×

Những Lý Do Khiến Bạn Mãi Không Tìm Được Việc Làm

Ngày đăng: 20/03/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 30/10/2022

khong tim duoc viec lam

Bạn đã rải rất nhiều hồ sơ, tham gia vào nhiều cuộc phỏng vấn, nhưng vẫn không tìm được việc làm. Điều này chắc chắn khiến bạn cảm thấy áp lực, chán nản và mất niềm tin vào bản thân.

Thế nhưng, thay vì “than thân trách phận”, hãy bắt đầu đi tìm giải pháp bằng cách xác định nguyên do tại sao lại quá khó tìm việc đến vậy. Cùng tham khảo những lý do trong bài viết dưới đây để điều chỉnh công cuộc tìm việc làm của mình nhé. 

Bạn có thể không tìm được việc làm do những lý do sau đây

1. Bạn không dành nhiều thời gian để kiếm việc

Một trong những nguyên do lớn nhất khiến bạn không tìm được việc làm phù hợp chính là bạn không đủ chú tâm vào nó. Tìm việc cũng chính là một công việc toàn thời gian. Bạn chỉ thành công khi bạn đầu tư đủ công sức và thời gian vào việc thực hiện nó.

Có thể bạn đang kiếm việc mới trong khi vẫn làm việc ở vị trí hiện tại, do đó thời gian tìm việc bị hạn hẹp. Sự chuẩn bị gấp rút có thể sẽ khiến bạn bỏ lỡ nhiều thông tin về công ty hay vị trí ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ không quá khó khăn để nhận ra sự không chu đáo được thể hiện trong hồ sơ xin việc của bạn.

danh thoi gian tim viec
© Pexels.com

Vì vậy, hãy lên một thời gian biểu rõ ràng và dành ra một khoảng thời gian cố định mỗi ngày cho việc tìm việc, cũng như chỉnh sửa hồ sơ. Đó có thể là vào lúc sáng sớm trước khi đi làm hoặc buổi tối sau giờ làm việc.

Điều này cũng nên được áp dụng tương tự với những bạn chưa có được một công việc ổn định. Thậm chí, bạn cần dành nhiều thời gian cho hoạt động tìm việc hơn nữa. 

Hãy đảm bảo rằng bạn dành đa số thời gian trong ngày, có thể là cả buổi sáng hoặc buổi chiều, để tìm kiếm các khả năng từ nhiều nguồn tin, cũng như mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp của mình.

Đọc thêm: Thất nghiệp ở nhà làm gì?

2. Bạn đang quan trọng số lượng hơn chất lượng 

Khó tìm việc sẽ khiến bạn nóng lòng. Sự nóng lòng sẽ thôi thúc bạn ứng tuyển vào rất nhiều công việc khác nhau bất kể chúng có phù hợp với kinh nghiệm sẵn có của bạn hay không. Bạn tin rằng càng nộp nhiều đơn vào nhiều công việc thì cơ hội trúng tuyển càng cao.

Tuy nhiên, điều này lại không hoàn toàn đúng. Việc làm này chỉ khiến bạn tốn công vô ích. Không những bạn sẽ không tìm được việc làm phù hợp với định hướng cá nhân, mà còn tốn nhiều thời gian cho việc rải đơn bất chấp này. 

Trên thực tế, cách tìm việc khôn ngoan chính là ứng tuyển một cách cụ thể và tập trung vào các vị trí phù hợp với kỹ năng và mức độ kinh nghiệm hiện tại của bạn. 

Một nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm bạn đã nộp bao nhiêu CV, tốn bao nhiêu thời gian cho công cuộc tìm việc, hay bạn có đam mê mãnh liệt như thế nào. Họ chỉ muốn một ứng viên có chuyên môn phù hợp nhất với những gì họ đang tìm kiếm mà thôi.

3. Bỏ bê việc mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp

Bạn có biết, hồ sơ của bạn sẽ có khả năng được xem xét cao hơn nếu như có người trong công ty giới thiệu? Trong thời buổi Internet và mạng xã hội lên ngôi, bạn sẽ tự làm khó mình nếu đóng đi một cánh cửa tiếp cận nhà tuyển dụng. Đó chính là mạng lưới chuyên nghiệp. Đây cũng là một Hidden Job Market hiệu quả.

Đọc thêm: Hidden Job Market Là Gì?

Sẽ không dễ dàng để bạn có thể liên hệ lại với những người bạn cũ, hoặc kết nối với những người xa lạ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, xây dựng kết nối với những bạn bè hay người thân, thậm chí là những người bạn chưa từng quen biết, để tìm cơ hội làm việc là một ý tưởng tuyệt vời. 

mạng lưới chuyên nghiệp
© Freepik.com

Ngay cả khi người bạn liên hệ chưa mang lại một cơ hội nghề nghiệp nào ngay lập tức. Bạn cũng sẽ được hưởng lợi từ những thông tin người đó chia sẻ về công việc, lĩnh vực chuyên môn, hoặc thậm chí giúp bạn tiếp tục kết nối được với những người khác.

