×

Cách Ghi Mục Tiêu Nghề Nghiệp Trong CV Ấn Tượng (Kèm Mẫu Cho Từng Ngành)

Ngày đăng: 12/04/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 20/07/2022

mục tiêu nghề nghiệp

Nếu xem CV (bản hồ sơ xin việc) là “món vũ khí” luôn song hành cùng ứng cử viên trong hành trình tìm kiếm việc làm, thì mục tiêu nghề nghiệp chính là những “viên đạn” giúp bạn tạo được ấn tượng đủ mạnh mẽ để nhà tuyển dụng cảm thấy hứng thú với CV của bạn.

Vậy làm thế nào để viết mục tiêu nghề nghiệp có khả năng chinh phục nhà tuyển dụng? Cùng Glints tìm hiểu tất tần tật về cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong cv nhé!

Mục tiêu nghề nghiệp là gì và quan trọng như thế nào?

Mục tiêu nghề nghiệp là định hướng dài hạn của bạn đối với một ngành, nghề cụ thể nào đấy. Có thể hiện tại chỉ là sinh viên mới ra trường ngành Logistics, nhưng bạn hoàn toàn có thể đặt mục tiêu trở thành Chuyên gia trong lĩnh vực Logistics sau 5 năm. 

Đặt mục tiêu nghề nghiệp không khiến bạn trở nên chảnh chọe, ngược lại nó chính là mỏ neo để bạn bám vào mỗi khi cảm thấy lạc lõng trong con đường sự nghiệp. Có mục tiêu rõ ràng giúp bạn sáng suốt hơn khi lựa chọn một công việc cho mình.

mục tiêu nghề nghiệp trong cv
Mục tiêu nghề nghiệp là gì?

Không chỉ vậy, mục tiêu nghề nghiệp còn giúp bạn dễ dàng ra quyết định mỗi khi đứng trước những ngã rẽ. Đặc biệt hơn cả, đây còn là cơ sở để các cấp quản lý trông thấy lộ trình phát triển của bạn trong tương lai. Từ đó giao cho bạn những công việc thực sự phù hợp để bạn nhất.

Một lưu ý ở đây đó là mục tiêu nghề nghiệp cần có sự nhất quán, rõ ràng giữa các chặng đường trong lộ trình. Bên cạnh đó, cách viết mục tiêu nghề nghiệp cũng nên dựa trên tính thực tế và khả năng cá nhân.

Mục tiêu nghề nghiệp trong CV là gì?

Mục tiêu nghề nghiệp trong CV cung cấp cái nhìn sơ lược về kỹ năng, kiến thức và khả năng của bạn. Nó rất có ý nghĩa trong hồ sơ xin việc không chỉ của những người mới, mà còn của các ứng viên có kinh nghiệm.

Mặc dù không yêu cầu phải viết quá dài, cách viết mục tiêu công việc trong CV lại thường xuyên làm khó được các ứng viên. Điều quan trọng là bạn phải viết sao cho thật cô đọng, lại vừa đủ những thông tin cần thiết bạn muốn truyền tải tới nhà tuyển dụng.

Phần này chỉ nên được gói gọn trong vòng 2-3 câu, và gồm có ba phần chính: mô tả ngắn gọn kỹ năng chuyên môn có liên quan đến yêu cầu câu việc đang ứng tuyển; kinh nghiệm làm việc hoặc thành tích nổi bật; và sau cùng là định hướng sự nghiệp trong tương lai.

Mục tiêu nghề nghiệp trong CV quan trọng như thế nào?

Như đã đề cập bên trên, mục tiêu nghề nghiệp chính là “viên đạn” đầu tiên nên cần có sức công phá mạnh mẽ để tạo lực tác động mạnh mẽ đối với nhà tuyển dụng. Vậy mục tiêu nghề nghiệp trong CV có tầm quan trọng cụ thể ra sao?

1. Thu hút sự chú ý từ nhà tuyển dụng

Các nhà tuyển dụng có thể nhận được hàng ngàn CV mỗi ngày cho một vị trí tuyển dụng. Chính vì thế mà họ chỉ dành chưa đầy một phút để lướt qua từng đơn. Với một lời tuyên bố mạch lạc, rõ ràng và đầy tham vọng, bạn sẽ dễ dàng chinh phục được sự quan tâm của họ từ cái nhìn đầu tiên.

2. Làm nổi bật kỹ năng của bạn thông qua mục tiêu nghề nghiệp

Bạn hoàn toàn có thể viết mục tiêu nghề nghiệp để làm rõ những kỹ năng vượt trội của bản thân. Ví dụ, bạn đặt mục tiêu trở thành Chuyên gia Lĩnh vực Marketing sau 5 năm. Ngay tại đây, bạn cần liệt kê ngắn gọn và khúc chiết những kỹ năng bạn đang sở hữu để có thể đáp ứng cho mục tiêu dài hạn ấy. Có thế, bạn sẽ nhanh chóng làm nổi bật một trong những điểm mạnh của mình.

kỹ năng nổi bật
Làm nổi bật kỹ năng

3. Giúp nhà tuyển dụng đánh giá mức độ phù hợp của bạn với công việc

Mục tiêu nghề nghiệp trong CV đóng vai trò như một tựa đề. Chúng không chỉ giúp nhà tuyển dụng biết thêm về con người của bạn, mà còn giúp họ nhanh chóng xác định được bạn có phải là một ứng viên tiềm năng hay không, thông qua những từ khóa quan trọng mà bạn viết trong đó. 

