×

Top 10 “Lầm Tưởng” Phổ Biến Về Nghề Thiết kế UI/UX

Ngày đăng: 11/03/2022 | No Comments

Ngày cập nhật: 26/09/2023

10 lầm tưởng về thiết kế ui ux

Kỷ nguyên 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện cuộc cách mạng số hóa. Điều này bắt buộc họ phải xây dựng website chính thức hay các sản phẩm ứng dụng riêng, mang tới trải nghiệm thuận tiện hơn cho người dùng. Chính vì thế mà Nghề Thiết Kế UI UX cũng dần trở nên vô cùng phổ biến.

Chính vì lẽ đó, việc am hiểu về UI – User Interface (giao diện người dùng) và UX – User Experience (trải nghiệm người dùng) ngày càng giúp bạn đạt được nhiều lợi thế hơn. 

Quan trọng và cần thiết là vậy, thế nhưng vẫn có không ít người còn nhầm lẫn giữa thiết kế UI và thiết kế UX. Hãy cùng Glints “gỡ rối” những lầm tưởng về 2 khái niệm này qua bài viết sau đây nhé!

Lầm tưởng 1: Thiết kế UI UX là một 

Tuy UI UX là hai phạm trù không thể tách rời, nhưng lại chính là những khái niệm hoàn toàn riêng biệt. Thật bất khả thi nếu như bạn làm việc dựa trên trải nghiệm của người dùng mà không xem xét đến giao diện phù hợp với thẩm mỹ, tính cách của họ. Ngược lại, nếu giao diện rất bắt mắt nhưng lại xây dựng nội dung khó xem thì cũng là một bất lợi.

ux ui là gì
© Pexels.com

Thiết kế UI là…

Nếu ví von giữa “gỗ” và “nước sơn”, thì thiết kế UI chính là “nước sơn”. Hoặc đơn giản hơn cũng có thể hiểu rằng đấy là những thứ người dùng nhìn thấy được như bố cục giao diện sản phẩm, màu sắc, giao diện, font chữ, hình ảnh…

Một người thiết kế UI tốt sẽ biết cách làm sản phẩm kỹ thuật số của họ “tốt nước sơn” – khiến người dùng mê mẩn vì sự bắt mắt, hợp lý về cách truyền tải thông điệp, nội dung. Ngoài ra, một website có UI tốt còn đóng vai trò giúp người xem dễ dàng nắm bắt và sử dụng sản phẩm của bạn.

Vậy thì thiết kế UX là…

Nếu UI là “nước sơn”, chắc hẳn UX chính là phần “gỗ”. Để dễ hiểu hơn thì ấy chính là trải nghiệm của người dùng qua sản phẩm của bạn. Một số đánh giá đơn giản của người dùng về UX có thể kể đến như tính đơn giản dễ dùng, bố cục thuận tiện hay có đạt mục tiêu đề ra hay không? 

Cụ thể, người thiết kế UX thông thường sẽ quan sát, nghiên cứu và đúc rút ra từ những thói quen hằng ngày của người dùng để có thể tạo nên website tinh gọn và phù hợp nhất. Đôi lúc phần quảng cáo hiện trên website tạo ra sự phiền hà cho người dùng cũng là một điểm trừ cho phần UX chưa hoàn thiện của trang web.

Đọc thêm: So Sánh UX Và UI Chi Tiết Nhất

Lầm tưởng 2: Thiết kế UI UX chỉ dành cho website và app

Có một sự thật rằng thiết kế UI UX không chỉ áp dụng trên các phương tiện kỹ thuật số. Bản chất của UI UX là phục vụ dựa trên trải nghiệm của người dùng. Vì vậy tất cả mọi ngành nghề có liên quan đến thiết kế và tương tác với người dùng đều có sự góp mặt của 2 hình thức thiết kế này. 

Thiết kế UI UX không chỉ dừng lại khi người dùng kết thúc sử dụng website. Nó là toàn bộ trải nghiệm và là quá trình lặp đi lặp lại của toàn bộ chu trình sản phẩm.

