×

Cách Thích Nghi Với Môi Trường Làm Việc Mới Dễ Dàng

Ngày đăng: 07/02/2022 | 1 phản hồi

Ngày cập nhật: 29/11/2022

Cách Thích Nghi Với Môi Trường Làm Việc Mới Dễ Dàng

Bắt đầu một công việc mới đồng nghĩa với việc bạn phải tìm cách thích nghi với môi trường làm việc mới, sếp mới, đồng nghiệp mới. Đây là một thử thách chẳng mấy dễ dàng với các bạn sinh viên mới ra trường hoặc những người chưa có nhiều kinh nghiệm đi làm.

Để giúp bạn tự tin hơn và làm quen với môi trường làm việc mới tốt hơn, hãy cùng Glint điểm danh 16 mẹo nhỏ mang đến tác động lớn dưới đây nhé!

Giới thiệu bản thân

Có thể nói, đây là một trong những cách thích nghi với môi trường làm việc mới tuy đơn giản nhưng hiệu quả. Trong những ngày đầu tiên đi làm, bạn nên giới thiệu bản thân với đồng nghiệp mới sao cho thật ấn tượng. Hãy bắt đầu với những người xung quanh bàn làm việc, sau đó dần kết nối với các thành viên trong phòng ban liên quan. 

giới thiệu bản thân
© Pexels.com

Nếu là người hướng nội, bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị trước lời mở đầu và đoạn văn để giới thiệu bản thân đấy! Khi giới thiệu, bạn nên quan sát thái độ của mọi người. Nếu họ trông chẳng hứng thú đến cuộc nói chuyện, hãy “đánh nhanh rút gọn” để kết thúc buổi giới thiệu của mình.

Luôn tò mò với những câu hỏi

Theo một số nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học cho rằng nhân viên mới hay đặt câu hỏi sẽ làm việc hiệu quả hơn. 

Do đó, đừng nhút nhát đặt ra những thắc mắc với sếp, leader hay các đồng nghiệp khác về thông tin của công ty. Lo lắng ngày đầu đi làm có thể hiểu được, tuy nhiên, việc luôn sẵn sàng đặt ra câu hỏi thể hiện thái độ chuyên nghiệp và chủ động tìm tòi trong công việc của bạn.

Song, bạn cũng cần chú ý và cách đưa những câu hỏi thông minh và sắc bén, đúng trọng tâm và chuyên môn công việc; đừng nên đào sâu vào “drama” của công ty bạn nhé.

Tìm hiểu về văn hóa công ty

Một cách thích nghi với môi trường làm việc mới khác chính là quan sát mọi người trong công ty mới. Con người tại nơi công sở sẽ ít nhiều phản ánh văn hóa của công ty. Chính vì thế, bạn nên tập quan sát để nắm bắt được phong cách làm việc nơi đây.

Mọi người đi làm sớm hay trễ? Họ trao đổi với nhau như thế nào? Họ có thường ăn cơm trưa chung với nhau không?… Hãy chú ý những chi tiết này, nó sẽ giúp bạn “nhập gia tùy tục” nhanh hơn đấy.

Lên mục tiêu sự nghiệp cho công việc mới

Có 2 dạng mục tiêu thường gặp: mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Trước khi bắt đầu công việc mới, bạn hãy tự vạch cho mình lộ trình phát triển và đặt từng mục tiêu cần hoàn thành với các mốc thời gian cụ thể.

Mục tiêu sẽ đóng vai trò như kim chỉ nam để bạn biết mình cần làm gì, làm như thế nào để đạt được điều mình muốn. Việc này cũng sẽ giúp bạn tái định hướng sự nghiệp một cách đúng đắn nếu chẳng may “lạc lối”.

mục tiêu sự nghiệp cho công việc mới
© Pexels.com

Một lưu ý nhỏ từ Glints: Bạn nên đặt những mục tiêu vừa sức thực hiện, không nên quá lớn. Bằng không, bạn sẽ dễ nản chí và dễ bỏ cuộc đấy!

