×

15+ Phong Tục Ngày Tết Đậm Đà Bản Sắc Người Việt

Ngày đăng: 25/01/2024 | No Comments

Ngày cập nhật: 05/02/2024

Vào dịp đầu năm mới, người dân Việt lại cùng nhau thực hiện nhiều phong tục truyền thống khác nhau với mong muốn cầu mong một năm mới bình an và may mắn cho gia đình và bạn bè. Trong bài viết này, Glints sẽ chia sẻ đến bạn 15+ phong tục ngày Tết đậm đà bản sắc người Việt. Cùng khám phá ngay nhé.

1. Các phong tục ngày Tết phổ biến nhất ở Việt Nam

Tết đến người Việt thường làm gì? Dưới đây là những phong tục ngày Tết phổ biến:

1.1. Lễ cúng ông Công, ông Táo

Hằng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt lại tất bật chuẩn bị cá chép, dọn dẹp nhà cửa và bếp núc để cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời. Theo truyền thuyết, đây là ngày mà ông Công ông Táo cưỡi cá về trời để bẩm báo mọi việc trong gia chủ với Ngọc Hoàng.

Sau khi cúng xong, các gia đình sẽ mang cá chép vàng ra sông, hồ để thả, để ông Công, ông Táo lấy phương tiện về trời. Nếu bạn là tín đồ của Táo Quân, chắc hẳn đã rất quen thuộc với hình ảnh các táo cưỡi cá chép lên chầu.

1.2. Gói bánh chưng

Bánh chưng là một thức bánh truyền thống và không thể thiếu mỗi độ Tết đến xuân về. Vào những ngày cận Tết, các gia đình lại quây quần bên nhau gói và đun bánh chưng.

các phong tục ngày tết
Gói bánh chưng là một trong các phong tục ngày Tết của mọi gia đình Việt.

Mặc dù, cuộc sống ngày càng bận rộn nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng để gìn giữ nét đẹp này, với mong muốn giữ lại kỉ niệm đẹp ngày Tết cho con cháu. 

Bánh chưng sau khi nấu xong sẽ được dùng để thắp hương tổ tiên, biếu ông bà, và người thân. 

1.3. Chơi hoa

Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có hoa mai. Đây là hai loại hoa truyền thống không thể thiếu vào mỗi độ Tết đến xuân về. Đây cũng được coi là một biểu tượng của mùa xuân mới và biểu tượng lớn cho ý nghĩa phong tục ngày Tết.

Hiện nay, ngoài hoa đào, hoa mai, các loài hoa Tết như lan hồ điệp, hoa ly, hoa thủy tiên, v.v, cũng được nhiều gia đình yêu thích. 

1.4. Mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình Việt. Theo đó, mâm ngũ quả bao gồm 5 loại quả tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và cũng là 5 ước nguyện Phúc, Lộc, Thọ, Khang và An của gia chủ.

1.5. Chúc tụng và phong tục lì xì ngày Tết ở Việt Nam

Vào dịp Tết, người Việt có phong tục đi thăm hỏi và chúc Tết họ hàng, bạn bè. Người trẻ gửi những lời chúc tốt đẹp đến người lớn để nhận lì xì may mắn. 

phong tục lì xì ngày tết
Phong tục lì xì ngày tết có ý nghĩa gì?

Phong tục lì xì ngày tết có ý nghĩa gì? Tiền lì xì, mừng tuổi hay lucky money là một khoản tiền may mắn, mang lại điều tốt lành cho người nhận. Do đó, vào đầu năm mới, mọi người thường trao cho nhau những phong bao lì xì đỏ may mắn.

Đọc thêm: Những Lời Chúc Tết Khách Hàng, Đối Tác Ấn Tượng Nhất 2024

1.6. Dọn dẹp nhà cửa

Vào những dịp cận Tết mỗi gia đình lại tất bật dọn dẹp nhà cửa với ý nghĩa xóa bỏ những điều không tốt của năm cũ, sắp xếp những điều chưa ổn thỏa để sẵn sàng đón một năm mới bình an và nhiều may mắn.

