×

Làm Thế Nào Để Thăng Tiến Trong Công Việc Nhanh Chóng?

Ngày đăng: 10/02/2022 | Không có phản hồi

Ngày cập nhật: 03/02/2023

Thăng tiến trong công việc luôn là mục tiêu dài hạn của mỗi một người khi đi làm.

Được thăng tiến trong công việc là một bước chuyển quan trọng giúp ta khẳng định chính mình, đồng thời cải thiện thu nhập đáng kể. 

Xin được thăng tiến lên vị trí mới tuy là đề nghị có phần nhạy cảm, song bạn hoàn toàn có thể dễ dàng thuyết phục sếp nếu áp dụng những lời khuyên dưới đây.

Thăng tiến trong công việc là gì?

Thăng tiến trong công việc là khi người lao động được tăng lương hoặc được phân công vào một vị trí công việc cao hơn sau một khoảng thời gian làm việc nhất định. 

Nói một cách khái quát, thăng tiến trong công việc là sự công nhận dành cho những đóng góp của nhân viên trong công ty ở nhiều hình thức khác nhau như: tăng lương, thăng chức trong công việc, được trao quyền đưa ra quyết định quan trọng, v.v.

Đọc thêm: Tìm hiểu Các chức danh CEO, CFO, CMO, CLO, CCO, COO nghĩa là gì để đặt mục tiêu thăng tiến cho bản thân

Các loại hình thăng tiến trong công việc

Có thể nói, thăng tiến là mẫu số chung của bất kỳ người đi làm nào. Thế nhưng, mỗi người sẽ có những mục tiêu và lộ trình khác nhau. 

các loại hình thăng tiến trong công việc
Các loại hình thăng tiến trong công việc

Chính vì thế mà định nghĩa thăng tiến không chỉ bó buộc trong tăng lương hoặc thăng chức. Có rất nhiều kiểu thăng tiến khác nhau, nhưng có thể khái quát hóa trong 3 loại chính:

  • Thăng tiến theo chiều ngang: bao hàm việc thăng hạng chức danh và thưởng tiền cho nhân viên, nhưng sẽ không có nhiều thay đổi trong trách nhiệm công việc. Hình thức thăng tiến này giúp công nhận một nhân viên đã vượt lên trên vai trò của họ, nhưng sẽ không đòi hỏi họ đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. 
  • Thăng tiến theo chiều dọc: đây chính là kiểu thăng tiến phổ biến với nhiều người. Hãy tưởng tượng nó giống như một mũi tên thẳng đứng hướng lên cao – chức danh cao hơn, lương cứng tốt hơn và nhiều trách nhiệm hơn. Nói cách khác, thăng tiến theo chiều dọc đòi hỏi nhân viên phải đóng góp nhiều hơn và vị trí của họ cũng sẽ thay đổi. Loại hình thăng tiến này có thể thay đổi bản chất công việc, vì lúc này họ đã có thêm vai trò lãnh đạo và được cấp dưới báo cáo công việc trực tiếp mỗi ngày.
  • Thăng tiến “khô”: đây là kiểu thăng tiến mà nhân viên thường muốn “né”. Bởi lẽ, nó đòi hỏi trách nhiệm của chức danh mới, nhưng lại không có lợi ích gì đi kèm. Nói cách khác, công ty yêu cầu nhiều hơn ở nhân viên, nhưng lại những chế độ đãi ngộ thì vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên không đáng kể.

Tùy vào định hướng phát triển mà mỗi người sẽ mong muốn những kiểu thăng tiến khác nhau. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây đó là làm thế nào để có thể thăng tiến trong công việc?

Đọc thêm: Giáng Chức Là Gì? Quy Định Về Cách Chức Và Giáng Chức Cần Biết

Bí quyết thăng tiến trong công việc

1. Hoàn thành tốt công việc thường nhật

Khi nghĩ đến thăng tiến trong công việc, đừng vội nghĩ đến những điều quá lớn lao. Hãy thực hiện tốt những công việc trong phạm vi trách nhiệm của mình. 

Trong hầu hết mọi trường hợp, đầu tiên các cấp lãnh đạo sẽ nhìn vào hiệu quả trong công việc thường nhật của một người để xem xét liệu họ có xứng đáng được thăng tiến hay không.