Thiết lập kế hoạch làm việc hợp lý

Lập checklist cho các đầu công việc cần làm trong ngày là một cách hay để thích nghi với môi trường làm việc mới. Nó không những giúp bạn nắm rõ những công việc bạn cần làm trong ngày, mà còn tiết kiệm thời gian đáng kể nữa đây. 

Đồng thời, việc lập checklist và thời gian biểu hợp lý sẽ giúp bạn làm việc khoa học và có tổ chức hơn. Bạn có thể áp dụng việc lên kế hoạch công việc trong ngày với các phương pháp làm việc như Pomodoro,… để đẩy cao năng suất nhất nữa đó nha!

Đọc thêm: 12 Cách Phát Triển Kỹ Năng Quản Lý Thời Gian Hiệu Quả Bạn Nên Thử Ngay!

Tập trung hoàn thành tốt công việc

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Bạn cần hiểu mình đang làm gì, từng bước thực hiện ra sao để có thể hoàn thành tốt công việc. 

Bên cạnh đó, tránh sa đà vào những câu chuyện phiếm trong giờ làm hay những suy nghĩ chẳng liên quan đến công việc như: Trưa nay ăn gì? Tối gặp bạn bè ở đâu?… – trong thời gian làm việc, hãy tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc để giữ phong độ tốt nhất có thể.

Lúc này, bạn không những có thêm thời gian để trau dồi thêm những kỹ năng khác, mà còn nhận được sự đánh giá cao từ đồng nghiệp và sếp. Cơ hội thăng tiến lúc này là điều khả dĩ.

Tuy nhiên, nếu bản thân đã làm hết sức mà việc vẫn còn chất đống, rất có thể bạn đang quá tải. Đừng ngại ngần chia sẻ với cấp trên để gia giảm lượng việc hợp lý, bạn nhé!

Kết nối và giúp đỡ đồng nghiệp

Kết bạn và làm quen với đồng nghiệp ngay từ đầu chắc chắn sẽ giúp bạn dễ dàng làm việc hơn trong tương lai. Ngoài ra, nhớ được tên đồng nghiệp mới cũng là một điểm cộng rất lớn để bạn mở rộng kết nối tốt hơn.

Không dừng lại ở giao tiếp thường nhật, bạn cũng nên giúp đỡ và hỗ trợ đồng nghiệp ngay cả trong công việc. Điều đó cho thấy bạn là người đáng tin cậy và biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Đây cũng là cơ hội để bạn tìm hiểu thêm về chuyên môn công việc liên quan, làm tiền đề cho sự phát triển sau này.

kết nối và giúp đỡ đồng nghiệp
© Pexels.com

Tuy nhiên, bạn chỉ nên giúp đỡ mọi người khi bạn đã hoàn tất công việc của mình. Bằng không, bạn sẽ vừa áp lực vì việc mình chưa xong, vừa áy náy vì không giúp người khác đến nơi đến chốn. Hãy nhớ rằng: giúp đỡ mọi người nên là điều bạn muốn làm hơn là việc phải làm nhé!

Đọc thêm: Nên làm gì khi đồng nghiệp không tôn trọng bạn

Tìm người hướng dẫn

Một vài công ty sẽ thiết lập chương trình cố vấn cho nhân sự. Nhưng nếu không có, bạn hoàn toàn có thể tự tạo một “chương trình” như thế cho riêng mình.

Vận dụng bước quan sát bên trên để tìm ra một người dày dạn kinh nghiệm, từ đó nhờ họ cố vấn bạn trong công việc. 

Một người cố vấn phù hợp không chỉ đưa ra lời khuyên cho bạn về cách thích nghi với môi trường làm việc mới dễ dàng, mà còn định hướng phát triển giúp bạn có những bước đi đúng đắn trong sự nghiệp.

Sợi dây không thể kéo căng chỉ từ một phía – bạn cũng cần phải chứng tỏ với người cố vấn rằng mình xứng đáng. Cầu thị, cởi mở và thành thật là những phẩm chất cần có để người khác sẵn lòng giúp đỡ bạn.