Bên cạnh đó, một số công việc đặc thù sẽ đánh giá cao nếu bạn có một mạng lưới chuyên nghiệp rộng rãi và vững chắc. 

Vì vậy, nếu quá lâu mà bạn vẫn không tìm được việc làm, đừng ngần ngại mở cửa kết nối với thế giới bên ngoài nhiều hơn nhé. Cơ hội không bao giờ là hết, nhưng bạn phải biết cách nắm bắt được nó.

4. Bạn chỉ có một phiên bản hồ sơ xin việc

Việc giữ nguyên một phiên bản CV để ứng tuyển cho tất cả các công việc sẽ chỉ khiến bạn khó tìm việc hơn mà thôi. Cho dù bạn đã tập trung vào một chuyên môn nhất định, thì mỗi một công việc sẽ có những yêu cầu khác nhau. Bạn sẽ không thể tìm được hai vị trí khác nhau nào có cùng một yêu cầu công việc.

Chính vì vậy, nhà tuyển dụng luôn thích những bản CV đã tùy chỉnh theo vị trí của họ. Hãy thử điều chỉnh mục Kinh nghiệm làm việc và Kỹ năng của bạn để phù hợp hơn với công việc bạn đang ứng tuyển. 

Điều quan trọng nữa là sơ yếu lý lịch của bạn phải có các từ khóa phù hợp cho từng công việc cụ thể. Nó sẽ giúp bạn vượt qua các Phần mềm theo dõi ứng viên (ATS) được các công ty sử dụng để quét hồ sơ ở vòng đầu tiên. 

Vì lẽ đó, việc tiết kiệm thời gian bằng cách sử dụng đi sử dụng lại một phiên bản CV càng khiến bạn không tìm được việc làm lâu hơn mà thôi.

Đọc thêm: Tạo hồ sơ xin việc Online miễn phí tại Glints

5. Bạn từng dính “phốt” hay phát ngôn tiêu cực trên mạng xã hội

Thế giới nhân sự không quá lớn và họ cũng có kết nối chặt chẽ với nhau, tương tự như khi bạn mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp của mình vậy.

Bộ phận nhân sự ở các công ty thường sẽ kết nối với nhau để trao đổi các sự kiện hay các thông tin liên quan về nhân sự. Chỉ cần công ty cũ không đánh giá tốt về bạn, hoặc bạn đã từng gây ra những rắc rối, xích mích nào đó trước khi nghỉ việc, thì sẽ không khó để nhân sự tại các công ty sau này kiểm chứng những thông tin đó. 

phát ngôn tiêu cực trên mạng xã hội
© Freepik.com

Cũng chính vì vậy mà tỷ lệ không tìm được việc làm của bạn sẽ cao hơn, và bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm một bến đỗ mới. 

Đọc thêm: Tạo profile thương hiệu cá nhân trển Linkedin

6. Kỹ năng phỏng vấn của bạn chưa tốt

Nếu đã thử nhiều cách nhưng vẫn mãi không tìm được việc, hãy nhìn lại xem bạn đã thể hiện tốt ở các buổi phỏng vấn chưa. 

Trên thực tế, rất nhiều người có tiềm năng nhưng lại chưa biết cách thể hiện trọn vẹn điều đó trong buổi phỏng vấn. Lý do là vì họ chưa trang bị cho mình kỹ năng phỏng vấn hiệu quả. 

Nếu bạn coi tìm việc làm là một công việc thì phỏng vấn chính là một kỹ năng quan trọng cần có cho công việc này. Thiếu kỹ năng phỏng vấn thể hiện ở nhiều khía cạnh bao gồm tâm thế sợ sệt, lúng túng, hay  trả lời thiếu chuyên nghiệp. 

Do đó, hãy rèn luyện kỹ năng này trước tiên nếu muốn chinh phục nhà tuyển dụng. 

Đọc thêm: Top 40 Câu Hỏi Hành Vi Phổ Biến Trong Các Buỏi Phỏng Vấn

7. Bạn chưa đủ tiêu chuẩn cho công việc mình ứng tuyển

Bạn có bao giờ nghĩ rằng lý do mình không tìm được việc làm đơn giản là bởi vì bạn không tìm đúng việc?  Nói cách khác, bạn chưa phù hợp với công việc mà mình bị từ chối. Đó là khi bạn không đáp ứng những tiêu chí mà nhà tuyển dụng đề ra. 

ky nang phong van
© Pexels.com

Có thể bạn mong muốn thử thách mình ở những vị trí có yêu cầu cao và công việc khó khăn. Nhưng khi chưa có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để thuyết phục nhà tuyển dụng, bạn rất dễ bị từ chối. 