Hoàn thành tốt công việc thường nhật của mình là tiền đề để bạn tiến tới những mục tiêu cao xa hơn, như việc tạo lập và mang lại những giá trị cao hơn cho công ty.

Đọc thêm: Bí kíp để luôn đảm bảo hiệu suất làm việc tốt

2. Mang lại nhiều giá trị hơn

Thăng tiến trong công việc là điều ai cũng muốn, thế nhưng không phải ai cũng nghiêm túc suy nghĩ về những gì công ty muốn từ họ. 

Khi công ty nhận ra vai trò quan trọng của bạn trong một lĩnh vực nào đó, cơ hội thăng tiến mới đến với bạn. Bí quyết để làm được điều này vô cùng đơn giản, tạo ra nhiều giá trị hơn những gì mà bạn đang đem lại.

Những sáng kiến, ý tưởng có thể mang đến lợi ích vượt bậc cho công ty sẽ giúp bạn được đánh giá cao về năng lực làm việc
© Freepik.com

Giá trị bạn mang lại cho công ty nên được nâng cao lên theo từng giai đoạn bạn làm việc tại đó. Cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp sẽ không dễ đến nếu bạn mãi an phận và bó hẹp mình với công việc hiện tại.

3. Chủ động nâng cao hiệu quả công việc

Nếu bạn muốn thăng tiến trong công việc, đừng mãi làm một công việc với chừng đó thời gian. 

Mỗi ngày, hãy nghĩ ra những phương cách mới để thu ngắn thời gian làm việc mà vẫn đảm bảo được hiệu quả tối đa. Khi ấy, bạn sẽ có thêm thời gian và dũng khí để bước ra khỏi vùng an toàn và nhận thêm những đầu việc khác.

Ngoài ra, bạn cũng nên biết thể hiện khả năng của bản thân cũng như sẵn sàng chỉ dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp khi cần. Tư duy giấu nghề sẽ không thể làm bạn thăng tiến.

4. Tạo cơ hội cho bản thân

Để có thể mang lại nhiều giá trị hơn, đôi khi bạn cần bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Khi có cơ hội thử sức với một dự án mới mà bạn nghĩ mình có thể đóng góp, đừng ngần ngại đồng ý và chịu khó trau dồi để hoàn thành tốt nó. 

Đây chính là cơ hội để bạn chứng tỏ năng lực của bản thân với mọi người xung quanh. Ý chí cầu tiến và mong muốn được cống hiến của bạn sẽ được đánh giá cao trong trường hợp này. 

Và đó có thể chính là sự khác biệt giữa một người thăng tiến trong công việc nhanh chóng và một người phải ở mãi một vị trí trong thời gian dài.

Đọc thêm: Có cần thiết phải bước ra khỏi vùng an toàn?

5. Liên tục đề xuất các ý tưởng xuất sắc

Đây có thể nói là bước tiên quyết giúp bạn có cơ hội thăng tiến trong công việc. Những sáng kiến, ý tưởng có thể mang đến lợi ích vượt bậc cho công ty sẽ giúp bạn được đánh giá cao về năng lực làm việc.

Một bí quyết nhỏ là đừng ngần ngại chia sẻ ý tưởng, quan điểm của mình trong mỗi cuộc họp nhóm hàng tuần. Sau đó, bạn có thể nhờ đồng nghiệp, leader hay sếp cho ý kiến, phản hồi để bạn có thể giúp nó trở nên tốt hơn. 

Qua thời gian, khả năng xây dựng và phát triển các ý tưởng của bạn sẽ được củng cố vững vàng hơn. 

6. Hiểu rõ về vị trí mà mình muốn được thăng tiến

Đừng đòi hỏi thăng chức nếu bạn thậm chí không biết vị trí mình mong muốn được bổ nhiệm yêu cầu kỹ năng gì, có điểm mạnh gì, khó khăn trở ngại gì. 

Càng am hiểu về công việc tương lai bao nhiêu, bạn sẽ càng cho cấp trên thấy sự nghiêm túc và định hướng nghề nghiệp rõ ràng của mình trong công việc.