Đọc thêm: 5 Lợi Ích Cho Sự Nghiệp Khi Có Một Career Mentor

Hạn chế nhắc đến công ty cũ

Không cần biết ở vị trí cũ bạn giỏi ra sao, đã đạt được những thành tích nào; bạn tuyệt đối đừng nên so sánh giữa công ty cũ với các đồng sự hiện tại. Sự so sánh không những khiến ta tạo nên thành kiến không tốt về công ty mới, mà còn khiến đồng nghiệp mới khó chịu và có cái nhìn không mấy thiện cảm. 

Chẳng hạn như khi yêu, ta đâu nào muốn người yêu mới cứ liên tục nhắc tên và so sánh ta với người yêu cũ của họ đúng không nào? Trong công việc cũng thế. Thay vào đó, bạn cần mở lòng hơn để tránh sự soi xét và so sánh. Biết đâu chính sự khác biệt ấy sẽ là cơ hội để học tập những điều mới; để thể hiện bản lĩnh qua các đề xuất sáng tạo hơn?

Cởi mở với những thay đổi

Cách thích nghi với môi trường làm việc mới tốt nhất chính là luôn mang cho mình một tinh thần cởi mở và biết lắng nghe, thay vì hằn học với những thay đổi xung quanh. Nếu đón nhận với tâm thế “xù lông”, điều đó chứng tỏ rằng bạn chưa sẵn sàng cho công việc mới này.

“Thuốc đắng giã tật”, sự thay đổi giúp bạn khám phá ra những điều mới ở bản thân và ở môi trường xung quanh. Nó cho phép bạn thả lỏng tâm trí, và từ đó giải quyết công việc nhẹ nhàng hơn.

cởi mở với những thay đổi
© Pexels.com

Thông thường, các công ty sẽ có buổi đánh giá người mới sau một khoảng thời gian làm việc. Song nếu công ty không có quy định này, bạn vẫn có thể mạnh dạn xin phép một buổi đánh giá từ người quản lý hoặc leader. Điều này giúp bạn chắc chắn rằng bản thân đang đi đúng hướng, cũng như khắc phục những lỗi tồn đọng để phát triển hơn trong tương lai.

Đọc thêm: Làm Gì Khi Bị Phê Bình Với Những Đánh Giá Tiêu Cực?

Tìm hiểu cốt lõi vấn đề

Gặp vấn đề hay sự cố khi mới vào làm việc là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta xử lý và giải quyết chúng ra sao.

Trước hết, bạn nên tự tìm lấy nguyên nhân của vấn đề: do bản chất công việc không phù hợp, do đồng nghiệp, hay do bản thân chưa biết cách thích nghi với môi trường làm việc mới?

Khi gọi tên được nguyên nhân, bạn đã giải quyết được 50% vấn đề rồi đấy! Nếu cốt vấn đề nằm ở bản chất công việc, hãy xem xét kỹ lưỡng liệu đó có phải là công việc hợp với định hướng, mong muốn của bạn không. Nếu do đồng nghiệp, bạn có thể cởi mở trao đổi, gần gũi với họ để tháo bỏ khúc mắc. Còn nếu nguyên nhân nằm ở chính bạn, hãy kiên nhẫn cho bản thân thêm thời gian để thích nghi tốt hơn. 

Xem thêm câu chuyện của anh Hải Minh Phan về việc gia nhập vào công ty mới

Thay đổi cách nhìn nhận sự việc 

Đánh giá sự việc theo góc nhìn tích cực sẽ khiến vấn đề được xoa dịu và bớt căng thẳng. Thay vì nghĩ đồng nghiệp đang cô lập mình, tại sao bạn không nghĩ họ cũng đang ngại ngùng chưa dám bắt chuyện với bạn? 

Thay vì vội cho rằng công việc quá nhàm chán và không hợp với bạn, tại sao bạn không thử cố gắng từng chút, tận tâm hoàn thành từng đầu việc được giao để quen dần với những việc phức tạp hơn?

Cách suy nghĩ có ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả công việc, vì thế trong mọi tình huống, hãy luôn cố gắng nhìn nhận mặt tích cực của sự việc. Chẳng hạn như: Dù áp lực nhưng tôi vẫn được trả mức lương xứng đáng, hoặc dù việc nhiều nhưng mình vẫn có thể linh hoạt sắp xếp thời gian.

