên trình bày sẽ gặp đôi chút khó khăn. 

Trong trường hợp này, kỹ năng lắng nghe và quan sát lại một lần nữa thể hiện được thế mạnh của mình. 

Luôn chú ý quan sát, thắc mắc ngay khi có câu hỏi, nếu không bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng bị bỏ lại phía sau và không hiểu mọi người đang nói gì. Dù có lo lắng và bỡ ngỡ trước mọi điều mới, hãy cố gắng tập trung và lắng nghe cẩn thận. 

Tuyệt đối không nói từ tiêu cực

Một trong những cách giới thiệu bản thân trong ngày đầu đi làm cần nhớ tuyệt đối không thể hiện sự tiêu cực. Tiêu cực ở đây không chỉ thể hiện trong lời nói ra, mà còn trong hành động cũng như thái độ khi trình bày.

Những câu chữ thể hiện sự thiếu tự tin vào bản thân như “không biết là…” hay “em không chắc” cần phải bỏ ngay trong lần đầu tiên gặp mặt, bởi nó sẽ khiến ấn tượng về bạn trở nên xấu đi trong mắt đồng nghiệp. 

Bên cạnh đó, công việc trong thời gian đầu cũng rất dễ bị ảnh hưởng. Thông thường, những tân binh nhanh nhẹn, tự tin, niềm nở thường sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn từ cấp trên hơn cũng như được tin tưởng để giao các công việc quan trọng.

Chào hỏi ngày đầu tiên đi làm và không nói lời tiêu cực
Tuyệt đối không nói những điều tiêu cực

Không nói phóng đại, khoác lác

Thành tích là một trong những yếu tố quan trọng để bạn được trọng dụng và tin tưởng. Tuy nhiên, hãy sử dụng đúng lúc đúng chỗ và tuyệt đối đừng khoác lác về những thành tích của bản thân mình. Bạn giỏi như thế nào, có năng lực ra sao nên thể hiện bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. 

Hơn thế, trong khi chào hỏi ngày đầu tiên đi làm, nếu bạn nói quá dài dòng về thành tích của bản thân, sẽ khiến câu chuyện trở nên lan man và khiến mọi người chán nản. 

Hãy thể hiện sự hết mình trong công việc, khi đó năng lực của bạn chắc chắn sẽ được mọi người xung quanh nhận thấy. 

1.2. Bài phát biểu khi ngày đầu đi làm cho nhân viên mới  

Nếu bạn đang phân vân chưa biết phải giới thiệu bản thân trong ngày đầu đi làm như thế nào, sau đây là bài phát biểu mẫu từ Glints mà bạn nên tham khảo: 

“Em chào tất cả mọi người ạ. Em xin tự giới thiệu, tên em là Phương Linh, sinh năm 2001 và hiện đang là sinh viên năm thứ 4 của Đại học Kinh tế Quốc Dân. Sắp tới, em sẽ trở thành thành viên mới của phòng Content và vị trí em đảm nhiệm là Intern Content. 

Với công việc này, em thực sự chưa có nhiều kinh nghiệm, và chỉ mới được tiếp xúc với nghề viết lách qua một số công việc nhỏ như CTV viết báo online. 

Đến với công ty mình, với khả năng của bản thân, em sẽ cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, cùng mọi người cố gắng để công ty ngày càng phát triển, cũng như có thêm nhiều kinh nghiệm quý dành cho bản thân. 

Do vậy, em rất mong thời gian tới sẽ nhận được sự giúp đỡ từ tất cả mọi người. Em cảm ơn rất nhiều”. 

Bài phát biểu khi ngày đầu đi làm
Mẫu bài phát biểu khi ngày đầu tiên đi làm 

Đọc thêm: Bí Kíp Tạo Ấn Tượng Tốt Ngay Ngày Đầu Tiên Đi Làm

2. Cách viết email giới thiệu bản thân với đồng nghiệp 

Ở một số doanh nghiệp, bạn sẽ nhận được email thông báo nếu đã vượt qua tất cả các vòng tuyển dụng. Rất nhiều bạn thường chọn cách im lặng, hoặc chỉ trả lời lại email một cách qua loa. 

