×

Hướng Dẫn Tự Học Lập Trình Cơ Bản Dành Cho Người Mới Bắt Đầu

Ngày đăng: 15/03/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 30/08/2023

Học Lập Trình Viên Như Thế Nào Để Dễ Dàng Phát Triển Sự Nghiệp?

Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, lập trình viên hay kỹ sư phần mềm trở thành một trong những nghề được săn đón nhất nhì hiện nay.

Các công ty công nghệ luôn có sẵn một danh sách những kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm để làm tiêu chuẩn đánh giá các ứng viên tiềm năng. Chính vì thế, việc học lập trình không còn là chuyện đùa mà cần phải nghiêm túc trau dồi mỗi ngày. 

Vậy làm thế nào để trở thành lập trình viên giỏi, hãy cùng Glints tìm hiểu tất tần tật về việc học lập trình qua nội dung sau đây nhé!

Lập trình là gì?

Lập trình (tiếng Anh là Coding) là hành động tạo ra một phần mềm máy tính giúp xử lý một thông tin nào đó; hoặc giúp giải quyết một vấn đề tồn đọng nào đó của doanh nghiệp. 

Bên trên là định nghĩa khái quát về lập trình. Thế nhưng, bạn cần lưu ý 2 điểm dưới đây về lập trình viên:

  • Lập trình viên tạo ra phần mềm: Không thể phủ định rằng lập trình viên chính là người sẽ tạo ra phần mềm. Thế nhưng, để tạo một phần mềm có ý nghĩa, có thể áp dụng trong công việc và cuộc sống thì cần những yếu tố khác như phân tích, thiết kế, kiểm duyệt,… 
  • Lập trình viên không chỉ có viết code: Viết code là công việc của lập trình viên. Tuy nhiên, công việc của lập trình viên không dừng lại ở đó. Lập trình viên sẽ là người tham gia vào các cuộc họp, đưa ra ý kiến và phản hồi cho các bước thu thập yêu cầu, phân tích, thiết kế,… để phần mềm tạo ra đúng với nhu cầu và mục đích của khách hàng nhất.

Đọc thêm: 10 Ngôn Ngữ Lập Trình Phổ Biến

Học lập trình có khó không?

Đọc tới đây, chắc hẳn sẽ không ít bạn cảm thấy thắc mắc rằng: Lập trình viên sẽ cần học những gì với tính chất công việc như trên? Và liệu việc học lập trình có khó hay không? 

Câu trả lời của Glints có vẻ hơi “ba phải”, nhưng trên thực tế đáp án chính là – vừa Có vừa Không.

Học lập trình sẽ khá gian nan với những người mới bắt đầu, đặc biệt là đối với những người tự học. Bởi, điều này cũng giống như bạn đang học lại một ngôn ngữ mới vậy. Không chỉ thế, bạn sẽ cần phải am hiểu rất nhiều công cụ để có thể hiểu được chính xác công cụ nào phù hợp với bạn nhất. 

học lập trình coding
© Pexels.com

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, các lập trình viên không thể mãi giậm chân tại chỗ. Họ phải tìm cách học thêm nhiều kiến thức, ngôn ngữ lập trình, đoạn mã,… mới để có thể thích nghi với sự thay đổi ấy.

Gian nan là thế, nhưng việc học lập trình sẽ không khó nếu như bạn dành đủ đam mê và niềm ham thích đối với lập trình. Sự nỗ lực nào cũng sẽ nhận được đền đáp xứng đáng cả. 

Đọc thêm: Làm thế nào để bắt kịp sự thay đổi của công nghệ thông tin?

Các chuyên ngành chính của nghề lập trình viên

Trước khi đi bắt tay vào quá trình học tập chuyên sâu, bạn cần phải tự xác định cho mình hướng đi chính mà bản thân muốn theo đuổi khi làm công việc của một lập trình viên.

Từ đó, sẽ biết được cụ thể mình sẽ cần phải làm gì, cần có kiến thức và kỹ năng tương ứng gì để làm được công việc đó. 

Về cơ bản, nghề lập trình viên CNTT được chia ra làm 3 định hướng như sau:

Lập trình viên front-end

Hiểu một cách đơn giản, họ là những người chịu trách nhiệm cho việc phát triển xây dựng “mặt trước” của một sản phẩm. Cụ thể là giao diện, phát triển hiển thị và trải nghiệm người dùng cho trang web/app. 