Cố gắng hết sức trước khi định từ bỏ

Đi làm không như thời bạn còn đi học, nếu trượt môn bạn có thể thi lại, nhưng ở nơi làm việc lại không như vậy, bạn được trả lương để làm công việc đó. Nếu bạn thể hiện trong công việc của bạn mãi không được cải thiện, bạn sẽ bị sa thải.

Nhiều sinh viên sau khi ra trường, hoặc những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thường ảo tưởng về nơi làm việc và nghĩ mọi chuyện sẽ vẫn thoải mái, đủng đỉnh như khi còn đi học. Kết quả là họ làm việc một cách hời hợt và chẳng có chút cố gắng gì, để rồi dần thấy oải và chán nản, dẫn đến quyết định từ bỏ.

Hãy thử một lần dồn hết tâm trí hoàn thành tốt công việc và xem cảm giác của mình như thế nào. Còn nếu đã cố gắng nhưng vẫn không thấy khá hơn, vậy thì lúc này bạn mới nên nghĩ đến việc từ bỏ.

Đăng ký học những khóa học cần thiết

Nếu bạn cảm thấy chưa đủ tự tin, cách hiệu quả nhất để bạn bắt kịp chuyên môn và thích nghi với phong cách làm việc tại môi trường mới chính là trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng liên quan.

tham gia khoá học
© Pexels.com

Hãy thử đăng ký học nâng cao nghiệp vụ, hoặc tích cực học hỏi, trao đổi với đồng nghiệp, với sếp. Nắm rõ được vấn đề, bạn sẽ thấy mọi việc dễ thở hơn, nhờ đó quan điểm của bạn về công việc đang theo đuổi cũng sẽ tích cực lên.

Đọc thêm: Làm Thế Nào Để Thăng Tiến Trong Công Việc Nhanh Chóng?

Tìm kiếm công việc phù hợp

Nếu bạn đã áp dụng hết tất cả các cách thích nghi với môi trường làm việc mới bên trên, nhưng đến cuối cùng bạn vẫn chọn từ bỏ, vậy thì điều đương nhiên là bạn phải trở về với quá trình tìm việc, nộp hồ sơ và đi phỏng vấn.

Nhưng lần này hãy nhớ chọn lọc những công việc phù hợp với kỹ năng của bản thân. Liệt kê ra một vài tiêu chí công việc phù hợp rồi tìm việc khớp các tiêu chí đó sẽ giúp bạn ít gặp lại tình huống chán nản hoặc mất phương hướng.

Đọc thêm: Tìm kiếm môi trường làm việc lý tưởng

Lùi một bước để tiến xa hơn

Chẳng có luật lệ nào bắt bạn phải gắn liền với một công việc mãi mãi. Đôi lúc, hãy lùi một bước để nhìn thấy bức tranh toàn cảnh lại là một lựa chọn không tồi. 

Hãy thử ngẫm lại xem: Công việc này có gì khiến bạn thích, không thích; môi trường làm việc toxic với bạn; bạn học được gì từ công việc này; hay công việc này hạn chế bạn ở mặt nào hay không?

Sau khi đã làm rõ mọi vấn đề, bạn sẽ dễ dàng quyết định nên tiếp tục hay từ bỏ để tìm kiếm cơ hội mới tốt hơn trong tương lai.

Đọc thêm: Phải Làm Gì Khi Bạn “Mắc Kẹt” Với Công Việc Mình Không Thích?

Kết

Những bí quyết bên trên tưởng chừng là những điều rất nhỏ, song tác động nó mang đến lại rất tốt cho bạn trong sự nghiệp. Làm quen với công việc mới không hề dễ, nhưng đây chính là bước đệm giúp bạn trưởng thành để có một sự nghiệp vững chắc trong tương lai. 

Nếu có những cách thích nghi với môi trường làm việc mới nào, bạn hãy chia sẻ thêm cùng Glints nhé!

Bài viết được đóng góp bởi Hà Trang

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4 / 5. Lượt đánh giá: 11

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Một bình luận cho “Cách Thích Nghi Với Môi Trường Làm Việc Mới Dễ Dàng”

  1. […] Đọc thêm: Làm Thế Nào Để Thích Nghi Với Môi Trường Mới? […]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X