1.7. Thăm mộ tổ tiên

Thăm mộ ông bà tổ tiên hay tảo mộ là một hoạt động truyền thống của mỗi gia đình Việt nhằm thể hiện lòng thành kính và biết ơn đến ông bà tổ tiên. Từ ngày 23 tháng Chạp các gia đình bắt đầu dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của ông bà tổ tiên. 

1.8. Cúng Tất niên

Vào chiều ngày 30 Tết, các gia đình lại quây quần cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cúng Tất niên để mời thần linh, ông bà tổ tiên về cùng ăn Tết. Đây cũng là dấu mốc kết thúc một năm cũ để chào đón một năm mới nhiều may mắn.

1.9. Đón giao thừa cùng nhau

Tối 30 Tết, các gia đình lại cùng nhau quây quần xem Táo quân, chuẩn bị mâm cúng giao thừa. Đây là những hoạt động vô cùng ý nghĩa giúp gắn kết tình cảm gia đình và lưu giữ những kỉ niệm tốt đẹp về ngày Tết.

những phong tục ngày tết
Những phong tục ngày tết ý nghĩa nhất.

1.10. Xông đất

Xông đất là một phong tục truyền thống của người Việt Nam. Người xông đất là người đầu tiên bước vào nhà trong năm mới và gửi những lời chúc mừng tốt đẹp đến gia chủ.

Theo quan niệm của ông bà ta, người xông đất đầu năm mang vai trò quan trọng trong việc đem lại nhiều may mắn và thành công cho gia chủ. Do vậy, đầu năm các gia đình thường mời những người hợp tuổi, làm ăn phát đạt, hòa đồng, hiền lành và lương tiện để xông đất nhà mình. 

1.11. Hái lộc

Sau giao thừa, người dân Việt thường có truyền thống đi hái lộc đầu năm với ý nghĩa rước lộc và may mắn về nhà. 

Bạn đã từng đi hái lộc bao giờ chưa? Chia sẻ trải nghiệm của mình với Glints trong phần bình luận nhé.

1.12. Đi chùa đầu năm

Vào ngày đầu năm mới, các gia đình Việt có phong tục đi chùa cầu an, cầu mong một năm nhiều may mắn và tài lộc. 

1.13. Đi xin chữ

Xin chữ đầu năm là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Các gia đình cùng nhau đi xin chữ ông Đồ về treo trong nhà nhằm cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình.

xin chữ đầu năm
Xin chữ đầu năm là cách xin may mắn về cho bản thân, gia đình.

1.14. Dựng cây nêu

Dựng cây nêu vào dịp đầu năm mới là một phong tục ngày Tết truyền thống của người Việt với ý nghĩa ngăn chặn sự quấy phá, xua đuổi tà ma hay những điều không may mắn. 

Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp các gia đình bắt đầu dựng cây nêu trước nhà, và hạ xuống vào ngày mùng 7 Tết. 

1.15. Khai bút đầu năm

Khai bút cũng là một phong tục không thể thiếu vào dịp đầu năm. Mọi người thường khai bút với những câu văn ý nghĩa và tốt đẹp với  mong muốn cầu mong một năm mới thuận lợi, suôn sẻ, nhiều may mắn. 

Năm 2024 khai bút vào giờ nào đẹp? Theo lịch Vạn Niên, những ngày khai bút đẹp năm Giáp Thìn có thể kể đến như ngày mùng 2 và mùng 4 Tết.

1.16. Mua muối ngày mùng 1

Vào ngày đầu năm, người Việt ta thường có tục mua muối mang về nhà để cầu một năm mới ấm no, đủ đầy. Bên cạnh đó, “muối lộc” còn có ý nghĩa trong tình cảm, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. 

1.17. Thăm chúc bạn bè

Tết là một dịp đặc biệt để đi thăm và chúc Tết bạn bè, cầu chúc một năm mới nhiều may mắn và thuận lợi. Có thể nói, đây là một nét đẹp truyền thống vào mỗi dịp đầu năm mới.

Đọc thêm: Không Nên Làm Gì Vào Ngày Tết Để Tránh Xui Xẻo Cả Năm

2. Một số phong tục ngày Tết hay ho có thể bạn chưa biết

Nếu như bạn đã rất quen thuộc với những hoạt động ở trên thì những phong tục dưới đây vào dịp Tết có thể sẽ khiến bạn bất ngờ đấy. Cùng khám phá xem chúng là gì nhé.