Điều này là hoàn toàn không nên. Thay vào đó, hãy viết một email thật chuẩn chỉnh, vừa để tỏ thái độ tôn trọng, vừa là cách giới thiệu bản thân phù hợp: 

2.1. Lưu ý khi viết email chào hỏi của nhân viên mới 

4 yếu tố dưới đây sẽ giúp bạn có được một chiếc email giới thiệu bản thân đầy đủ và rõ ràng: 

  • Đầy đủ các nội dung của phần tiêu đề: Tiêu đề của phần email là yếu tố quan trọng nhất để nhà tuyển dụng có thể biết được bạn là ai và bạn đã trúng tuyển vào vị trí gì. 
    • Cú pháp thường thấy của phần tiêu đề này là [Họ và tên]_[Vị trí trúng tuyển]_Thư giới thiệu
  • Đừng quên lời mở đầu: Điều quan trọng nhất của một chiếc email là phải đúng cú pháp và được viết theo lối trang trọng. 
    • Hãy mở đầu bức thư bằng một cách chào hỏi đầy lịch sự, theo cú pháp Kính gửi + Tên người nhận hoặc Tên phòng ban phụ trách
  • Đầy đủ nội dung nhưng không quá dài dòng: Email giới thiệu cũng sẽ mang những nội dung giống với bài phát biểu của bạn. Do đó, đừng quá dài dòng và lan man. Hãy chỉ tập trung nói về những thông tin cần thiết của bạn. 
  • Lời kết thật trang trọng: Kết thư cũng là một trong những yếu tố rất được chú ý. Hãy thể hiện sự biết ơn người đọc, cũng như kết thúc bằng hai chữ “Trân trọng” trước khi ký tên. Điều này sẽ thể hiện rõ hơn sự tôn trọng của bạn đến với mọi người. 
Mẫu thư chào hỏi khi mới vào công ty
Viết email giới thiệu như thế nào cho đúng? 

2.2. Mẫu email giới thiệu bản thân với đồng nghiệp 

Nếu bạn đang phân vân không biết phải viết email giới thiệu như thế nào, thì dưới đây là 2 mẫu gợi ý dành cho bạn: 

  • Kính gửi bộ phận A, 

Tôi tên là Trần Văn Sơn, sinh năm 2001 và hiện đang là sinh viên năm 4 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sắp tới, tôi sẽ trở thành nhân viên full time mới của phòng Ý tưởng và trở thành đồng nghiệp của mọi người. Vì thế, tôi đã viết lá thư này để giới thiệu bản thân. Rất mong thời gian tới sẽ được mọi người giúp đỡ. 

Trân trọng,

Trần Văn Sơn.”

  • “Kính gửi bộ phận B, 

Tên em là Nguyễn Thị Quỳnh, sinh năm 2000 và hiện đang là nhân sự mới của phòng Marketing. Chúng ta đã có thời gian làm quen vào buổi sáng ngày hôm nay, tuy nhiên em vẫn muốn viết bức thư này để gửi lời cảm ơn và mong muốn được đồng hành với mọi người trong thời gian tới. Cảm ơn mọi người vì đã đọc bức thư này của em. 

Trân trọng,

Nguyễn Thị Quỳnh.”

Bạn đã tìm được công việc như ý chưa? Tham khảo ngay các jobs cực hot cùng Glints nhé!

Kết luận

Trên đây là một số lưu ý về cách giới thiệu bản thân trong ngày đầu đi làm để gây ấn tượng. Hy vọng bài viết này đã trả lời hết những thắc mắc của bạn.

Nếu còn bất cứ câu hỏi gì, đừng ngại ngần mà để lại ngay bình luận cho chúng mình nhé.

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 3.4 / 5. Lượt đánh giá: 21

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X