Lầm tưởng 3: Thiết kế UX chỉ cần quan tâm tới người dùng là được

Như đã phân tích, thiết kế UX chú trọng nhiều vào việc đặt người dùng làm trọng tâm trong toàn bộ quá trình thiết kế. Từ thấu hiểu nhu cầu, khó khăn, mục tiêu đến xây dựng tính cách, lập kế hoạch trải nghiệm cho website.

thiết kế ui/ux
© Pexels.com

Tuy nhiên, mục tiêu kinh doanh cũng là một trong những điều mà các doanh nghiệp không thể làm ngơ. Các yếu tố tác động xung quanh như sản phẩm, thị trường mục tiêu,… cũng có thể khiến UX designer cân nhắc thêm để website được hoàn thiện.

Đọc thêm: Nguyên Tắc Thiết Kế UI/UX Cơ Bản Đến Nâng Cao

Lầm tưởng 4: Nghiên cứu về thiết kế UI UX rất đơn giản – có sẵn hết cả rồi

Thực chất là không! Thiết kế UI UX không chỉ mang đến giao diện và trải nghiệm sản phẩm tốt, nó còn là chìa khóa giúp khách hàng nhanh chóng thấu hiểu và tiếp cận sản phẩm đó.

Nếu người làm thiết kế UI UX không nghiên cứu kỹ càng, sản phẩm sẽ phải “vật lộn” để giải quyết các vấn đề của cả người dùng và doanh nghiệp một cách cụ thể. Bạn không thể “copy paste” các mẫu sẵn trên mạng mà ứng dụng vào sản phẩm của mình được.

thiết kế ui ux là gì
© Pexels.com

Điều này tương tự như việc, bạn thiết kế một ngôi nhà cho khách hàng nhưng lại không nắm rõ gu thẩm mỹ và nhu cầu của khách hàng mà chọn đại một mẫu thiết kế phổ thông vậy. Có thể nó sẽ trông đẹp mắt, “hợp thời, nhưng liệu bạn có chắc chắn rằng ngôi nhà được xây nên sẽ thực sự vừa mắt những người khách hàng khó tính nếu không hiểu rõ họ?

Lầm tưởng 5: Càng tối giản “thao tác” thì UI UX càng tốt

“Less is more” – liệu có thật sự đúng với thiết kế UI UX không? Có thể đúng hoặc sai trong trường hợp này. Theo thường lệ, UI UX Designer cần làm mọi thứ để có thể tối giản mọi thao tác của người dùng. Từ đó mang lại trải nghiệm mượt mà hơn cho họ.

ui ux design
© Pexels.com

Thế nhưng, đơn giản hóa quá mức thực chất sẽ phản tác dụng. Một ví dụ điển hình có thể gây ra đó chính là khiến người dùng cảm thấy mất hứng thú. Thêm vào đó, điều này còn tạo sự thúc đẩy vô thức, khiến những nhà thiết kế UI UX làm mất đi những thông tin quan trọng đối với trải nghiệm của người dùng.

Lầm tưởng 6: Bạn có thể thỏa sức sáng tạo khi thiết kế UI UX

Như đã phân tích ở trên, người thiết kế UI UX không chỉ làm những công việc bay bổng thuần về thiết kế. Sáng tạo và tư duy phân tích cùng tồn tại song song bên trong mỗi UI UX designer.

Họ còn là những phân tích viên, những chiến lược gia đầy cần mẫn và chi tiết để có thể thấu hiểu được tâm lý, nhu cầu và hành vi của khách hàng. Từ đó, xây dựng bố cục và hành trình trải nghiệm sao cho tinh gọn và hợp lý nhất.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng: Một website với giao diện rực rỡ, thiết kế lạ mắt ấn tượng nhưng khiến trải nghiệm phức tạp, lằng nhằng đương nhiên cũng khó mà làm hài lòng được người dùng sản phẩm.

Lầm tưởng 7: Chỉ cần học qua về thiết kế đồ họa cũng có thể làm nghề UI UX

Thiết kế có thể xem là một ngành học đòi hỏi cả kiến thức và tài năng thiên bẩm. Dù đối với UI, người làm thiết kế có thể học qua những khóa đồ họa để có thể làm công việc này.

Thế nhưng với UX thì hoàn toàn ngược lại. Một bạn designer không chuyên về nghiên cứu và phát triển sản phẩm khó có thể đưa ra những bản phác thảo User Flow hợp lý, khả thi. Bạn sẽ cần phải học rất nhiều yếu tố liên quan tới trải nghiệm kỹ thuật số, nhu cầu khách hàng, một chút kiến thức về lập trình, v.v… để có thể bước đầu thực hiện tốt công việc này.

ui/ux là gì
© Pexels.com

Đọc thêm: Nên Học UI/UX Ở Đâu?