Trong đó, công việc chính của Front-End Developer đó là:

  • Xây dựng giao diện người dùng (Xây dựng giao diện Website từ mẫu thiết kế (PSD, AI, Images,…)
  • Tối ưu hiệu năng của ứng dụng Front-end (Tối ưu về tốc độ của ứng dụng)
  • Tối ưu trải nghiệm người dùng (Mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng khi sử dụng sản phẩm Website)
lập trình viên
© Pexels.com

Lập trình viên back-end

Ngược lại với front-end, lập trình viên back-end sẽ tập trung vào xây dựng ứng dụng làm việc đằng sau giao diện người dùng, giúp trì hoạt động cho phần giao diện và trải nghiệm phía ngoài (front-end).

Nói cách khác, back-end chính là “cơ thể bên trong” của một sản phẩm trang web/app hoàn thiện. 

Công việc của họ sẽ bao gồm việc:

  • Phân tích, thiết kế các thành phần, mô hình ứng dụng
  • Phân tích, thiết kế cơ sở dữ liệu
  • Xây dựng giao diện lập trình ứng dụng (API)
  • Tối ưu hiệu năng ứng dụng Back-end

Lập trình viên full-stack

Trong các cấp bậc trong IT, lập trình viên full-stack là người có sự am hiểu trực quan và sâu sắc về cả hai mảng là front-end và back-end. 

Một lập trình viên full-stack đòi hỏi những kỹ năng cứng cũng như kinh nghiệm làm việc lâu năm trong nghề để có thể thấu hiểu cả một quy trình như thế.

Lập trình viên cần học và rèn luyện những gì?

1. Kiến thức về công nghệ, lập trình

Cũng như những nghề khác, lập trình viên cần học kiến thức nền về công nghệ và lập trình trước khi bắt đầu phát triển chuyên môn sâu hơn, hay ngay cả khi bạn đã có chuyên môn cơ bản. 

Công nghệ ngày càng phát triển kéo theo rất nhiều phần mềm mới mẻ và hiện đại hơn. Chính vì thế, một lập trình viên giỏi phải luôn tự cập nhật bản thân trước những xu hướng mới để không bị bỏ lại phía sau. 

 lập trình viên cần học những gì
© Pexels.com

Đặc biệt, khi trở thành lập trình viên chuyên nghiệp, bạn không chỉ viết mà còn phải có kỹ năng phân tích, đánh giá chất lượng của những dòng code bạn viết ra. Viết code mỗi ngày sẽ giúp bạn tiến bộ và hoàn thiện hơn rất nhiều.

2. Tư duy toán học, logic

Đối với một lập trình viên, tư duy toán học là logic không còn là yếu tố quá xa lạ. Lập trình không chỉ là những đoạn mã code, mà còn bao hàm rất nhiều thuật toán, con số phức tạp. Chính vì thế, bạn cần có tư duy toán học để áp dụng vào việc lập trình để phần mềm bạn viết ra trở nên tối ưu nhất.

Bên cạnh đó, các lập trình viên cần có tư duy logic để có thể giải quyết vấn đề của khách hàng qua các đoạn mã lập trình một cách dễ dàng nhất. Điều này đòi hỏi họ phải sử dụng đầu óc, chất xám của mình để tư duy, phân tích và giải quyết các vấn đề một cách rõ ràng, khoa học. 

Một khi chọn được phương án phù hợp, lập trình viên giỏi sẽ “hô biến” phương án đó thành những đoạn code thần sầu.

3. Ngôn ngữ lập trình

Hầu hết các trường đại học đều giới thiệu nhiều ngôn ngữ lập trình cho chương trình giảng dạy. Bởi, kỹ năng lập trình được truyền tải chéo qua các ngôn ngữ cho vô vàn các lập trình viên khác nhau.

Cũng giống như việc học tiếng Anh, càng biết được nhiều vốn từ thì bạn sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện rõ điều mình nghĩ trong đầu hơn. 

Khi lập trình viên không ngừng trau dồi ngôn ngữ lập trình, những đoạn mã code do họ viết ra sẽ trở nên tối ưu, ngắn gọn và đỡ rườm rà hơn. 

4. Trau dồi ngoại ngữ (đặc biệt là Tiếng Anh)

Tưởng chừng không liên quan, nhưng việc trau dồi ngoại ngữ – đặc biệt là tiếng Anh lại giúp các lập trình viên rất nhiều, ngay cả trong quá trình học tập và phát triển chuyên môn.

Việc học lập trình qua chỉ qua một ngôn ngữ tiếng Việt sẽ khiến bạn gặp nhiều hạn chế về mặt tài nguyên, trong khi thế giới công nghệ số luôn cập nhật và thay đổi từng ngày.

Chính vì thế, lập trình viên nên trau dồi vốn ngôn ngữ của mình để có thể đọc – hiểu tài liệu, dễ dàng tra cứu những đoạn code trên Google bằng tiếng Anh, v.v.

làm sao để tự học thành lập trình viên
Học ngoại ngữ mang lại nhiều lợi ích cho công việc lập trình viên.