Bạn có thể nhờ một người dày dạn kinh nghiệm để cố vấn cho bạn trong công việc.
© Freepik.com

Bên cạnh đó, nắm rõ yêu cầu cầu công việc của vị trí bạn đang muốn đạt được cũng giúp bạn tự lượng sức và biết chính xác liệu mình đã đủ năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm để đảm nhiệm vị trí đó hay chưa.

7. Luôn học hỏi, trau dồi kỹ năng

Người ta thường dùng câu “Ngủ quên trên chiến thắng” để ám chỉ thái độ cao ngạo, thiếu cầu thị. Một người tài giỏi sẽ luôn nhận ra những điểm thiếu sót của mình.

Những kỹ năng vốn có của bạn nếu không được sử dụng thường xuyên cũng sẽ trở nên mai một. Chính vì thế, bạn luôn phải mài giũa để kỹ năng ấy luôn là điểm mạnh của mình. 

Đặc biệt, việc trau dồi những kỹ năng mới sẽ giúp bạn trở thành một người toàn diện hơn. 

8. Tận dụng cơ hội giao tiếp với đồng nghiệp

Một trong những cách có thể giúp bạn nhanh chóng thăng tiến trong công việc chính là tận dụng cơ hội kết bạn, giao lưu với đồng nghiệp. 

Thông qua những buổi giao lưu như vậy, bạn có thể bắt gặp những cơ hội công việc mới trong nội bộ công ty. Và cũng đừng quên rằng, trước khi ra quyết định, cấp trên sẽ luôn hỏi ý kiến các đồng nghiệp về thái độ và năng lực làm việc của bạn.

Đọc thêm: Bí quyết Networking cho bạn

9. Mở rộng mạng lưới quan hệ

Đây có thể xem là bước quan trọng chớ nên bỏ qua. Khi giao lưu và chia sẻ kiến thức, kỹ năng hay quan điểm, tư duy của bạn sẽ mở ra và xây dựng một cái nhìn đa chiều, cũng như hạn chế những định kiến phiến diện trong đầu. 

Đừng ngần ngại mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp của mình và hỗ trợ những người khác khi cần thiết. Sự giúp đỡ qua lại sẽ mang đến cho bạn những cơ hội tốt trên con đường sự nghiệp của mình. 

Tuy nhiên, hãy mở rộng những mối quan hệ bạn thật sự muốn kết giao, thay vì kết nối thiếu chọn lọc.

10. Tìm một người cố vấn giỏi

Bạn có thể nhờ một người dày dạn kinh nghiệm để cố vấn cho bạn trong công việc. Một người cố vấn phù hợp với lộ trình thăng tiến của bạn sẽ giúp bạn phát triển rất nhanh, hiểu rõ định hướng cá nhân và giúp bạn đi đúng hướng.

Một bí quyết nhỏ là hãy luôn cởi mở với những đóng góp, phản hồi từ người cố vấn ấy. Hãy luôn thể hiện rằng bạn là người sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu tốt. Khi đó, họ sẽ sẵn sàng cố vấn cho bạn mà chẳng hề cảm thấy khó chịu. 

Đọc thêm: Lợi Ích Cho Sự Nghiệp Khi Có Một Career Mentor

11. Thể hiện đạo đức nghề nghiệp

Thăng tiến trong công việc không chỉ đạt được thông qua những thành tựu trong quá trình làm việc, mà còn là cách bạn thể hiện đạo đức nghề nghiệp và thái độ chuyên nghiệp của mình.

Hãy luôn đúng giờ và chú ý đến thời hạn công việc, luôn tuân theo những quy định của công ty. Khi bạn thể hiện được sự tôn trọng cao nhất với công việc của mình, cùng sự siêng năng, sẽ không ai có thể phủ nhận được tác động của bạn.

Đọc thêm: Xây dựng tác phong chuyên nghiệp tại nơi làm việc

12. Có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc

Xuất phát điểm của bản thân đôi khi không vượt trội như những đồng nghiệp khác, nhưng chính tinh thần trách nhiệm trong công việc sẽ là nền tảng vững chắc để bạn dễ dàng tiến xa và nhanh hơn. 