4. Tận dụng từ khóa liên quan ngày từ đầu CV 

Một số nhà tuyển dụng sẽ sử dụng hệ thống theo dõi người nộp đơn để quét hồ sơ xin việc. Phần mềm này sẽ thiết lập những từ khóa nhất định sát với tiêu chí ứng tuyển. Sẽ thật tuyệt vời nếu như phần mục tiêu công việc của bạn bao hàm những từ khóa quan trọng. Điều này sẽ giúp bạn chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình tuyển dụng.

Cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV

Thoạt nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV sao cho thật hấp dẫn và khúc chiết lại là bài toán khó đối với nhiều người. Bởi lẽ, mục tiêu quá nông sẽ khiến bạn “ngủ quên trên chiến thắng”; song mục tiêu quá tầm với lại khiến bạn nản lòng và dễ từ bó. 

Vậy làm thế nào để viết mục tiêu công việc một cách hiệu quả nhất? Cùng Glints tìm hiểu các bước dưới đây:

1. Tìm hiểu kỹ vị trí bạn đang ứng tuyển và mô tả công việc

Mỗi khi bạn nộp đơn cho bất kì vị trí nào, hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm hiểu tường tận về công ty, về công việc cũng như về bảng mô tả công việc. Thông qua những thông tin ấy, bạn sẽ biết nhà tuyển dụng đang tìm kiếm điều gì ở một ứng viên. 

tìm hiểu công việc

Nếu bạn cảm thấy bản thân thực sự phù hợp, bạn cần có cách viết mục tiêu nghề nghiệp thật rõ ràng để thể hiện rằng bạn xứng đáng với công việc này. Thông qua đoạn mục tiêu công việc, bạn cũng phần nào thể hiện được sự cam kết lâu dài của mình đối với công ty của họ.

2. Xác định đâu là điểm mạnh giúp bạn “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng

Tiếp theo, hãy nghĩ về những đặc điểm khiến bạn trở nên nổi bật hơn so với những ứng viên khác. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những điểm mạnh hoặc kinh nghiệm này phải liên quan mật thiết với những tiêu chí của nhà tuyển dụng. 

Sau khi đã xác định được những điểm mạnh của mình, bạn nên sử dụng những động từ mạnh để thể hiện sự quan tâm và nhiệt huyết của mình đối với vị trí bạn định ứng tuyển. Vì không thể thấy được gương mặt hay biểu cảm của bạn, thế nên câu chữ có sức nặng sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn thấu những mong mỏi, khát khao của bạn nhiều hơn.

3. Viết mục tiêu nghề nghiệp ngắn gọn nhất có thể

Mục tiêu nghề nghiệp của bạn chỉ nên từ 2-3 câu đơn ngắn. Nó phải tập trung vào những điểm mạnh đã liệt kê ở bước trước, như kỹ năng, kinh nghiệm làm việc hay thành tựu đạt được. 

Tất nhiên, ai cũng sẽ muốn đem cho bằng hết những điểm mạnh của mình để ghi thật nhiều điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy vậy, đây cũng có thể là con dao hai lưỡi: nó sẽ khiến mục tiêu nghề của bạn trở nên lan man, thiếu trọng tâm và khiến nhà tuyển dụng khó đọng lại những điểm nổi bật nhất của bạn.

4. Làm nổi bật mục tiêu nghề nghiệp 

Mục đích của mục tiêu nghề nghiệp là để thu hút sự chú ý đầu tiên từ nhà tuyển dụng. Vì vậy, bạn cần đặt nó ở một vị trí nổi bật trong sơ yếu lý lịch của mình. thông thường, mục tiêu nghề nghiệp trong CV được đặt ngay bên dưới tên và thông tin liên hệ của bạn. 

mục tiêu công việc

5. Làm thế nào để biết mục tiêu nào là hợp lý? 

  • Bạn hãy phân tích cách đặt mục tiêu từ phương pháp SMART. Chúng phải bao gồm các ý:
  • Specific (Rõ ràng)
  • Measurable (Có thể đo lường)
  • Achievable (Có thể hoàn thành)
  • Realistic (Thực tế)
  • Time-bound (Mốc thời gian cụ thể)

Các mục tiêu có cấu trúc rõ ràng sẽ giúp kế hoạch của bạn diễn ra đúng quy trình.

Một số ví dụ về cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV

Mục tiêu nghề nghiệp trong CV không có một quy chuẩn hoặc mẫu sẵn có nào có thể áp dụng cho mọi vị trí hay ngành nghề. Bạn nên tự viết ra một mục tiêu nghề nghiệp tùy từng công việc cụ thể mà bạn muốn ứng tuyển.