Hơn thế, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các công ty nước ngoài rất mở lòng chào đón các nhân tài lập trình viên là người Việt tham gia vào các dự án lớn của họ. Nếu có vốn tiếng Anh đầy đủ, bạn sẽ có nhiều lợi thế hơn để mang những “đoạn code xịn” của mình vào các tập đoàn lớn.

5. Phát triển kỹ năng mềm

Kỹ năng lập trình đương nhiên phải trau dồi, nhưng việc học lập trình còn đòi hỏi những kỹ năng mềm khác, bởi không có một sản phẩm công nghệ nào được phát triển bởi một cá nhân riêng lẻ.

Mỗi lập trình viên luôn cần hợp tác chặt chẽ với những thành viên khác trong suốt quá trình làm việc. Nếu bạn phát huy tốt các kỹ năng làm việc nhóm; hiệu quả công việc của tất cả mọi người sẽ cùng gia tăng đáng kể. Bạn không thể bỏ qua nhóm kỹ năng này:

Kỹ năng lắng nghe và giao tiếp hiệu quả

Đối với một lập trình viên, khả năng giải thích và chuyển đổi thuật ngữ lập trình thành ngôn ngữ mà mọi người có thể hiểu được (hay ngược lại) là một bài toán không mấy dễ dàng mà bạn cần phải học hỏi, trau dồi rất nhiều. 

Phân tích và giải quyết vấn đề

Xét về gốc rễ vấn đề, viết code cũng chỉ là công cụ để mang đến những giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề của khách hàng. Chính vì thế, việc sở hữu khả năng phân tích và phân tích vấn đề tốt sẽ giúp lập trình viên dễ dàng làm việc hơn.

lập trình viên cần kỹ năng gì
© Pexels.com

Tư duy phản biện

Tư duy phản biện không chỉ áp dụng khi bạn phản biện với người khác, mà còn với chính những đoạn code do chính mình viết ra. Liệu những đoạn code này đã thật sự tối ưu? Còn cách viết nào tốt hơn không? Việc không ngừng đặt ra những câu hỏi và tự phản biện sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng viết code và lập trình của mình.

Hợp tác đưa ra giải pháp cho mâu thuẫn nội bộ

Một lỗi nhỏ trong đoạn code có thể khiến cả phần mềm gặp rắc rối. Một mâu thuẫn nhỏ trong nội cũng có thể khiến cả quy trình gặp nhiều vấn đề. 

Chính vì thế, một lập trình viên giỏi cần phải học cách hợp tác đưa ra các giải pháp để giải quyết triệt để các mâu thuẫn nội bộ không đáng có, giúp công việc trở nên hiệu quả, năng suất hơn.

Chủ động kết nối giữa các thành viên trong mọi tình huống

Như đã đề cập bên trên, một sản phẩm không thể được tạo ra bởi một cá nhân riêng lẻ. Vì thế, việc kết nối các thành viên trong mọi tình huống sẽ tạo mắt xích vững chắc để công việc luôn diễn ra thuận lợi nhất.

Kiểm soát cảm xúc cá nhân

Một đoạn code do mình dốc sức viết ra nhưng lại không nhận được sự đồng tình từ khách hàng sẽ gây tổn thương rất nhiều. Thế nhưng, bạn không nên nóng giận mà hãy bình tĩnh tìm cách thức để giải thích, lắng nghe những phản hồi để tối ưu hóa những đoạn code tốt hơn.

6. Khả năng tự học và thích ứng nhanh

Nếu bạn là fan của bộ phim Silicon Valley, chắc hẳn bạn không lạ lẫm với cảnh các anh chàng lập trình viên phải liên tục tự mày mò, khám phá những thuật toán mới; hay chỉ đơn giản là thử một vài mẹo lập trình vừa được ai đó chia sẻ.

học lập trình cơ bản
© Pexels.com

Sẽ rất đáng ngại khi một người lập trình đánh mất khả năng tự học lập trình và thích ứng nhanh với những thay đổi chóng mặt của công nghệ. Lúc ấy, những ai chăm chỉ, ham học hỏi hơn sẽ dễ dàng trở thành ứng viên sáng giá.

7. Khả năng sắp xếp, quản lý

Các công ty công nghệ thường quản lý đội ngũ lập trình viên theo phương pháp Sprint (giai đoạn chạy nước rút) và Task (các nhiệm vụ phải thực hiện trong từng Sprint).

Vì tính chất công việc gấp rút, các lập trình viên phải đảm bảo mọi nhiệm vụ được hoàn thành đúng thời hạn.

Muốn tự học lập trình thì bắt đầu từ đâu?