Kỹ năng hoàn toàn có thể luyện tập qua từng ngày, song thái độ có trách nhiệm sẽ quyết định liệu bạn có được thăng tiến hay không.
© Freepik.com

Kỹ năng hoàn toàn có thể luyện tập qua từng ngày, song thái độ có trách nhiệm sẽ quyết định liệu bạn có được thăng tiến hay không.

Người dám chịu trách nhiệm – với công việc và với những sai phạm của mình – chính là người rất bản lĩnh. Không phải ai cũng dám “hứng mũi chịu sào”. 

Đọc thêm: Cách xử lý sai phạm trong công việc giúp bạn được đánh giá cao

13. Lựa chọn thời điểm phù hợp để đề xuất thăng tiến

Thật đáng tiếc nếu như “đúng người, sai thời điểm”, phải không nào? Thời điểm là một yếu tố vô cùng quan trọng. 

Bạn chỉ nên đề xuất thăng tiến sau khi hoàn thành tốt một công việc, một dự án nào đó, hoặc đã cống hiến đủ lâu tại công ty. Đó là những cơ sở rõ ràng nhất để sếp cân nhắc xem liệu bạn đã xứng đáng hay chưa.

14. Thẳng thắn đề xuất nguyện vọng thăng tiến với cấp trên

Giao tiếp là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề, kể cả việc thăng tiến trong công việc. Nếu bạn nhận thấy mình đã đem lại được những giá trị cho công ty nhưng cơ hội mới chưa tới, đừng ngần ngại đưa ra nguyện vọng của mình với cấp trên.

Để làm được điều này, bạn cần trình bày được quá trình tiến bộ của bản thân. Hãy tập hợp lại những tài liệu thể hiện quá trình làm việc và những kết quả bạn đạt được. Sau đó, chỉ ra ảnh hưởng của vai trò của bạn đối với sự phát triển của công ty.

15. Chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn với cấp trên

Sau khi được cân nhắc cho vị trí mới, bước tiếp theo, bạn có thể sẽ phải tham gia phỏng vấn cùng người có quyền ra quyết định để chứng minh với họ bạn đủ tố chất và năng lực đảm nhiệm vị trí mới.

Hãy chuẩn bị để trình bày những thành tựu mình đã đạt được trong quá trình làm việc một cách trực quan nhất trên trình chiếu slide, nhằm nêu bật những kết quả tích cực bạn đã đem đến cho công ty.

Xem thêm những chia sẻ của “Shark” Linh về thăng tiến trong công việc nhé

16. Tự tin vào chính mình

Khi đề xuất thăng tiến, bạn cần bộc lộ sự tự tin của mình để cấp trên thấy rằng bạn hoàn toàn xứng đáng với phần thưởng đó. 

Phong thái tự tin cũng là một yếu tố quan trọng khi sếp cân nhắc bạn lên một vị trí cao hơn, đòi hỏi kỹ năng lãnh đạo nhiều hơn. Nếu bạn không tin vào chính mình, làm sao bạn có thể tin vào cộng sự của mình? Và làm sao bạn toát ra đủ phong thái để dẫn dắt họ?

17. Xác định chính xác mức lương bạn muốn cho vị trí mới

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng!” Hãy tìm hiểu trước về khoảng lương cho vị trí bạn đang theo đuổi là bao nhiêu để đưa ra con số phù hợp nhất với mình.

Thương lượng mức lương quá cao có thể khiến cấp trên nghĩ bạn đang ngạo mạn với năng lực bản thân.

Thế nhưng đưa ra mức lương quá thấp lại khiến bạn bị thiệt thòi khi phải cáng đáng nhiều trách nhiệm, công việc hơn nhưng lương lại chưa xứng đáng với sức lao động bỏ ra.

Đọc thêm: Đề Nghị Tăng Lương Với Sếp Sao Cho Hiệu Quả?

18. Thể hiện thái độ tích cực nếu bị từ chối

Nếu đề nghị của bạn không được chấp nhận, đừng thể hiện thái độ không bằng lòng hoặc tỏ ra thất vọng chán nản mà từ bỏ hy vọng.