8. Bạn chưa có định hướng cụ thể

Đây chính là nguồn cơn khiến bạn vô định rải CV và liên tiếp nhận về những lời từ chối lạnh lùng. Vì không có định hướng rõ ràng cho công việc mới, bạn dễ dàng nhắm tới bất kỳ công việc nào mà mình thấy “ổn” để nhanh chóng có một bến đỗ. 

Không có một tiêu chí cụ thể nào trong quyết định của bạn. Những lựa chọn không phù hợp đó cứ thế khiến bạn mất thời gian và ngày càng lạc hướng trên hành trình tìm việc. 

9. Bạn quá kén chọn nên mãi không tìm được việc

Muốn có một công việc thoả mãn mọi ước nguyện của bản thân là không có gì sai trái. Tuy nhiên, không một công việc hay công ty nào là hoàn hảo cả. Việc đòi hỏi quá nhiều khiến bạn dễ dàng mất đi một cơ hội tốt. 

Trên thực tế, những lợi ích mà bạn có được đều phải đánh đổi cho nhau. Quá chú trọng đến những yêu cầu nhỏ nhặt sẽ không giúp bạn có được một công việc hoàn hảo.

10. Nguồn tìm việc làm hạn chế

Chỉ tập trung tìm việc ở một vài kênh quen thuộc sẽ hạn chế cơ hội của bạn. Vì vậy, lý do không tìm được việc làm đôi khi chỉ đơn giản vì bạn tìm không đúng chỗ. 

Trên thực tế, nhà tuyển dụng cũng mở rộng phạm vi của họ bằng cách đăng tuyển trên các nền tảng khác nhau. Không chỉ các trang chuyên về tuyển dụng như Glints, hay LinkedIn mà cả hội nhóm Facebook, Instagram cũng có thể đem đến cơ hội việc làm cho bạn.

Phải làm gì khi không tìm được việc làm? 

Tạm thời nghỉ ngơi

Sau chuỗi ngày đâm đầu vào tìm việc nhưng không có kết quả, điều bạn cần làm là để cho mình được nghỉ ngơi. 

Bạn không cần phải từ bỏ hoàn toàn công việc mình đang làm. Đơn giản là hãy dành cho mình những khoảng nghỉ cần thiết mà không bận tâm gì đến chuyện tìm việc. Đó có thể là một buổi dã ngoại với bạn bè, một chuyến đi du lịch, hay một ngày làm bất cứ điều gì mà bạn thích. 

nghi ngoi
© Pexels.com

Khoảng thời gian yên bình nhưng vô cùng quí bàu này sẽ giúp bạn sạc đầy năng lượng và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực khỏi tâm chí. Từ đó bạn mới có thể bình tâm để suy nghĩ về những gì mình đã làm. Bạn sẽ nhanh chóng tìm được câu trả lời cho câu hỏi “tại sao không tìm được việc làm?”. 

Xác định lại mục tiêu sự nghiệp của bản thân

Không có định hướng hay kế hoạch cụ thể chính là nguồn cơn khiến bạn mãi không thoát ra khỏi vòng xoáy tìm việc. Dù bạn có gấp gáp đến đâu, hãy xác định rõ mục tiêu cho công việc sắp tới của mình. 

Ngồi lại và viết ra mục tiêu của bạn thật rõ ràng. Trả lời cho câu hỏi “bạn muốn một công việc như thế nào?”, “mức lương ra sao?”, “bạn muốn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực hiện tại hay thay đổi nó?”, v.v. 

Mục tiêu càng rõ ràng, khoảng cách giữa bạn và công việc mới càng ngắn.

Tìm ra nguyên nhân khiến bạn không tìm được việc

Hãy dành thời gian nhìn lại quá trình tìm việc của mình để xem bạn đang đi sai hướng như thế nào và tại sao. Bạn có thể phát hiện ra rằng mình đang gặp vấn đề ở bước nào đó trong quá trình. Mà từ đó, chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể mang đến kết quả tích cực hơn. 

Tìm ra gốc rễ nguyên nhân và giải quyết đúng vấn đề sẽ giúp bạn từ từ trở về đúng hướng trong hành trình tìm việc của mình. 

Phát triển những kỹ năng cần thiết

Nếu đang stress vì không tìm được việc mới do thiếu kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu, hãy lên kế hoạch học tập ngay bạn nhé. 

ren luyen ky nang
© Pexels.com

Có rất nhiều cách để trau dồi kiến thức. Bạn có thể học online hoặc tham gia các khoá đào tạo trực tiếp nếu cần thiết. Ngoài ra, sách vở và tài liệu trên Internet cũng là một nguồn tham khảo bổ ích mà bạn không nên bỏ qua. 