Dưới đây là một số ví dụ về những mẫu mục tiêu nghề nghiệp trong CV theo từng nhóm ngành nghề. Chúng có thể hữu ích trong việc mang lại cho bạn cảm hứng để phát triển một mục tiêu nghề nghiệp cho riêng mình.

Đọc thêm: Cách ghi kinh nghiệm làm việc trong CV hợp lý

Dành cho người chưa có kinh nghiệm 

Đối với những bạn sinh viên mới ra trường, thực tập sinh hay người làm trái ngành, việc viết mục tiêu công việc có thể là một thử thách. Bởi lẽ, họ sẽ khó lòng tìm ra điểm mạnh của bản thân để khiến nó liên quan đến công việc. Glints gợi ý cách viết như sau:

Kỹ sư phát triển phần mềm

Kỹ sư phát triển phần mềm

Tôi đang theo học chuyên ngành khoa học máy tính tại trường <tên trường> tại <tên thành phố>. Bằng việc tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng cùng với câu lạc bộ công nghệ thông tin tại trường với cương vị là chủ tịch của câu lạc bộ xxx, tôi đã tham gia nhiều dự án lớn nhỏ, nổi bật phải kể đến dự án xây dựng robot Twitter tự động. Mong muốn của tôi là bắt đầu sự nghiệp với công ty startup hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ; với vị trí chuyên viên phát triển phần mềm.

Thực tập sinh Talent Acquisition

Thực tập sinh Talent Acquisition 

Với mong muốn trở thành chuyên viên Talent Acquisition, tôi ở hiện tại mong muốn trở thành Thực tập sinh mảng Talent Acquisition. Sở hữu tấm bằng Thạc sĩ về Tâm lý học và Quan hệ Con người, tôi tin rằng mình có đủ kiến thức để hiểu nhanh công việc. Hơn thế, với kỹ năng nói và viết thành thục cùng sự đúng giờ, chính xác, xử lý nhiều công việc đồng thời, tôi tin rằng mình sẽ là một ứng cử viên phù hợp nhất cho vị trí này.

Dành cho người đã có kinh nghiệm 

Dưới đây, Glints sẽ gợi ý một số cách viết mục tiêu nghề nghiệp dành cho những người đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở nhiều ngành nghề khác nhau. Lưu ý rằng đây chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nên biến tấu để những mục tiêu nghề nghiệp này trở thành cái riêng của bạn nhé!

Kỹ sư phát triển phần mềm

Kỹ sư phát triển phần mềm

Tôi là kỹ sư phần mềm đã có <số năm kinh nghiệm> năm kinh nghiệm với chuyên môn về Python, Ruby và C++. Tôi đã làm việc với nhiều công ty phát triển nền tảng mạng xã hội như Twitter, GitHub và hiện đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong môi trường startup. Bên cạnh đó, tôi có đam mê sáng tạo và mong muốn mang tới những sản phẩm hữu ích cho mọi đối tượng người dùng.

Phát triển kinh doanh

Phát triển kinh doanh

Tôi đã có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển kinh doanh tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp đa quốc gia. Với đam mê trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tôi hiện đang tìm kiếm cơ hội việc làm giúp tôi cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất; cũng như kết nối với thị trường công nghệ. Bên cạnh đó, tôi có mong muốn có cơ hội để phát huy tối đa những kỹ năng chuyên môn như đàm phán hợp tác kinh doanh, cũng như kết nối và xây dựng mạng lưới vững chắc với nhóm khách hàng trong lĩnh vực công nghệ.

Digital Marketing

Digital Marketing 

Tôi là chuyên viên marketing kỹ thuật số với chuyên môn quản lý chiến dịch quảng cáo email; quảng cáo trên các kênh mạng xã hội; viết bài và sử dụng các công cụ SEO. Trong hai năm qua, tôi đã làm việc cùng công ty ABC; thực hiện những chiến dịch truyền thông kỹ thuật số trên các nền tảng Facebook, Instagram và Twitter. Tôi hiện đang tìm kiếm cơ hội việc làm cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

UI/UX Designer

UI/UX Designer

Là một UI/UX Designer có kinh nghiệm hơn 3 năm trong ngành, tôi tin rằng những kỹ năng của mình chắc chắn phù hợp với những tiêu chí của vị trí này. Là một người cầu tiến, tôi luôn cố gắng trau dồi những kỹ năng liên quan đến UI/UX như lập trình và thiết kế đồ họa để sẵn sàng phục vụ tốt trong công việc. Từng xây dựng UI/UX cho rất nhiều website cũng như ứng dụng được phản hồi tích cực, tôi mong muốn mang những kinh nghiệm ấy để phát triển quý công ty rực rỡ hơn.

Đọc thêm: Cách Làm CV Xin Việc Trái Ngành

Kết luận

Tóm lại, mục tiêu nghề nghiệp trong CV sẽ giúp nhà tuyển dụng khái quát hóa về con người của bạn trước khi họ đọc toàn bộ nội dung được viết ra trong CV của bạn. Chính vì thế, cách viết mục tiêu nghề nghiệp cần có sự rõ ràng, logic, khúc chiết và thể hiện được tiềm năng của bạn đối với công việc.

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.6 / 5. Lượt đánh giá: 9

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X