Lầm tưởng 8: Làm UI UX chỉ dành cho dân chuyên thiết kế

Lầm tưởng này cũng được xuất phát từ suy nghĩ phía trên. Thực tế, đúng là dân chuyên thiết kế sẽ nhạy bén hơn với giao diện người dùng cũng như trải nghiệm cho họ. Song đây không phải là ngành nghề chỉ dành riêng cho dân chuyên. Suy cho cùng, thiết kế UI UX cũng là tìm cách để sản phẩm (website/app) trở nên thân thiện với người dùng.

Nếu bạn là Marketer và yêu thích công việc thiết kế UI UX, bạn hoàn toàn có thể chuyển hướng. Dù không quá chuyên về thiết kế, nhưng bù lại bạn sẽ có những góc nhìn từ phía người dùng và thấu hiểu insight của họ. Không chỉ là câu chuyện của dân sáng tạo, đây còn là bài toán về kinh doanh, về dịch vụ và trải nghiệm người dùng.

ui ux design là gì
© Pexels.com

Có thể nói, một cá nhân không thể làm nên sự hoàn chỉnh cho app/website. Điều này thực chất cần sự góp sức của các phòng ban, bộ phận khác nhau của doanh nghiệp để có thể cùng phần tích và tìm ra hành trình khách hàng phù hợp. Từ đó tối ưu hóa UX cho ứng dụng hoặc trang web mà doanh nghiệp đã xây dựng nên.

Lầm tưởng 9: Lương thiết kế UI UX cao lắm

Thực tế, quá trình đẩy nhanh phát triển digital product của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây khiến bùng phát hiện tượng “lạm phát mức lương”. 

Sự thật cho thấy, người làm thiết kế UI UX “được tuyển ra rả” gần đây hầu như trình độ chỉ dừng ở mức “xào nấu” sử dụng những ý tưởng có sẵn, sử dụng công cụ thiết kế. Đồng thời, từ duy thiết kế, kiến thức nền tảng còn thường là những thứ bị bỏ rơi lại trong khoảng thời gian này. 

Đồng ý là việc thiết kế UI UX sẽ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao hơn, tốn nhiều thời gian công sức hơn sẽ đòi hỏi mức thù lao cao hơn. Song, nó chỉ đúng với những người làm nghề có chuyên môn, trình độ đầy đủ, dân làm nghề nghiêm túc lâu năm.

Và đương nhiên, nghề nào cũng vậy không chỉ riêng nghề này. Càng tiến xa hơn thì mức lương cũng sẽ được quy đổi tương đương với năng lực. Vậy nên, đừng vội “thần thánh hóa” mức lương của nghề UI UX rồi chạy theo “trào lưu” mà quên đi việc trau dồi, mài dũa kỹ năng thực sự của mình, bạn nhé!

Lầm tưởng 10: UI UX là “thượng lưu” trong ngành thiết kế

Nhiều người cho rằng UX UI Designer là một danh xưng rất thời thượng và “sang chảnh”. Rõ ràng là nhu cầu hướng tới những thiết kế UI UX ngày càng cao. Song, các bạn phải biết mình đang ở vị trí nào, sở hữu những kỹ năng gì. Đó mới là thứ có thể giúp bạn thăng tiến trên con đường sự nghiệp tương lai.

nghề thiết kế ux ui
© Pexels.com

Thêm vào đó, mỗi ngành nghề đều sẽ mang lại những giá trị riêng, không trộn lẫn. Việc tạo ra sự so sánh khập khiễng giữa các công việc không mang đến lợi ích hay bất kì giải pháp nào. Ngược lại, điều này còn vô tình khiến bạn “ngủ quên” trên sự nở rộ của công việc hợp thời đại này.

Đọc thêm: Cơ Hội Phát Triển Của UI/UX Design

Tóm lại

Thiết kế UI UX là một ngành mới nên sẽ khó tránh khỏi những lầm tưởng không đáng có. Glints hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành thiết kế UI UX cũng như thấy được những tiềm năng thật sự của nó. 

Ngoài ra, nếu những thông tin trên hữu ích với bạn, hãy click ngay vào hashtag UI/UX Design bên dưới để cập nhật những bài viết mới nhất về ngành Thiết kế UI/UX nhé!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.6 / 5. Lượt đánh giá: 8

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Có thể bạn cũng thích

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X