Tập trung vào những công việc phù hợp với trình độ của bản thân

Vô vàn các tiêu đề công việc với lợi ích và cơ hội khác nhau đôi khi làm bạn choáng ngợp và mất phương hướng vì “nhìn đâu cũng muốn ứng tuyển”

Tuy nhiên, bạn nên thu hẹp danh sách lựa chọn của mình dựa trên các tiêu chí cụ thể. Một trong số đó là trình độ và năng lực hiện tại của bạn. Hãy chọn một công việc mà bạn đáp ứng được các yêu cầu về năng lực của nhà tuyển dụng. 

Điều này không có nghĩa là phải giới hạn bản thân trước những cơ hội mới mẻ. Nhưng nếu ứng tuyển vào một công việc mà yêu cầu vượt quá khả năng của bạn thì tỷ lệ thành công là rất nhỏ. 

Mở rộng mạng lưới kết nối 

Thay vì ngồi đó thắc mắc tại sao mãi không tìm được việc làm, hãy tự tạo cơ hội cho mình. 

Bằng cách kết nối với những người trong lĩnh vực mà bạn muốn theo đuổi, bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về công việc mà mình mong muốn. 

networking
© Pexels.com

Thay vì chờ đợi kết quả CV từ nhà tuyển dụng, tại sao bạn không thử liên hệ và kết nối với họ trước? Viết một email hay tin nhắn giới thiệu bản thân và bày tỏ mong muốn tìm một công việc mới với họ. Cơ hội sẽ đến bất ngờ nhờ vào nỗ lực networking của bạn. 

Trau chuốt lại CV 

CV bất ổn là một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều người thất bại ngay từ vòng đầu tiên. 

Vì vậy, hãy dành thời gian “làm đẹp” cho CV của bạn trước khi trao nó đến tay nhà tuyển dụng. Bạn có thể phát hiện ra những lỗi sai ngớ ngẩn khiến CV của mình bị loại và tối ưu nó trở nên hoàn hảo hơn. 

Đọc thêm: Những Mẫu CV Sáng Tạo Có Dễ “Hút Hồn” Nhà Tuyển Dụng?

Chăm sóc sức khoẻ tinh thần

Nếu bạn đã quá mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi để lấy lại một trạng thái tinh thần tốt nhất. Bạn chỉ có thể sẵn sàng tìm việc và giải quyết vấn đề khi có một tinh thần thoải mái, bình yên nhất. 

Đừng suốt ngày ngồi trước màn hình máy tính và nhìn vào những tin nhắn từ chồi đầy tuyệt vọng. Hãy tham gia những hoạt động giúp bạn thay đổi không khí và trấn an tinh thần. Đọc sách, đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè hay thiền định; hãy làm những gì bạn thích và tốt cho tinh thần của bạn. 

Hỏi ý kiến từ những người có kinh nghiệm

Sẽ có lúc bạn cảm thấy bất lực và không biết phải làm gì tiếp theo. Lúc này, đừng ngần ngại tìm đến ai đó mà bạn có thể tin tưởng để chia sẻ và có cho mình những lời khuyên hữu ích. 

khong tim duoc viec
© Pexels.com

Những người đã từng trải qua tình trạng giống bạn, hay ai đó có nhiều kinh nghiệm sống hơn sẽ giúp tháo gỡ nút thắt trong lòng bạn. Việc có ai đó chân thành lắng nghe bạn nói đã là một cách chữa lành hiệu quả rồi. 

Tìm một công việc tạm thời 

Nếu mãi không tìm được việc làm mới như mong muốn, bạn cũng có thể cân nhắc một công việc tạm thời. 

Đó có thể là một công việc không đáp ứng đầy đủ tiêu chí của bạn hoặc trái ngành. Bạn sẽ không bao giờ biết được cơ hội nào sẽ đến với mình qua công việc này. Vì vậy, hãy lựa chọn một công việc tạm thời mà chí ít nó sẽ giúp bạn học hỏi được điều gì đó.

Đọc thêm: Tránh Bị Stress Vì Không Có Việc Làm

Kết 

Cơ hội có thể đến với bạn bất cứ lúc nào. Vì thế đừng bỏ cuộc mà hãy thật tỉnh táo để nhận ra những sai lầm trong quá trình tìm việc và không ngừng trau dồi kỹ năng, kiến thức cần thiết. 

Glints luôn mang đến cho bạn những cơ hội phù hợp nhất. Vì thế đừng ngần ngại kết nối với chúng mình để cùng nhau vượt qua khó khăn tìm việc nhé. 

Nguồn tham khảo

  1. What to do when you can’t find a job

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.4 / 5. Lượt đánh giá: 7

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X