2.1. Ăn trộm cầu may

Ăn trộm cầu may ngày tết là phong tục đặc sắc của dân tộc nào? “Ăn trộm lấy may” quả thật là một phong tục kỳ lạ phải không nào. Theo đó, đây là một hoạt động truyền thống vào mỗi dịp Tết của dân tộc Lô Lô. Họ có quan niệm rằng, nếu trong đêm giao thừa ai mang về nhà một thứ gì đó thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn và phước lành. 

Vào mỗi dịp Tết, người dân tộc Lô Lô thường “ăn trộm” củ hành, củ tỏi hay những thanh củi nhỏ mang tính tượng trưng.

2.2. Gọi trâu về ăn Tết

Đây là một phong tục truyền thống của người dân tộc Mường ở Hòa Bình. Sau giao thừa, họ dùng mõ đã chuẩn bị sẵn và đốt đuốc đi gọi vía trâu. Người dân ở đây quan niệm rằng, đây là cách để trả ơn vật nuôi đã vất vả giúp đỡ gia đình trong các vụ mùa. 

Bên cạnh đó, họ cũng treo bánh ống lên các công cụ sản xuất như cày bừa, đòn gánh với ý mời trâu về ăn Tết và hưởng lộc cùng gia đình. Họ cũng quan niệm rằng, con trâu hay cái bừa cũng cần được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả.

2.3. Bắt chồng

Bạn đã từng nghe đến tục “bắt vợ”, vậy đã bao giờ nghe đến tục “bắt chồng” chưa? Theo đó, đây là một phong tục truyền thống vào dịp Tết của các dân tộc Tây Nguyên như Chu Ru, Cil, Cơ Ho, v.v.

phong tục tết lạ
Bạn đã biết đến những phong tục Tết thú vị này của các dân tộc Việt Nam chưa?

Khi đem lòng thương một chàng trai nào đó, các cô gái sẽ bày tỏ ý nguyện của mình với gia đình. Khi đêm đến, cô và cùng 10 người thân trong gia đình sẽ mang theo lễ vật đến nhà trai, cậu ruột của cô gái sẽ là người đại diện đoàn nhà gái để bày tỏ nguyện vọng với gia đình nhà trai. Khi gia đình nhà trai đồng ý, thì người con trai sẽ được gọi đến và hỏi ý kiến trước khi gả cho nhà gái.

Nếu chàng trai đồng ý, cô gái sẽ tặng chiếc khăn mình tự đan cho chàng trai và hai người chính thức nên duyên vợ chồng từ đây. Lễ kết hôn được diễn ra ngay sau đó, trong hôn lễ cô dâu và chú rể sẽ trùm chung một chiếc khăn. Đến khoảng 1 – 2 giờ sáng, cặp vợ chồng sẽ được đưa về nhà gái và bắt đầu duyên vợ chồng.

Nếu chàng trai không đồng ý lần hỏi cưới đầu tiên, cô gái sẽ tiếp tục quay lại nhà trai sau 7 ngày, cho đến khi nào lấy được chàng về mới thôi.

2.4. Tết nhảy

Tết nhảy là một phong tục truyền thống của người dân tộc Dao. Hoạt động này có ý nghĩa cầu mong một năm mới nhiều sức khỏe, và may mắn. Bên cạnh đó, đây là một hoạt động thể chất này giúp người dân tộc Dao rèn luyện sự dẻo dai, và cơ thể săn chắc để chuẩn bị cho những vụ mùa trong năm mới.

Tạm kết

Trên đây là một số chia sẻ về các phong tục ngày Tết truyền thống mà Glints muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều góc nhìn mới mẻ về các hoạt động ý nghĩa trong dịp đầu năm.

Nếu bạn còn biết những phong tục hay ho nào khác vào dịp Tết, đừng ngần ngại để lại bình luận để Glints và mọi người cùng biết nhé.

Đọc thêm: Bộ Sưu Tập Những Câu Nói Hay Về Tết Mà Thiếu Là Nhớ

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X