Hãy tiếp tục làm tốt công việc hiện tại, thể hiện bản thân tốt hơn và tìm cơ hội phù hợp trong tương lai. 

Nếu cơ hội của bạn chưa đến, hãy bắt đầu ngay với những bí quyết chia sẻ trên đây để lên một kế hoạch thăng tiến trong sự nghiệp của mình nhé! 

Một số mẫu email đề nghị thăng tiến trong công việc

Một yếu tố quan trọng để được cân nhắc thăng tiến trong công việc chính là cách viết email đề nghị thăng tiến. 

Cách thức bạn truyền đạt lý do vì sao bạn xứng đáng được thăng tiến, bạn đã gặt hái được những thành tựu nào, bạn xứng đáng được thăng tiến ở mức độ nào,… sẽ là “át chủ bài” để sếp có thể cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng.

Glints xin gợi ý một số mẫu email đề nghị thăng tiến trong công việc ở cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Kính gửi anh/chị [Tên của Sếp],

Em tên là ____, hiện đang đảm nhận vị trí _____ trong phòng ban _____.

Trước hết, em rất cám ơn vì anh/chị đã dành thời gian để đọc email này của em. Mục đích em viết mail này là muốn thể hiện mong muốn nhận được [Kiểu thăng tiến bạn mong muốn] tại công ty. 

Sau một quá trình nỗ lực làm việc chăm chỉ, em nghĩ mình đủ khả năng và kỹ năng để nhận lấy cơ hội này. Em cũng tin rằng sự thăng tiến trong công việc sẽ giúp em nỗ lực hơn nữa để gặt hái được nhiều thành công hơn với công ty và phòng ban của mình.

Trong suốt năm qua, em đã:

1. [Mô tả những điều bạn đã làm được trong công ty]
2. [Mô tả những điều bạn đã làm được trong công ty]

Em biết rằng những thành tựu kể trên có sự đóng góp của rất nhiều thành viên trong đội. Tuy nhiên, em cũng tin rằng những đóng góp của mình là một mảnh ghép không thể thiếu trong những thành tựu đó. 

Hiểu rằng sự thăng tiến này sẽ kéo theo rất nhiều trách nhiệm, kỹ năng mới mà em cần phải trau dồi trong tương lai. Song, em nghĩ rằng mình đã ít nhiều lĩnh hội được những kỹ năng ấy, thông qua [một việc làm cụ thể để chứng minh].

Em sẽ rất lấy làm vinh dự nếu được cân nhắc cho sự thăng tiến này. 

Một lần nữa, em rất cảm ơn anh/chị vì đã luôn hỗ trợ em nhiệt tình ở mọi khía cạnh trong quá trình làm việc. Em mong rằng em và anh/chị sẽ có một buổi nói chuyện để em được lắng nghe những đề xuất của anh/chị.

Trân trọng,
[Tên của bạn].

[Your Name]
[Your Title]
[Your contact information]

[Date]

[Recipient’s Name]
[Recipient’s Title]
[Recipient’s contact information]

Dear [Mr./Ms. Last Name],

Thank you for taking the time to read this letter. I am writing to formally request that I am taken into consideration for the promotion.

I have been working hard in anticipation for such an opportunity, and I am ready for this next challenge. I also believe that I have had enough success in my current position to be considered for a promotion. In the past year I have:

[Briefly describe accomplishment 1 with numbers]

[Briefly describe accomplishment 2 with numbers]

Although I am proud of the achievements listed above, I also know that I am part of a team, and I am thankful to you for helping and supporting me at every step of the way.

I know that the promotion will require more time and a new set of skills, but I feel I have the qualities required to successfully fulfill the job’s responsibilities. An example of that would be [a specific situation that highlights the skill set needed for the desired job]. Also, having been with the organization for [number of years], I am invested in the success of [the company] and want to be part of seeing it thrive.

I would be very grateful if you consider me for this promotion and thank you again for your time. I would be happy to schedule an interview at your convenience.

Sincerely,
[Your Name]

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.4 / 5. Lượt đánh giá: 5

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

[jetpack-related-posts]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khám phá ngay 10k+ công việc mới tại Glints
Nền tảng tuyển dụng hàng đầu Đông Nam Á

X