1. Nghiên cứu về kiến thức lập trình căn bản

Lập trình là một mảng rất rộng và rất nhiều các kiến thức phân nhánh. Nếu là người mới, bạn cần có nền tảng tốt. Để làm được điều đó, việc nghiên cứu và học thêm về các kiến thức lập trình căn bản là điều vô cùng cần thiết. 

2. Lựa chọn mảng ngành phù hợp

Như đã nói, lập trình là một mảng lớn rất rộng. Chính vì thế, ở những bước đầu tiên của việc học lập trình, bạn nên tìm hiểu để lựa chọn mảng ngành phù hợp với bạn. Dưới đây là một số kiểu lập trình viên phổ biến nhất:

  • Nhà phát triển web
  • Lập trình viên phần mềm
  • Nhà khoa học dữ liệu
  • Phát triển ứng dụng di động
  • Quản trị viên cơ sở dữ liệu
  • Những vai trò khác

Với sự “lên ngôi” của công nghệ và kỹ thuật số, học lập trình sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội nghề nghiệp mở rộng. Bên trên chỉ là một vài mảng công việc phổ biến nhất. Nếu chưa tìm được phân mảng mà bản thân cảm thấy hứng thú, đừng vội nản chí nhé! 

tự học lập trình
© Pexels.com

3. Tự học ngôn ngữ lập trình 

Một khi quyết định được lĩnh vực lập trình mà bạn mong muốn, bạn cần học các ngôn ngữ liên quan mật thiết đến lĩnh vực đó. Ví dụ như khi bạn muốn trở thành Quản trị viên cơ sở dữ liệu, bạn sẽ cần học ngôn ngữ SQL; hay khi muốn trở thành nhà phát triển web front-end, ngôn ngữ CSS và JavaScript là hai ngôn ngữ nền tảng.

Bạn có thể học ngôn ngữ lập trình bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây là hai phương pháp hiệu mà mà Glints muốn gợi ý cho bạn:

  • Tự nhiên cứu sách: Các đầu sách lập trình hiện nay không thiếu, nhưng bạn cần tìm những đầu sách chất lượng, được viết bởi những chuyên gia đầu ngành. Nếu có khả năng ngôn ngữ tốt, hãy tìm mua sách nước ngoài để có cách tư duy lập trình toàn cầu hóa nhé!
  • Học trên Youtube hay các khóa học online: Youtube chứa đựng kho tàng kiến thức lập trình từ rất nhiều người. Bạn có thể tham khảo mỗi nơi một ít để có kiến thức nền tảng. Hoặc nếu bạn muốn nắm chắc nền tảng và có lộ trình rõ ràng, hãy tham gia những khóa học online nổi tiếng, chẳng hạn như Codecademy, Coursera, Khan Academy, Udemy,…

4. Thử sức với các dự án lớn, nhỏ

“Học đi đôi với hành”. Việc dấn thân vào các dự án thực tế là phương pháp giúp bạn cải thiện tư duy về sản phẩm, biết được mình đang có những kỹ năng gì và cần trau dồi những kỹ năng gì. 

Nếu chưa đủ tự tin để tham gia vào các dự án lớn đòi hỏi những đoạn code và ngôn ngữ lập trình phức tạp, bạn có thể tham gia một số dự án nhỏ như:

  • Viết một chương trình (WAP) cho giá trị lớn nhất (max), giá trị nhỏ nhất (min), giá trị trung bình (average) và tổng số người dùng.
  • Tool crawl dữ liệu từ các website
  • App chat đơn giản 
  • Blog cá nhân

5. Luyện tập mỗi ngày

Hầu hết mọi người nghĩ rằng bạn phải là thiên tài để bắt đầu viết code và chia sẻ kiến thức lập trình. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng những người bình thường không thể học lập trình.

Học lập trình là một quá trình luyện tập và nỗ lực mỗi ngày. Bạn không cần phải tìm hiểu tất tần tật mọi thứ trong một ngày. Hãy tìm cách chia nhỏ dung lượng kiến thức để bạn giảm thiểu căng thẳng khi học code, đồng thời tìm cách giúp bộ não nhớ lâu và nhớ sâu hơn.

Đọc thêm: Bạn Nên Chọn Làm Cho Công Ty Product Hay Outsourcing?

Lời kết

Glints tin rằng với sự nhạy bén và ý chí cầu tiến của một người lập trình viên, chắc chắn không điều gì có thể cản bước bạn.

Chúc bạn sớm hoàn thiện các kỹ năng này để trở thành một ứng viên được các nhà tuyển dụng săn đón nhé!

Bài viết được đóng góp bởi Tania Le

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.8 / 5. Lượt đánh giá: 33

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X